Vài năm trở lại đây, thị trường sách thiếu nhi trong nước đã có những chuyển biến với nhiều tín hiệu khởi sắc, nhưng vẫn cần nhiều cú hích để thực sự ổn định.
Ngoại vẫn lấn nội
Dòng văn học cho thiếu nhi nổi bật những tác giả trẻ như: Văn Thành Lê, Dương Hằng, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trương Huỳnh Như Trân, Võ Thu Hương… Đặc biệt, sự xuất hiện của nhiều tập thơ được đầu tư về nội dung lẫn hình thức như: Con nít con nôi, Xin chào buổi sáng, Ra vườn nhặt nắng, Biển là trẻ con, Ngày xưa của con, Ấm êm ngộ nghĩnh… đã nhận được sự quan tâm và yêu thích của phụ huynh lẫn các em.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây cũng ghi nhận sự nở rộ của dòng sách kỹ năng dành cho thiếu nhi được các NXB và đơn vị liên kết chăm chút thực hiện, bám sát với thực tiễn đời sống. Khi vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ở mức báo động, nhiều đơn vị đã kịp thời lên ý tưởng và thực hiện những cuốn cẩm nang về đề tài này, cùng với đó là những kỹ năng quan trọng và thiết thực khác trong cuộc sống.
Dù đã có nhiều nỗ lực và bước đầu tạo được mối quan tâm, nhưng thực tế sách thiếu nhi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Theo số liệu cập nhật đến tháng 1-2017, lứa tuổi dưới 15 chiếm 25,2% dân số cả nước. Đây được xem là nguồn nhân lực “vàng” cho xã hội nói chung, đặc biệt là cho ngành xuất bản nói riêng. Tuy nhiên, hiện tại thị trường sách dành cho thiếu nhi chỉ chiếm tỷ trọng chưa tới 20% số tựa sách và tổng sản lượng toàn ngành. Trong đó, nguồn sách ngoại luôn lấn át sách nội.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, nhìn nhận: “Đúng là hiện nay thị trường xuất bản có sự chênh lệch về số lượng sách nội và sách mua bản quyền nước ngoài. Thị trường xuất bản Việt Nam đang phát triển, số lượng các công ty xuất bản mới tăng lên, bên cạnh việc khai thác các tác phẩm trong nước thì việc tìm và mua bản quyền nước ngoài dường như nhanh và phong phú hơn. Nhiều mảng đề tài, thể loại nếu tổ chức trong nước thường rất lâu, hoặc số lượng người viết cũng không nhiều (như mảng truyện tranh comic hay sách khoa học, kỹ thuật, phi hư cấu) thì việc khai thác từ nước ngoài là sự bổ sung cần thiết”.
Đầu tư cho tương lai
Việc sách nội liên tục “thua” trên sân nhà, cho thấy sự không mặn mà trong việc khai thác đề tài thiếu nhi của những đơn vị làm sách và các tác giả. Nguyên nhân đôi khi không phải từ tác giả mà lại từ độc giả hay truyền thông. Ngày nay, độc giả có nhiều lựa chọn hơn, giữa sách và các loại hình nghe nhìn khác, giữa các tác giả nước ngoài vốn nổi tiếng toàn cầu với các tác giả, đặc biệt là tác giả trẻ - mới, trong nước. Ở khía cạnh truyền thông, chuyên mục văn hóa trên các báo giờ cũng dành nhiều dung lượng hơn cho các vấn đề showbiz..., thay vì các tác phẩm mới, các bài điểm sách. “Tất cả những yếu tố này có lẽ cũng có tác động không nhỏ đến tâm lý người viết. Song cũng phải đặt câu hỏi ngược lại, các tác giả phải làm gì để làm mới mình và cạnh tranh được với các loại hình nghe nhìn khác?”, bà Quỳnh Liên đặt vấn đề.
Theo TS Quách Thu Nguyệt - người đề xuất và trực tiếp chấp bút soạn dự thảo đề án “Giải thưởng sách thiếu nhi” - giải thưởng sẽ được áp dụng cho sách được xuất bản hợp pháp tại Việt Nam, viết bằng ngôn ngữ Việt và được các nhà xuất bản, công ty sách công bố lần đầu trong khung thời gian 2 năm, tính từ kỳ tổ chức xét và trao giải thưởng. Sách do nhà xuất bản, công ty sách lập danh mục đăng ký tham dự giải; hoặc bạn đọc cũng có thể đề cử cuốn sách mình yêu thích qua các kênh online và offline. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ có giải “Cống hiến” cho người làm sách hoặc cho tác giả, để họ được truyền động lực, thấy được sự trân trọng khi viết sách cho thiếu nhi bởi đó chính là đầu tư cho tương lai. |
Trước thực tế trên, sự xuất hiện của Giải thưởng Sách thiếu nhi, được xem là một cú hích cho giới xuất bản, nhất là các tác giả. Bởi hiện tại, ngoài Giải thưởng Sách quốc gia của Hội Xuất bản Việt Nam, cùng một số giải ở cấp tỉnh, thành do các tổ chức hội nghề nghiệp, các tổ chức dân sự tổ chức thì cho đến nay vẫn chưa có một giải thưởng độc lập dành riêng cho sách thiếu nhi.
Ngoài việc tổ chức các giải thưởng thì điều quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của các đơn vị và tác giả. Theo chia sẻ của bà Vũ Thị Quỳnh Liên, hiện tại Kim Đồng đang tìm kiếm những hướng khai thác bản thảo khác so với trước đây. Đó có thể là những chương trình trại sáng tác ở quy mô nhỏ, trong khoảng thời gian ngắn, để các tác giả đưa ra những ý tưởng mới. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn cố gắng đẩy mạnh hoạt động truyền thông và phát hành, vì sự đón nhận của độc giả là động lực lớn nhất dành cho các tác giả”, bà Quỳnh Liên nói thêm.
Theo Hồ Sơn - SGGP