Chỉ đạo nghệ thuật được ví như người giữ lửa, bảo đảm khuynh hướng nghệ thuật, phong cách sáng tạo của đơn vị. Tuy nhiên, nhiều nhà hát của Hà Nội đang thiếu đội ngũ chỉ đạo nghệ thuật tài năng, chuyên nghiệp, dẫn tới sáng tạo ít mang tính đương thời, chưa có nhiều tác phẩm đỉnh cao có thể cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác.
“Xem một đoàn biết nhiều đoàn”
Sáng 28.9, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức hội thảo “Vai trò chỉ đạo nghệ thuật của các nhà hát Hà Nội hiện nay”. Có thể thấy, sân khấu thế giới và trong nước từ xưa đến nay luôn có vị trí chỉ đạo nghệ thuật tại các gánh hát hay đoàn nghệ thuật. Sân khấu truyền thống không có trường lớp đào tạo, cụ trùm bên cạnh lo cho gánh hát của mình về vật chất còn kiêm luôn thầy dạy diễn viên; chọn tích trò, xây dựng kịch mục; phân vai và yêu cầu về diễn xướng... NSƯT Nguyễn Đăng Tiến, Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết: Mấy thập kỷ trước, các nghệ nhân, nghệ sĩ còn là gánh hát hoặc từng tốp nhỏ để tạo dựng một trò diễn hoặc trích đoạn thì vai trò của người cầm trịch hay còn gọi là thầy tuồng rất quan trọng. Họ hiểu sở trưởng diễn viên, sắp xếp vai, phân bổ và chọn vở diễn, trích đoạn phù hợp.
Sân khấu nước ta có thời kỳ lên tới hơn 150 đoàn nghệ thuật, nay đều đã chuyển đổi thành nhà hát, và Hà Nội cũng nằm trong quỹ đạo chuyển đổi ấy. Số nhà hát mỗi ngày giảm đi, nhưng không thay đổi là mỗi nhà hát khi có vở mới được dàn dựng và ra mắt, đều ghi rõ thành phần chỉ đạo nghệ thuật. Tuy nhiên, trên thực tế, không có chức danh “Chỉ đạo nghệ thuật” cụ thể trong biên chế đoàn nghệ thuật, mà thường là lãnh đạo nhà hát hoặc trưởng đoàn nghệ thuật kiêm nhiệm. Chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát về mặt lý thuyết là người định hướng, định hình cho phong cách nghệ thuật của đơn vị mình, tổ chức kịch mục và chỉ đạo cả phương pháp diễn xuất để tạo nên bản sắc, đặc trưng của nhà hát. Soi chiếu với chức năng trên, tác giả Nguyễn Hiếu thấy rằng, vai trò người chỉ đạo nghệ thuật của không ít nhà hát Hà Nội dường như không có. Thực tế, đây cũng là tình trạng chung của các nhà hát, đoàn nghệ thuật sân khấu của cả nước.
NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho rằng, sân khấu của chúng ta đang có một vấn đề lớn. Các nhà hát đang rất thiếu phong cách riêng, chính xác là thiếu cán bộ chỉ đạo nghệ thuật thực sự. Người chỉ đạo nghệ thuật thông thường là giám đốc nhà hát. Về mặt chuyên môn, điều đó không đúng. Vì vậy, chúng ta đang bị tình trạng “xem một đoàn biết nhiều đoàn”. Vấn đề ở chỗ nhà hát hiện nay chưa xác định được đâu là thế mạnh riêng của đơn vị, nên chỉ chạy theo cái nơi khác thành công.
“Ăn đong” kịch bản
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày càng đa dạng, dẫn đến chuyện nhà hát cũng phải có khán giả riêng. Khi có khán giả riêng thì cũng có đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên riêng, từ đó tạo phong cách riêng. Tác giả Lê Quý Hiền nhận định: Để có phong cách riêng, cần có kịch mục tạo nên diện mạo nhà hát. Các đơn vị nghệ thuật phía Bắc hiện nay ít làm được điều này, mà nói thẳng là kịch mục “ăn đong”. Nghĩa là, các tác giả đem kịch bản đến, đạo diễn thấy hay là nhận. Thậm chí trước mỗi kỳ liên hoan sân khấu, các đoàn đến tác giả tìm kịch bản và “so bó đũa chọn cột cờ” theo quan niệm và hiểu biết của người chọn kịch bản. Rõ ràng, việc hình thành một kịch mục tạo nên phong cách của nhà hát chưa có và nhiệm vụ của chỉ đạo nghệ thuật trong lĩnh vực này bị bỏ trống.
Đồng tình với ý kiến trên, tác giả Nguyễn Hiếu cho rằng: Vì người chỉ đạo nghệ thuật còn bỏ qua chức năng tạo dựng cho nhà hát phong cách riêng, cũng như bỏ qua sự thăm dò thị hiếu, nhu cầu của khán giả, nên hầu hết vở diễn rơi vào tình trạng dựng rồi biểu diễn lấy lệ dăm ba buổi sau đó cất kho.
Sân khấu đang thay đổi, nhà hát muốn tồn tại và có nhiều vở diễn thì vai trò chỉ đạo nghệ thuật rất quan trọng và cần thiết. NSND Bùi Thanh Trầm - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng: Người chỉ đạo nghệ thuật trước hết phải có trình độ cao, định hướng phong cách của nhà hát và phải giỏi nghề, có mối quan hệ sâu sắc với những người như tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ để nhà hát phong phú về vở diễn. Muốn là vậy nhưng cũng nhiều khó khăn, vì nước ta chưa có trường đào tạo về chỉ đạo nghệ thuật. Hiện nay bộ máy nhân sự của các nhà hát vẫn có tình trạng giám đốc hay trưởng đoàn là chỉ đạo nghệ thuật, trong khi họ làm vai trò quản lý đã nhiều việc...
Để nâng cao vai trò chỉ đạo nghệ thuật trong nhà hát, NSND Trần Quốc Chiêm góp ý: Cần đổi mới quy trình sáng tạo tác phẩm một cách linh hoạt và hiệu quả, phù hợp với lộ trình xã hội hóa và thuận lợi cho việc thu hút tác giả, nghệ sĩ sáng tạo tham gia. Đồng thời, các nhà hát xây dựng kế hoạch dàn dựng tác phẩm hàng năm, 5 năm, lấy khuynh hướng nghệ thuật làm cơ sở đặt hàng tác phẩm. Các nhà hát hiện nay hoàn toàn chủ động lựa chọn kịch bản và xây dựng tác phẩm, vì vậy tác phẩm hấp dẫn hay không tùy thuộc vào nỗ lực của từng nhà hát. Bên cạnh đó, các đơn vị cần có phương thức nâng cao chất lượng nội dung và nghệ thuật của các thành phần sáng tạo, quảng bá tác phẩm đến công chúng.
Theo Ngọc Phương - ĐBND