Câu chuyện hôm nay
Để nghệ thuật truyền thống trường tồn
15:28 | 11/10/2018

Nghệ thuật truyền thống dân tộc như: tuồng, chèo, cải lương, kịch hát dân tộc… đang kêu cứu, vì người xem ngày càng giảm, người theo nghề ngày càng hiếm. Hiện nghệ thuật truyền thống dân tộc đang thiếu hụt trầm trọng lực lượng thay thế trên tất cả các lĩnh vực, như diễn viên, nhạc công, biên kịch, đạo diễn…

Để nghệ thuật truyền thống trường tồn
Sân khấu truyền thống trăn trở cách tồn tại.

Nhưng đây cũng là hiện trạng chung của thế giới. Nhạc cổ điển, ôpêra, balê… từng là niềm tự hào của châu Âu, nay cũng rất kén người xem. Rồi kinh kịch, kịch Nô… của Trung Quốc, Nhật Bản cũng không còn hấp dẫn khán giả. 

Nói về nguyên nhân, có ý kiến đổ lỗi cho sự nở rộ một cách hấp dẫn của các loại hình nghệ thuật giải trí mới. Người xem hiện nay có điều kiện, có phương tiện để lựa chọn cho mình loại hình nghệ thuật mà mình ưa thích.

Điều này đúng nhưng chưa đủ, mà điều quan trọng là thị hiếu thẩm mỹ của khán giả ngày nay đã đa dạng hơn, phong phú hơn và khó tính hơn. Nhưng điều cốt tử vẫn là: Nghệ thuật truyền thống tuy quý giá, nhưng ở một mức độ nào đó đã không còn phù hợp, không đáp ứng nổi nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của khán giả hôm nay. 

Nói như vậy để chúng ta không lo lắng thái quá, mà cần bình tĩnh tìm biện pháp tháo gỡ - cả trước mắt và lâu dài, để nghệ thuật truyền thống mãi mãi vẫn là những viên ngọc quý, trường tồn cùng dân tộc.

Trước hết cần lưu giữ và bảo tồn có trọng điểm. Chỉ khôi phục và dựng lại những vở diễn hay nhất, mẫu mực nhất của tuồng, chèo, cải lương, kịch hát dân tộc. Những món ngon của ông cha, có thể không hoàn toàn hợp khẩu vị khán giả hôm nay, nhưng nó vẫn là điều mà người ta muốn tìm hiểu, muốn khám phá, muốn cảm nhận – ít nhất là một lần.

Hạn chế tối đa việc “lấy xưa phục vụ nay” theo kiểu cốt truyện hiện đại, nhân vật hiện đại… được lắp ghép một cách cơ học với các làn điệu tuồng, chèo, cải lương…

Nói như thế không có nghĩa là nghệ thuật dân tộc không được dàn dựng những vở có nội dung hiện đại, mà chỉ dàn dựng những kịch bản mà cốt truyện, nhân vật… có những tương đồng, tương thích… với những làn điệu, với cách dựng truyện của nghệ thuật truyền thống.

Năm 1962 tôi được xem một vở chèo hiện đại của Đoàn Nghệ thuật quân đội “Tấm ảnh bên đầm sen”. Thời gian trôi lâu quá rồi tôi không nhớ tác giả của vở chèo là ai, chỉ biết tối hôm ấy sân vận động của huyện đông nghịt người (bởi mấy khi được xem nghệ thuật chuyên nghiệp ở thời kỳ ấy).

Tôi cũng không nhớ thật rành rẽ cốt truyện, chỉ biết là câu chuyện xảy ra trong kháng chiến chống Pháp. Khán giả trầm trồ, bởi với công nghệ hiện đại, người ta được chứng kiến Mặt trăng (trên sân khấu) từ từ nhô lên tròn vành vạnh. Nhưng khán giả cũng la ó khi nữ nhân vật chính đang bị giặc Pháp đuổi bắt, mà cứ đứng hát mãi làn điệu này sang làn điệu khác. Gần 60 năm rồi, mà tôi vẫn nhớ rất nhiều khán giả đã la lên: Trốn đi, hát mãi, nó bắt bây giờ! Nói thế để thấy, nghệ thuật chèo đầu những năm 60 của thế kỷ trước, rất được nhân dân ưa chuộng, nhưng người ta đã không chịu được khi dàn dựng không phù hợp với bối cảnh, và không khí của cuộc sống mới.

Nhưng điều có tính chất quyết định là Nhà nước phải nuôi những đơn vị nghệ thuật truyền thống như những bảo tàng nghệ thuật sống. Hiện nay Nhà nước vẫn “nuôi” nhưng chỉ với danh nghĩa tài trợ, cho nên những đơn vị nghệ thuật nay phần nhiều sống vất vưởng và do vậy không hấp dẫn lớp trẻ đầu quân. Nhìn sang thế giới, các đơn vị nghệ thuật, các chương trình biểu diễn nhạc cổ điển, ba lê, opêra… đều được các nước tài trợ, vì không địch nổi với trào lưu âm nhạc mới, như rock, pop, ráp…

Rồi kịch Nô, kinh kịch… cũng dược Nhật Bản, Trung Quốc “nuôi” để phục vụ chủ yếu cho khách nước ngoài, những người có nhu cầu nghiên cứu và thưởng thức. Trở về với các đơn vị nghệ thuật truyền thống trong nước, Nhà nước “nuôi” nhưng phải có chọn lọc. Tức là chỉ những đơn vị nghệ thuật thực sự có tính chuyên nghiệp, có trình độ nghệ thuật cao mới được tài trợ.

Vẫn phải có mục tiêu, yêu cầu cụ thể… nhưng phải tạo điều kiện cho các nghệ sĩ của các đơn vị nghệ thuật này sống được đoàng hoàng bằng nghề. Tránh tình trạng hiện đang phổ biến ở không ít nơi là đơn vị nào cũng được tài trợ, nhưng không đơn vị nào sống được bằng nghề.

Cùng với đó phải phát triển phong trào tìm hiểu nghệ thuật truyền thống, nuôi dưỡng phong trào sân khấu học đường (có thời gian phát triển rất tốt). Bởi nghệ thuật sân khấu truyền thống (đặc biệt là sân khấu tuồng) đòi hỏi người xem phải có trình độ, có hiểu biết nhất định mới thưởng thức được, mới thấm thía cái hay của vở diễn, ở không ít trường hợp, khán giả không thấy hay, không thích xem bởi họ không hiểu hết, không được trang bị những kiến thức tối thiểu.

Sự khúc mắc của nghệ thuật truyền thống khi đến với khán giả hiện nay là ở đó và sự hấp dẫn với khán giả hôm nay cũng là ở đó. Người xưa đã nói “nghề chơi cũng lắm công phu”, chúng tôi nói thêm, nghề thưởng thức cũng phải công phu. Để chuẩn bị cho một thế hệ nghệ sĩ mới, thế hệ khán giả mới, thiết nghĩ nghệ thuật truyền thống cần phải được dạy và học bài bản trong nhà trường phổ thông. Điều này chúng ta đang rất thiếu và yếu.    

Theo Trần Bảo Hưng - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng