Câu chuyện hôm nay
Vi phạm bản quyền trong môi trường số: Tìm thuốc đặc trị
09:16 | 08/11/2018

Trong những năm gần đây, vi phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật đã trở thành một “vấn nạn” làm đau đầu các cơ quan quản lý. Mặc dù đã có những chế tài xử phạt nhưng dường như đây vẫn chưa thực sự là những liều thuốc “đặc trị” để xử lý các vi phạm.

Vi phạm bản quyền trong môi trường số: Tìm thuốc đặc trị
Vi phạm bản quyền trong môi trường số tại Việt Nam đang khó kiểm soát (ảnh minh họa).

Xử phạt là biện pháp được đưa ra để trị vấn nạn vi phạm bản quyền. Nhưng theo ông Ngô Huy Toàn- Thanh tra Bộ TT-TT: Những năm gần đây chỉ xử lý khoảng 13 trường hợp vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan với số tiền phạt khoảng 185 triệu đồng, cảnh cáo 4 trường hợp, ngoài ra đóng cửa và tịch thu một số tên miền “.vn”. Nhưng đóng website, thì họ mở một website khác với cách thức cung cấp thông tin tương tự. Trong một số trường hợp, đối tượng thường đăng ký tên miền quốc tế và sử dụng hosting từ bên ngoài lãnh thổ, nơi cho phép giấu danh tính để cung cấp dịch vụ xuyên biên giới…

Đài Truyền hình Việt Nam (VTV)- một trong nhưng đơn vị đã và đang bị vi phạm bản quyền lớn nhất hiện nay cũng chỉ biết loay hoay tự bảo vệ mình.  Ông Nguyễn Thanh Vân- Tổ trưởng Tổ Sở hữu trí tuệ, Ban kiểm tra (VTV) chia sẻ: “Rất nhiều doanh nghiệp tự ý thu phát lại các chương trình ăn khách của VTV dưới hình thức online hoặc phát lại, đồng thời chèn quảng cáo để thu lợi bất chính. Các hành vi xâm phạm này đã khiến VTV bị tổn thất lớn, khiến một số đối tác quốc tế đã quyết định ngừng hợp tác với Đài”. 

Chỉ mất vài giây thao tác có thể tìm thấy hàng trăm website, ứng dụng di động, các tài khoản cá nhân trên Facebook, Youtube ngang nhiên vi phạm bản quyền các chương trình của VTV để thu lợi bất chính. Gần đây là World Cup 2018, khi VTV phải rất khó khăn mới mua được bản quyền thì chỉ ngay sau khi phát sóng được hai ngày thì đã phát hiện 700 tài khoản vi phạm, trong khi việc xử lý và hạ trang vi phạm cũng chỉ đạt 300/700 tài khoản…

Ông Nguyễn Quang Đồng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông nói: Theo kinh nghiệm quốc tế, hiện hoạt động quản lý bản quyền trên mạng Internet chủ yếu thực hiện biện pháp ngăn chặn mang tính kỹ thuật. Tại Việt Nam hiện nay không có quy định nào về việc chặn các IP vi phạm bản quyền. Hoạt động thu tên miền tuy có quy định nhưng cũng không hiệu quả. Các chuyên gia nước ngoài cho rằng với sự gia tăng sử dụng Internet như Việt Nam hiện nay thì việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật để tăng cường bảo vệ bản quyền trên Internet vẫn đang là biện pháp cần được ưu tiên thực hiện ngay.

Nhìn vào thực tế trên, có thể thấy, để ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền trước mắt cơ quan quản lý nhà nước cần có mức phạt cao, đủ sức răn đe đối với đơn vị, cá nhân vi phạm. Đã tới lúc, pháp luật phải được đặt đúng vai trò của mình trong bảo vệ quyền lợi của tác giả, tiến tới hợp tác minh bạch và sòng phẳng. Cùng với đó, với các vi phạm đã xác định được chủ thể mà bất hợp tác thì các đơn vị cần chủ động thu thập bằng chứng và tiến hành thủ tục khởi kiện tại Tòa án.

Theo Minh Quân - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
San sẻ sách (29/10/2018)