Câu chuyện hôm nay
Đào tạo lý luận, phê bình mỹ thuật - Ít nhưng vẫn khó tìm việc
20:48 | 31/12/2018

Trong lịch sử, chưa bao giờ Việt Nam có đội ngũ những người làm lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật chuyên nghiệp như hiện nay, đóng góp các công trình nghiên cứu mỹ thuật từ giai đoạn cổ đến hiện đại một cách dày dặn, liên tục và xuyên suốt. Tuy nhiên, việc đào tạo nhân lực cho ngành lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật đang đứng trước nhiều khó khăn.

Đào tạo lý luận, phê bình mỹ thuật - Ít nhưng vẫn khó tìm việc

Chuyên ngành hẹp, nhu cầu thấp

Trong giai đoạn đầu, lý luận, phê bình mỹ thuật có sự góp sức của các họa sĩ. Từ năm 1978, Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ra đời, đào tạo các thế hệ làm nghiên cứu, phê bình mỹ thuật. Có thể thấy, nền tảng mỹ thuật Việt Nam non trẻ lúc đó đang có những manh nha trong tư tưởng “đổi mới” để đến năm 1986 “mở cửa” bùng phát mạnh mẽ. Bởi vậy, sự ra đời của khoa là khởi đầu tốt đẹp cho việc đào tạo một nền tảng kiến thức mỹ thuật mới.

Đến nay, 40 năm Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật (nay là Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật) với 19 khóa đào tạo, đã có những đóng góp nhất định cho nền mỹ thuật Việt Nam. Theo nhà phê bình Nguyễn Quân: “Lật lại báo chí trước những năm 1970, ta thấy sự hoang vắng tuyệt đối, có khi cả tháng mới có một tin, bài nhỏ. Ngày nay quảng bá, phê bình nghiên cứu mỹ thuật xuất hiện hàng ngày, dày đặc, phong phú. Nếu cả năm 1985 tôi chỉ thấy 1 đầu sách mỹ thuật thì bây giờ con số ấy tăng cả trăm lần. Đã có hàng chục công trình lịch sử mỹ thuật nghiêm túc được công bố…”. Còn theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương: Hội Mỹ thuật Việt Nam có giải thưởng Lý luận phê bình mỹ thuật cho các hội viên, trước đây giải thưởng chủ yếu cho bài viết, nay chủ yếu cho sách. Từ các bài viết ngắn cho đến các cuốn sách là giai đoạn dài. Ở đó có phần lớn đóng góp của Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Tuy nhiên, nhìn lại, ngành lý luận - phê bình mỹ thuật và việc đào tạo nhân lực cho ngành luôn đứng trước khó khăn, thách thức. Theo TS. Đặng Thị Phong Lan, Trưởng Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật, do là chuyên ngành hẹp, nhu cầu xã hội thấp, nên lịch sử 40 năm của khoa cũng là quá trình gian nan. Từ năm 2013, nhà trường cố gắng năm nào cũng tuyển sinh, nhưng sinh viên ngày một ít, thậm chí có khóa 1, 3, 5 em. Đã thế, trong quá trình học, sinh viên còn “rơi rụng” do chuyển sang học các ngành khác. Điều này do nhiều nguyên nhân: Sinh viên ra trường khó tìm được việc đúng chuyên ngành, hoặc gần chuyên môn nhưng thu nhập không bằng những ngành khác. Các tạp chí mỹ thuật ít và tiếp cận người đọc chưa rộng rãi, chủ yếu cho các trường mỹ thuật và người nghiên cứu, nhuận bút không bảo đảm... nên ít người theo lý luận, phê bình. Ngành lý luận, phê bình của Hội Mỹ thuật chỉ có khoảng 50 hội viên; trong khi đó, lực lượng phê bình mỹ thuật hiện nay chủ yếu là người không được đào tạo chuyên ngành.

Đổi mới chương trình đào tạo

Theo nhà phê bình Nguyễn Quân, việc thành lập Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật là cột mốc, không chỉ của Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam mà trong tiến trình phát triển khoa học xã hội nhân văn và văn hóa thẩm mỹ ở Việt Nam. “Khi chúng tôi thành lập khoa này, đây là khoa lý luận và lịch sử mỹ thuật đầu tiên ở Đông Nam Á. Việc thành lập khoa lúc ấy gây tranh cãi bởi thực chất, môn này được coi là môn khoa học xã hội nhân văn, không phải môn mỹ thuật, và đều đặt ở trường tổng hợp. Đặt ở trường mỹ thuật bất lợi vì bị tách ra khỏi môi trường sống của nó là khoa học xã hội nhân văn, nhưng có cái lợi là nó gắn bó trực tiếp với đời sống mỹ thuật cụ thể, và những người học khoa này có thực hành và có lý thuyết về thực hành nghệ thuật”. Để phát huy thế mạnh và khỏa lấp khuyết yếu của khoa khi đặt ở trường mỹ thuật, lãnh đạo khoa đã thu hút “chất xám” của các ngành khoa học xã hội nhân văn qua việc mời các nhà nghiên cứu đầu ngành giảng dạy, cung cấp cho sinh viên nền tảng xã hội nhân văn.

Theo nhà nghiên cứu Phạm Trung, Phó Viện trưởng Viện Mỹ thuật, nếu không có khoa đào tạo về lý luận, phê bình mỹ thuật, công việc nghiên cứu sẽ trở thành tự phát như những năm đầu thế kỷ. Bên cạnh đó, theo nhiều ý kiến, việc đào tạo những người làm lý luận không chỉ để đồng hành với sáng tác, mà còn đóng góp cho đời sống văn hóa của đất nước, hàm lượng khoa học của phê bình lớn nhất trong các công trình nghiên cứu lịch sử nghệ thuật. Do đó, cần duy trì đào tạo, bằng cách thay đổi phương thức cho phù hợp với thời đại mới, trong thực tế văn hóa mỹ thuật mới, và trong vận động của văn hóa đại chúng, kinh tế thị trường.

Theo Ngọc Phương - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng