Câu chuyện hôm nay
Tương lai nào cho lưu trữ phim Việt Nam?
09:25 | 17/01/2019

Vừa qua tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội đã diễn ra hội thảo: “Phim như một di sản văn hoá” do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Phim Việt Nam tổ chức. Với nội dung tương lai nào cho việc lưu trữ phim Việt Nam, đặc biệt từ góc nhìn phim tài liệu– một di sản văn hoá của nước nhà.

Tương lai nào cho lưu trữ phim Việt Nam?

Phim tài liệu là một loại hình điện ảnh đã được sản xuất hơn 60 năm qua tại Hãng Phim Tài Liệu & Khoa học Trung ương.

Tại đây có kho tư liệu để lưu trữ những thước phim qua các thời kì, thậm chí có những bản phim nháp cũng được các nhà làm phim cất giữ và sử dụng thường xuyên trong việc sáng tác.

Trước đây sản phẩm của yếu của Hãng phim chủ yếu là phim nhựa, nhưng sau này đã làm phim bằng kĩ thuật số. Tại kho tư liệu của Hãng đã lưu trữ dưới ba dạng phim nhựa, video và ổ cứng với số lượng 12.000 cuốn phim nhựa tổng cộng 3 triệu mét phim, 1 nghìn phim dưới dạng video và một số ổ cứng dưới dạng data, ổ cứng HDD.

Trao đổi về vấn đề này ông Nguyễn Như Vũ – Tổng Giám đốc Hãng Phim Tài liệu & Khoa học Trung ương chia sẻ: “Việc lưu trữ của Hãng Phim không phải nhiệm vụ chính, nhưng chúng tôi luôn có ý thức bảo quản tư liệu, chúng tôi sử dụng trong sản xuất phim. Với thế mạnh có khi tư liệu trong những năm qua chúng tôi luôn sản xuất đáp ứng được những phim theo yêu cầu cảu Đảng, Nhà Nước, đặc biệt là đề tài lịch sử, phim tuyên truyền, chân dung các vị lãnh tụ. Chúng tôi luôn đề cao việc bảo quản kho tư liệu tốt nhất”.

Như vậy với việc lưu trữ phim tại Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương đã giúp cho những nhà làm phim tại đó có nhiều cơ hội sử dụng những thước phim tư liệu quý vào tác phẩm đương đại. Được biết vừa qua Hãng phim cũng đang xây dựng kho lưu trữ phim đạt chuẩn quốc tế.

 

Tại hội thảo “Phim như một Di sản Văn hoá” đã đưa ra các nội dung tham luận như: Tầm quan trọng của di sản điện ảnh Việt Nam; Thực trạng lưu trữ phim tại Việt Nam; Từ lưu trữ đến cộng đồng: Chia sẻ di sản phim tại Vương quốc Anh; Các hướng phát triển cho lưu trữ phim tại Việt Nam; Hợp tác về lưu trữ phim giữa các tổ chức Việt Nam và quốc tế…

Chúng ta phải thừa nhận phim đóng vai trò như một phương tiện quan trọng trong việc ghi lại cuộc sống thường ngày, những thước phim đó đã diễn giải lịch sử của cộng đồng cũng như xã hội một cách chân thực nhất. Dù không được nhìn nhận chính thức, nhưng phim được coi như một di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Từ góc nhìn phim tài liệu thì việc lưu trữ, bảo quản rất cần thiết bởi nó ghi lại lịch sử bằng hình ảnh, có rất nhiều giá trị như một di sản. Nhưng việc sử dụng phim lưu trữ còn khá trầm lắng. Việc khai thác thế mạnh tư liệu chủ yếu là những nhà làm phim, nhà nghiên cứu hoặc một số học sinh, sinh viên. Và việc tiếp cận kho tư liệu có nhiều hạn chế nhất định trong đó có vấn đề xác định bản quyền của những thước phim lịch sử đó.

Với mục tiêu quảng bá giá trị văn hóa và xã hội của lưu trữ phim và các tư liệu lưu trữ, đặc biệt tạo điều kiện cho các đối thoại mới giữa các tổ chức khác nhau (các cơ quan và tổ chức nhà nước, các tổ chức độc lập, nhà làm phim, công chúng, chuyên gia và người thực hành trong các lĩnh vực nghệ thuật khác), hội thảo chuyên đề “Phim như một Di sản Văn hóa” đã giới thiệu về lĩnh vực lưu trữ phim, cũng như đưa ra những góc nhìn mới về tương lai của lưu trữ phim Việt Nam, đặc biệt từ góc nhìn phim tài liệu thông qua các chia sẻ kinh nghiệm về các cách thức làm việc với lưu trữ phim.

Từ góc nhìn của nhà quản lý của Hãng Phim Tài liệu & Khoa học Trung ương, ông Nguyễn Như Vũ chia sẻ thêm: “Phim trong các kho lưu trữ thực sự là một di sản văn hoá của mỗi dân tộc. Việc khai thác sử dụng kho di sản văn hoá này luôn là vấn đề trăn trở của các cấp.

Để cho di sản văn hoá này phát huy tác dụng từ việc lưu trữ đến việc quảng bá nó và đưa ra cơ chế sử dụng hợp lí thì mới có hiệu quả cho xã hội, cộng đồng. Chúng tôi hi vọng những thước phim của chúng tôi được quảng bá cho rất nhiều nhà làm phim, học sinh, sinh viên và bạn bè quốc tế để cho di sản văn hoá này tồn tại mãi mãi trong lịch sử nước nhà.”

Theo Hà Quàng - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng