Câu chuyện hôm nay
Nan giải bảo tồn di tích
15:13 | 29/01/2019

Tính đến hết năm 2018, tỉnh Quảng Nam có 379 di tích các loại, phần lớn hư hại xuống cấp do thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thời tiết khắc nghiệt...

Nan giải bảo tồn di tích
Di tích quốc gia Phật viện Đồng Dương thành phế tích

Thiếu kinh phí

Gần 8 năm kể từ khi hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị Phật viện Đồng Dương” (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) kết thúc với nhiều giải pháp được đưa ra nhằm trùng tu di tích quốc gia đặc biệt này. Tuy nhiên, đến nay di tích vẫn là phế tích. Cả một quần thể rộng hàng ngàn mét vuông, niên đại hơn 1.000 năm với những bí ẩn về một trung tâm Phật giáo lớn nhất Đông Nam Á vẫn bị vùi lấp chưa thể phát lộ. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí.

Theo thống kê từ Sở VH-TT-DL Quảng Nam, từ năm 2005 - 2015, Quảng Nam đã bố trí 42 tỷ đồng để đầu tư, tu bổ 16 di tích quốc gia và 37 tỷ đồng để tu bổ, dựng bia cho 85 di tích cấp tỉnh. Dù vậy, con số trên vẫn khá ít ỏi so với số lượng các di tích cần được đầu tư bảo tồn.

Năm 2015, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết 161 về cơ chế đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng. Trong đó, các dự án tu bổ di tích quốc gia chủ yếu từ ngân sách tỉnh. Các dự án tu bổ di tích cấp tỉnh bên cạnh hỗ trợ từ ngân sách tỉnh còn có vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa.

Sau khi Nghị quyết 161 có hiệu lực, tính đến năm 2018, toàn tỉnh đã đầu tư, tôn tạo 5 di tích cấp quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh và dựng bia 55 di tích với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là 40,7 tỷ đồng, nguồn huy động từ địa phương là hơn 21 tỷ đồng và huy động các nguồn khác là 8 tỷ đồng.

Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, cho rằng, dù Nghị quyết 161 đã tạo cơ chế và nguồn lực cho các địa phương chủ động trong công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, tránh nguy cơ sụp đổ di tích, đồng thời nâng cao nhận thức toàn xã hội về gìn giữ, bảo tồn di sản nhằm phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch tại địa phương, tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ, cần phải có một cơ chế mới về bảo tồn trùng tu các di tích trong thời điểm hiện tại và những năm tiếp theo.

Ông Cẩm nói: “Thực tế, nguồn vốn bố trí thực hiện qua các năm vẫn chưa đảm bảo theo lộ trình đề ra, mặc dù hàng năm trung tâm đã tham mưu Sở VH-TT-DL đề nghị tỉnh bố trí đủ 16 tỷ đồng để tu bổ di tích theo danh mục. Chưa kể, do nguồn vốn đối ứng từ các địa phương cho công tác tu bổ chưa nhiều và nguồn huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, tộc họ vẫn chưa có, khiến việc đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích gặp nhiều khó khăn”.

Cần một cơ chế mới

Không phủ nhận Nghị quyết 161 đã tạo ra cơ sở pháp lý và nguồn lực trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích trên địa bàn tỉnh. Nhưng với những quy định và nguồn lực phân bố khắt khe, không phải di tích nào cũng được tu bổ kịp thời. Chính vì vậy, sự chủ động của các địa phương đóng vai trò khá quan trọng.

Tại TP Hội An, việc xây dựng cơ chế riêng trong bảo tồn di tích dựa trên nguồn thu từ vé tham quan đạt hiệu quả rất tích cực. Hiện TP Hội An có 1.429 di tích, riêng phố cổ có khoảng 1.130 di tích, bao gồm các công trình kiến trúc nghệ thuật và nhà ở. Riêng nhà ở chiếm số lượng chủ yếu với 1.069 căn.

Theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, từ năm 1995, TP Hội An đã ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư để bảo tồn các nhà cổ trong phố cổ với các tỷ lệ cụ thể: những di tích ở mặt tiền sẽ được Nhà nước hỗ trợ đến 60% kinh phí; trong kiệt, hẻm hỗ trợ 75% kinh phí trùng tu. Với chính sách này, đã có nhiều công trình, di tích được hỗ trợ kinh phí tu bổ kịp thời.

“Trung bình mỗi năm số tiền dành cho tu bổ các di tích này khoảng 5 - 7 tỷ đồng. Các nơi khác muốn cũng khó được vì không có tiền, còn Hội An nhờ có nguồn thu từ vé tham quan, đây có thể gọi là tái đầu tư vì kinh tế Hội An là kinh tế du lịch dựa trên nền tảng di sản văn hóa, mà đầu tư cho di sản văn hóa chính là đầu tư cho phát triển kinh tế”, ông Trung nói.

Mỗi năm, Hội An thu tiền bán vé tham quan phố cổ trên 250 tỷ đồng. Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, cho rằng việc đầu tư cho công tác bảo tồn di tích là cần thiết nhưng nguồn lực đầu tư của địa phương có hạn, chưa kể kinh phí hỗ trợ của tỉnh cũng không tương xứng, tỉnh cần phải thay đổi lại cơ chế hỗ trợ nếu không các di tích sẽ nguy cấp, thậm chí sụp đổ trước khi được lập hồ sơ tu bổ.

Quay lại câu chuyện Phật viện Đồng Dương, trong một hội thảo về bảo tồn di tích mới đây, GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính nhìn nhận: “Phật viện Đồng Dương bây giờ đã trở thành phế tích hoàn toàn bị vùi lấp, điều này đặt ra những thử thách về nhiều phương diện như cách tiếp cận, phương pháp, kỹ thuật… Tuy nhiên, tất cả vẫn có thể làm được, vấn đề là nguồn vốn chứ không phải là giải pháp kỹ thuật”.

Theo Ngọc Phúc - SGGP
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng