Câu chuyện hôm nay
Xã hội hóa sân khấu: Vòng tròn quẩn quanh
09:23 | 07/03/2019

Chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học - nghệ thuật trong đó có nghệ thuật sân khấu đã được triển khai thực hiện hơn 20 năm nay… Tuy nhiên, theo họa sĩ - NSND Lê Huy Quang, quá trình này với sân khấu vẫn đang như một vòng tròn quẩn quanh chưa xác định được hướng đi cụ thể.

Xã hội hóa sân khấu: Vòng tròn quẩn quanh
Việc xã hội hóa sân khấu đang khiến nhiều đơn vị nghệ thuật điêu đứng. Ảnh minh họa.

Lúng túng tìm đường

Một thời gian dài, các nhà hát Trung ương, các đoàn nghệ thuật tỉnh được Nhà nước cấp kinh phí để mỗi năm dàn dựng một vở diễn mới, cũng như sửa chữa, nâng cao vở cũ… Tuy nhiên, vở mới ra đời hầu hết chỉ tổng duyệt xong, diễn chiêu đãi vài ba đêm, nhưng đơn vị vẫn báo cáo thành tích cuối năm là đã hoàn thành chỉ tiêu. Đây là mô hình hoạt động dưới sự bao cấp của ngân sách nhà nước. 

Khi nền kinh tế chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường thì chủ  xã hội hóa ra đời. Hiểu nôm na là một doanh nghiệp, đơn vị tài trợ cho một đoàn nghệ thuật kinh phí dựng vở. Rồi duyệt, ra mắt và bán vé cho công chúng… Nhưng nếu vở diễn mà chủ đề tư tưởng hỏng, chất lượng nghệ thuật non kém… thế là cất kho! Phía đơn vị tài trợ thì “buồn ơi, chào nhé” vì kết quả chẳng được gì ngoài cái tiếng “Mạnh thường quân”…

Có thể thấy, xu hướng xã hội hóa hoạt động sân khấu đang được triển khai như vậy, và sẽ còn rất nhiều vấn đề cần được bàn bạc, xác định rõ ràng hơn. Tuy nhiên, đây thực sự là xu hướng mang tính tất yếu, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước ta. Do đó, xã hội hóa trước hết là để cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân xã hội được tiếp cận và hướng thụ theo đúng nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của mình. Trên cơ sở đó sẽ huy động được mọi nguồn lực đầu tư cho sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của sân khấu. Ngoài ra, đây cũng sẽ là điều kiện thuận lợi để nghệ thuật sân khấu ngày một hoàn thiện hơn, tính chuyên nghiệp được nâng cao hơn. Thế nhưng, xã hội hóa không chỉ đơn giản là việc nhập, tách hay giải thể bớt các đơn vị nghệ thuật, đưa một số nghệ sĩ ra khỏi biên chế Nhà nước, để cho họ tự lo liệu bằng cách tổ chức nhau lại thành một nhóm rồi góp tiền dựng vở, sau đó đi diễn lấy tiền chia nhau… Như vậy, sẽ không còn là sáng tạo nghệ thuật nữa mà chỉ còn là hoạt động kiếm sống theo kiểu các phường, gánh ngày xưa. 

Bên cạnh đó, xã hội hóa sân khấu lại càng không là người người, nhà nhà cứ có tiền, nếu thích là trở thành nghệ sĩ. Mặc dù quyền được sáng tạo nghệ thuật là của tất cả mọi công dân. Nhưng để trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp thì phải đáp ứng được nhiều yêu cầu khác. Do vậy, bản chất của quá trình xã hội hóa là nhằm tranh thủ được nhiều hơn các nguồn kinh phí cho hoạt động sân khấu, không trông chờ vào Nhà nước như trước đây. Khi ấy, mỗi nghệ sĩ muốn tồn tại thì không còn cách nào khác hơn là phải có tài năng thực sự và luôn lao động nghệ thuật với một tinh thần nghiêm túc, sáng tạo. Cùng với đó, mỗi đơn vị sân khấu muốn tồn tại, phát triển tốt, cũng sẽ phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng nghệ thuật, đồng thời phải xác định đối tượng khán giả chính của mình, từ đó mới có thể đáp ứng được nhu cầu của công chúng. 

Nỗi buồn liên hoan 

Hiện nay các liên hoan, hội diễn vốn là ngày hội lớn của các đơn vị nghệ thuật trong cả nước đang dần bị “nghiệp dư” hóa. Đây là dịp để các nghệ sĩ tham dự tìm kiếm giải thưởng, huy chương cho đơn vị hay mỗi cá nhân mà còn là cơ hội để các thế hệ gặp mặt, trao đổi, học tập kinh nghiệm nghề nghiệp… Nhưng hiện nay do sức ép về kinh phí, do các đơn vị phải tự lo kinh phí ăn, ở, đi lại nên sau lễ khai mạc hoành tráng cờ hoa với hàng nghìn nghệ sĩ hội tụ… thì hôm sau, rạp hát đã vắng như “chùa Bà Đanh”, vì các nghệ sĩ đã lục tục ra về. Đến hôm bế mạc, khi trao Giải Vàng, Giải Bạc… thì chỉ còn mấy vị lãnh đạo thay mặt đơn vị lên sân khấu nhận giải mà thôi. Thật là một cảnh tượng buồn! Vì thế, Bộ VHTTDL, Hội Nghệ sĩ Sân khấu và các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét kinh phí cho các nghệ sĩ được ở lại trong suốt liên hoan, hội diễn, có như thế mới học được nghề và trân trọng nhau hơn. Bởi đó cũng chính là niềm mong ước, nguyện vọng chính đáng của các nghệ sĩ sân khấu. 

Tựu trung, xã hội hóa sân khấu hiện nay là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, một xu thế tất yếu của cuộc sống. Nhưng để thực hiện được điều đó, trước hết vẫn phải có được sự hậu thuẫn từ phía Nhà nước, bằng những cơ chế chính sách phù hợp từ đầu tư cơ sở vật chất, cho đến đào tạo, sử dụng, đãi ngộ… đội ngũ nghệ sĩ. Từ đó mới thể để có thể khuyến khích được tinh thần sáng tạo từ những tài năng thực sự. Đây hoàn toàn không phải là sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, mà thực tiễn sân khấu hiện nay đang đòi hỏi phải có một sự đổi mới mang tầm vĩ mô, được thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới, thì mới có thể cải thiện được tình hình. Vì thế, cần phải điều tra, đánh giá thực trạng xã hội hóa hoạt động sân khấu từ khi ra đời đến nay. Từ đó mới có thể định ra được một lộ trình tích cực và hiệu quả hơn, để chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, trong đó có hoạt động sân khấu đạt được những mục tiêu đề ra.

Theo Hoàng Minh - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng