Chúng ta đã nói quá nhiều về sự xuống cấp đạo đức cá nhân và xã hội mà chưa chỉ ra được căn nguyên sâu xa của nó là gì, nằm ở đâu và phải làm gì, tháo gỡ như thế nào… Sức mạnh đến từ nhiều thiết chế xã hội, trong đó có báo chí với vị thế và tầm ảnh hưởng rộng lớn.
“Mưa dầm thấm lâu”
Những năm qua, nhiều bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, ban hành các bộ quy tắc về văn hóa ứng xử ở nơi công cộng, trong gia đình, tại công sở. Tuy nhiên, việc thực hiện những quy tắc ứng xử văn hóa hạn chế; vẫn còn những vi phạm gây bức xúc dư luận, bạo lực gia đình, học đường, ứng xử thiếu văn minh, văn hóa, vô cảm... Chính vì vậy, một trong những hoạt động thu hút sự quan tâm trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019 là hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” do Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức. Nhiều ý kiến tại hội thảo khẳng định: Để khắc phục thực trạng hiện nay cần có những giải pháp kịp thời, thường xuyên, lâu dài, trong đó truyền thông trên báo chí đặc biệt quan trọng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhận định, những năm gần đây, tình trạng văn hóa xuống cấp, trong đó có văn hóa ứng xử trong cộng đồng, xã hội nhiều khi đến mức báo động, đã được báo chí thông tin kịp thời, phân tích, cảnh báo thiết thực. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra tình trạng cơ quan báo chí, nhà báo thiếu quan tâm đến chuẩn mực văn hóa ứng xử, văn hóa ứng xử, thiếu gương mẫu trong ứng xử văn hóa, thậm chí vi phạm quy tắc, quy định về văn hóa ứng xử… Trong xây dựng văn hóa ứng xử, báo chí nhiều khi chưa có cách tiếp cận tác động hợp lý, hiệu quả trong việc điều chỉnh nhận thức, hành vi của cộng đồng.
Việc tung hô thái quá một sự việc khiến giới trẻ có những ham mê lệch lạc, nhân danh báo chí cổ xúy các hành vi về lâu dài gây tổn hại đến xã hội, vi phạm văn hóa tín ngưỡng do dùng từ “vô tội vạ”... không khó bắt gặp trên báo chí, nhất là báo mạng điện tử. Nêu hàng loạt tác động “xấu” đó, Đại tá Nguyễn Văn Hải - Báo Quân đội Nhân dân cho rằng, muốn truyền thông về văn hóa ứng xử, trước hết mỗi nhà báo, cơ quan báo chí phải là một chuẩn mực văn hóa ứng xử. Nghĩa là, báo chí làm sao phải kiến tạo môi trường thông tin lành mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, nhà báo Trần Thị Thanh Thùy, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội nêu thêm: Xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử là việc “mưa dầm thấm lâu”, không thể ngắt quãng theo kỳ cuộc. Có như vậy, mới giúp những quy tắc ứng xử ăn sâu, bám rễ chặt chẽ trong đời sống nhân dân.
Bắt đầu từ “cái dễ thấy”
Nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều biểu hiện, hành vi thiếu văn hóa có chiều hướng lan rộng nhưng không phải bản chất của dân tộc Việt Nam mà do quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, trước sức ép lớn phát triển kinh tế, văn hóa không được chú ý đúng mức. Đó cũng là “căn bệnh” chung của các nền kinh tế mới phát triển. Bởi vậy, xây dựng văn hóa ứng xử là việc làm của cả hệ thống, không phải của riêng báo chí, nhưng báo chí với vị thế và tầm ảnh hưởng rộng lớn, sẽ đóng vai trò nòng cốt. Vai trò ấy thể hiện ở các chuyên mục, bài viết về hành vi ứng xử văn hóa, nhằm vào thứ thiết thực, cụ thể; thể hiện ở sự kết hợp, tham gia của các nhà văn hóa, nhà khoa học, để phân tích, nghiên cứu, truyền thông một cách dễ hiểu, có sức thuyết phục…
Văn hóa là lĩnh vực ai cũng biết, cũng nói được, nhưng làm được và làm tốt rất khó. Chúng ta trách nhiều báo không chuẩn mực, chúng ta nhắc nhà báo phải làm sao xây dựng chuẩn mực văn hóa cho cộng đồng… nhưng thế nào là chuẩn mực văn hóa? Xưa là tam cương - ngũ thường, là công - dung - ngôn - hạnh cụ thể nhưng đã có phần lạc hậu. Đặt vấn đề này, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cho rằng, trước khi truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử, cần làm rõ và đưa ra được những nội dung cụ thể, những chuẩn mực cụ thể để từ đó cộng đồng, cá nhân đối chiếu, điều chỉnh.
Thực tế, những quy định về chuẩn mực văn hóa ứng xử đã được thể hiện qua các văn bản, nghị quyết, quy định pháp luật… nhưng còn nhiều nội dung khác, không cần văn bản mà ai cũng biết là hạn chế trong ứng xử của người Việt Nam. Chẳng hạn tình trạng chen lấn, lãng phí, không có ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, ồn ào, trễ giờ… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trước những điều “dễ thấy” như vậy, báo chí có vai trò không những phản ánh mà cần tạo sự chuyển biến nhận thức của cộng đồng. Như Bác Hồ từng nói, phải làm cho văn hóa thấm sâu vào tâm lý quốc dân, đẩy lùi tâm lý lười biếng, tham nhũng, hủ hóa, xa xỉ... Làm được như thế, phát triển đất nước mới thực sự bền vững, người Việt Nam hôm nay mới thực sự xứng đáng với di sản văn hóa mà tổ tiên để lại.
Theo Thái Minh - ĐBND