Sau hơn 20 năm xuất hiện tại Việt Nam, internet ngày càng đi sâu vào cuộc sống, tạo ra những thay đổi to lớn từ thói quen hàng ngày, tới cách làm việc, giao tiếp, tương tác xã hội, quan niệm về không gian, thời gian... Những thay đổi ấy đòi hỏi xây dựng các giá trị văn hóa mới - văn hóa mạng.
Đa chiều kết nối, đa chiều thể hiện
Hòa mạng toàn cầu từ năm 1997, đến nay Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới về internet, với 64 triệu người sử dụng (trên tổng số gần 97 triệu dân), chiếm 67%, tỷ lệ này ở các nước phát triển là 80%. Trong đó, tỷ lệ tham gia mạng xã hội lớn, khoảng 55 triệu dân, chiếm 57%. Số liệu do Hootsuite và We Are Social - công ty toàn cầu chuyên tư vấn và nghiên cứu truyền thông xã hội, công bố tháng 1.2019 cho thấy, trung bình mỗi ngày một người Việt Nam dành 6 tiếng 42 phút cho internet và 2 giờ 37 phút cho mạng xã hội.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, những năm gần đây, sự phát triển của truyền thông hiện đại, trong đó nổi bật là internet, đã và đang làm cho thế giới ngày một “nhỏ bé” hơn, con người được thỏa mãn về thông tin, sự hiểu biết thế giới, được xích lại gần nhau và bình đẳng hơn trên phương diện tiếp cận thông tin. Cuộc cách mạng internet làm cho thế giới phẳng hơn khi tạo ra đa chiều kết nối, đa chiều thể hiện bản sắc cá nhân, nhóm hay cộng đồng mà không chi phối nhiều bởi các đường biên giới quốc gia, khoảng cách địa lý hay sắc tộc, địa vị xã hội cũng như độ tuổi, giới tính.
Trong sự phát triển bùng nổ của internet, thuật ngữ “văn hóa mạng” nhanh chóng trở nên quen thuộc với nội hàm cơ bản là hệ thống những sự thể hiện, tương tác và cách ứng xử của con người trong không gian internet. PGS.TS. Từ Thị Loan, nguyên quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết, có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng có thể thấy, văn hóa mạng là tổng thể ứng xử, hành vi, biểu đạt, tương tác trên internet của cộng đồng mạng. Môi trường mạng có đặc thù riêng, thể hiện ở: Tính mở - không giới hạn về không gian, thời gian, địa lý, biến Trái đất thành ngôi làng toàn cầu; và tính ảo, ở chỗ các quan hệ mang tính gián tiếp, ẩn danh, ẩn chủ thể, nhiều khi không thể hiện thật về bản thân, nên khó giám sát, ràng buộc về đạo đức, trách nhiệm; tính cởi mở, tự do, gắn kết lỏng lẻo... Các tính chất của không gian mạng tác động lớn và nhanh đến văn hóa của cộng đồng mạng.
Internet tạo ra sự năng động và hiệu quả cho công việc của các cá nhân và mang lại nhiều tiện ích cho xã hội. Các chiều kích tác động của nó có thể thấy khắp nơi, mọi lĩnh vực, như tạo ra dư luận, liên kết xã hội; trao tiếng nói cho nhiều nhóm xã hội yếu thế, giải phóng ẩn ức của cá nhân và nhóm. Internet còn làm thay đổi thói quen sinh hoạt, quan niệm về giao tiếp, tương tác, trải nghiệm; thậm chí thay đổi cả cách sử dụng ngôn từ hay cách thể hiện tình cảm; thay đổi phương thức tra cứu, chia sẻ thông tin, giao tiếp, kết nối. Trong lĩnh vực nghệ thuật, internet tác động, làm thay đổi cả phương thức sáng tạo trên tác phẩm, tạo nên sinh khí mới cho đời sống văn hóa khi có thêm những nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ... trên mạng thu hút được lượng công chúng lớn.
Thực - ảo song hành
“Văn hóa mạng trở nên khác biệt so với những cách hiểu về văn hóa thông thường khiến cho chúng ta phải nhìn lại nội hàm cũng như cấu trúc khái niệm văn hóa. Phải chăng văn hóa chỉ là tinh hoa, là giá trị, hay còn là những thực hành hiện hữu trong đời sống thường ngày, trong không gian thực và không gian ảo?”. PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm |
Không thể phủ nhận cuộc cách mạng số đã tạo ra những tác động vô cùng to lớn đối với xã hội, nhưng tốc độ phát triển quá nhanh của internet và những tiện ích của nó cũng khiến con người choáng ngợp và dần dần bị lệ thuộc. Lợi dụng sức mạnh của phương tiện truyền thông ưu việt này cũng đã đưa tới nhiều hệ lụy không mong muốn cho xã hội. Những nhu cầu của con người, những câu chuyện ngoài đời thực được đưa lên internet; nhưng không dừng ở thế giới ảo, chúng đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống thực. Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm, sự phát triển của văn hóa mạng đã đặt ra nhiều vấn đề, khi nó tác động đến suy nghĩ, lối sống, đạo đức, nhân sinh quan, bản sắc truyền thống văn hóa. Ví dụ, sự xuất hiện của các biểu hiện văn hóa mới, như văn hóa like, share, và comment trên Facebook, nhiều tích cực, nhưng có cả tiêu cực với các comment “bẩn”, “ném đá”...
TS. Đỗ Anh Đức, Trưởng bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội nhận định, văn hóa mạng đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Chỉ với chiếc smartphone là con người có thể mở cánh cửa giao lưu với thế giới ảo, song hành với thế giới thực. Mặt tích cực là giúp người ta có thể tiếp cận rộng rãi các giá trị, sản phẩm văn hóa được tích tụ theo hình thức cộng đồng mạng. Nhưng vai trò định hướng cũng cần quan tâm. Bởi trong văn hóa hội tụ ấy, nhiều người tập trung lại với nhau bàn luận về một câu chuyện đang diễn ra, bày tỏ cảm xúc, thái độ một cách cảm tính, và nhiều người bị dẫn dắt bởi trí tuệ tập thể, thay vì văn hóa đỉnh cao là tư duy.
Quản lý các hành vi ngoài đời thực đã khó, thực hiện điều này trên internet còn khó hơn. Theo các nghiên cứu, để quản lý văn hóa mạng, ngoài biện pháp hành chính, công nghệ, còn cần các giải pháp về văn hóa, giáo dục, liên quan đến cả môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt quan trọng là ý thức của bản thân người sử dụng. Các chủ thể tham gia văn hóa mạng cần được trang bị tri thức và phát triển năng lực cá nhân để tự ý thức về trách nhiệm, quyền hạn của mình, ứng xử có văn hóa trong thế giới ảo.
Hiện tại, trên internet có đủ nội dung, từ chính thống đến phi chính thống, từ thông tin tốt đến thông tin xấu, độc hại, thông tin “xám”... bị chi phối bởi nhiều động cơ phía sau, trong đó có nhiều động cơ kinh tế. Để đối trọng, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có những nền tảng phân phối nội dung tốt, sạch, chính thống, đủ sức hấp dẫn, cạnh tranh, thu hút người dùng, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng.