Trong thời đại công nghệ phát triển, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến nhận thức của các bạn trẻ, nhất là đối với học sinh, sinh viên. Để các em hiểu đâu là tốt, đâu là xấu và biết trân trọng những giá trị mà ông cha ta đã gìn giữ từ bao đời, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang (học trò GS.TS Trần Văn Khê) tiếp tục thay thầy thực hiện dự án vinh danh văn hóa trong học đường.
Giáo dục học sinh giá trị chân - thiện - mỹ
Mới đây, hơn 500 học sinh và thầy cô Trường THPT Tenlơman (Q.1) đã được tham dự chương trình vinh danh văn hóa Nam bộ với chủ đề “Giá trị chân - thiện - mỹ trong văn hóa phương Nam” tại trường.
Mở đầu chương trình, diễn giả Hồ Nhựt Quang đã dẫn dắt mọi người ngược dòng lịch sử để thấy được tinh thần và khí tiết của những vị anh hùng từng có công giành lại non sông như Hai Bà Trưng đánh thắng giặc Đông Hán để “rửa hận nước, trả thù nhà”. Vị Anh hùng Ngô Quyền tài trí đã lập nên chiến thắng Bạch Đằng Giang để kết thúc 1.000 năm đô hộ của phương Bắc vào năm 938. Lý Thường Kiệt đã hào hùng đọc nên bài “Nam quốc sơn hà” khẳng định độc lập tự chủ của nước ta. Một thời kỳ Đông A - nhà Trần chiến thắng 3 lần quân bạo tàn đế chế Mông Cổ hùng mạnh. Và tiếp nối lịch sử hào hùng đó là những con người nghĩa khí như Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Thoại Ngọc Hầu…, những bậc thầy yêu nước như Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Đông Hồ… Từ những sự kiện đó, diễn giả Nhựt Quang nhấn mạnh cho các em học sinh biết rằng, lịch sử trên là thật, là chân lý. Tuy Việt Nam là nước nhỏ nhưng không dễ dàng thất bại trước cường quyền, là nước nhỏ nhưng văn hóa phong tục không dễ dàng bị xóa nhòa, trái tim nhân nghĩa, hào hiệp của người phương Nam nói riêng, Việt Nam nói chung không thay đổi trước những làn sóng xô bồ của trào lưu mới, bởi vì chúng ta biết giữ cái thiện trong sự chân thật. “Chân ở đây trái nghĩa với sự giả dối, ngụy tạo; thiện là giá trị tốt, là nhân nghĩa, là ứng xử không có tính bạo lực, không có cái ác xuất hiện; mỹ là cái đẹp, đẹp có thể là hữu hình, thấy bằng mắt, sờ bằng tay và đẹp còn ở giá trị tâm hồn, dễ dàng bị rung cảm bởi nhịp đập trái tim và cảm xúc” - diễn giả Nhựt Quang phân tích.
Để học sinh hiểu hơn giá trị chân - thiện - mỹ, chương trình còn dàn dựng tiết mục đờn ca tài tử ngọt ngào, vui nhộn do TS. nhạc sĩ Hải Phượng, ThS. nhạc sĩ Huỳnh Khải và một số nhạc sĩ đến từ Nhạc viện TP.HCM biểu diễn. Kết thúc, chương trình nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt.
“Chân ở đây trái nghĩa với sự giả dối, ngụy tạo; thiện là giá trị tốt, là nhân nghĩa, là ứng xử không có tính bạo lực, không có cái ác xuất hiện; mỹ là cái đẹp, đẹp có thể là hữu hình, thấy bằng mắt, sờ bằng tay và đẹp còn ở giá trị tâm hồn, dễ dàng bị rung cảm bởi nhịp đập trái tim và cảm xúc” - diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang phân tích. |
Theo diễn giả Nhựt Quang, giữa cuộc sống xô bồ, lẫn lộn thật giả khiến con người ít nhiều mất dần niềm tin về chân - thiện - mỹ, chúng ta dễ bị lệch chuẩn trong việc đánh giá đúng sai, đẹp xấu, thiện ác, nhất là thời đại 4.0, khi mà phong trào đưa hình ảnh, video clip mang tính “câu like”, “câu comment”, “tăng lượt view”… nhiều người bị sa đà vào số lượng view, số lượng like… không cần đánh giá nội dung đúng sai, có giá trị gì cho cuộc sống hay không. Thế nên, cần lắm bản thân mỗi người chúng ta nên xây dựng và bảo vệ giá trị chân - thiện - mỹ nhằm để nâng cao cuộc sống văn minh trong môi trường học đường, xã hội và gia đình, qua đó biết yêu và giữ gìn quê hương, đất nước.
Giáo dục lòng yêu nước bằng hình thức sân khấu hóa
Để thay đổi không khí, CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ do diễn giả Nhựt Quang làm chủ nhiệm còn gửi đến thầy cô và học sinh vở tuồng “Trọng Thủy - Mỵ Châu” do các nghệ sĩ trong CLB biểu diễn cùng với sự góp mặt của một số học sinh trong trường. Dù không chuyên nghiệp, nhưng các em đã có màn biểu diễn thú vị cùng các nghệ sĩ. Chia sẻ cảm xúc của mình, Nguyễn Hữu Đăng (học lớp 10A1) bày tỏ: “Em đã được đọc tác phẩm này trong sách nhưng tới hôm nay mới thấy được nhân vật sống trên sân khấu. Ở sân khấu khác hơn trong sách vì mình có thể thấy sự vật dưới nhiều góc độ khác nhau, từ đó hiểu và thêm yêu quê hương, đất nước”.
Theo thầy Nguyễn Văn Thành (Hiệu trưởng nhà trường), đây là chương trình ý nghĩa, việc tổ chức những hoạt động này trường không được đánh giá thi đua nhưng chúng tôi vẫn làm vì muốn giáo dục học sinh một cách toàn diện. Hiện nay mạng facebook hiểu sai rất nhiều về giá trị chân - thiện - mỹ thì những chương trình như thế này sẽ giúp cho các em có cái nhìn đúng đắn hơn về giá trị văn hóa của dân tộc, giá trị chân - thiện - mỹ và nhất là vấn đề đạo đức, từ đó biết yêu quê hương, dân tộc hơn.
TS. nhạc sĩ Hải Phượng cho biết: “Trong thời gian qua, việc đưa âm nhạc dân tộc, các giá trị văn hóa vào học đường có sự chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, để học sinh thật sự yêu thích và hiểu sâu hơn, những người quản lý phải có những cách thức để làm chương trình trở nên hấp dẫn hơn, ngoài việc tổ chức nên cho học sinh trải nghiệm, hóa thân vào nhân vật trên sân khấu để sống cùng nhân vật”.
Theo Hồ Trinh - Giáo dục Online