Các bộ phim ăn khách, chương trình nghệ thuật thu hút khán giả, sản phẩm âm nhạc bán chạy... đang khẳng định giá trị kinh tế của văn hóa. Tuy nhiên, đóng góp của văn hóa không chỉ thể hiện qua những con số, và cũng không nên coi đó là mục tiêu của lĩnh vực này.
Nhận diện đầy đủ vai trò của văn hóa
Tại Tọa đàm “Nền kinh tế văn hóa ở Việt Nam: Những thách thức và cơ hội”, do Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQG Hà Nội chủ trì tổ chức cuối năm 2020, TS. Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQG Hà Nội, lấy ví dụ: “Hai cô hàng xén cùng bán một mặt hàng, nhưng cô nói năng lịch sự, nhã nhặn sẽ có nhiều người chọn mua hơn. Vậy, văn hóa lúc nào cũng đóng góp vào kinh tế, không phải giờ mới có, nhưng hiện nay, mức độ đóng góp của văn hóa còn lớn hơn”. Chẳng hạn, địa phương có cảnh quan thiên nhiên được giữ gìn, giá trị văn hóa bản địa độc đáo sẽ thu hút nhiều khách du lịch đến trải nghiệm, khám phá, đóng góp lớn vào ngân sách...
Theo bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng phòng Văn hóa, Văn phòng UNESCO Hà Nội, kinh tế văn hóa ở Việt Nam đã có từ lâu, nhưng quan trọng là chúng ta chưa nhận diện, chỉ ra được. “Trước kia, khi nói về văn hóa, thường ta chỉ nghĩ đến di sản, di tích, lễ hội, đền đài, nhưng gần đây, góc nhìn này được mở rộng hơn, không chỉ gói gọn trong những gì xưa cũ, mà gồm nguồn lực khổng lồ của phát triển dịch vụ, sản phẩm mới để nâng cao mức hưởng thụ tinh thần của con người. Từ phim ảnh, xuất bản, ẩm thực cho tới âm nhạc, thiết kế, thời trang, kiến trúc... là cả chân trời mở về tiềm năng và sự đóng góp của văn hóa trong phát triển kinh tế và xã hội hiện đại”. Do đó, để nhận diện một cách khoa học về vai trò của văn hóa với phát triển kinh tế, cần có các chỉ số đo lường, thống kê cụ thể về doanh thu của các ngành văn hóa, phản ánh đầy đủ tỷ trọng đóng góp của ngành trong GDP...
Nhiều ý kiến cho rằng, việc nhận diện khía cạnh kinh tế sẽ cho thấy, văn hóa cũng có thể làm ra tiền, chứ không chỉ là ngành tiêu tiền, từ đó, tác động về chính sách, đầu tư cho văn hóa, đẩy mạnh lĩnh vực này. Tuy nhiên, chỉ nhìn văn hóa bằng những con số là không đầy đủ. Bà Thanh Hường cho rằng, văn hóa còn góp phần phát triển xã hội, giáo dục, hoàn thiện hệ thống quản lý và thể chế, thúc đẩy bình đẳng giới... Ở nơi nào, đông đảo cộng đồng tham gia các hoạt động văn hóa, tương tác và gắn bó xã hội ngày càng tăng; có sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau giữa các nhóm người...
Kinh tế - phương tiện hay mục tiêu?
Với nhiều lĩnh vực, ngay cả với các ngành văn hóa, đang được đo sự tăng trưởng bằng doanh thu. Tuy nhiên, điều này không tránh khỏi bất cập. Những ngành nghệ thuật không chạy theo cơ chế thị trường có nguy cơ mất đi mãi mãi; hay ngập tràn tác phẩm nghệ thuật chiều theo thị hiếu khán giả...
Từ trải nghiệm trong lĩnh vực văn hóa, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, tiền là cái dễ tính được, còn những cái khác khó đong đếm hơn. “Được đào tạo về làm phim, trong 4 năm học, chúng tôi nghĩ điện ảnh là nghệ thuật chứ không phải kinh tế. Trạng thái lưỡng phân này khó hiểu, bởi đã là nghệ thuật thì làm sao là kinh tế, đã là kinh tế thì làm sao còn là nghệ thuật. Tuy nhiên, khi có internet, DVD, chúng tôi học được câu chuyện khác, trên bìa DVD có dòng chữ như 'Phim bán chạy', những từ vốn không tồn tại trong trường Điện ảnh (mà chủ yếu là phim hay nhất, phim đạt giải Oscar...). Hiện nay, thành công của bộ phim bằng doanh thu, số lượng vé bán ra, trở thành chỉ tiêu, thước đo quan trọng đến mức làm lu mờ những cái khác, chẳng hạn như cảm xúc, câu chuyện phim mang lại có chạm tới lương tri của mọi người hay không...”.
Còn theo PGS. Trần Thị An, Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQG Hà Nội, dựa trên định lượng (doanh thu) để đánh giá một lĩnh vực phần nhiều định tính là khá khó. Do vậy, nếu chỉ nhìn vào giá trị kinh tế nó mang lại, sẽ bỏ qua những giá trị khác. Cụ thể, vốn văn hóa thể hiện ở văn hóa vật thể, phi vật thể. Ở Việt Nam, vốn văn hóa vật thể đang bị khai thác suy kiệt, giới hạn đón bao nhiêu khách, khai thác ra sao để vẫn bảo tồn di sản chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, di sản văn hóa phi vật thể vơi cạn một cách đáng báo động, do sự trao truyền văn hóa cho các thế hệ tiếp nối bị bỏ ngỏ... Đo lường văn hóa đóng góp bao nhiêu cho GDP đang là xu thế không thể tránh khỏi. Nhưng bên cạnh đó, cần có các tiêu chí gắn với yếu tố bản sắc, nhân văn...
Nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển các ngành sản xuất kinh doanh chạy theo lợi nhuận kinh tế đã để lại nhiều hệ lụy, nếu đánh giá văn hóa cũng chỉ dựa vào doanh thu thì hậu quả còn khủng khiếp hơn. Nếu làm kinh tế văn hóa nóng vội, e rằng trong tương lai chúng ta không thể giải quyết được hết hậu quả của nó. Giá trị của văn hóa quan trọng ở chỗ khơi gợi giá trị chân - thiện - mỹ; văn hóa kiến tạo sức mạnh mềm cho quốc gia. Vì vậy, cần có chiến lược phát triển hợp lý và lâu dài, phát huy tiềm năng kinh tế văn hóa dựa trên những nghiên cứu đa ngành, có cách làm phù hợp, hướng tới phát triển bền vững.