Câu chuyện hôm nay
Bàn về xu hướng truyền thống hóa nghệ thuật
15:08 | 19/03/2021

Hướng đến các giá trị truyền thống đang là một xu hướng diễn ra dù âm thầm nhưng rất mạnh mẽ trong giới nghệ thuật.

Bàn về xu hướng truyền thống hóa nghệ thuật
Cả nghệ sĩ và công chúng ngày càng hào hứng hơn với các giá trị truyền thống.

Đặc biệt, xu hướng được tạo ra bởi đa số các nghệ sĩ trẻ thiết tha với việc phục dựng, quảng bá văn hóa cổ truyền. Bằng tư duy mới, phương pháp mới trên nền chất liệu cũ, ý niệm xưa… đã tạo cho công chúng những cảm hứng bất tận trong việc khám phá những giá trị tưởng chừng đã mất.

Dưới lăng kính điện ảnh

Có thể nói, xu hướng truyền thống hóa nghệ thuật khởi phát mạnh mẽ từ đầu năm 2019 với hàng loạt cuộc biểu diễn, trưng bày, triển lãm, workshop của giới nghệ sĩ liên quan các lĩnh vực điêu khắc, hội họa, thời trang và sân khấu.

Tuy nhiên, sức ảnh hưởng mạnh mẽ dẫn tới xu hướng này lại là điện ảnh. Những bộ phim tìm kiếm chất liệu dân gian, từ văn hóa vùng miền để hướng tới các giá trị truyền thống đã gây được hiệu ứng tốt. 

Trong cuộc hội thảo trước thềm Liên hoan phim Việt Nam 2019, vấn đề bản sắc trong phim Việt được nhiều đạo diễn và giới phê bình đặt ra. Suốt một thời gian dài, phim Việt mải mê chạy theo cuộc đua doanh thu, bằng mọi cách để chinh phục khán giả, thu tiền bán vé và quảng cáo để lại một khoảng trống rất lớn về đề tài truyền thống. 

PGS.TS Trần Luân Kim từng chỉ ra “yếu huyệt” của điện ảnh, là nhà sản xuất chỉ chú trọng gây hài, chiều theo thị hiếu khán giả, cười giải trí xong là hết. Những gì đọng lại cho người xem về con người, văn hóa Việt Nam chưa có hoặc có nhưng rất mỏng. 

Năm 2019, sự ra đời của “Song Lang” là một tín hiệu tốt cho thấy các nhà làm phim đã nỗ lực đi tìm vẻ đẹp Việt. Bỏ qua câu chuyện doanh thu, thì “Song Lang” đã khơi dậy trong tâm thức khán giả một vẻ đẹp gần như bị lãng quên của cải lương. 

Rồi dự án “Việt sử kiêu hùng” với những bất ngờ nối tiếp bởi những câu chuyện dã sử chứ không hề khô khan, đã tạo ra sự thích thú theo dõi của người trẻ. Khi dự án khép lại, công chúng muốn trực tiếp quyên tiền để nhóm làm phim tiếp tục đề tài về anh hùng dân tộc.

Cũng xoay quanh đề tài truyền thống, một vài bộ phim như “Cô Ba Sài Gòn”, “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” muốn đi sâu khai thác triệt để tính truyền thống trong văn hóa Việt. Tuy nhiên, “Cô Ba Sài Gòn”, với nội dung tôn vinh vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống vẫn bị chới với giữa phim nghệ thuật và giải trí.

Phải đến năm 2020, với nhiều dự án ra mắt, cho thấy vẻ đẹp văn hóa dân gian đang trở thành lựa chọn của nhiều nhà làm phim. Trong series phim Tết 2020, thì “Gái già lắm chiêu” có sức hút hơn cả. Có lẽ một phần do phim mang đến cho khán giả những nét đẹp đặc sắc của vùng đất và con người Huế.

Từ những hình ảnh quen thuộc của cầu Trường Tiền, Phu Văn Lâu đến những món ăn truyền thống như bún bò Huế… thành điểm nhấn đặc biệt, mà phim thị trường không làm được.

Ngày hội Việt phục “Tóc xanh - Vạt áo” của ĐH Quốc gia TPHCM.

Đương đại trên nền truyền thống

Nghệ thuật truyền thống trong dòng chảy hiện đại là mô-típ được giới sân khấu và nghệ thuật lựa chọn để trình diễn trong các show ca múa nhạc hiện đại. Xuất phát từ 3 lý do: Bảo tồn gìn giữ vẻ đẹp nghệ thuật truyền thống; thể hiện sự hội nhập văn hóa; dễ tiếp cận khán thính giả ở mọi lứa tuổi và mọi quốc gia.

Cuối tháng 12/2020, tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã diễn ra đêm hòa nhạc “Dân gian trên jazz/Dân gian trên dây” mang đến một không gian và ngôn ngữ âm nhạc mới lạ đầy biến hóa.

Dùng nhạc jazz làm cầu nối giữa nhạc truyền thống và hiện đại không chỉ là thử nghiệm mà còn là ngẫu hứng duyên dáng. Bốn loại hình âm nhạc truyền thống là chèo, tuồng, cải lương và âm nhạc bản địa miền núi Tây Bắc có dịp tỏa sáng giữa những nhạc cụ hiện đại. Hơn 40 nghệ sĩ trình diễn các sáng tác mới kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và nhạc jazz với dàn dây - kèn đồng của nhạc giao hưởng.

Cũng trên sân khấu, công chúng dễ bắt gặp hình ảnh truyền thống từ câu chuyện, trang phục đến nhạc cụ. Vở diễn “Cây gậy thần” với huyền tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung của Nhà hát Cải lương. Hay mới đây là vở diễn “Thành Thăng Long thuở ấy” tại Nhà hát Thế giới trẻ - thuộc Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM.

Giới thời trang được biết đến thế mạnh là tà áo dài, bên cạnh đó còn “nhánh” cổ phục gọi là “Việt phục”. “Ngày hội Việt phục Tóc xanh - Vạt áo” của ĐH Quốc gia TPHCM hồi giữa tháng 1/2021 đã thu hút hàng ngàn lượt sinh viên háo hức đến chiêm ngắm những giá trị xưa cũ của tiền nhân.

Rồi hội họa, điêu khắc qua các cuộc trưng bày trong năm 2020 với gốm, giấy dó, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng đã thực sự đưa người xem thấy những giá trị dù rất cũ nhưng không mòn, lại nổi bật tỏa sáng giữa không gian nghệ thuật hiện đại.

Giữa tháng 3/2021, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory, một triển lãm thị giác hoành tráng mang tên “Lần trong/ Nằm giữa/ Vùi dưới/ Lộ trên” tôn vinh vẻ đẹp diệu kỳ của giấy dó. Lần đầu tiên, công chúng nhận thấy giấy dó không chỉ viết vẽ lên được, mà còn là chất liệu có thể sử dụng cho nghệ thuật điêu khắc.

Hướng tới giá trị truyền thống được các nhà phê bình nghệ thuật đánh giá là xu hướng đúng đắn. Tuy nhiên, phải hiểu rõ hướng tới giá trị truyền thống khác với việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Định lượng cho khái niệm này rất mong manh, nếu không khéo dễ dẫn tới sự kệch cỡm, nghệ thuật đã không tới tầm còn làm cho truyền thống bị méo mó.

“Chúng ta đang sở hữu một nguồn tài nguyên phong phú từ kho tàng truyền thống. Nếu nhìn kho tàng đó dưới lăng kính đương đại - nằm bên dưới những câu chuyện dân gian, thì chúng ta sẽ có những sản phẩm nghệ thuật độc đáo - khi xã hội ngày càng xuất hiện nhiều hơn những suy tư, hoài niệm, ước muốn quay về truyền thống”- Họa sĩ Tạ Huy Long


Theo Hòa Trần - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng