Xây dựng đề án “Chiến lược phát triển ngành văn hóa TPHCM giai đoạn 2020-2035” là điều hết sức cần thiết và đã được UBND TPHCM thông qua mới đây. Trong tình hình hiện nay, việc xác định các hướng phát triển văn hóa sẽ vừa mang tính chiến lược, vừa có ý nghĩa thiết thực.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Trong các nội dung đề án, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xác định là một trong những nội dung cốt lõi để phát triển ngành văn hóa thời gian tới. Những năm qua, để hướng tới xây dựng TPHCM thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, thành phố đã triển khai việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay, 2 cơ sở văn hóa đặc biệt gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bến Nhà Rồng (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM) và Nhà số 5 đường Châu Văn Liêm (phường 14, quận 5) được xếp loại di tích cấp thành phố và cấp quốc gia.
Đề án chiến lược nhấn mạnh việc tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh rộng rãi trong toàn thể nhân dân bằng những hình thức phong phú. Cụ thể, đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, xuất bản các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí, phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về các gương điển hình. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật gốc, hiện vật liên quan đến hoạt động Bác Hồ; phối hợp các cơ quan nghiên cứu, bảo tàng trong và ngoài nước thực hiện nghiên cứu, tổ chức tọa đàm về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng đạo đức của Người. Ngoài ra, việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng các di tích gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại địa phương; phát triển các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa tiêu biểu, xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh tại TP Thủ Đức… sẽ được thực hiện.
Theo PGS-TS Đỗ Ngọc Anh, Trường Đại học Văn hóa TPHCM, với việc đề án chiến lược được thông qua, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong thời gian tới sẽ trở thành niềm tự hào của thành phố. “Những hình ảnh, hiện vật về cuộc đời của Bác phải được thể hiện sâu sắc, ấn tượng hơn và đến thật gần với người dân. Nếu chưa làm được hết các quận huyện thì phải thực hiện được ở khu vực trung tâm thành phố. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là một bức tượng ngoài không gian công cộng hay vài ba tác phẩm văn học nghệ thuật… mà còn tổng hòa nhiều yếu tố, hướng đến hình thành lối sống nơi con người TPHCM, mang đậm chất văn hóa Hồ Chí Minh…”, PGS-TS Đỗ Ngọc Anh chia sẻ.
Nâng cao sự thụ hưởng văn hóa của người dân
Để thực hiện chiến lược trên, thành phố sẽ đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, bộ máy quản lý văn hóa, sự phát triển các lĩnh vực văn hóa để có chính sách đột phá cho từng lĩnh vực văn hóa theo chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Khi thông tin đề án chiến lược được thông qua, rất nhiều đơn vị, cá nhân hoạt động trong ngành văn hóa vui mừng, bởi đó là tín hiệu tốt giúp ngành văn hóa tiếp tục có những bước chuyển mình đáng kể. Theo đại diện Trung tâm Văn hóa TPHCM, đây là một trong những bước tạo tiền đề cho các thiết chế văn hóa được chú ý, phát triển hơn. “Với đề án này, lãnh đạo thành phố sẽ nắm rõ hơn về hoạt động của các thiết chế văn hóa tại cơ sở, có số liệu cụ thể về bộ máy, cơ sở vật chất, nội dung hoạt động và hiểu rõ vị trí đặt để các trung tâm văn hóa đã phù hợp chưa… Hiện nay nhiều trung tâm được bố trí vị trí chưa hợp lý nên hoạt động khó khăn, khó quảng bá. Mong rằng sẽ có hướng điều chỉnh, xây dựng các thiết chế văn hóa phù hợp, xứng tầm, phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng đa dạng của người dân”, đại diện Trung tâm Văn hóa TPHCM nói.
Mục tiêu lớn nhất của đề án chiến lược là hướng tới nâng cao sự thụ hưởng văn hóa của người dân. Chị Nguyễn Thị Phương Nhung (32 tuổi, ngụ quận 10) cho rằng, hiện nay thành phố đã chú trọng việc xây dựng không gian công cộng như phố đi bộ, công viên, khu vui chơi…, tổ chức nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật ở đây. Tuy nhiên, theo chị, sự thụ hưởng văn hóa giữa nội thành và ngoại thành còn chênh lệch khá xa: “Hy vọng với chiến lược mới sẽ tạo điều kiện cho nhiều người dân tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, thậm chí tham gia cùng sáng tạo. Một điều nữa, thành phố còn thiếu những công trình văn hóa mang tính biểu trưng, đáp ứng yêu cầu giao lưu văn hóa nghệ thuật quốc tế, trong khi nhu cầu thụ hưởng văn hóa, hoạt động văn hóa của người dân bây giờ rất phong phú”. Còn anh Ngô Quang Duy (38 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) thẳng thắn chia sẻ: “Không ít người thấy rõ sự đầu tư cho văn hóa, các thiết chế văn hóa chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội, với vị thế của thành phố. Hệ thống thiết chế văn hóa đang phát triển chậm, một số nhà hát, rạp chiếu phim... bỏ không. Rồi bảo tàng, các di sản văn hóa xuống cấp, người dân chưa mặn mà thưởng lãm, tìm hiểu. Văn hóa phát triển chưa thực sự mạnh, tác động hiệu quả đến xây dựng lối sống con người. Mong rằng, đề án chiến lược sẽ tạo đà cho những thay đổi tích cực”.
Theo Võ Thắm - SGGP