Câu chuyện hôm nay
Người Phật tử ứng phó với đại dịch như thế nào?
15:26 | 09/04/2021

Với sự xuất hiện của loại virus mới SARS-CoV-2 ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019 và sau đó đã bùng phát thành đại dịch toàn cầu, các tổ chức Phật giáo trên thế giới đã bắt tay vào hành động.

Người Phật tử ứng phó với đại dịch như thế nào?
Sri Lanka: Chư Tăng cầu nguyện suốt đêm tại Colobom cho những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên toàn thế giới

Mặc dù hình thức của các hoạt động này rất đa dạng, thể hiện sự khác biệt về truyền thống và văn hóa, nhưng tất cả đều xoay quanh những vấn đề lớn mang tính thời đại.

Nỗ lực ứng phó trong đại dịch

Một hoạt động tiềm năng có thể kể đến là dự án mang tên Flatten the Curve, được giới thiệu bởi một chi nhánh tại Hoa Kỳ của Tổ chức Từ Tế - một tổ chức nhân đạo Phật giáo lớn có trụ sở tại Đài Loan với hơn 10 triệu thành viên và 45 chi nhánh trên toàn cầu. Trong một thông cáo báo chí vào đầu tháng 4, chi nhánh Từ Tế tại Hoa Kỳ cho biết họ sẽ cung cấp hàng triệu khẩu trang và các vật tư y tế cần thiết cho các nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân và tổ chức một chương trình hỗ trợ cho những người bị tổn hại về kinh tế, xã hội trong đại dịch. Những hoạt động này nhằm ngăn chặn và giảm thiểu sự ảnh hưởng của đại dịch trên toàn cầu. Trong suốt thời gian đó, trụ sở chính của Hội Từ Tế đã phổ biến các nội dung Phật pháp được chọn lọc để phù hợp với thời điểm khó khăn này. Điển hình là “lời nhắc nhở hàng ngày”, với nội dung khuyên mọi người nên cầu nguyện, duy trì chánh niệm, thanh lọc tâm trí, nuôi dưỡng lòng từ bi, ăn chay và xem đại dịch trước mắt là cơ hội để thức tỉnh tâm linh.

Người Phật tử ứng phó với đại dịch như thế nào? ảnh 1
Đại diện Hội Từ Thiện Tzu Chi (Từ Tế) Đài Loan tại Hà Nội, ông Wang Kuang-Hung trao tặng 10.000 khẩu trang y tế

Trong nỗ lực ứng phó với đại dịch, một tổ chức quy mô nữa phải kể đến là Soka Gakkai (SGI), trụ sở chính tại Tokyo (Nhật Bản) với khoảng 12 triệu thành viên tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong một thông điệp ngày 10-4, Chủ tịch SGI Minoru Harada cho biết các chi nhánh của tổ chức này tại Ý, Malaysia và Mỹ đang quyên góp khẩu trang và gây quỹ để giúp đỡ các nhân viên y tế tuyến đầu. Hơn nữa, các thành viên của SGI ở Nhật Bản đã đưa ra ý tưởng​ “Stay Home” trên Twitter.

Cũng vào đầu tháng 4, Tổ chức Dhammakaya Thái Lan đã đăng lên YouTube lời kêu gọi khoảng ba triệu thành viên toàn cầu cùng nhau “thực hành thiền để chống lại virus Corona”. Tổ chức này kêu gọi tổng cộng một triệu phút thiền định thông qua các buổi thực hành thiền tập thể vào ngày 22-4, mục đích chính là để “chữa lành thế giới”. Trong khi đó, Đức Dalai Lama cũng truyền đi các thông điệp của mình về Covid-19. Trong một bài viết trên tạp chí Time vào ngày 14-4, ngài đã dựa vào nguyên lý duyên sinh, vô thường và khổ đau để giải thích cuộc khủng hoảng mà nhân loại đang đối mặt. Đồng thời, ngài cũng kêu gọi lòng từ bi và sự cầu nguyện của tất cả mọi người.

Những gợi ý từ truyền thống Phật giáo

Như vậy, những hành động mà các cá nhân và tổ chức Phật giáo thực hiện để ứng phó với đại dịch Covid-19 rất đa dạng. Các tổ chức này hoạt động dựa trên lý thuyết và lịch sử Phật giáo. Nhiều người trong chúng ta có lẽ đã quá quen thuộc trong việc áp dụng các giáo lý Phật giáo trong việc cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Tuy vậy, chúng ta có thể chưa biết rằng cũng có những trường hợp Phật giáo đã chỉ ra những cách ứng phó trực tiếp, cụ thể và hiệu quả đối với các bệnh truyền nhiễm trong nhiều thiên niên kỷ qua. Các giải pháp nhằm ngăn chặn bệnh dịch được đề cập chi tiết trong những bộ kinh lớn của các truyền thống Phật giáo.

Nhiều hoạt động trong lịch sử ngày nay được lặp lại để ứng phó với đại dịch. Ở đây, người viết sẽ tập trung vào ba điểm đặc trưng: thiền, từ thiện và bảo tồn lễ nghi. Các ví dụ được đề cập dưới đây đã được ghi lại bởi các học giả nghiên cứu lịch sử Phật giáo và y học, và được rút ra từ tuyển tập Phật giáo & Y học của người viết do Nhà xuất bản Đại học Columbia đã xuất bản gần đây.

Hội Từ Tế, Dhammakaya và nhiều tổ chức khác đang áp dụng sức mạnh của thiền định để tăng cường sức khỏe. Nhiều ngôi chùa và trung tâm thiền trên toàn thế giới đã cung cấp những tư liệu về thiền như hình ảnh của chư Tăng thực hành thiền, các bài thiền tập có kèm theo hướng dẫn đặc biệt nhằm phục hồi năng lượng của tự thân và hướng đến bình an, hạnh phúc.

Người Phật tử ứng phó với đại dịch như thế nào? ảnh 2

Trong khủng hoảng Covid-19, thiền định là phương pháp được nhiều người tìm tới nhất - Ảnh minh họa

Thiền không chỉ giúp giảm căng thẳng, tăng khả năng phục hồi, mà còn trực tiếp chữa lành các bệnh về thể chất. Ví dụ, quán chiếu về thất giác chi được xem như một phương pháp thực hành để chữa lành bệnh tật được đề cập trong một số kinh văn Phật giáo, chẳng hạn như kinh Girimananda thuộc Kinh tạng Pali, được biên soạn vào thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch; hay như kinh Vimalakirti, được viết vào năm 100 sau Tây lịch. Các thiền quán trị bệnh cũng đóng một vai trò nổi bật trong truyền thống Kim cương thừa ít nhất là kể từ thế kỷ thứ V sau Tây lịch. Mặc dù các nguyên lý chữa bệnh bằng cách thực hành thiền này hoàn toàn khác nhau, tùy theo từng truyền thống và văn hóa, nhưng về căn bản thì tất cả đều quan niệm rằng thiền định có thể chữa khỏi hoặc ngăn ngừa bệnh tật.

Điều quan trọng thứ hai giúp đối phó với đại dịch chính là lòng từ bi đối với người bệnh. Các hoạt động ​​từ thiện của các tổ chức như Từ Tế và SGI hiện nay là sự tái hiện của việc từ thiện y tế Phật giáo đã có từ nhiều thế kỷ trước, bắt đầu từ thế kỷ thứ VI và tiếp tục trong suốt thời kỳ trung đại. Các ghi chép về lịch sử cho thấy tại Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Sri Lanka, Thái Lan và Tây Tạng, các bệnh viện và trạm y tế được thành lập và hỗ trợ bởi các đại thí chủ. Các cơ sở y tế này thường được phục vụ bởi các tu sĩ Phật giáo, nhiều cơ sở nằm trong khuôn viên của chùa chiền, tu viện.

Các cơ sở Phật giáo còn đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các hoạt động cứu trợ thiên tai hoặc các cơ sở y tế công cộng ở cấp địa phương. Trong khi trước kia, các bệnh viện chăm sóc bệnh nhân bằng nhiều loại thuốc cổ truyền khác nhau, thì hiện nay nhiều tổ chức Phật giáo đương đại đã chuyển sang trị liệu bằng khoa học và y sinh. Do đó, các tổ chức từ thiện Phật giáo ngày nay tích cực hỗ trợ hoặc trực tiếp quản lý tất cả các bệnh viện, phòng khám và những hoạt động ​​y tế công cộng trên toàn thế giới.

Một vấn đề nữa hỗ trợ cho việc ứng phó với đại dịch là sự bảo tồn nghi lễ. Hội Từ Tế khuyên mọi người nên cầu nguyện hàng ngày, SGI nhấn mạnh đến việc tụng thần chú hay Đức Dalai Lama cầu nguyện Bồ-tát Tara. Đây là mối quan tâm chung của các Phật tử từ thời xa xưa, khi các ghi chép về lịch sử của các truyền thống được viết ra, và giờ đây tiếp tục là điều quan trọng đối với hầu hết các Phật tử trên toàn thế giới.

Với vai trò trọng yếu trong học thuyết và lịch sử Phật giáo, không có gì ngạc nhiên khi thấy thiền, từ thiện y tế và nghi lễ đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động của Phật giáo để ứng phó với Covid-19. Các Phật tử luôn xem những biện pháp này là cách để chữa lành thân tâm trong đại dịch.

Nguồn: Phổ Giác - GNO
 










 
Các bài mới
Các bài đã đăng