Những ngày qua, dư luận xôn xao về bức tượng Nữ Thần Tự do phiên bản lỗi, được nhận xét thiếu tính thẩm mỹ xuất hiện trong một khu du lịch ở Sa Pa - Lào Cai. Đó không chỉ là cảnh báo về sự tùy tiện trong thẩm mỹ mà còn là câu chuyện về việc quản lý loại hình du lịch mới.
Tác phẩm điêu khắc xấu xí, không phù hợp được đặt ở không gian công cộng, các điểm đến, khu tham quan du lịch… không mới. Bởi khi nhắc tới điều này có thể kể đến những bức tượng ma quỷ ở một khu du lịch tại Lâm Đồng và ồn ào không kém là vườn tượng 12 con giáp có tạo hình phản cảm trong một khu du lịch ở Hải Phòng…
Những tưởng bài học về sự tùy tiện trong tư duy mỹ thuật còn đó, mọi người sẽ tránh. Nhưng buồn thay, sự tùy tiện ấy lại tiếp tục lặp lại ở Sa Pa, một trong những điểm du lịch thu hút du khách ở miền Bắc.
Có thể nhờ sự xấu xí mà điểm check-in Ansapa được biết đến nhiều hơn, thậm chí nhiều người cũng sẽ tìm đến đây để thỏa chí tò mò xem bức tượng xấu đến mức nào… Nhưng liệu cách quảng bá bằng scandal như vậy có đem lại giá trị bền vững? Liệu hình ảnh du lịch có được nâng tầm khi trông chờ vào những phiên bản lỗi, vào gu thẩm mỹ như vậy?
Có thể nhờ sự xấu xí mà điểm check-in Ansapa được biết đến nhiều hơn, thậm chí nhiều người cũng sẽ tìm đến đây để thỏa chí tò mò xem bức tượng xấu đến mức nào… Nhưng liệu cách quảng bá bằng scandal như vậy có đem lại giá trị bền vững? Liệu hình ảnh du lịch có được nâng tầm khi trông chờ vào những phiên bản lỗi, vào gu thẩm mỹ như vậy?
Trước thực trạng xây dựng, trưng bày tượng, biểu tượng có nội dung và hình thức không phù hợp với văn hóa Việt Nam tại một số khu du lịch và địa điểm công cộng, tác động không tốt đến môi trường văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng và xã hội, từ năm 2018, Bộ VH-TT-DL cũng đã ra văn bản nhắc nhở các địa phương tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền.
Bộ VH-TT-DL nói rõ, cần thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, bảo đảm môi trường văn hóa, thẩm mỹ, nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Điều đó khẳng định một lần nữa, không phải là chưa có chế tài xung quanh việc trưng bày tranh, tượng, tác phẩm mỹ thuật ở nơi công cộng, điểm du lịch… trái thuần phong mỹ tục, như một vài ý kiến nhầm tưởng.
Cũng cần nói rõ hơn, tranh, tượng… là những tác phẩm nghệ thuật. Vì thế, việc sao chép phải tuân thủ nghiêm theo quy định về bản quyền. Không thể mặc nhiên thích sao thì sao, thích chép thì chép. Bức tượng Nữ Thần Tự do ở Sa Pa có thể coi là một tác phẩm phái sinh của bức tượng nguyên bản đang trưng bày tại Mỹ.
Theo quy định về bản quyền, có thể không cần phải xin phép chủ sở hữu, song nó lại bị ràng buộc bởi Nghị định 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, bảo đảm môi trường văn hóa, thẩm mỹ, nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.
Sự tùy tiện trong tư duy thẩm mỹ của doanh nghiệp đáng trách một thì vai trò quản lý của cơ quan chức năng ở địa phương phải đáng trách gấp nhiều lần. Với một công trình lớn như thế, không thể dễ dàng thực hiện trong một sớm, một chiều, vậy mà chỉ khi dư luận ồn ào về bức tượng xấu, thì mới lòi ra điểm du lịch này hoạt động không phép.
Đáng lo hơn là trên địa bàn thị xã Sa Pa có tới 20 điểm du lịch check-in do dân tự ý xây dựng, vậy Sa Pa sẽ như thế nào nếu một ngày đẹp trời nào đó, chúng ta sẽ bắt gặp không phải 1, 2 mà thậm chí nhiều hơn nữa những phiên bản tượng Nữ Thần Tự do tại vùng đất vốn được coi là thuần khiết và đậm đà bản sắc văn hóa vùng Tây Bắc?
Chuyện khai thác nghệ thuật công cộng làm du lịch đã được nhiều chuyên gia về mỹ thuật lên tiếng cảnh báo. Cái lợi của ứng dụng mỹ thuật vào làm du lịch không thể chối bỏ, nhưng ngay cả một dự án có chất lượng nghệ thuật tốt, mang lại giá trị kinh tế thông qua du lịch mà lại cũng có những nguy hại tiềm ẩn cho cộng đồng thì rất đáng lưu tâm. Nói một cách đơn giản rằng, đừng nhân danh nghệ thuật mà tùy tiện với nghệ thuật, như cách mà nhiều người đang cố ngụy biện cho lối làm của riêng mình!
Theo Mai An - SGGP