Gia đình có vai trò quan trọng trong việc chọn lọc, lưu truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Phát triển gia đình là nhiệm vụ có tính chiến lược của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Trước tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, gia đình Việt đã trải qua những biến chuyển lớn, kéo theo sự thay đổi các giá trị gia đình truyền thống. Vì vậy, xác định hệ giá trị chuẩn mực mới cho gia đình Việt Nam là công việc cần thiết hiện nay.
Gia đình truyền thống biến đổi
“Gia đình truyền thống đang bị phai nhạt nhưng giá trị gia đình không mất đi. Văn hóa gia đình vẫn là gốc của xã hội. Giáo dục đầu tiên là giáo dục từ gia đình, giáo dục trong gia đình. Với một kết cấu bền chặt và sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, cần thúc đẩy các điều kiện để thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, tạo nên giá trị xã hội và nhân cách con người. Các hoạt động tôn vinh gia đình mà chúng ta đang tiến hành chính là một cách góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng |
Tại Hội thảo “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam: Nhận diện và giải pháp” sáng 28.6, TS. Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận định, chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa đã có nhiều tác động tích cực tới kết quả xây dựng gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, gia đình Việt cũng phải đối diện với nhiều thách thức, thậm chí khủng hoảng. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo hơn, một số truyền thống tốt đẹp trong các gia đình bị phá vỡ.
Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu gia đình và giới năm 2020, quan điểm hôn nhân của thanh niên đã cởi mở hơn, hiện đại hơn với một số hiện tượng hôn nhân gia đình mới. Tình trạng sống độc thân, kết hôn đồng giới, sống thử, chung sống không kết hôn, làm mẹ đơn thân… ngày càng nhiều. Trong gia đình, việc giáo dục con cái, trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già cũng đã thay đổi đáng kể. Con cái ít được cha mẹ quan tâm, đôi khi bị phó mặc cho nhà trường, chịu sự tác động của môi trường xã hội. Việc chăm sóc cha mẹ già chuyển từ trực tiếp hàng ngày sang gián tiếp qua hỗ trợ tài chính, quan tâm đời sống tâm lý, tình cảm…
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết thêm, việc bùng nổ thiết bị thông minh khiến các cá nhân dễ dàng đắm chìm trong thế giới ảo, giảm giao tiếp trong gia đình và xã hội. Trong thế giới phẳng hiện nay, lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của con người và đặc biệt là sự duy trì các quan hệ xã hội thực sự thay đổi…
Những biến đổi trong bối cảnh xã hội mới đặt ra yêu cầu có cách nhìn “động” hơn về mối quan hệ của thiết chế gia đình với các thiết chế xã hội khác như kinh tế, văn hóa, chính trị… thúc đẩy vai trò và sự tham gia của gia đình vào quá trình phát triển xã hội bền vững.
Giáo dục đạo đức, nhân văn
Nghiên cứu các giải pháp nhằm vun đắp hạnh phúc gia đình trong xã hội hiện đại, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi cho biết, vấn đề đặt ra đối với các gia đình Việt Nam trong giai đoạn này là làm thế nào vừa tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập, vừa giữ được bản sắc dân tộc và phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài đất nước.
Để làm được điều đó, theo PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, 4 giá trị gia đình quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn tới gồm: An toàn, thịnh vượng, trách nhiệm và bình đẳng giới. “Gia đình trước hết và quan trọng nhất là môi trường sống lành mạnh, yêu thương, không có bạo lực, xâm hại, xao lãng, nơi cá nhân tìm về khi gặp khó khăn, giúp cá nhân không xa lánh xã hội và rơi vào các thách thức khó khăn kế tiếp, cân bằng tâm lý, tình cảm cho cá nhân trước áp lực cuộc sống”.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa bổ sung, cũng cần tập trung tuyên truyền về gia đình và giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; xác định hệ giá trị chuẩn mực mới cho gia đình Việt Nam; hỗ trợ xây dựng gia đình với ý nghĩa là môi trường giáo dục đầu tiên và suốt đời của mỗi người. Cụ thể, cung cấp tới từng gia đình các kiến thức, kỹ năng sống như kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng. Giáo dục mọi gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh… Đặc biệt, phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam là yêu thương, chia sẻ, gắn với những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, vun đắp giá trị gia đình Việt Nam về cơ bản là từ phong trào lấy phụ nữ làm hạt nhân nhằm bảo vệ các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, để gia đình thực sự là nơi an toàn cho mỗi cá nhân tìm về, vợ chồng bình đẳng, cùng nhau xây dựng gia đình thịnh vượng, bền vững và văn hóa, góp phần phát triển xã hội bền vững, hạnh phúc.
"Văn hóa gia đình cần được xây dựng trên nền tảng nhân văn, đề cao giá trị đạo đức, nền nếp, kỷ cương một cách tự giác, nuôi dưỡng tâm hồn, rèn luyện phẩm chất, hình thành nhân cách con người. Giá trị hôn nhân và con cái trong gia đình cần tiếp tục khẳng định. Yếu tố bình đẳng, tiến bộ trong gia đình hiện đại cần được thấm sâu hơn" - TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy - Học viện Phụ nữ Việt Nam đề xuất.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đưa tiêu chí văn hóa vào nội hàm các cuộc vận động trên toàn quốc, như "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ); các mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc có sự tham gia của nam giới và các thành viên trong gia đình…
Nguồn: Hương Sen - ĐBND