TP.HCM đã qua gần 5 tuần thực hiện giãn cách xã hội và Chỉ thị 10, chị tôi và những người thân của chị, hay chú Bảy, chú Út chạy xe ôm trước cơ quan tôi cũng như nhiều người khác, đã thấm mệt mỏi với sự sợ hãi, lo âu...
Chị tôi năm nay 56 tuổi, từng mưu sinh nhiều nơi, đã chọn đất TP.HCM, nơi có các con của chị đang sinh sống, để gắn phần đời còn lại.
Với năng khiếu bẩm sinh về nấu ăn, và tính chịu thương chịu khó của người miền Trung, chị đã gầy dựng một điểm bán bún bò Huế nhỏ ở một con đường thuộc khu vực Bàu Cát, quận Tân Bình, lấy công làm lời tạm đủ qua ngày, không lệ thuộc tài chánh vào người thân, con cái.
Ngày 2-7 vừa qua, chiếc xe để thức ăn nơi cái quán nhỏ của chị đã bị đội trật tự địa phương “chở” lên phường, để lại trên khuôn mặt của chị, cả người chồng đã ngoài 60 và những người làm có cuộc sống bấp bênh nỗi buồn nặng trĩu, mà đằng sau đó tôi cảm nhận là nỗi sợ hãi, lo âu cho thời kỳ sắp tới không biết sẽ ra sao.
Không sợ hãi sao được khi thế giới thông tin hàng ngày ngồn ngộn những con số, cảnh báo khiến người tiếp nhận như tôi đôi khi cũng bủn rủn tay chân, huống nữa là người lao động tính công theo buổi, theo ngày.
Không sợ hãi sao được khi người dân được cơ quan Bộ Y tế phát đi yêu cầu “Cảnh giác cao độ vì ai cũng có thể là F0”; Lãnh đạo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM phổ biến thông điệp “Hãy xem người đối diện với mình như là F0”, trong khi đó thông tin về các biến chủng với tốc độ lây nhiễm cao, có khả năng tấn công vào cơ thể con người một cách khó lường…
Covid-19, không chỉ là bóng ma, mà là nỗi ám ảnh thường trực với người dân TP.HCM, không chỉ gây bệnh mà đè bẹp cả đời sống vì chợ bị dẹp, hàng quán đóng cửa, bất cứ nơi nào cũng có thể bị phong tỏa vì có ca nhiễm, hoặc nghi nhiễm hay chỉ vì nguy cơ.
Cũng chỉ mong muốn được đi lại để mưu sinh mà người dân một số nơi bất chấp nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, chen lấn nhau để được cầm cho được tấm giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính tạm thời.
Tôi không muốn gọi việc phòng, chống cơn đại dịch này là một cuộc chiến, vì không muốn xem ai là kẻ thù, cả với con virus corona mà chúng ta không thể thấy được bằng mắt thường kia bởi như thế thì càng làm tăng thêm nỗi sợ hãi, lo âu và nghi kỵ, vì nó có thể ở trong bất cứ người nào, cả người thân của mình, hay chính chúng ta.
Trong khi hơn lúc nào cả, chúng ta cần tinh thần cảm thông, chia sẻ, bình tĩnh và trách nhiệm liên đới để làm nên sự đoàn kết trước những làn sóng của đại dịch tấn công dồn dập, ở nơi này và nhiều nơi khác.
TP.HCM đã qua gần 5 tuần thực hiện giãn cách xã hội và Chỉ thị 10, chị tôi và những người thân của chị, hay chú Bảy, chú Út chạy xe ôm trước cơ quan tôi cũng như nhiều người khác, đã thấm mệt mỏi.
Mỗi sáng, trưa, chiều, tối… các kênh thông tin liên tục cập nhật các ca nhiễm mới, và ở TP.HCM vẫn ở 3 con số. Niềm hy vọng tuần tới sẽ yên, cuộc sống “bình thường mới” sẽ trở về, và mong rằng đừng để nỗi lo âu, sợ hãi vì Covid-19 lớn quá lấn che mất những tia hy vọng kia.
Hiểu biết, đủ thông tin, khuyến khích sự chia sẻ, cảm thông và đoàn kết trong tinh thần trách nhiệm liên đới trong niềm hy vọng kia sẽ làm gia tăng sức chịu đựng, tính bền bỉ để đi qua cơn dịch này, như chúng ta đã từng đi qua những khó khăn mà tính khốc liệt còn dữ dội hơn nhiều.