“Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có về Nam Định với anh thì về/ Nam Định có bến đò Chè/ Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ”.
Câu ca ấy nói về làng Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh – Nam Định) ở ven dòng Ninh Cơ với nghề trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng từng đạt giải cao ở Phủ Thủ hiến Bắc Kỳ.
Nghề cũ làng xưa
Cụ Phạm Văn Đinh, một trong những người thợ lành nghề cuối cùng còn sót lại của làng Cổ Chất hay có một thói quen lạ. Mỗi lần ngồi quay tơ, cụ hay lẩm bẩm gì đó như là đọc thần chú. Hỏi mấy người con cháu của cụ, họ đều lắc đầu bảo không biết cụ đọc gì.
Cái thói quen này, cụ đã giữ mấy chục năm rồi. Bao nhiêu người tò mò, hỏi xem cụ đọc thần chú gì? Cụ chỉ cười, bảo là thần chú nghề.
Câu chuyện đã đến lúc thân tình, cụ Đinh mới bày hết tâm gan: “Có thần chú thần bác gì đâu. Tôi hay đọc nhẩm câu ca của làng “có tàu Ngô Khách, có làng ươm tơ”. Nó đã thành cái thói quen từ hồi trẻ. Khi ấy, các cụ dạy nghề kỹ lắm. Cứ phải thuộc làu những câu ca nói về nghề ươm tơ, dệt vải thì mới dạy tiếp đến những khâu khó hơn”.
Cụ Đinh cho biết, nghề dâu tằm Cổ Chất ngày xưa chỉ đơn giản lấy tơ đan lưới đánh bắt cá. Dòng sông Ninh Cơ, một nhánh lớn của sông Hồng chảy qua Cổ Chất đã cho làng một thứ nghề nuôi sống bao đời nay. Lúc ấy, những bãi dâu cho tằm ăn không phải để dệt lụa mà để dệt lưới. Cho nên, người Cổ Chất trước đây được gọi là vạn chài.
Lịch sử làng Cổ Chất ghi lại, từ thời Hậu Lê, vào đời vua Lê Tương Dực, có các cụ Phạm Tài Dũng, Đoàn Sùng Hưng, Nguyễn Chân Phúc, Nguyễn Tri Vinh đến gò Ma Sá bên dòng sông Đại Hà trú ngụ để làm nghề chài lưới.
Sau khi được một vị quan tên Phương Đình Công giúp đỡ, các cụ cùng gia đình con cháu nhập cư, giao đất rồi tạo dựng thành trang Cổ Hiền thuộc tổng Phương Để. Và cũng từ đó, các cụ còn phát triển thêm nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo kén.
Với nhu cầu tiêu thụ mặt hàng vải lụa, làng Cổ Chất mới dần bỏ nghề vạn chài, chuyển sang ươm tơ dệt lụa. Vậy mà, mấy thế kỷ đã qua, cả đất Nam Định chỉ còn mình Cổ Chất còn giữ được nghề. Nghề có lúc lên lúc xuống, có lúc nghiệt ngã nữa, nhưng người Cổ Chất đã ăn đời ở kiếp với tơ tằm, với dệt lụa nên nghề vẫn ở với họ.
Cổ Chất là một làng cổ, tuy không thuộc hàng đẹp nhất của Nam Định, nhưng nhiều di tích còn giữ được nguyên vẹn. Và, nhiều tập tục xưa mà không cũ, cổ mà không hủ vẫn được dân làng duy trì. Nhiều khách thập phương về Cổ Chất, sẵn sàng bỏ ra một số tiền để được ở trong những ngôi nhà gỗ lợp rơm, nghe tiếng thoi đưa dệt cửi quê mùa.
Cụ Đinh nói rằng thời thuộc Pháp, tơ Cổ Chất nổi tiếng nhất trong cả nước. Tuy số lượng không bằng làng Vạn Phúc (Hà Đông) và Nha Xá (Hà Nam), nhưng chất lượng và vẻ mịn đẹp thì lại hơn hẳn.
Người Pháp thường hay mua lụa Cổ Chất rồi chuyển theo đường tàu hỏa, hay theo đường thủy về nước. Đến thương nhân nổi tiếng Bạch Thái Bưởi cũng theo tàu thủy về đây khảo sát, đặt làng làm những tấm lụa mịn rồi chuyển bán bên Hồng Kông, Đài Loan.
Đầu thế kỉ XX, nhận thấy tơ Cổ Chất sánh được với tơ sợi Trung Hoa, Ấn Độ, giới tư bản Pháp đầu tư một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng. Từ đây, thương nhân các nơi thường tìm về Cổ Chất mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè.
Năm 1942, chính phủ phong kiến mở phiên đấu xảo ở Hà Nội thu hút tinh hoa làng nghề từ khắp các nơi. Năm ấy, cụ Phạm Ruân của làng Cổ Chất đã đem tơ lụa đi thi và đoạt giải cao (giải Nhất) của Phủ Thủ hiến Bắc Kỳ. Sau, vì chiến tranh tàn phá nương dâu, xưởng ươm sụp đổ, dịch bệnh hoành hành khiến dâu tằm sông Ninh trơ trụi.
Tơ vàng Cổ Chất
Cái đận nghề ươm tơ dệt lụa thời chiến tranh của Cổ Chất như thế nào, lớp trẻ không ai biết rõ, và lớp cao niên như cụ Phạm Văn Đinh cũng không kể gì. Mãi đến thời bao cấp, nghề mới phục hồi nhờ mô hình hợp tác xã.
Nếu như các làng bên dựa vào lúa ngô khoai sắn thì Cổ Chất lại dựa vào bãi bồi trù phú ven sông. Những nương dâu xanh mướt màu ngọc nuôi nấng những kén tằm vàng tươi óng ánh.
Cho đến bây giờ, khách lạ đến làng Cổ Chất sẽ thấy một cảnh thanh bình hiếm thấy. Những tiếng lạch cạch, đều đều và chầm chậm từ những chiếc máy gỗ quay tơ nghe như tiếng nhạc. Ở những sân phơi ven đường, dải lụa vàng nhịp nhàng bay trong gió trông như một bức tranh phong cảnh.
Nghĩ, nếu anh chàng hay cô gái nào về đây ra mắt mà sẵn không ưng con người thì cũng phải ưng cái hồn làng Cổ Chất. Rồi lại ngẫm cái logic, làng là nơi nuôi dưỡng người ta. Chẳng có ai trở nên vô dụng nếu được ẩn náu dưỡng dục từ một ngôi làng tử tế. Làng, như một nghệ nhân đục đẽo ra tâm hồn người.
Người Cổ Chất, đúng như tên gọi của làng. Mỗi người đều mang trong mình những hoài cổ, những nếp sống mực thước của thời xửa xưa nên vô cùng chất phác. Không hẳn là cái nghề làm nên tính cách con người, mà chủ yếu ở cái nền nếp cũ dạy cho người ta giữ lấy thuần phong, mỹ tục.
Cái cách sống ấy làm cho những nghiệp đoàn xưa khi đặt hàng người Cổ Chất thì chẳng bao giờ lo ngại hàng hóa kém phẩm chất. Cho đến thời mới này, chưa thấy một lời phàn nàn của người làm nghề buôn bán khi hợp tác với Cổ Chất về giá cả lẫn chất lượng. “Ở làng tôi, người ta làm được bao nhiêu thì bán bấy nhiêu. Không bao giờ có tính gian manh trong sản xuất tơ lụa, cũng không bao giờ tráo hàng”, cụ Đinh khẳng định như vậy.
Bà Chu Thị Thư, một gia đình làm tơ lụa có tiếng ở Cổ Chất nói rằng, bà đã ăn đời ở kiếp với nghề này. Ngồi bên lò ươm, bà Thư đang miệt mài kéo tơ trong khi cô con dâu đang hì hụi trong làn khói bốc lên từ nồi luộc kén. “Kén tằm cho vào nồi nước sôi thì phải được khuấy liên tục theo phương pháp “con khuôn lôi sợi”. Sợi tơ chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng quay”, bà Thư giải thích.
Vì coi đây là một nghề sống còn nên người Cổ Chất sớm hôm cần mẫn bên nong dâu, bên nong tằm né kén. Cái câu “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” là giãi bày về sự vất vả của nghề này.
Ở Cổ Chất, người ta không có khái niệm nghỉ trưa, cũng không có thói quen ngủ sớm dậy muộn. Đặc trưng nghề khiến người ta cứ lật đật suốt ngày. Hết ra bãi chăm dâu, hái lá lại đến chăm tằm, kéo tơ.
Cách nào níu giữ nghề cổ?
“Kén tằm trưởng thành trong thời gian khoảng 25 ngày mới được đem đi kéo sợi. Kéo tơ xong còn phải chỉnh tơ. Nhặt tạp chất, quấn cho khuôn tơ được suôn và đều, sao cho tơ được sạch sẽ. Sau đó những cuộn tơ được cuộn thành từng bó, phơi khô dưới nắng.
Từ những bó tơ này, thương lái đến thu mua để dệt thành lụa. Tơ thành phẩm được xuất đi các vùng dệt như Vạn Phúc và Nha Xá, hoặc sang các nước như Lào, Thái Lan”, bà Thư cho hay.
Theo chính quyền địa phương, trước đây thì cả làng Cổ Chất ít nhiều đều gắn bó với nghề tơ tằm. Bây giờ, chỉ còn khoảng 20 hộ theo nghề. Một trong những lý do khiến người dân bỏ nghề cổ truyền, vì ngoài lý do vất vả thì cũng nhiều rủi ro, giá thành lại thấp nên nhiều người buộc phải bỏ đi tìm nghề khác.
Theo ước tính của người dân làng nghề, để có thể duy trì được hoạt động của một hộ kinh doanh cần khoản vốn rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay việc hỗ trợ vay vốn chỉ được khoảng 400 triệu đồng/năm đối với một hộ kinh doanh. Do đó, nguồn vốn cũng là một bài toán nan giải mà những người muốn giữ nghề truyền thống phải đối mặt.
Còn một vấn đề quan trọng nữa, đó là việc xây dựng thương hiệu cũng như hành lang pháp lý bảo vệ tơ Cổ Chất. Khó khăn nhất đối với những người làm nghề hiện nay là tìm đầu ra, bởi họ không có đơn vị thu mua ổn định. Một số hộ sản xuất phải tự tìm mối xuất khẩu sản phẩm sang Thái Lan hoặc Lào.
Ông Vũ Phi Bằng - Phó Chủ tịch UBND xã Phương Định cho biết, con tằm rất nhạy cảm với thời tiết, do đó việc chăm sóc và nuôi dưỡng vô cùng khó khăn và nhiều rủi ro. Hiện, 1kg tơ tằm người dân có thể bán với giá 1,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, các loại chi phí kéo theo như nhân công, vận chuyển... đều tăng nên khoản lãi thu lại chẳng đáng là bao. Đó cũng là lý do khiến nhiều gia đình bỏ nghề.
Theo Trần Siêu - GD&TĐ