Câu chuyện hôm nay
Khủng hoảng truyền thông hay khủng hoảng đạo đức?
14:49 | 19/08/2021

Thời gian qua trên các trang mạng xã hội dấy lên những cuộc chiến livestream, có kênh thu hút hàng trăm ngàn người xem, cả trong và ngoài nước.

Khủng hoảng truyền thông hay khủng hoảng đạo đức?
Ảnh minh họa

Các buổi livestream này sở dĩ thu hút nhiều người theo dõi vì liên quan đến những nhân vật mà chúng ta quen gọi là “celebrities”, người nổi tiếng trước công chúng, những người thành đạt trong nghề nghiệp của mình như nghệ sĩ thành danh, doanh nhân… Họ bóc mẽ nhau và đào bới những góc khuất sau ánh hào quang của nhau. Có điều đúng và cũng có nhiều điều chưa được xác minh, nhưng tất cả vẫn đủ để gây sóng gió thị phi.

Tôi còn nhớ vào ngày đầu năm dương lịch, trong chương trình trên VTV, một nhà ngoại giao, một trí thức tâm sự rằng bà rất muốn người Việt Nam trong năm mới lưu tâm hay có được ba đức tính mà theo bà đang mai một đáng lo ngại: lòng tự trọng, tính nhân ái, và biết xấu hổ. Bà chỉ nói vắn tắt rằng bước ra đường bây giờ, nhìn “văn hóa” giao thông, đi đứng của người Việt Nam là thấy bức xúc: không thấy ai nhường ai, chạy văng mạng, chửi thề bừa bãi.

Có câu chuyện kể rằng một nhà ngoại giao Úc trước khi từ biệt Việt Nam về nước vì hết nhiệm kỳ phát biểu rằng: “Tôi ở Hà Nội từ khi chưa có đèn xanh đèn đỏ, đến bây giờ đã có rồi mà nhiều người vẫn chưa biết!”.

Phải chăng học đường chịu trách nhiệm chính cho những lỗ hổng trong việc “dạy làm người”? Nói khác đi là giáo dục về lòng nhân, để tạo ra thế hệ học sinh có cảm xúc trước thời cuộc, giàu lòng trắc ẩn và tự trọng, trước khi nói đến đạo đức nghề nghiệp.

Ngoài ra, chính gia đình mới là nơi họ học những bài học đầu tiên về nhân cách. Trong bài viết “Nhân tính được dạy ở nhà hay ở trường?” đăng trên báo Phụ Nữ tháng 12-2019, tác giả Xuân Lộc có trích lời ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, khi ông gọi thời đại hôm nay là thời loạn chuẩn, rất dễ khiến người trẻ hoang mang và lạc lối.

Người ta tôn vinh những người nổi tiếng hay những người giàu khoe hàng hiệu hoặc phô trương sự giàu có hơn là người làm điều tốt đẹp, đóng góp cho xã hội. Điều ông nói không mới vì những tin được coi là “nóng bỏng” có nhiều người truy cập trên mạng là những tin như cô diễn viên nào đó xích mích với chồng hay mới vừa sinh con nước ngoài… có cả tin cô ca sĩ “nhí” nào đó “dậy thì thành công” (!) hay chàng ca sĩ nọ mới mua nhà vài chục tỷ. Chúng ta hiếm thấy việc nhắc nhở đến những người đóng góp cho xã hội, làm những hành động nhân ái như mở quán cơm không đồng, những người âm thầm làm việc tốt như những ông giáo về hưu dạy miễn phí cho trẻ trong khu phố, anh thợ vá xe miễn phí cho ai không đủ tiền dưới chân cầu…

Tương tự, những clip quay những cảnh bạo lực hay nhạy cảm được truy cập nhiều lần. Các cháu bé khi gặp tôi hay hỏi về cầu thủ nước ngoài hay giá các loại xe hơi như Lamborghini hay Mercedes mà không hề hỏi về lịch sử nước nhà hay những chuyện khác cần biết hơn.

Chúng ta phải nhấn mạnh vai trò của đạo đức luân lý trong hệ thống giáo dục ngày nay. Đức Đạt-lai Lạt-ma nói rằng: “… Tôi hy vọng có một số ý tưởng mới trong những cung cách giáo dục trẻ con về đạo đức luân lý qua những trường lớp công cộng và nền giáo dục thế tục, mà không cần đụng chạm đến tôn giáo. Trong lúc ấy, đối với cha mẹ, đề nghị và khuyến khích họ không chỉ quan tâm về những chủ đề như lịch sử, nhưng về từ bi yêu thương và tình cảm, qua chứng minh, chứ không chỉ bằng ngôn ngữ. Nếu cha mẹ hay giáo viên đang nói về từ bi yêu thương nhưng lại biểu hiện một khuôn mặt giận dữ, thì không thể đem đến sự thuyết phục cho tâm thức con trẻ. Vì vậy nên dạy dỗ qua hành động - lòng từ ái chân thành, tình cảm thật sự. Có những chương trình giảng dạy không bao gồm chủ đề đạo đức luân lý theo căn bản thế tục, nhưng quý vị, như một vị giáo viên, có thể dạy học trò của quý vị về những giá trị đạo đức và luân lý này”.

Nghĩa là ngài nhấn mạnh đến “thân giáo”. Cha mẹ hay thầy cô hay thậm chí nghệ sĩ, người của công chúng, trước hết phải biết làm gương. Thử tưởng tượng một ông bố vượt đèn đỏ thì làm sao dạy con chấp hành luật lệ giao thông? Cha mẹ bản thân là quan chức có nhiều tì vết sao làm gương cho lối sống trong sáng thanh bạch của người công bộc nhân dân? Thử hỏi những vụ gian lận điểm thi gần đây đều có bàn tay của cha mẹ, vậy chúng ta sẽ dạy con trẻ điều gì về sự công bằng trong thi cử?

Một đứa trẻ sống trong môi trường đạo đức sẽ tự nhận ra việc xúc phạm thân thể hay làm nhục người khác dù trong đời thật hay trên mạng xã hội cũng đều là sai, mặc cho những hành động này được ai đó tung hô hay cổ vũ. Trẻ được huân tập đạo đức sẽ không tự mãn, ngộ nhận về tài năng, hay cho mình cao hơn người khác. Nó sẽ không dám đánh bạn, quay clip tung lên mạng, tự suy tôn như người hùng, mà sẽ sống chan hòa, chia sẻ với bè bạn vui buồn và giúp đỡ bạn khi cần thiết. Đó là tiền đề để trở thành một công dân tốt mai sau.

Giáo sư Robert Sapolsky, Trường Đại học Stanford (Mỹ), cho rằng điều khiến con người độc đáo hơn những loài khác là vì chúng ta có lòng vị tha, có thể tha thứ cho những kẻ đã làm điều không tốt với mình. Các loài động vật khác cũng biết đồng cảm với đồng loại nhưng chỉ có con người biết yêu thương và đồng cảm với các giống loài khác, biết rung cảm trước những giá trị vô hình, như rơi nước mắt khi xem một bức tranh, bộ phim hay vở kịch …

Tổng hợp lại, chúng ta thấy văn hóa phải được xây dựng trên một cái nền chung là lòng từ bi, nói theo ngôn ngữ tâm lý học hiện đại là trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence) vì thiếu nó mọi thứ sẽ chông chênh, khập khiễng hay méo mó. Trong thời đại mới, EQ (emotional quotient) là một chỉ số quan trọng quyết định thành công và sự thỏa mãn với cuộc sống vì như một số nhà khoa học lo ngại robot và AI (trí tuệ nhân tạo) đang thay thế con người, thì chính EQ mới tạo khác biệt lớn trong thế kỷ XXI, để con người vẫn là con người.

Những biểu hiện vừa qua là phép thử cho nền tảng đạo đức xã hội và nền giáo dục nhiều thiếu sót về nhân cách của chúng ta.

Giáo dục như Phật dạy phải khế lý khế cơ. Chúng ta phải nương theo tình hình hoàn cảnh mà có biện pháp thích ứng. Trong hoàn cảnh nào thì thân giáo của cha mẹ thầy cô và những celebrities (những người nổi tiếng trong xã hội) cũng đóng vai trò quan trọng, vì đó là những tấm gương về đạo đức, sự chính trực, lẽ công bằng, tình yêu thương cũng như lòng trắc ẩn. Thanh thiếu niên được giáo dục trong môi trường như thế chắc chắn là những người sống có văn hóa, dù hôm nay hay ngày mai.

Đất nước đợi chờ một vụ mùa bội thu văn hóa. Mùa ấy phải gieo mầm từ hạt nhân đạo đức. Văn hóa là phép nhân hơn là phép cộng giữa đạo đức và những bài học. Chúng tôi xin nhắc lại một ý trong bài viết “Văn hóa Việt Nam - đôi điều suy ngẫm”, rằng “muốn xây dựng con người văn hóa mới, phải chú ý trước hết ở phần tâm và trí… Đó là con người không chỉ tôn trọng luật pháp, mà phải có lý tưởng sống, tuân theo lương tâm và theo một tôn giáo nào đó, nếu muốn. Tôn giáo vốn được xem là một môi trường tốt huân tập tâm hồn con người với những bài giảng về từ bi hay bác ái. Nhưng ngay cả người vô thần thì cũng phải sống có văn hóa, nghĩa là phải theo lương tâm. Anh ta cũng không thể nhân danh vô thần không tin vào kiếp sau, vào luân hồi, hay vào quả báo mà có thể ăn cướp, tước đoạt, gây hại cho kẻ khác được”.

Như vậy chúng ta thấy những khủng hoảng truyền thông sẽ không trở thành “khủng hoảng” khi con người biết sống khép mình trong giới hạn đạo đức mà hành xử, xét nét công tội kẻ khác cũng trong tinh thần hữu ái, tương thân, khoan dung và bảo ban nhau sống tốt hơn, đẹp hơn, mang tính xây dựng nhiều hơn…

Được như thế, xã hội mới trở thành “nhân văn” như ý nghĩa ban đầu của nó.

Theo Nguyên Cẩn - Giác Ngộ Online
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng