Câu chuyện hôm nay
Nghĩ từ những "chiếc nơ đỏ" hiếm hoi
16:18 | 10/06/2022

TRUNG SƠN

Một vài năm trở lại đây, những người quan tâm đến giá trị văn hóa của Huế vui mừng nhận thấy, bên cạnh các di sản quý báu của người xưa để lại, đã có không ít tác phẩm, công trình nghệ thuật mới làm đẹp thêm cho Huế, trong đó, hẳn phải kể đến sự xuất hiện các "Galery” - những phòng tranh thường xuyên ở 15 Lê Lợi, khách sạn Morin và những cuộc triển lãm được tổ chức liên tiếp ở Hội Văn Nghệ.

Nghĩ từ những "chiếc nơ đỏ" hiếm hoi
Văn nghệ sĩ Huế với NS Trịnh Công Sơn - Ảnh: tư liệu

Ngoài những tên tuổi quen thuộc trong giới nghệ thuật, một số tác giả sau nhiều năm im lặng đã bất ngờ "trình làng" nhiều tác phẩm mới có chất lượng, được người xem chú ý như Lê Quý Long hai năm trước và gần đây là triển lãm của hai cây bút Hồng Trọng Mỹ và Lê Văn Thiện...

Tuy vậy, điều tôi muốn nói lại từ những "chiếc nơ đỏ" hiếm hoi trong những phòng tranh ấy. Chiếc nơ đỏ kèm theo danh thiếp đính dưới bức tranh ấy là dấu hiệu báo rằng bức tranh ấy đã có người mua. Những chiếc nơ đỏ như vậy thật hiếm trong các phòng tranh ở Huế. Đã có phòng tranh của một họa sĩ quen biết - trong đó không ít bức có chất lượng - nhưng lại hoàn toàn vắng bóng những chiếc nơ đỏ!

Lý do của hiện tượng trên cũng dễ hiểu: Huế chưa hình thành một thị trường tranh. Người dân địa phương thì nghèo, ít ai đủ sức bỏ tiền mua tranh; còn khách du lịch, nếu muốn mua, nghĩ tới đóng gói, "mang vác" chúng ra Hà Nội hay vào thành phố Hồ Chí Minh để xuất ngoại, đều thấy ngại ngần.

Để có một phòng tranh, người họa sĩ thường phải bỏ ra mấy năm trời, tiêu tốn không ít tiền bạc. Tranh không bán được, lấy gì để "tái sản xuất"? Và cây cọ không hoạt động thì nghệ thuật cũng khó phát triển, nâng cao. Có cách gì gỡ được? Không chỉ một lần, tôi đã đề nghị các bạn họa sĩ Huế tập họp từng nhóm theo sở thích hoặc trường phái, mang tranh vào thành phố Hồ Chí Minh hay ra Hà Nội tổ chức triển lãm. “Tranh chọn từ Huế” - ví dụ một cái "tít" như vậy được chưng lên hẳn cũng gợi sự chú ý, cũng hấp dẫn lắm chứ. Tất nhiên, muốn tổ chức được những phòng tranh như vậy, phải có sự trợ giúp, liên kết của các tổ chức văn nghệ, trường mỹ thuật hoặc các "Mạnh Thường Quân". Tôi không hiểu vì lý do gì, những cuộc triển lãm như thế chưa được tổ chức. Có thể đây là một việc chưa nắm chắc phần thắng, chưa biết lời hay lỗ. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan", con đường nào cũng phải có người mở lối, xin cứ thử xem. Vả chăng, chúng ta từng mang những hoạt động văn hóa, những loại hình nghệ thuật khác của Huế (như ca múa, ảnh...) giới thiệu ở những vùng xa mà chẳng hề tính toán lời lãi.

Sự vật nào thường cũng có mặt đối lập. Từ hiện trạng những "chiếc nơ đỏ" hiếm hoi, tôi lại nghĩ đến một điều gần như trái ngược. Giả như sau mỗi cuộc triển lãm, các bức tranh đều được gắn "nơ đỏ" kèm danh thiếp khách du lịch phương xa thì bên cạnh niềm vui của người họa sĩ sẽ là một sự tiếc nuối - tiếc cho Huế đã không giữ lại được những tác phẩm mới để làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật của mình. Dù chưa có một thị trường tranh sôi động, mấy chục năm qua, biết bao nhiêu tác phẩm đã lặng lẽ rời Huế ra đi - trong đó hẳn có những tác phẩm xứng đáng lưu giữ lại cho hậu thế chiêm ngưỡng.

Làm thế nào để giữ lại cho Huế, cho Việt Nam những tác phẩm có giá trị ấy? Cũng không chỉ một lần, tôi và một số anh em hoạt động văn nghệ đã đề nghị Huế cần có một bảo tàng mỹ thuật hiện đại. Có thể vào giai đoạn cuộc sống vật chất còn quá khó khăn, ý tưởng ấy đã vượt quá khả năng thực hiện. Nhưng bây giờ, đất nước đã bước sang thời kỳ phát triển mới, Huế đã "lên cấp" và chẳng bao lâu nữa, "Nhà trưng bày tác phẩm Điềm Phùng Thị" sẽ khai trương thì thiết nghĩ, việc xây dựng bảo tàng mỹ thuật hiện đại Huế rất đáng được quan tâm. Đây là một công trình lớn, không thể hoàn thành trong chốc lát, nhưng nhiều việc phải bắt tay từ bây giờ, nếu không sẽ là sự muộn màng, hối tiếc không có cách gì cứu vãn được. Ví dụ việc lựa chọn vị trí nào, biệt thự nào xứng đáng với công trình nghệ thuật này, nếu không được quyết định sớm thì rất có thể một thời gian ngắn nữa, nơi đó đã bị biến thành nhà hàng hay bị nhượng bán cho một tổ chức nước ngoài nào đó. Rồi những "chiếc nơ đỏ" dù ít, sẽ lần lượt mang những tác phẩm có giá trị ra khỏi Huế.

Vì vậy, tôi mong ước, trong khi chưa có bảo tàng mỹ thuật, những tác phẩm có giá trị nhất ở các "Galery", các cuộc triển lãm sẽ được đính những "chiếc nơ đỏ" mà danh thiếp kèm theo không phải là người xa lạ, một tổ chức được nhà nước tài trợ, bao gồm những người am hiểu mỹ thuật nhất của Huế, sẽ quyết định đính những "chiếc nơ đỏ" ấy. Được như thế, người họa sĩ vui vì bán được tranh để tiếp tục sáng tạo và chúng ta cũng vui vì đã giữ lại được tranh quê hương, đất nước những tài sản quý. Trước mắt, trong dịp xét tặng giải thưởng văn học nghệ thuật "Cố đô" lần thứ nhất, chúng ta hy vọng sẽ có những "chiếc nơ đỏ" như thế được gắn vào những tác phẩm có giá trị nhất. Điều đó không chỉ là tin vui đối với các tác giả mà với tất cả những người yêu Huế. Vì Huế chứng tỏ là một vùng đất luôn biết tôn trọng, biết làm phong phú thêm kho tàng văn hóa vốn đã rất giàu có của mình.

T.S
(TCSH58/11&12-1993)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng