Câu chuyện hôm nay
Nghĩ về một Festival thơ Huế
09:15 | 05/05/2009
Đêm Nguyên tiêu 15 tháng giêng Quý Mùi 2003, thực hiện chủ trương của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TTH đã tổ chức trên sông Hương một đêm thơ rất tuyệt vời. Ban tổ chức cho biết Hội Nhà văn Việt Nam đã được phép quyết định kể từ năm nay lấy ngày 15 tháng giêng âm lịch hằng năm làm Ngày Thơ Việt Nam. Quyết định ấy lay động tâm trí tôi vốn đang ưu tư với Huế Thành phố Festival, thay vì đọc thơ, trong đêm Nguyên tiêu ấy tôi đã phác họa sơ lược về một Festival thơ. Không ngờ ý kiến của tôi được Đêm thơ Nguyên tiêu hưởng ứng và các nhà thơ đã đề nghị tôi nên thực hiện một Hồ sơ cho Festival Thơ.

Ý tưởng của tôi đã dựa trên những cơ sở sau đây:

1. Thơ, nguồn tài nguyên vô giá của dân tộc: Thơ Việt Nam có sớm (ít nhất cũng trên 10 thế kỷ) và rất phong phú đa dạng (thơ chữ Hán, thơ chữ Nôm, thơ chữ Quốc ngữ và có cả thơ chữ Pháp, chữ Anh, chữ Đức...). Vua chúa (Lê Thánh Tôn, Tự Đức..), các nhà lãnh đạo tinh thần (các Thiền sư đời Lý, Trần...), lãnh đạo chính trị (Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh), lãnh đạo quân sự (Lý Thường Kiệt, Đào Duy Từ...), trí thức (Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du...), dân chúng (kể cả công nhân, nông dân, người giàu, người nghèo và người lao động tác giả của kho tàng ca dao Việt Nam), người già (Hoàng Cầm), thiếu nhi (Trần Đăng Khoa), đàn ông (Xuân Diệu, Tố Hữu...), đàn bà (Bà Huyện Thanh Quan, Anh Thơ...), dân tộc ít người (Nông Quốc Chấn, Bế Kiến Quốc...) đều làm thơ. Có thể nói cả dân tộc Việt làm thơ. Thơ là lọai hình văn học được cả xã hội Việt Nam yêu thích. Qua thơ người ta có thể hiểu được tâm hồn Việt Nam.

Nước Pháp có nhiều nhà thơ lớn, có ảnh hưởng đến cả văn học thế giới, nhưng xã hội Pháp không có nhiều người làm thơ như xã hội Việt Nam. Hơn nữa, với cuộc sống hiện nay, người Pháp bị thu hút bởi truyền hình, sân khấu, âm nhạc, hội họa, văn xuôi...thơ Pháp đang mất dần chỗ đứng. Nhiều nước tân tiến khác trên thế giới cũng thế. Do đó nhiều người Âu Mỹ yêu thơ đang cần một môi trường thơ để tìm đến. Cảnh quan thiên nhiên của Việt Nam còn giữ được tương đối tốt; nhịp sống của người Việt Nam chưa bị cuốn vào guồng máy công nghiệp hiện đại nên con người và thiên nhiên Việt Nam còn gắn bó với nhau, thơ còn cơ hội để phát triển. Có thể nói Việt Nam là điểm đến của người yêu thơ. Đồng thời, thơ-một bộ phận quan trọng của văn hóa Việt Nam, đã có tiếng vang ở nước ngòai (Truyện Kiều, Thơ Hồ Xuân Hương...). nhiều người nước ngòai muốn biết Việt Nam qua thơ. Thơ Việt Nam + cảnh quan Việt Nam, sẽ trở thành tài nguyên du lịch vô giá của Việt Nam thời hội nhập, nếu biết tổ chức khai thác.

2. Nội dung Festival Thơ: Nghiên cứu nội dung các lọai hình Festival văn hóa dân tộc của nước ngòai, chương trình một Festival thơ Việt Nam có thể thực hiện với các nội dung sau:
- Đọc và giới thiệu những bài thơ tiêu biểu của thơ Việt Nam, đọc và giới thiệu những sáng tác mới đã được chọn lọc; đọc và giới thiệu thơ viết bằng các ngôn ngữ dân tộc ít người;
- Hội thảo: Thơ cũ và thơ mới; Dịch thơ và Thơ dịch; Truyện thơ; Thơ trong kịch bản Chèo, trong Ca Huế, trong Cải Lương; trong Hát Bội; trong ca từ tân nhạc; Những vấn đề thơ hôm nay của Việt Nam và thế giới (Trung Quốc, Nhật, Pháp, Mỹ...);
- Giới thiệu những tác giả Việt Nam làm thơ bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc;
- Bình thơ, ngâm thơ, hát thơ, kịch thơ, họa thơ;
- Biểu diễn thơ phổ nhạc và tìm hiểu chất thơ trong lời nhạc;
-Triển lãm thơ: Các tác phẩm thơ quý hiếm (xưa và nay), Thơ với thư pháp, thơ trên đồ sứ men lam, thơ khắc trên bia đá, thơ chạm trên tranh gương; thơ chạm trên tuồng gỗ cung điện, nhà rường; thơ viết bằng văn tự của các dân tộc ít người;.
- Các trò chơi thơ: Đố thơ, Thả thơ, Bói Kiều;
- Trao giải các cuộc thi: Những tập thơ cũ có giá trị quý hiếm, những bài thơ hay, bình thơ hay, kịch thơ hay, ngâm thơ hay, dịch thơ hay....
- Hội chợ bán thơ, xuất bản thơ, trao đổi thơ.
- Vinh danh những nhà thơ tiêu biểu của Việt Nam.
Nội dung cho một Festival thơ Việt Nam hết sức phong phú. Thực hiện các nội dung không tốn kém lắm, hàng ngàn người trong nước và nước ngòai, người nước ngòai có thể tham gia.

3. Huế có đủ điều kiện cho một Festival Thơ hằng năm:
Với sông Hương, các thắng cảnh, di tích lịch sử, nhà vườn, Huế được mệnh danh là Thành phố Thơ. Huế có nhiều người làm thơ tiếng nước ngòai. Nhiều thơ Huế chưa được khám phá như thơ của các vua các ông hòang bà chúa (Tương An Quận vương, Mai Am, Huệ Phố, Nguyệt Đình), thơ trên di tích lịch sử (điện Thái Hòa, điện Long An), thơ của nhiều nhà thơ Huế hiện đại chưa được biết đến nhiều (như Tôn Thất Quán, Võ Ngọc Trác, Quách Thọai - người được mệnh danh là Hàn Mặc Tử của Huế). Bên cạnh đó, trong lịch sử văn hóa truyền thống cho biết Huế có nhiều trò chơi thơ nổi tiếng như thả thơ, đố thơ, họa thơ. Huế có khối lượng người yêu thơ trong giới văn nghệ sĩ, thầy cô giáo, trong dân chúng, sinh viên yêu thơ trong các Đại học khá đông. Huế lại ở giữa hai miền Nam Bắc VN, việc đi lại thuận tiện. Khách đến tham dự Festival Thơ Huế kết hợp tham quan du lịch Huế rất thú vị. Và, không có nơi nào tổ chức festival thơ thuận lợi cho bằng Huế vì Huế đã có sẵn kinh nghiệm và công nghệ tổ chức Festival.

4.Tổ chức thực hiện: Ban tổ chức Festival của Thừa Thiên Huế hối hợp cùng với Hội Nhà văn Việt Nam.
Việc chuẩn bị cần thời gian và trí tuệ nhiều nhất là quảng cáo, tuyển chọn, dịch thuật nội dung thơ cho Festival ra tiếng nước ngoài, và dịch thơ nước ngoài (ví dụ thơ Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nga, Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật, Triều Tiên, Lào, Campuchia...) ra tiếng Việt. Để đỡ bớt tốn kém có thể liên hệ với các cơ quan văn hóa nước ngoài, các hội văn học ngoài nước, các Việt kiều có khả năng dịch thuật tốt để họ giúp đỡ. Tham dự Festival Thơ Huế có thể với tư cách cá nhân hay đòan thể, các hội văn nghệ và sở Giáo dục đào tạo địa phương. Mọi chi phí do người tham dư tự túc.

Khách mời để vinh danh: những nhà thơ tiêu biểu, hoặc người thân của họ. Một số nhà thơ thế giới, các dịch giả thơ đã có quan hệ với Việt Nam.
 Người tham dự gồm các nhà thơ trong và ngòai trong các Hội Nhà văn, các Câu lạc bộ thơ trên tòan quốc, các tổ chức thơ của người Việt Nam ở nước ngòai. Nếu được các Tòa Đại sứ giới thiệu, có thể mời thêm các Hội thơ của Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc v.v.
Người tham dự chính là khách du lịch trong và ngòai nước yêu thơ.

5. Hiệu quả: Nếu tổ chức tốt Festival Thơ Huế, Thừa Thiên Huế sẽ thu hút được nhiều người đến du lịch Huế. Festival Thơ Huế sẽ góp phần giáo dục quốc văn, hâm nóng tâm hồn Việt Nam cho giới trẻ, luyện tập thể dục cho tinh thần người lớn tuổi; giúp cho lời nói Việt Nam súc tích và đẹp hơn. Qua đó cổ vũ các nhà sọan ca khúc làm lời ca sao cho có chất thơ.
Festival Thơ Huế sẽ giúp đưa văn học Việt Nam ra nước ngòai, vận dụng được đông đảo Việt kiều và người ngọai quốc đóng góp cho Việt Nam. Mặt khác các nhà thơ Việt Nam có dịp tiếp cận tham khảo những tư trào thơ mới trong việc đổi mới thơ Việt Nam.
Festival Thơ Huế là một cơ hội để vinh danh các nhà thơ Việt Nam. Giúp các nhà nghiên cứu trên thế giới qua ngôn ngữ thơ, tìm thấy những giá trị cơ bản trong bản sắc Việt Nam phục vụ cho các bộ môn xã hội học, dân tộc học, tâm lý học.
Tổ chức Festival Thơ Huế thành công sẽ đề nghị bộ Văn Hóa thành lập một Viện nghiên cứu thơ Việt Nam tại Huế, bên cạnh Viện có Bảo tàng Thơ, Nhà xuất bản Thơ. Đây là một nội dung quan trọng của Huế -Thành phố Du lịch Việt Nam.   

6. Tính khả thi: Tìm hiểu công nghệ Festival của Pháp ta thấy hằng năm Pháp có nhiều Festival ở khắp các địa phương. Những Festival Pháp được báo chí Việt Nam thường nhắc đến là Festival điện ảnh ở Cannes, Festival Tranh họat hình (bandes dessinées) ở Angoulème, Festival phim hình sự ở Cognac (vùng phía Tây nước Pháp), Festival phim Mỹ ở Deauville (Tây bắc Pháp). Đặc biệt, Vesoul là thành phố với 20.000 dân, cách Paris 350 km về phía Đông Nam, nổi tiếng qua những Festival trình bày và khuyến mãi những nền Điện Ảnh Châu Á. Trong Festival lần thứ 9 – từ mùng 4 đến 11 tháng hai 2003 vừa qua, giới thiệu 60 phim đến từ các vùng Cận Đông, Trung Đông và Viễn Đông, với ba mươi ba phim chưa từng trình chiếu. Đạo diễn Đặng Nhật Minh của Việt Nam được mời vào ban giám khảo. Nhiều tỉnh mỗi năm có đến mấy Festival quốc tế. Ví dụ như tỉnh (département) Charente ở miền Tây nước Pháp hằng năm có đến hai Festival quốc tế tại Cognac và Angoulème.

Căn cứ vào dân số của nơi tổ chức và lọai hình được chọn làm nội dung Festival, ta có thể tin Huế với Thơ có đủ sức hình thành một Festival hằng năm. Tính khả thi của một Festival Thơ Huế rất cao. Bởi thế một vị giáo sư giảng dạy văn học ở Đại học Paris nghe tôi nói Huế đang nghĩ đến "Dự án Festival Thơ", ông cho đó là Một sáng kiến cao đẹp, dĩ nhiên là có phần táo bạo, nhưng không viển vông. Và ngay sau đó, qua thư điện tử, ông đã đã thảo luận với một số anh em trong nhóm Tạp chí Thơ, (California-Hoa kỳ). Hội Người Yêu Huế các nơi cũng sẽ đóng góp tích cực.

Nếu Festival Thơ Huế được thực hiện với tinh thần như thế thì đó là một hạnh phúc lớn cho các nhà thơ Việt Nam, cho xã hội Việt Nam nói chung và xã hội Huế đẹp và thơ nói riêng.

Gác Thọ Lộc, 18.02.2003
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
(169/03-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng