Góc Hoài niệm
Nguyễn Bính với Huế
14:21 | 09/07/2012

VŨ THU TRANG

Đến nay, có thể nói trong các thi sĩ tiền chiến, tác giả “Lỡ bước sang ngang” là nhà thơ sải bước chân rong ruổi khắp chân trời góc bể nhất, mang tâm trạng u hoài đa cảm của kẻ lưu lạc.

Nguyễn Bính với Huế
Nhà thơ Nguyễn Bính - Ảnh: TL

Nguyễn Bính từng tuyên ngôn bằng thơ:

Sống là sống để mà đi
Con thuyền bạn hữu, chuyến xe nhân tình


Đến đâu Nguyễn Bính cũng có thơ, bài nào cũng mang đậm sắc tình quê, tình người khó lẫn, minh chứng cho một tài hoa. Có thể kể ra đây vài trường hợp: Một trời quan tái, Tết biên thùy (Lạng Sơn, 1940); Xuân tha hương, Xuân về nhớ cố hương, Nam kỳ cũng gió cũng mưa, Đêm mưa đất khách, Lá thư về Bắc (Sài Gòn 1943-1944), Hành phương Nam (Đa Kao 1943), Rừng mai xa cách, Vạn lý tương tư (Bắc Giang 1941); Vài nét rừng (Phú Thọ 1938); Lại đi (Thanh Hóa 1942); Đêm Phúc Am (Ninh Bình 1943), Đêm mưa nhớ bạn (Vinh 1940)…

Ngoại trừ 9 năm tham gia kháng chiến, làm văn nghệ ở vùng sông nước Cửu Long, Nguyễn Bính dừng chân sống, gắn bó với đất Huế nhiều nhất.

Bốn tháng hình như kém mấy ngày
                    
(Giời mưa ở Huế)

Nhiều tháng ngày sống giữa thiên nhiên thơ mộng, một Cố đô với nhiều đền đài, lăng tẩm, dòng sông Hương bốn mùa nước trong xanh, núi Ngự uy nghi trầm mặc tỏa khí phách và tâm hồn xứ Huế, đã khiến tâm hồn thi sĩ Nguyễn Bính có dịp nảy lộc, đâm chồi. Nhiều bài thơ mộc mạc đậm chất Huế, thấm vào lòng người đã ra đời ở đây: Xóm Ngự Viên, Giời mưa ở Huế… Đọc những bài thơ viết về Huế, ai cũng ngỡ Nguyễn Bính là nhà thơ đích thực xứ Huế chứ không phải quê Nam Định. Những bài thơ viết về Huế, sau này Nguyễn Bính tập hợp in thành tập Mười hai bến nước (1942).

Cùng thời với Nguyễn Bính, nhiều thi sĩ xứ Huế đã có những bài thơ nổi tiếng về Huế. Hàn Mạc Tử có Đây thôn Vĩ Dạ, Nam Trân có Đẹp và thơ, Thanh Tịnh có Mòn mỏi, Thúc Tề có Trăng mơ, Mộng Tuyết có Làm cô gái Huế…

Không chịu ảnh hưởng các nhà thơ trên, Nguyễn Bính đã chọn cho thơ mình một hướng đi khác. Thi sĩ chuyển sang làm thể hành và trường thiên độc vận, chất thơ bảng lảng sắc màu hoài cổ, cách cảm, cách nghĩ rất gần gũi với mọi người. Xét trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Bính, mảng thơ viết về Huế có một vị trí thật đặc biệt. Cố đô Huế dù trải qua bao biến thiên của lịch sử, lúc huy hoàng, lúc phai tàn hiu quạnh, nhưng vẫn là miền đất giàu tình người, khí phách hiên ngang níu giữ những tâm hồn biết nâng niu, trân trọng cái Đẹp.

Thâm u một dải hoàng thành
Đình suông con én không đành bay đi
                    
(Vài nét Huế)

Chim én là loài chim báo hiệu xuân về, hình ảnh con chim én như ngôi sao sáng chói được bàn tay người thợ tài hoa đính lên đỉnh hoàng thành càng tôn thêm vẻ đẹp vĩnh cửu của đất Cố đô. Nguyễn Bính có những câu thơ xuất thần, cái ảo chắp cánh cho cái thực, có điều kiện bay xa. Ví như tả con đò người kỹ nữ trên sông Hương là bàng bạc cả một trời ảo mộng, khiến nhiều thi sĩ cùng thời viết về Huế phải giật mình, thán phục.

Lửa đò chong cái giăng hoa
Mõ sông đục đục, canh gà te te
                    
(Lửa đò)

Sinh ra trong một gia đình nhà nho lỡ thời, sống trong cảnh người dân mất nước, Nguyễn Bính cất lên một tiếng thở dài:

Mực tàu giấy bản ôi thôi
Nước non đi hết những người áo xanh
Lỡ duyên búi tóc củ hành
Trường thi Nam Định, biến thành trường bay.


Trong chuyến Hành phương Nam, Nguyễn Bính mang cốt cách của một kẻ sĩ thời chiến quốc không có đất thi thố tài năng, dâng hiến nên đành vỡ mộng bất đắc chí.

Thuốc lào hút mãi người ra khói
Thơ đọc suông tình hết cả hay
                    
(Giời mưa ở Huế)

Viết về Huế, chất thơ đậm đặc hoài cổ, phảng phất màu sương khói của nhà thơ thể hiện rõ nhất ở bài Xóm Ngự Viên. Đây có lẽ là một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Bính. Dưới ngòi bút tài hoa lấy tâm linh làm chủ đạo, bởi cái thực tại bao giờ cũng có giới hạn, cái ảo mới mông lung vô cùng, Nguyễn Bính đã làm sống lại cái hồn phách kinh thành Huế một thời vàng son tưởng như ta được dự vào bữa tiệc vua ban trong vườn Thượng Uyển, cái ảo chắp cánh cho cái thực, hữu hình đấy mà vô hình đấy. Trước mắt ta chỉ còn là cái đẹp hiện hữu với những cánh bướm nghiêng nghiêng, vua thiếu niên, cung tần mỹ nữ, công chúa hay chữ, ngựa bạch, trạng nguyên… Cả bài thơ là nỗi ám ảnh, tiếc nuối thực ảo đan xen suốt bài thơ. Có những câu thơ sánh ngang với những thi nhân đời Đường (Trung Quốc) ảo đến mức điển tích:

Sớm Đào, trưa Lý, đêm Hồng phấn
Tuyết Hạnh, sương Quỳnh, máu Đỗ Quyên


Giọng thơ hoài cổ buồn man mác như một tiếng thở dài não nuột:

Ngự Viên ngày trước không còn nữa
Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên

…………………

Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự
Viên
             
        (Xóm Ngự Viên)

Năm 1940 Nguyễn Bính cùng hai văn sĩ Tô Hoài và Vũ Trọng Can có một chuyến đi Huế. Sau đó Tô Hoài trở về Bắc, chỉ còn Nguyễn Bính và Vũ Trọng Can ở lại:

Chúng tôi hai đứa xa Hà Nội
Bốn tháng hình như kém mấy
ngày
             
       (Giời mưa ở Huế)

Ở Huế, Nguyễn Bính và Vũ Trọng Can điện vào Quy Nhơn cho nhà thơ Yến Lan, bảo rằng họ đã lập được gánh kịch thơ mời Yến Lan ra nhập gánh hát. Tại Huế, Nguyễn Bính, Yến Lan và Vũ Trọng Can đã cùng nhau hiệp sức sáng tác kịch thơ Bóng giai nhân. Các tác giả cùng tham gia diễn. Tốn kém bao công sức tiền của nhưng cuộc diễn không thành công, để rồi rơi vào cảnh:

Túi rỗng nợ nần hơn Chúa Chổm
Áo quần trộm mượn túng đồ thay
                    
(Giời mưa ở Huế)

Yến Lan vội vào Quy Nhơn gom góp được ít tiền gửi ra Huế giúp cho bạn đỡ khó khăn.

Gần đây, bà Lâm Bích Thủy (con gái nhà thơ Yến Lan) trên báo Văn nghệ Công an số 173 tháng 4-2012 qua bức thư của cha mình gửi cho nhà nghiên cứu văn học Khổng Đức và qua bài viết: “Ai là tác giả kịch thơ Bóng giai nhân” của nhà thơ Hoàng Cầm đã khẳng định kịch thơ Bóng giai nhân là của Yến Lan. Nhưng theo nhà thơ Anh Chi trong bài: “Nhà văn Vũ Trọng Can” (Tạp chí Nhà văn số 8-2004) viết: Năm 1974 khi đón nhà thơ Yến Lan vào dự Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa, tại sân nhà của Anh Chi các văn nghệ sĩ xứ Thanh đã được nghe chính nhà thơ Yến Lan kể về quãng thời gian sống ở Huế đã cùng Nguyễn Bính, Vũ Trọng Can viết chung kịch thơ Bóng giai nhân. Chúng ta thấy rằng, Nguyễn Bính và Vũ Trọng Can ngoài tài thơ, văn còn sáng tác kịch. Nguyễn Bính có Cô Son (Chèo 1961), Người lái đò sông Vị (Chèo 1964), Vũ Trọng Can có Cái tủ chè (kịch nói) thì việc viết chung kịch thơ Bóng giai nhân cũng là điều dễ hiểu.

Cảm ơn số phận đã cho Nguyễn Bính một kiếp giang hồ, lưu lạc tại Cố đô Huế với những lăng tẩm, đền đài huyền bí như cổ tích, một dòng sông Hương như bức tượng đài trong thơ Cao Bá Quát: “Trường giang như kiếm lập thanh thiên” (Sông dài như lưỡi gươm dựng giữa trời xanh) và tấm lòng thánh thiện của người dân xứ Huế đã dựng tạo cho Nguyễn Bính một nguồn thơ tuôn trào như suối chảy. Xin mượn hai câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng như những lời đồng vọng, tri ân cùng Nguyễn Bính để kết bài viết này:

Dạ thưa: Xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương
.

V.T.T
(SDB 6-12)









 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Xóm Ngự Viên (01/09/2011)