Góc Hoài niệm
Cần đọc lại lịch sử
16:27 | 29/04/2014

DƯƠNG PHƯỚC THU

LTS: Trên số báo 5965 ra ngày 07/02/2014, báo Thừa Thiên Huế có bài “Vài điều trong các bài viết về Cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, của tác giả Phạm Xuân Phụng, trong đó có nhắc nhiều đến các bài viết về Đại tướng đã đăng trên Sông Hương số đặc biệt tháng 12/2013 (số ĐB thứ 11), và cho rằng có nhiều sai sót trong các bài viết đó.

Cần đọc lại lịch sử
Nhà báo Dương Phước Thu - Ảnh: internet

Mới đây, Tòa soạn nhận được bài viết của nhà báo Dương Phước Thu về các vấn đề tác giả Phạm Xuân Phụng nêu. Để bạn đọc xa gần rõ hơn, Sông Hương đăng bài viết này. Tiêu đề bài viết của Dương Phước Thu là “Cần đọc lại lịch sử để hiểu thêm “Vài điều trong các bài viết về cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, Tòa soạn rút lại thành “Cần đọc lại lịch sử” cho gọn.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc!



Trong dịp tuyên truyền kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 - 01/01/2014), với lòng kính trọng và cảm phục tài năng đức độ của nhà hoạt động cách mạng, vị tướng của nhân dân, người con kiệt xuất của quê hương Thừa Thiên Huế, tôi đã viết một bài báo lấy tựa đề “Từ Nguyễn Vịnh đến Nguyễn Chí Thanh” đăng trên Tạp chí Sông Hương số Đặc biệt ra tháng 12/2013. Bài này sau đó được đăng liên tiếp 4 kỳ trên báo Thừa Thiên Huế, từ số 5924 ra ngày 21/12 đến số 5927 ra ngày 25/12/2013. Nội dung chủ yếu là dựng lại một phần cuộc đời hoạt động sôi nổi của đồng chí Nguyễn Vịnh về giai đoạn trước Cách mạng tháng 8/1945 cho tới khi ông tham dự Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương và Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, được Trung ương cử về làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ với cái tên mới là Nguyễn Chí Thanh.

Sau Tết Giáp Ngọ một thời gian, cũng trên báo Thừa Thiên Huế, số 5965 ra ngày 07/02/2014, ở mục trao đổi, có bài “Vài điều trong các bài viết về cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, của tác giả là Phạm Xuân Phụng, một người ở Huế mà tôi có biết sơ. Vì khi ấy tôi đang ở Hà Nội, nên hơn mười ngày sau về Huế tôi mới đọc bài này.

Mặc dù anh Phụng không nêu đích danh tác giả mà chỉ nêu tên bài, bài của tôi in trên Sông Hương anh xếp thứ hai và gọi (tôi) là “tác giả thứ hai”, như vậy là chỉ tôi rồi, thì cũng được. Đọc bài của anh Phụng, tôi thấy anh dùng “tư liệu truyện ký” để so sánh đối chiếu những chi tiết lịch sử trong bài của tôi mà anh cho là “nếu để vậy e có khi gây nhầm lẫn đáng tiếc”, tôi định không trả lời. Bởi những điều tôi viết (thực ra chỉ hệ thống lại những điều đã có) đều tham khảo trong các công trình lịch sử (mà giới nghiên cứu lịch sử Đảng ai cũng biết) nhưng ít thấy ở trong truyện ký mà thôi. Nhưng vì anh yêu cầu “Rất mong các nhà báo và nhà nghiên cứu lịch sử Đảng bộ và lịch sử báo chí tỉnh nhà nghiên cứu làm rõ cho, kẻo đau đầu bạn đọc lắm”.

Về mặt tài liệu, anh Phụng dùng cuốn truyện ký “Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong như ngọc một con người” (Nxb. Văn học, Hà Nội, 2008) của nhà văn Trần Công Tấn so sánh để đối chiếu với “những chi tiết sự kiện lịch sử, chi tiết văn học” trong bài báo của tôi và một vài tác giả khác. Có lẽ anh Phụng quá tin vào độ xác thực về tư liệu ở cuốn truyện ký này, nên anh đã lấy nó làm cơ sở để đối chiếu với những chi tiết tư liệu trong bài của tôi; anh đã đưa ra 5 câu hỏi theo cách phân tích của anh, và như anh lo lắng “nếu để vậy e có khi gây nhầm lẫn đáng tiếc”. Vì tôn trọng bạn đọc tôi sẽ lần lượt trao đổi lại, kẻo ai đó vì quá lo lắng dễ bị nhầm lẫn.

I. Hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh tháng 7 năm 1942 tổ chức ở đâu?

Để trả lời câu hỏi này, xin mời anh Phụng và bạn đọc xem thêm những công trình dưới đây (xếp theo thứ tự thời gian xuất bản) mà tôi đã tham khảo:

1. Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, tập 1 (1930 - 1945), Nxb. Chính trị quốc gia, xuất bản năm 1995, tr.163 viết: “Tháng 7 - 1942, đồng chí triệu tập hội nghị cán bộ đảng tại vùng Bến Tu (Quảng Điền)” (sic).

2. Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền, Nxb. Thuận Hóa, 1995, tr.51 viết: “Hội nghị cán bộ Đảng tại vùng Vĩnh Tu (bên phá Tam Giang)” (sic).

3. Địa chí Thừa Thiên Huế, Phần Lịch sử, Nxb. Khoa học xã hội, 2005, tr.314 viết: “Hội nghị cán bộ Đảng tại vùng Bến Tu (Quảng Điền)” (sic).

4. Lịch sử công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1930 - 2005), Nxb. Thuận Hóa, 2008, tr.54 viết: “Hội nghị cán bộ Đảng tại Bến Tu (Quảng Điền)” (sic).

5. Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân thành phố Huế (1945 - 2005), Nxb. Thuận Hóa, 2009, tr.23 viết: “Hội nghị cán bộ Đảng tại đầm Vĩnh Tu (Quảng Điền)”.

6. Lịch sử Đảng bộ thành phố Huế (1930 - 2000), Nxb. Thuận Hóa, 2010, tr.118 viết: “Hội nghị cán bộ Đảng tại vùng bến đò Vĩnh Tu (Quảng Công, Quảng Điền)” (sic).

7. Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế (1930 - 2010), Nxb. Thuận Hóa, 2010, tr. 101 viết: “Triệu tập hội nghị cán bộ Đảng tại Vĩnh Tu (Quảng Điền)”.

8. Lịch sử Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế (1930 - 2010), Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tr.76 viết: “Sau đó, vào tháng 7 - 1942, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã triệu tập Hội nghị cán bộ Đảng tại Vĩnh Tu (Quảng Điền)”.

Ngoài 8 công trình lịch sử trên, tôi còn tham khảo cuốn Truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Thọ, do Đảng ủy xã Quảng Thọ và đồng chí Nguyễn Húng, cán bộ lão thành, nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Trị Thiên, chịu trách nhiệm về nội dung, biên soạn xong vào tháng 4/1987. Tham khảo thêm tài liệu viết tay của đồng chí Nguyễn Trung Chính, người làng Niêm Phò, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Ông Chính viết: “Vượt ngục từ nhà tù Buôn Ma Thuột về đến Quảng Điền tháng 2/1942. Về liên lạc với Chi bộ Niêm Phò. Chi bộ lúc này có đồng chí Trần Bá Song, Bí thư, quê Niêm Phò. Đồng chí Đặng Thược, đảng viên, quê Mai Dương, đồng chí Lê Thành Hinh, đảng viên, quê Niêm Phò, đồng chí Nguyễn Bật, đảng viên, quê Hạ Lang. Chi bộ bố trí ở vùng Mai Dương (nay thuộc xã Quảng Phước), giao cho đồng chí Đặng Thược, trực tiếp lo bảo vệ, ăn ở lẩn trốn với các cơ sở cách mạng của mình. Ở vùng này thuận tiện cả trên bộ, cả dưới sông nước đầm phá, nò sáo, bảo đảm bí mật, tiện việc lẩn trốn, đi lại. Sau thời gian nắm tình hình, triệu tập hội nghị cán bộ, lập lại Tỉnh ủy lâm thời. Cách triệu tập: thông qua Chi bộ Niêm Phò. Từ năm 1941, Chi bộ Niêm Phò đã cùng tổ chức đảng ở tổng Diêm Trường (thực tế là ở Nghi Giang) họp tại Niêm Phò để thống nhất hành động. Chi bộ Niêm Phò cũng liên lạc được với tổ chức đảng ở Phong Điền. Anh Thanh trước khi bị bắt là Bí thư Tỉnh ủy nên triệu tập được tổ chức đảng ở các nơi. Thành phần họp và số lượng là bao nhiêu thì không được rõ. Chỉ biết: địa điểm họp là trên chiếc đò và nhà chồ giữ sáo trộ của ông Lê Biên. Ông này gốc người Thạch Bình, là anh rể của đồng chí Đặng Thược, về ở tại Mai Dương làm nghề nò sáo trên phá Tam Giang”.

Cũng theo tài liệu của ông Chính thì: “Trong các văn bản chỉ viết là Vĩnh Tu - thực ra là ĐẦM VĨNH TU trên phá Tam Giang - Vì trên phá Tam Giang có rất nhiều đầm nhỏ - đầm này ở gần Vĩnh Tu nên gọi là đầm Vĩnh Tu. Hiện ở Quảng Điền, về phía đông phá Tam Giang có chợ Vĩnh Tu, bến đò Vĩnh Tu, gần đây có thôn tên là Vĩnh Tu (xã Quảng Ngạn)”.

“Cần xác định cho rõ, cho chính xác chính là Đầm Vĩnh Tu (trên phá Tam Giang) trên đò và nhà chồ trông giữ sáo của ông Lê Biên - người ở Mai Dương. Chính từ Đầm Vĩnh Tu năm 1942, đến hội nghị đầm Cầu Hai tháng 5/1945 (kinh nghiệm tổ chức của anh Lê Minh)…”.

Chúng tôi đi thực tế về huyện Quảng Điền và lục tìm trong sách lịch sử, sách địa chí, thì ở vùng này từ xa xưa đến nay chưa hề có địa danh nào là Bến Tu hay vùng Bến Tu cả. Dù gọi như vậy là không chính xác nhưng dân địa phương vẫn biết đấy là chỉ địa danh nào. Vì Bến Tu văn nói được các nhà biên soạn chép vào lịch sử vẫn ghi theo lối văn nói, nên mới có “địa danh Bến Tu” và được hiểu đầy đủ là vùng bến đò Vĩnh Tu; còn đầm Vĩnh Tu thì đã rõ. Riêng với hai chữ tại Vĩnh Tu là cách viết tắt để chỉ một vùng hoặc bến không xác định cụ thể dưới nước hay trên bờ về một không gian khá rộng. Trong các công trình lịch sử trên thường viết tắt theo lối văn nói tắt, như: hội nghị họp ở vùng Vĩnh Tu (hay Bến Tu), thì gọi Hội nghị Vĩnh Tu. Tương tự như vậy vào năm 1947, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng họp tại làng Nam Dương, huyện Quảng Điền thì gọi tắt là Hội nghị Nam Dương. Hay như Hội nghị Đảng toàn quốc họp vào tháng 8/1945 tại Tân Trào thì thường gọi là Hội nghị Tân Trào...

Căn cứ vào những tư liệu lịch sử của các công trình nói trên, cùng với thực địa ở huyện Quảng Điền, chúng tôi xác định hội nghị đã diễn ra trên Đầm Vĩnh Tu (thuộc phá Tam Giang), cụ thể là tại ngôi nhà chồ của một cơ sở cách mạng người ở làng Mai Dương.

Còn về hai đồng chí được dự họp nhưng là ngồi cảnh giới trên con đò nhỏ neo vào chân nhà chồ, cũng theo tư liệu của ông Nguyễn Trung Chính, tham khảo thêm tài liệu của ông Trần Phước Hinh, nguyên Bí thư Huyện ủy Quảng Điền, và một số cán bộ cách mạng lão thành ở Huế, thì một người là ông Lê Biên, còn người kia là ông Trần Cởi. Ông Cởi người Hương Cần về ở làng Đông Lâm (ông Cởi có người con trai hiện vẫn ở thôn Đông Lâm, xã Quảng Phước) làm công cho gia đình ông Đặng Thược. Theo yêu cầu của tổ chức và của đồng chí Đặng Thược, hai ông đã neo con đò dưới chân nhà chồ để ngồi cảnh giới. Theo ông Trần Phước Hinh (người gọi ông Lê Biên bằng cậu ruôt) thì ông Lê Biên chính là chủ nhân của cái nhà chồ này. Sau năm 1975 ông Lê Biên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến...

Về ngôi nhà chồ như anh Phụng biết là “nửa dựa vào bờ, nửa nhô ra phía phá Tam Giang”. Tôi không muốn tranh luận về cấu trúc cũng như vị trí nhà chồ. Nếu ai muốn nhận diện chính xác về nhà chồ thì mời về Quảng Điền, hiện ở vùng này vẫn còn vài cái nhà chồ dựng hoàn toàn trên mặt nước, cách bờ khá xa.

Xin nói thêm về thành phần dự hội nghị. Thông thường trong một hội nghị (thậm chí là đại hội ở quy mô toàn quốc) có nhiều thành phần tham dự: đại biểu chính thức và đại biểu không chính thức tức là khách mời, ngoài ra còn có những người phục vụ, y tế, bảo vệ, sau này còn thêm cả phóng viên báo chí dự và đưa tin… đều là những người được phép tham dự, tai nghe mắt thấy như nhau cả. Chỉ khác ở chỗ, đại biểu chính thức thì được quyền bàn bạc và biểu quyết, còn các thành phần dự khác thì không có cái quyền này.

Việc đồng chí Nguyễn Vịnh triệu tập hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh họp tại một địa điểm trên Đầm Vĩnh Tu là kinh nghiệm thực tiễn qua nhiều lần Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị trên sông nước, xin đơn cử: “Hội nghị Tỉnh ủy họp trên con đò ở sông Hương vào đầu năm 1938; giữa năm 1944, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị mở rộng họp tại ngã ba Sình. Ngày 23/5/1945, hội nghị cán bộ toàn tỉnh được triệu tập tại đầm Cầu Hai, huyện Phú Lộc”. Về sau, còn khá nhiều hội nghị của cách mạng họp trên những còn đò neo ở đầm phá, ở sông Hương... Anh Phụng đặt câu hỏi “nếu tổ chức hội nghị - cứ cho là tại ngôi nhà chồ giữa một vùng sông nước dày đặc nò sáo, lại chỉ có một con đò nhỏ neo dưới chân nhà chồ thì làm sao đưa toàn thể cán bộ thoát chạy kịp khi bị địch phát hiện vây ráp? Và chạy về đâu? Vào bờ hay chạy dọc theo phá Tam Giang?”. Vậy thử hỏi, những hội nghị của tỉnh Thừa Thiên diễn ra trên sông nước trước và sau này nếu địch phát hiện thì chạy về đâu? Trong hoàn cảnh và điều kiện lúc bấy giờ, việc giữ bí mật tuyệt đối mới là yếu tố bảo đảm thành công. Còn sơ suất hé lộ thông tin, hay có kẻ phản bội thì dù có họp bất cứ ở đâu vào những năm đen tối ấy mật thám Pháp cũng lùng bắt được!

Lịch sử là lịch sử không đặt giả thiết hay nếu.

II. VềTờ báo Vì nước ra đời từ khi nào?.

Dựa vào cuốn truyện ký của nhà văn Trần Công Tấn và một bài báo khác (cùng in trên Sông Hương số Đặc biệt này); sau khi lập luận phân tích những chi tiết trong bài của tôi, anh Phụng xuống bút: “Như thế, tờ báo Vì nước đã ra đời trước Hội nghị Vĩnh Tu”.

Xin mời anh Phụng và độc giả xem lại những cuốn sử dưới đây:

1. Cuốn Lịch sử công tác Tuyên giáo, Sđd, tr.54 viết: “Hội nghị đề ra nhiệm vụ trước mắt…; ra báo Vì Nước tuyên truyền chương trình, điều lệ, chính sách của Việt Minh”.

2. Cuốn Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, sđd, tr.101 viết: “Hội nghị đề ra...; tổ chức lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi quyền lợi; chuẩn bị các lớp huấn luyện ngắn ngày cho đảng viên; ra báo Vì Nước tuyên truyền cho chương trình, điều lệ, chính sách của Việt Minh”.

3. Cuốn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong như ngọc một con người, Nxb. Thuận Hóa, 2012, tr.153 - 154, nhà biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh Ngô Kha viết: “Sau hội nghị ở Bến Tu… Một số trạm giao thông liên lạc được tổ chức ở Huế, Phú Lộc, Phong Điền. Tỉnh ủy chủ trương xuất bản báo “Vì Nước” làm cơ quan ngôn luận của Đảng bộ. Đồng chí Nguyễn Vịnh đã viết các bài giảng về tình hình, nhiệm vụ và mở lớp huấn luyện cán bộ ở cồn Rau Câu (giữa đầm Cầu Hai - Phú Lộc)”.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng, từ sau năm 1938, Đảng bộ Thừa Thiên Huế không còn tờ báo riêng của mình, những người hoạt động cách mạng tìm cách ẩn dưới danh nghĩa của người thân quen đang làm báo hoặc mua lại các tờ báo do nhà cầm quyền thực dân cấp phép, mà chủ bút hay chủ nhiệm là những người hoạt động cộng sản hoặc người có cảm tình với cộng sản để in bài tuyên truyền cách mạng. Báo Vì Nước là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh thì phải do Đảng bộ quyết định nó mới ra đời được. Mà trước đó kẻ thù khủng bố mạnh, Tỉnh ủy lâm thời tan vỡ. Và dù đây là tờ báo ra bí mật cũng phải có chủ trương và người biết làm báo. Do vậy mà báo Vì Nước phải ra đời sau hội nghị đầm Vĩnh Tu. Chủ trương ra báo từ hội nghị đầm Vĩnh Tu, nhưng công việc ấn loát lại được thực hiện tại cơ sở in đặt tại nhà đồng chí Lê Tự Thanh ở làng Nghi Giang, tổng Diêm Trường, huyện Phú Lộc. Sau hội nghị đầm Vĩnh Tu, đồng chí Nguyễn Vịnh chuyển cơ quan Tỉnh ủy và địa bàn hoạt động về vùng đầm Cầu Hai. Đồng chí thường ẩn tại cồn Rau Câu (có sách ghi nhầm là Râu Câu - về địa chỉ đỏ này đã có trên 5 công trình lịch sử của tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố từ nhiều năm trước, chứ không phải chờ đến tháng 12/2013, nhờ “nhà báo Phạm Hữu Thu cho biết thêm một địa chỉ đỏ trong lịch sử cách mạng Thừa Thiên Huế mà lâu nay ít người biết” như anh Phụng viết). Xem thêm Thư tịch báo chí Việt Nam, Tô Huy Rứa (chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia, 1998.

III. Về “Mười chính sách lớn của Việt Minh” công bố từ lúc nào?

Anh Phụng viết: “Nếu tôi không nhầm thì Việt Nam độc lập đồng minh hội (Việt Minh) được thành lập vào ngày 19 tháng 5 năm 1941… Như vậy, chính sách lớn của Việt Minh chắc chắn phải được công bố ít nhất ngay sau ngày thành lập”. Anh Phụng dẫn ra hai thông tin từ cuốn truyện ký và trong bài viết của tôi. Anh khẳng định: “Như vậy, rõ ràng 10 chính sách lớn của Việt Minh đã ra đời trước tháng 7 năm 1942, cần gì bàn cãi, thắc mắc?”.

“Ác nỗi, cũng trong chính bài viết ấy, tác giả bài viết thứ hai lại cho biết: “Ngày 16 tháng 8 năm
1945, Đại hội Quốc dân được triệu tập… Đại hội tán thành chủ trương phát động tổng khởi nghĩa và thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh”.

Anh Phụng day dứt: “Vậy là sao? Quả thực tôi không rõ lắm. Mong tác giả và các nhà nghiên cứu lịch sử Đảng cho biết rõ thêm”. Để trả lời câu hỏi này, tôi xin trân trọng giới thiệu với anh những tài liệu dưới đây, nếu có thời gian mời anh đọc lại:

1. Cuốn Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, do Ban Nghiên cứu lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam thuộc Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng biên soạn, tập 1, Nxb. QĐND, 1974; tr.157-160 viết: “Hội nghị toàn quốc của Đảng do Trung ương Đảng đứng đầu là đồng chí Hồ Chí Minh triệu tập từ đầu tháng 6 năm 1945 đến tháng 8 mới họp được. Hội nghị đang họp thì có tin Nhật đầu hàng Đồng minh”. “Hội nghị họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến 15 tháng 8 năm 1945 trong không khí hết sức khẩn trương…”. “Ngay sau Hội nghị toàn quốc của Đảng, ngày 16 tháng 8 năm 1945, Quốc dân Đại hội khai mạc. Quốc dân Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng: nổi dậy giành chính quyền từ tay Nhật và bọn bù nhìn tay sai của Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương”. “Đại hội quy định Quốc kỳ và Quốc ca, thông qua Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch” (sic).

2. Nội dung trên được in lại trong cuốn Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944 - 1975), Nxb. QĐND, 2005; tr.90-92: “Ngay sau Hội nghị toàn quốc của Đảng, ngày 16 tháng 8 năm 1945, Quốc dân Đại hội khai mạc. Quốc dân Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng: nổi dậy giành chính quyền từ tay Nhật và bọn bù nhìn tay sai của Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương”. “Đại hội quy định Quốc kỳ và Quốc ca, thông qua Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch”.

3. Tham khảo thêm sách Việt Nam những sự kiện lịch sử 1919 - 1945, Nxb. Giáo dục, 2003, tr.405-408, nhà sử học Dương Trung Quốc ghi: “13 đến 15 tháng 8 năm 1945: Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào”… Ngày 16 tháng 8 năm 1945: Đại hội Quốc dân được triệu tập ở Tân Trào (Tuyên Quang). Tham dự Đại hội có 60 đại biểu Trung, Nam, Bắc, kiều bào ở nước ngoài, các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc và tôn giáo… Đại hội đã quán triệt đường lối của Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương vừa họp là tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh nhảy vào Đông Dương. Đại hội tán thành chủ trương phát động tổng khởi nghĩa và thông qua 10 chính sách ln ca Vit Minh là…” (sic).

4. Cuốn Lịch sử Đảng bộ thành phố Huế (1930 - 2000), sđd, tr.138 chép: “Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân được triệu tập tại Tân Trào. Đại hội quán triệt đường lối của nghị quyết hội nghị toàn quốc của Đảng về việc tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa và thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đại hội quyết định Quốc kỳ, Quốc ca, cử ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam và Ủy ban thường trực. Giao cho Ủy ban khởi nghĩa toàn quyền hành động” (sic).

Ở đây cần phải hiểu sâu rằng, 10 chính sách ln ca Vit Minh đã được Hội nghị Trung ương VIII của Đảng Cộng sản Đông Dương ban hành tháng 5/1941. Trong quá trình lãnh đạo vận động cách mạng, do tình hình mà Đảng rút vào bí mật nên vẫn còn nhiều nội dung của “Mười chính sách lớn” chưa thể triển khai được. Có những chính sách chỉ triển khai thực hiện được một khi Đảng nắm chính quyền, thành lập ra nhà nước. Một điều nữa cũng vô cùng quan trọng, sau hội nghị này, nhiều đại biểu dự họp trở về địa phương, cơ sở thì bị địch bắt, nhiều tổ chức của Đảng tan vỡ; song chủ trương và tinh thần của “Mười chính sách lớn” vẫn được tuyên truyền tích cực trong cán bộ, đảng viên, kể cả trong lao tù của đế quốc. Do kẻ thù tăng cường khủng bố dã man, từ sau tháng 5/1941 đến đầu tháng 8/1945, Trung ương chưa thể triệu tập được một hội nghị toàn quốc của Đảng, mà chỉ tổ chức được mấy hội nghị của Thường vụ Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ, Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, cho nên đến Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến 15/8/1945 tại Tân Trào, nhiều nội dung của “Mười chính sách lớn” lại được đưa ra thảo luận trước tình hình mới. Sau đó, Quốc dân Đại hội họp và thông qua. Vì Quốc dân Đại hội là tổ chức xem như Quốc hội, nên mới có chuyện “Đại hội quy định Quốc kỳ và Quốc ca, thông qua Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch”. Xem thêm Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2003, thì “Mười chính sách lớn của Việt Minh” vẫn tiếp tục triển khai thực hiện nhiều năm sau nữa (do khuôn khổ của bài báo nên chúng tôi không thể in toàn văn nội dung của Mười chính sách lớn này được). Như vậy là đã quá rõ, vì sao đến ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào lại thông qua “Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh”.

IV. Về tên gọi Nguyễn Chí Thanh.


Để dựng lại câu chuyện việc Bác Hồ đặt tên cho đồng chí Nguyễn Vịnh lúc đầu là Nguyễn Chí Thành, về sau đổi là Nguyễn Chí Thanh. Chúng tôi tham khảo hồi ký của những cán bộ từng dự họp, những người tham gia bảo vệ, phục vụ ở Hội nghị Tân Trào, hay những người được ở gần Bác nhiều năm như ông Vũ Kỳ chẳng hạn (ở đây chúng tôi phải dùng đến hồi ký để tham khảo, dù biết thể loại hồi ký cũng có nhiều câu chuyện, sự kiện do “suy nghĩ và nhớ lại” qua nhiều năm tháng nên có những chi tiết không được chuẩn về tư liệu, song vì việc này chính sử không ghi lại một cách cụ thể. Nhưng sự thật là Bác Hồ đã đặt cho Nguyễn Vịnh một cái tên mới!).

Theo những cuốn hồi ký này: của ông Vũ Kỳ, của đại tá Kháng (Trường, Kỳ, Kháng, Chiến…), của một số cán bộ bảo vệ khác nữa thì lúc đầu Bác đặt tên cho Nguyễn Vịnh là Nguyễn Chí Thành, sau đó thì đổi lại là Nguyễn Chí Thanh như trong bài đã viết đăng ở Sông Hương số Đặc biệt nói trên. Về mặt chiết tự ngữ nghĩa thì chữ Thành sâu và đúng hoàn cảnh với Nguyễn Vịnh hơn chữ Thanh, nhưng rồi cái tên Nguyễn Chí Thanh đã trở nên thân thương và tự hào của lịch sử quân đội cách mạng Việt Nam… Trên số Tạp chí Sông Hương Đặc biệt ra tháng 12/2013, ít nhất đã có hai tác giả đã viết về chi tiết này. Trên công trình Huế - Tên đường phố xưa và nay, Nxb. Thuận Hóa, 2004, tôi đã hơn một lần công bố về việc Bác Hồ đặt tên cho đồng chí Nguyễn Vịnh. Cũng bởi lịch sử không ghi chép một cách cụ thể thành ra nhiều chi tiết lịch sử và văn học mỗi sách viết một đằng.

V. Về bài thơ của Tố Hữu viết về Nguyễn Chí Thanh sau khi ông mất.

Câu hỏi này anh Phụng dành cho một tác giả khác cũng có bài đăng trên Sông Hương Số đặc biệt nói trên - Quang Viên, nhưng vì theo mạch trao đổi thông tin nhằm làm sáng tỏ hơn “kẻo đau đầu bạn đọc lắm” nên anh Quang Viên nhắn tôi trả lời luôn. Vậy xin phép được thưa cùng.

Sau khi tìm hiểu và tra Gu-gồ… anh Phụng viết: “Mới hay, nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất của Đại tướng (05/7/1967 - 05/7/2007), báo Tuần Việt Nam có đăng lại toàn văn bài thơ ấy và cả bản viết tay của nhà thơ Tố Hữu, trong đó ghi rõ nhan đề bài thơ là NHỚ ANH. Không phải là Một con người”.

“Vậy, vấn đề coi như được giải quyết nhưng sẽ rắc rối nếu một vị… nào đó lỡ quên giáo trình hoặc chưa từng đọc thơ Tố Hữu sẽ nghiễm nhiên xài tên bài thơ
Một con người thì… không hay lắm. NHỚ ANH đúng tâm trạng Tố Hữu hơn”.

Thực ra, trong bài viết đó, Quang Viên trích dẫn một đoạn trong cuốn hồi ký “Nhớ lại một thời” của Tố Hữu”, trang 392, Nxb. Hội Nhà văn - 2000. Xin gửi đến tác giả Phạm Xuân Phụng bức ảnh chụp trang hồi ký đó.



Nội dung trang đó Tố Hữu viết như sau:

“Cái chết của anh Thanh là một tổn thất lớn của Đảng ta, nhất là vào thời điểm quan trọng này. Tôi đã viếng anh bằng bài thơ “Mt con người”:

Tưởng lại đưa anh ra chiến trường
Đường về, vó ngựa thẳng dây cương
Ngày mai… ai biết chiều nay phải
Vĩnh biệt anh nằm dưới bóng dương…

Anh Thanh là một cán bộ lãnh đạo, một tướng lĩnh rất xuất sắc, quả cảm, táo bạo, xông xáo, rất chân thành và giản dị. Với tôi, anh là người bạn luôn gần gũi, ngay từ những ngày đầu tôi bước vào hoạt động cách mạng. Tôi đã gửi gắm vào bài thơ cả nỗi niềm tiếc thương, khâm phục:

(...)

Ôi sống như anh, sống trọn đời
Sáng trong như ngọc một con người”


Thiết nghĩ chính nhà thơ Tố Hữu đã viết như thế về thơ mình trong cuốn hồi ký của mình thì không ai có thể chính xác hơn. Xét thấy tác giả Quang Viên đã trích dẫn đúng từ cuốn hồi ký “Nhớ lại một thời” của Tố Hữu”, bài thơ Quang Viên đề cập lại là bài thơ “Mt con người” của Tố Hữu, nên mức độ chính xác ở bài báo đó không còn gì phải bàn cãi như anh Phụng nói nữa.

Về phần mình, tôi (DPT) xin nói thêm. Khi nghiên cứu một vấn đề gì đó về lịch sử, tôi thường phải đi thực tế để tìm hiểu, cơ sở tham khảo thì căn cứ vào tư liệu lịch sử, vào hiện vật khảo cổ, nguồn sử liệu chính thống. Nghĩa là dựa vào những công trình lịch sử đã được công bố để so sánh, trích dẫn. Trong quá trình nghiên cứu nếu phát hiện và đưa ra kiến giải mới có hàm lượng khoa học cao thì đấy là điều cốt yếu và là kết quả của việc nghiên cứu một cách nghiêm túc. Có điều cần lưu ý, trong nghiên cứu khoa học người ta không thể (và rất tối kỵ) dựa vào các cuốn sách sáng tác, trong đó có thể loại truyện ký để đối chiếu và trích dẫn về tư liệu lịch sử...

Xin cảm ơn anh Phạm Xuân Phụng đã giành nhiều thời gian quan tâm đến từng chi tiết và câu chữ trong bài viết của tôi, giúp tôi có thêm bài báo này cùng bạn đọc.

Huế, 3/2014
D.P.T
(SDB12/03-14)









 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng