Góc Hoài niệm
Bạn bè tôi
14:49 | 25/07/2014

PHẠM THỊ CÚC

(Tặng bạn bè Cầu Ngói Thanh Toàn nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ)

Bạn bè tôi
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ thời kháng chiến

Anh Trần Duy Lan là con thứ của thầy dạy vỡ lòng của tôi, thầy vừa là thầy đồ, vừa là thầy thuốc bắc của cả làng. Anh không phải là người nhiều tuổi nhất trong đám học sinh của làng tôi, nhưng là người học lớp cao nhất và giỏi nhất làng BẠN BÈ TÔI. Anh đẹp trai, trán cao, mắt sáng, mũi thẳng, dáng người khỏe mạnh, đúng như câu đám trẻ hay gán cho người yêu của bạn gái “đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi”.

Nhà thầy cũng không phải giàu lắm, nhưng với nhà một ông thầy đồ, thầy thuốc, so với mức sống của người dân trong làng, thì nhà thầy thuộc loại khá giả. Anh thi đậu rất cao: Thi tú tài I (tú tài bán phần) anh đậu hạng ưu (trong 4 hạng: ưu, bình, thứ và bình thứ). Thi tú tài toàn phần, anh cũng đậu hạng đầu tiên.

Con gái trong làng, ban đầu học trường Đồng Khánh cũng có ba người, sau lên lớp đệ ngũ thì hai bạn kia bắt đầu học đuối, phải ra học trường tư thục (bán công, Bồ Đề…). Mà học trường tư thục thì phải nộp tiền học, ba mẹ lại làm ruộng không có đủ tiền, nên một buổi đi học, một buổi ở nhà chằm nón bán lấy tiền, nộp tiền học, không có thời gian học bài ở nhà, nên sức học càng đuối dần, đến năm lên lớp đệ tứ, cuối năm thi diplôme không đậu nên hai bạn gái đã bỏ học và sau đó đi tham gia cách mạng, và một bạn đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân.

Trong làng chỉ còn lại mình tôi là con gái tiếp tục đi học. Ban đầu chiến sự hai bên (cách mạng và quốc gia) chưa căng thẳng lắm, tôi vẫn ở làng Cầu Ngói, hàng ngày đi học ở trường Đồng Khánh. Gặp mùa nắng ráo còn đi được xe đạp. Đến mùa mưa, mà mưa Huế thì “mưa dầm thúi đất”. Đường từ trường Đồng Khánh về làng rất xa, chỉ tính riêng từ chợ An Cựu về làng cũng đã 6 - 7km, đường đất, mùa đông bùn, lầy lội, trơn trợt.

Mỗi sáng mùa đông, khoảng bốn giờ sáng, chúng tôi mặc đồng phục: quần trắng, áo dài trắng (mùa đông áo dài màu xanh blue marin): xăn bo gọn gàng, guốc, dép xách tay, cặp kẹp nách, mỗi đứa một cây gậy, chống cho đỡ ngã. Thế mà cũng có một hôm tôi bị ngã lăn quay, tuy đã mặc áo mưa, mà cả bộ đồ trắng lấm bùn bê bết. Đi bộ từ nhà đến chợ An Cựu rửa tay, chân rồi mới xỏ guốc, dép vào chân đi bộ đến trường Đồng Khánh, nhưng với bộ áo quần lấm đầy những vết bùn, tôi không khỏi tủi thân vừa đi, vừa khóc.

Sau này khi hai bên thỉnh thoảng xảy ra chiến trận (làng tôi từ năm 1960 trở đi là vùng tranh chấp: đêm cách mạng ngày quốc gia). Đi học lên, về đêm hôm rất nguy hiểm nên tôi phải đi làm précepteur (gia sư) ở hẳn trên Huế, lâu lâu mới về làng một lần. Những tháng nghỉ hè (khi tôi chưa làm gia sư), anh Lan là người hay giúp tôi học môn toán: Có những quyển sách toán chỉ có riêng những đề toán (hình học) và đáp số, không có bài giải. Tôi giải tuần tự, hết bài này đến bài kia, bài nào không giải được thì đánh dấu, để lại đó, dồn một lúc nhiều bài rồi đến nhờ anh giảng giải. Lúc nào hỏi anh cũng tận tình giảng giải đến nơi, đến chốn.

Chị ruột của anh, là vợ của chú họ tôi, nhà chú ở kề nhà ba mẹ tôi, hai nhà có hai cái sân gạch và sân tráng xi măng rất rộng (ở nông thôn dùng để phơi rơm, phơi lúa) liền kề nhau. Mỗi chiều mùa hè, anh đem lưới, banh và những người bạn đến đánh bóng. Cuối buổi khi đánh xong, anh vào nhà tôi uống nước rồi giảng bài cho tôi. Nhiều mùa hè trôi qua như thế và chúng tôi rất thương nhau, cũng chỉ là tình cảm anh em vả lại anh cũng biết là tôi rất nghiêm, nói chuyện yêu đương với tôi là bị tôi “tẩy chay” liền, nên các anh cho dù có tình cảm với tôi cũng chỉ nén lòng, đợi có dịp “thuận lời” mới bày tỏ.

Anh có tật hay nhắm mắt khi nói chuyện, lại nói nhỏ gần như thì thào. Rồi chiến sự ác liệt xảy ra. Anh lên rừng, thoát ly làm cách mạng. Còn tôi lên Huế làm gia sư vẫn học Đồng Khánh và là cơ sở cách mạng nội thành của anh. Tôi làm thông tin viên nội thành cho báo “Cờ Giải Phóng” Huế, lúc đó anh Lan phụ trách số cơ sở học sinh, sinh viên nội thành, tôi là cơ sở của anh Lan, sau đó anh Lan chuyển tôi qua cho anh Tô Nhuận Vỹ phụ trách, vì lúc đó anh Vỹ là phóng viên báo Cờ Giải Phóng, ở miền Bắc vừa vào (đầu năm 1965).

Lúc đó, anh Vỹ cũng chỉ biết tôi qua bí danh Thu Tím, chứ cũng chưa gặp mặt bao giờ. Sau giờ giao thừa năm Mậu Thân (1968), anh Trần Duy Lan lần đầu tiên đưa anh Tô Nhuận Vỹ vào nhà tôi. Trước lúc vào nhà, cả hai anh “rình” ngoài bức bình phong trước ngõ cả giờ đồng hồ, để cảnh giới bên phải, bên trái, phía trước, phía sau,… và cả trong nhà xem có lính đồn hay không. Khi anh đi vào, tôi mắt nhắm mắt mở, nhảy từ trên bộ phản xuống. Anh Lan giới thiệu với ba tôi.

- Đây là anh Tô Nhuận Vỹ phóng viên báo “Cờ Giải Phóng”…

Anh lí nhí chào bác. Ba tôi nói:

- Mời anh hút thuốc.

Anh lại lí nhí: - Dạ, cháu không biết hút thuốc.

Nghe câu “Cháu không biết hút thuốc” là tôi đã hơi có cảm tình, tôi nghĩ “con trai mà không biết hút thuốc chắc cũng hiền lành đây” (thế mà sau này tôi mới biết có hiền lành chi mô).

Quay sang tôi, anh nói với anh Vỹ:

- Đây là Thu Tím.

Sáng hôm sau mồng một tết Mậu Thân, tôi phải diện áo dài tím Huế, quần trắng, guốc đa kao gót cao màu hoa cà, chiếc nón lá mới trắng tinh, quai nón tím, cặp sách vấn rubăng tím ở tay cầm… và chiếc xe đẹp cũng tím nốt. Trong cặp bỏ vài quyển sách, vở, không quên đem theo thẻ học sinh của trường Đồng Khánh.

Sáng mồng một, nơi đầu tiên là đến chùa (khuôn hội) thắp hương lạy Phật. Sau đó mới đi đâu thì đi. Vừa dắt chiếc xe đạp qua khỏi Cầu Ngói, một lên lính chặn đường hỏi:

- Cô đi đâu?

- Tôi về Lang Xá Bàu (là làng đã giải phóng kề làng Thanh Thủy Chánh (Cầu Ngói Thanh Toàn) của tôi.

- Lang Xá Bàu là làng Việt cộng, cô về đó làm gì?

- Ngày tết tôi về thăm bà ngoại tôi.

“Thăm bà ngoại” là tôi nói dối, chứ chiều hôm ấy (mồng một tết Mậu Thân) tôi có cuộc hẹn với anh Tô Nhuận Vỹ, anh huấn luyện về “tình hình và nhiệm vụ mới…” cho cơ sở nội thành. Mỗi “cơ sở” có 3 người, nhưng để giữ bí mật, anh gặp từng người một. Chiều hôm đó, trong lúc đang làm việc, có người đến gọi anh Vỹ đi, vì có “nhiệm vụ khẩn cấp…”.

Đêm hôm đó: đêm mồng một sáng mồng hai tết Mậu Thân, tôi được đưa đến một nhà dân ở Lang Xá Bàu. Bà mẹ trong nhà ấy cho tôi mượn một cái áo cánh nâu và một cái quần vải tàu đen (thay cho bộ áo dài tím, quần trắng) đôi dép cao su được phát để thay cho đôi guốc tím cao gót… Bộ cánh đẹp của cô nữ sinh lớp đệ nhị Đồng Khánh (cuối năm học sẽ thi tú tài bán phần) cùng chiếc cặp sách, cái xe đạp, chiếc nón Huế… tạm thời bỏ lại để lên đường gia nhập đoàn quân gọi là “địa phương quân” (để phân biệt với đội quân chủ lực, chính quy từ miền Bắc vào).

Đêm hôm đó, từ chập tối, nhiều đoàn quân từ bốn phương, tám hướng kết hợp một cách nhịp nhàng, đồng bộ… nhằm thẳng trung tâm thành Huế tiến về. Quân địch trước sự tấn công dồn dập, bất ngờ, mạnh như vũ bão… đã thua to, thua đau…

Suốt thời gian gần một tháng, kể từ đêm mồng một tết Mậu Thân, tôi công tác trong đội vũ trang tuyên truyền thuộc Thành ủy Huế, dưới sự chỉ huy của anh Trần Duy Lan cùng một số người khác. Hàng ngày tôi cứ lên, về vùng An Cựu và Lang Xá Cồn (vùng gần An Cựu City bây giờ) giữa những ngổn ngang và tan hoang gạch, ngói, tôn, xi măng, thủy tinh, sắt, thép… đổ nát chất thành gò, đống…

Thời gian này chúng tôi công tác với nhau, gặp nhau hằng ngày, tuy anh không nói nhưng qua cử chỉ, ánh mắt, nụ cười… tôi biết anh rất thương tôi và tôi cũng có cảm tình với anh. Trước đó khi anh còn học Quốc Học còn tôi học Đồng Khánh, đã có nhiều lần anh tìm gặp tôi, có lúc chỉ để nhìn nhau và trao đổi năm ba câu nói bâng quơ mà tôi lại thấy lòng xao xuyến, bồi hồi…

Hằng ngày, không ngớt những tiếng nổ của ca nông, móc chê, lựu đạn, các loại súng hạng nặng, hạng nhẹ vẫn nổ lai rai. Sau gần một tháng quân ta chiếm được thành phố Huế, dần dần quân địch phục hồi lực lượng, chiếm lại được những cơ sở, vị trí… quan trọng, ta bị đẩy lùi.

Khi các trường lớn của Huế bắt đầu đi học lại, trong các trường học như Quốc Học, Hàm Nghi, Đồng Khánh… có nhiều học sinh bị bắt vì bị địch phát hiện đã tham gia tích cực với Việt cộng trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân. Tôi cũng nằm trong số đó, nếu đi học lại sợ sẽ bị tóm, chi bằng ta lo trước thì hơn, nghĩ vậy nên các anh quyết định tôi nghỉ học từ đây. Sau đó, tôi rút về mạn Viễn Trình, Lương Viện… (phía bên này của Phá Tam Giang) về với cơ sở do anh Tô Nhuận Vỹ phụ trách. Những ngày không có địch càn, thì cùng với địa phương chăm sóc thương binh, làm các công tác dân vận… Khi có những trận càn thì phải chui xuống hầm bí mật.

Khoảng tháng 3/1968 trong một lần đi công tác, anh Tô Nhuận Vỹ ở Đồng Di Tây với đơn vị đánh nhau với một hướng tấn công của Mỹ, bị một quả rốc két bắn xuống từ máy bay trực thăng. Anh bị vỡ xương hông, mảnh xuyên qua một bàn tay, vào vai. Lần đó anh bị rất nặng, nhiều người gần đó đem anh vào làng, đặt anh nằm lên chiếc chiếu còn lành lặn, anh nói “thay cho tôi chiếc chiếu rách cũng được, không cần chiếc này đâu…” vì anh nghĩ: “anh sẽ chết và chiếc chiếu sẽ bó anh thay chiếc quan tài”. Nếu dùng chiếu lành thì người nhà sẽ mất chiếc chiếu, họ nghèo không có để nằm, thôi thì cứ dùng chiếu rách cho đỡ tốn.

Trong khi tôi về Viễn Trình thì anh Trần Duy Lan lại được giao nhiệm vụ là tập hợp một số học sinh, sinh viên… thành lập đội “học sinh, sinh viên quyết tử”. Sau một thời gian luyện tập quân sự, làm công tác tư tưởng, tổ chức… Anh Lan có nhiệm vụ đưa đội “học sinh, sinh viên quyết tử” lên rừng. Khi anh dẫn cả đội về Viễn Thành rồi xuống làng Mộc Trụ, Đức Thái… để lên rừng thì gặp một trận càn lớn. Những người hoạt động ở địa phương như chúng tôi, thì mỗi người đều có cơ sở, có hầm bí mật do các chị, các mẹ lo. Như anh Vỹ, tôi và anh Ngô Kha (sau này là nhà sử học), lúc nào gặp trận càn thì đã có hầm bí mật ở nhà mẹ Phép (anh Vỹ đã có truyện ngắn “Bà mẹ Viễn Trình”). Còn những người đi công tác ngang qua, như anh Lan, và các bạn ở đội quyết tử thì không có hầm sẵn.

Khi đoàn đến làng Đức Thái (lúc gần chiều tối) thì gặp một trận càn lớn gồm bộ binh, xe tăng, xe thiết giáp, máy bay trực thăng… Đang chạy giữa đường gặp một người địa phương anh hỏi địch đang ở phía nào, nếu gặp người tốt họ chỉ đúng phía đang có địch để mình chạy tránh đường khác (chạy ngược lại chẳng hạn). Rủi thay, anh gặp đúng một thằng (chắc là) Việt gian, phản động, nó chỉ phía không có địch, bảo là có địch, đội anh chạy hướng ngược lại, tức là chạy về phía địch, thế là bị đánh tan tành. Sau này tôi nghe mẹ anh kể lại: anh nhảy xuống Phá Tam Giang núp dưới một lùm cây nhưng vẫn bị bọn Mỹ trên máy bay trực thăng phát hiện, chúng bắn rốc két xuống như mưa và anh hy sinh trong trận đó. Khi đó đội quyết tử của anh cũng có nhiều học sinh, sinh viên chết và bị thương. Thật đau xót.

Những tháng sau trận Mậu Thân, tôi cũng không liên lạc được với gia đình, cả nhà tôi gồm ông nội, ba, mẹ và các chị, các em, ai cũng nói tôi chắc chết mười mươi trong trận Mậu Thân rồi.

Khoảng tháng 5/1968 trước khi lên chiến khu để theo đường 559 (đường mòn Hồ Chí Minh) đi bộ ra miền Bắc, tôi được về thăm nhà: cả nhà tôi mừng đến rơi nước mắt. Tôi đến nhà thắp hương cho anh, mẹ anh ôm tôi vừa khóc vừa nói: “Thằng Lan nó nói với bác “khi mô yên hàn rồi, ba mẹ lên nhà hai bác, xin hỏi em Cúc cho con…”. Trong trận Mậu Thân đó, mẹ anh Lan mất thêm hai người con nữa, một trai, một gái và mất thêm một anh con rể nữa. Nếu còn sống đến ngày thống nhất, chắc mẹ anh cũng được phong tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

*

Anh tên là Lê Đình Ghi, hồi nhỏ khi tôi học cấp 1, đi sinh hoạt gia đình Phật tử: tôi ở trong đội Oanh Vũ (đồng phục là áo lam tay ngắn may phồng, còn váy màu xanh blue marin có dây đeo vắt qua vai. Còn anh là huynh trưởng, anh người cao dong dỏng (khoảng 1,8m) tóc cắt ngắn (anh hay cười, tính tình vui vẻ, xởi lởi, hay cười để lộ cái răng khểnh bên khóe môi). Khi anh học khoảng lớp đệ ngũ trường Nguyễn Tri Phương, thì tôi học lớp nhất trường làng (anh hơn tôi khoảng 4 tuổi). Anh viết chữ rất đẹp, thường làm những bài thơ tặng tôi. Đặc biệt anh thương và chiều tôi với tình cảm dịu dàng, như tình cảm của người anh trai dành cho em gái, thấy tôi thích cái gì (trong điều kiện anh làm được) là anh làm liền. Ví dụ anh trèo lên cây mức trước nhà (loại gỗ dùng đẽo guốc mộc cho những ông già xưa) chặt một cành vừa đủ to để khắc một cái khuôn dấu, hình chữ nhật: một chiều khoảng 2cm, chiều kia 5cm, anh khắc (chữ in) tên tôi: Phạm Thị Cúc, lại lấy một cành khác nữa đẽo hình tròn, đường kính khoảng 3cm: anh dùng dao lam (loại gỗ này rất dẻo, lại đang tươi nên rất dễ gọt, đẽo…) tuy vậy vì dùng dao lam nên cũng kỳ công lắm, anh khắc hình một bông sen, làm khuôn dấu. Khi muốn in, thì bôi mực lên chữ, lên hoa rồi in hoa, in tên Phạm Thị Cúc xuống dưới. Hồi ấy trong vở của tôi, cứ có chỗ nào trống thì in hoa sen, bằng mực xanh, mực đỏ vào nhìn cứ thích mê cả người.

Anh đi thoát ly rất sớm, đợt đầu tiên của con trai, con gái làng tôi (khoảng năm 1963, 1964 gì đó). Nam, nữ thanh niên làng tôi hồi đó, nếu ai không đi học, họ lấy vợ, lấy chồng rất sớm. Con gái hai mươi tuổi, nếu chưa có chồng thì nói “hâm (hăm) đi, hâm lại”, còn nếu từ 30 tuổi trở lên thì ế là cái chắc bởi vì khi đó đã “băm tới, băm lui”. Bởi vậy, có những người con trai mới ngoài hai mươi đã lấy vợ, họ đi làm cách mạng, có người mới đi một hai năm đã hy sinh, có người thì 3, 4… năm đã không còn nữa. Những người còn sót lại, trở về sau 1975 có lẽ chỉ một vài phần trăm. Vì thế, con gái làng tôi nhiều người mới ngoài hai mươi, đã góa chồng, có nhiều chị cứ ở vậy nuôi con đến trọn đời. Cũng có nhiều người chỉ mới lấy chồng chưa được vài tháng, thậm chí chỉ mới vài tuần, rồi chồng đi tập kết, họ không lấy ai, ở vậy chờ chồng suốt hai mươi mốt năm (từ năm 1954 - 1975). Khi về dù người chồng chưa lấy vợ, thì người vợ cũng đã trở thành bà già, nhưng đa số đàn ông không kiên trì chờ đợi được như phụ nữ, nên phần nhiều họ đã lấy vợ trước khi giải phóng (1975).

Anh Lê Đình Ghi đi thoát ly sớm, đã làm anh lính giải phóng nhiều năm, nhưng khi anh hy sinh cũng chưa được công nhận là liệt sĩ ngay. Anh có cái chết rất thương tâm.

Khi đi vùng sâu (vùng xen kẽ giữa ta và địch). Một lần đi trong làng, trong xóm để tránh gặp địch, các anh thường không đi giữa đồng làng, ngõ xóm mà hay đi tắt, từ vườn nhà này sang vườn nhà kia. Một lần anh đi tắt qua một bụi tre gai tua tủa, một cành gai tre la ngà, móc vào vòng dây quả lựu đạn chày làm nó bật chốt và phát nổ ngay thắt lưng anh. Anh chết không toàn thây, còn bị phê bình là không cẩn thận. Anh hy sinh trước năm 1975 gần chục năm, thế mà cũng chục năm sau 1975, bà chị cả của anh, đi làm giấy chứng nhận liệt sĩ cho anh, họ vẫn gây khó khăn… Tôi hỏi thăm, nghe chị tâm sự: “Mẹ chị còn sống… chị đi làm giấy chứng nhận liệt sĩ cho Ghi, mà thằng (vì ít tuổi chị gọi bằng thằng, cũng có bực dọc nữa) L nó đòi ăn tiền, nên chị không thèm làm nữa”.

Mãi một thời gian sau, khi chị làm được giấy chứng nhận liệt sĩ cho anh thì mẹ anh sống thêm được cũng chỉ vài năm thôi.

*

Chị là Trần Thị Hoa, là chị ruột của anh Trần Duy Lan, chị Hoa có một người chị, một người anh cả và chị dâu đầu đi tập kết. Chị tham gia cách mạng nhưng vẫn ở làng chứ không đi thoát ly, chị hoạt động một thời gian thì bị lộ, suýt nữa bị bọn lính (đóng đồn trong làng) bắt. Chị phải lên Huế trốn, vào ở nhà của một bà chủ bán hàng vải ở chợ Đông Ba chị làm người bán vải. Nhà ấy lại là nhà mà tôi ở làm gia sư cho cả bầy con 7, 8 đứa (vì có bà con xa, tôi gọi bà chủ nhà bằng O, chị Hoa lên Huế ở cùng nhà với tôi không phải là ngẫu nhiên). Chỉ một mình tôi biết là chị hoạt động cách mạng, còn trong nhà O, tuyệt nhiên không ai biết.

Tôi nhớ mãi có một đêm hai chị em nằm ngủ trên bộ phản (bộ ngựa) giữa nhà, khi mới vào nằm, đã nghe tiếng hai con mèo (1 con cái, 1 con đực) gào qua, gào lại rất to, chúng gào cả tiếng đồng hồ, hai chị em không sao ngủ được. Đến gần nửa đêm hai con mèo gào thét rất ghê rợn, chúng xông vào nhau cắn xé, xông cả vào màn, vào giường tôi sợ chết khiếp. Vụ đó có lẽ tôi nhớ tới già, đến chết vẫn còn kinh. Hồi nhỏ, khi nghe mèo gào thét như vậy, nếu là đang ngủ ban đêm, tôi kéo chăn đắp kín mặt mũi đến ngột thở mà không dám mở chăn ra.

Chị bán vải một thời gian, khi làng Cầu Ngói thay lính trong đồn (tốp cũ đi, tốp đến mới) chị về hoạt động lại. Chị cũng là cơ sở bảo vệ hầm bí mật, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men… cho cán bộ, trong đó có anh Lợi là chồng chưa cưới của chị, cũng đi thoát ly.

Chị đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân, là liệt sĩ thứ hai trong gia đình anh Trần Duy Lan.

Anh Lợi, chồng chưa cưới của chị, mới ngoài hai mươi tuổi đi thoát ly chưa được bao lâu cùng hy sinh nốt.

*

Em tên là Trần Duy Chính là em trai út của anh Lan. Thời gian tôi học Đồng Khánh, là cơ sở học sinh nội thành của anh Lan, em thường làm giao liên, chuyển bài vở, tin tức từ tôi cho anh Lan và ngược lại. Có một lần, tôi làm được bài thơ (ký tên là Thu Tím) vừa mới đưa cho em nhờ chuyển, đi vài ngày sau, được tin em bị bắt, lần đó tôi sợ, sống trong hồi hộp lo âu, không biết khi nào, đến phiên mình bị bắt… Nhưng thật hú vía, khi chúng bắt em, lục soát khắp người không thấy có gì, nhưng dù có gì hay không, đã bị bắt thì cầm chắc cái chết. Giam vào nhà lao Thừa Phủ mấy ngày, chúng hành hạ, đánh đập em cho đến chết mới thôi.

Chỉ trong vài ba tháng sau tết Mậu Thân (1968) mẹ anh Lan mất ba người con, hai trai, một gái và một anh con rể.

Tôi vào nghĩa trang liệt sĩ của xã đọc trên bia, tên liệt sĩ đã lên đến một ngàn, nhưng vẫn còn có liệt sĩ chưa được ghi vào bia như tên anh Ghi chẳng hạn.

Thời gian đó (1968) dân xã tôi (xã Thủy Thanh) khoảng mười nghìn người. Số liệt sĩ chiếm 10% dân, đó là chưa kể bao nhiêu dân trong xã chết vì bom đạn chiến tranh.

P.T.C
(SH305/07-14)






 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Nhớ Phùng Thăng (11/07/2014)