Góc Hoài niệm
Thanh Minh/Nguyễn Hưu và thơ văn Thanh Minh
09:59 | 28/08/2014

Thanh Minh là bút danh chính của Nguyễn Hưu(1), người làng Yên Tập, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc, nay là xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

 Thanh Minh/Nguyễn Hưu và thơ văn Thanh Minh
Thanh Minh/Nguyễn Hưu

Vị Tổ chi họ Nguyễn này vốn dòng dõi Hầu Phủ Nguyễn Chiêm xã Phù Lưu Thượng, sang khai cơ ở đất Nhà Cại (Võ Cái – Yên Tập), đến cụ Nguyễn Triện (1881-1945) là ba đời. Nguyễn Hưu là con thứ hai cụ Triện và bà chính thất Võ Thị Thiện. Theo lý lịch tự khai thì anh sinh vào ngày 20-08-1914.

Là con nhà nông dân nghèo, anh phải trải qua tuổi thơ ấu đau buồn, và thời trai trẻ lênh đênh, vất vả. Lên ba tuổi, cậu bé Hưu đã mồ côi mẹ, “thiếu tình ấp ủ, thiếu lời ru Non bữa, nửa chiều, thiếu cả - Trong mơ thiếu cả cái xoa đầu(2). Cha chăn con bò rẽ, lo làm lụng để nuôi hai đứa con thơ. “Nửa đêm cha vác cày leo núiAnh bám đuôi bò luồn cửa sau”(2). Tỉnh dậy, nhà vắng teo, cậu “lui cui chầu bên cửa”, chán, lại “đuổi chuồn bắt bướm dọc bờ ao”(2). Cứ thế cậu lớn khôn dần.

Năm lên mười một, mười hai, nhà đã có thêm bà mẹ kế, cậu được theo anh đi học chữ nho với ông đồ làng bên. Mấy năm sau anh cả phải thôi học chữ, về học cày, còn cậu vẫn được theo thầy đồ thêm mấy năm nữa, mới lên trường tổng Phù Lưu học chữ quốc ngữ và thi đỗ Tuyển sinh.(3)

Lúc này, gia đình gặp tai họa. Người anh con nhà bác mồ côi cha, tham gia phong trào xô-viết Nghệ Tĩnh, bị Tây bắt giam ở nhà lao huyện Can Lộc, bị tra khảo đến chết rồi vứt xác ngoài bờ ruộng. Người anh ruột cũng bị bắt giam ở lao Hà Tĩnh. Cha phải lo chôn cất cháu, lại phải chạy nuôi con ở tù cho đến khi được tha, hơn một năm sau.

Do đó, việc học hành của Nguyễn Hưu cũng gián đoạn. Mãi đến niên khóa 1933-1934, ở tuổi 19, 20, anh mới thi vào học lớp Đệ nhất A trường Tiểu học Hà Tĩnh(4). Nhưng rồi anh cũng không theo được hết cấp, chỉ vì cha không lo nổi khoản tiền cơm tháng cho con trọ học ở tỉnh lỵ. Thế là con đường học vấn đã bị chặn lại.

Trở về làng, buồn, nhưng không nản, Nguyễn Hưu cố tìm cho mình một con đường nâng thêm kiến thức mà anh gọi là đi “săn gió mây”. Anh đi đây đi đó, tìm thầy, tìm bạn. Anh lần ra Trần Xá (Đan hải, Nghi Xuân) xin làm đồ đệ Đầu hyện Trần Sỹ Dực(5) để học văn, học thuốc, và trở thành bạn vong niên của cụ, không chỉ được cụ tận tình chỉ bảo, mà còn được cụ nuôi ăn. Anh kết thân với anh Gióng – Nguyễn Đổng Chi(6) bên Đông Thượng – Ba Xã. Nhờ mối quan hệ này mà anh được tiếp cận Mộng Thương thư trai của cụ Hiệt. Như chuột sa chĩnh gạo, anh ngấu nghiến đọc bất cứ thứ gì, sách và tài liệu Hán Nôm cổ, tiểu thuyết Đông – Tây, báo chí quốc ngữ, và học thêm tiếng Pháp... Anh Gióng lúc này cũng về quê, vừa tự học vừa thực nghiệm việc kinh doanh. Năm 1935, hai anh cùng mấy người bạn khác đã tính chuyện “làm ăn lớn” khai khẩn vùng đất Nương Dưa – Đồng Chợ trồng rau xuất khẩu...

Sau đó Nguyễn Hưu ra Vinh tìm nơi làm gia sư kèm cặp mấy chú bé, cốt để có điều kiện học thêm(7). Nhưng chưa bao lâu, anh lại theo bạn (có lẽ là anh Gióng (?) vào Huế mấy tháng, mong được biết chốn đế đô.

Không thể cứ lênh đênh mãi, anh trở về, lấy vợ, một người con gái trong làng, đinh ninh sẽ yên phận xây dựng cái tổ ấm nhỏ nhoi dưới chân truông Hống. Nhưng số phận chưa buông tha anh. Được vài năm,người vợ trẻ bị bệnh đột ngột qua đời(8). Cái gia đình nhỏ tan nát, mất phương hướng, anh lại cứ theo “sông nước lềnh bềnh chiếc lá trôi – Cánh diều không buộc càng chơi vơi...”.

Lúc này, Nguyễn Hưu đã có nhiều thơ in trên báo chí trong nước. Anh chỉ còn biết lấy sách vở, bầu bạn và thơ làm điểm tựa tinh thần, tự trấn an bằng câu “Văn chương cố ngã cùng”.

Văn chương không những giúp anh vững lòng, mà còn bắc cầu cho anh đến với cuộc tình duyên mới, bền chặt, đã làm đổi hướng cuộc đời anh.

Một thiếu phụ, con ông Tú bên Kẻ Tả, đọc báo, thích những bài thơ của Yên Sơn, Tùng Lĩnh. Chị dò hỏi, nghe nói, tác giả là người ngoài Yên Tập, bèn cất công đi tìm gặp, làm quen, thấy ý hợp tâm đầu, bèn trao đổi thư từ, xướng họa thơ, rồi trở thành bạn thân, thành vợ chồng.

Năm 1941, hai người đã có cậu con trai đầu lòng.

Được vợ khuyến khích và tạo điều kiện, lần này Nguyễn Hưu đi xa hơn, vào Sài Gòn, không phải để thỏa chí giang hồ, mà cốt tìm đường lập nghiệp. Buổi đầu, nhờ bạn mách bảo, anh đi học nghề may. Sau đó, anh tìm được chân thư ký hiệu buôn thuốc bắc. Vốn đã có ít nhiều kiến thức về Đông y, thấy đây là dịp may, anh lao vào học, vừa tham gia bốc thuốc, vừa say mê đọc, nào lý luận của Trường Sa, nào phương thang của Hải Thượng(9). Quả thật đây là lớp bổ túc nghề nghiệp về lý luận và thực hành, rất bổ ích cho anh về sau.

Hơn một năm ở Sài Gòn, không lúc nào anh nguôi nhớ nhà, tết đến càng cảm thấy cô đơn, lạc lõng nơi đất khách quê người. Cái thành phố “Hòn ngọc Viễn Đông” thời Pháp – Nhật đối với anh chẳng còn gì hấp dẫn như buổi ban đầu nữa. Anh quyết định trở về. Một mình thuê xe lủi thủi ra ga, không người đưa tiễn.

Trở về căn nhà tranh dưới chân truông, sống bên vợ con, đoạn tuyệt với cuộc “săn mây đuổi gió”, quên đi cái cảnh “Vinh, Huế, Sài Gòn lang thang”, Nguyễn Hưu thật sự hạnh phúc, mặc dầu gia cảnh đang lâm vào khó khăn. Có chút vốn liếng, ruộng đất ông bà ngoại để lại cho, chị đã bán hết lo cho chồng con. Nhưng chị vẫn chấp nhận cảnh phong trần với chàng thi sĩ xác “biết làm thơ biết uống rượu ngang tàng” mà vẫn vui cảnh “rau cháo vợ cùng con hú hý”(2). Họ có thêm hai mặt con, một gái, một trai, nhưng đều không nuôi được. Tình yêu thương đã giúp hai người vượt qua nỗi đau buồn, rồi vượt được cái đận “đói trắng mắt” đầu năm ất dậu – 1945.

Lúc này, những kiến thức về y học hóa ra đắc dụng. Nguyễn Hưu trở thành thầy lang bốc thuốc ở nhà, không chỉ để cứu người, mà còn để tự cứu mình.

Có điều là anh vẫn tiếp tục giao du rộng, thường sang thăm những gia đình có học hành, chữ nghĩa bên Kim Trì, Đỉnh Lự, Phù Lưu Thượng, và cả ngoài Tả Thượng, Hữu Ngoại... Anh kết thân với nhiều người, và coi những cuộc gặp gỡ chuyện trò với họ là những buổi ngoại khóa có ích. Sau này, anh Chương Thâu kể lại: “Thầy Hưu và các bậc cha chú của chúng tôi giao lưu, bàn bạc những vấn đề gì... thì không rõ, nhưng hễ gặp nhau là họ hân hoan lắm”.

*

Cách mạng Tháng Tám 1945 là một cuộc “đổi đời” của cả dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là cuộc “đổi đời” của mỗi con người. Trong thơ văn của mình, không biết bao nhiêu lần Nguyễn Hưu đã nhắc lại cái mốc lịch sử ấy, và luôn nói lên lòng biết ơn của mình đối với bác Hồ, với Đảng cọng sản.

Lúc này anh mới ngoài ba mươi, đang sung sức, lại tràn trề nhiệt huyết, muốn ra sức làm việc để “...may chi hòng gỡ gạc – đền bù cho những bước lênh đênh”.

Nguyễn Hưu được Tổng ủy Việt Minh Phù Lưu giao cho làm giáo viên Trường Hồ Ngọc Tàng, một ngôi trường mới chỉ có hai lớp mà lại gọi là Trường tiểu học cơ bản. Thầy Hưu, nhìn còn rất trẻ “mắt mang kính gọng to, nước da mái, và giọng nói nhỏ nhẹ, ấm áp”, thầy không bao giờ đánh mắng học trò, nên học trò gọi là “ông Thiện”(10). Anh lại được chấp ủy Việt Minh xã giao thêm công tác, làm Trưởng ban tuyên truyền, hợp với sở năng, càng phấn khởi. Từ đó anh trở thành “cán bộ nói”... Trong các cuộc họp, các cuộc mít tinh, biểu tình của tổng, của xã, “không chỉ có thầy Hưu và các bậc cha chú quen thuộc, mà còn có cả đại biểu Phụ nữ cứu quốc của tổng. Thay mặt Hội Phụ nữ cứu quốc là chị Võ Thị Cúc – vợ của thầy Hưu, một phụ nữ mặc trang phục tân thời, vốn là con gái rượu của cụ Tú tài Võ Quốc Vọng quê ở xã Thuần Thiện...”(11).

Nhiệt thành, có năng lực và giao tiếp rộng, Nguyễn Hưu thường được Việt Minh huyện điều động sung vào ban tuyên truyền lưu động về nhiều xã, rồi được chọn cử đi dự Đại hội thành lập Đoàn Văn hóa cứu quốc tỉnh Hà Tĩnh. Trở về, anh cùng các ông Trần Đại Quả, Võ Trí Hưu... được giao đứng ra vận động thành lập Chi đoàn Văn hóa cứu quốc huyện, và được bầu làm ủy viên Ban chấp hành phụ trách tuyên truyền, cổ động...

Làm thầy giáo trưởng tổng, cán bộ tuyên truyền xã, rồi ủy viên chấp hành văn hóa huyện, đều không được cấp sinh hoạt phí. Để “vực được đạo”, anh phải tiếp tục dựa vào cái dao cầu, làm thầy lang bốc thuốc ở nhà, và từ 1947-1948, hợp tác với các ông bạn Nguyễn Duy Tiễu, Ngô Đức Luyện tức Linh, Lê Đình Thiêm... mở cửa hàng bốc thuốc chữa bệnh ở Can Lộc.

Lúc này nhà có thêm một bé trai, chị phải nghỉ hẳn công tác phụ nữ để lo việc nhà, tạo cho anh có điều kiện hoạt động.

Năm 1948, anh quyết định dời nhà từ chân truông ra Cầu Trọt, đất làng Đỉnh Lự, nghĩ rằng đây là trung tâm xã mới, sẽ trở thành xóm mạc đông vui.

Nhưng lại có chủ trương chia xã, nơi này trở thành hoang vắng. Chính ở đây bé trai út ra đời... và, hơn mười năm trời mấy mẹ con chị phải trụ trong ba gian lều trống giữa đồng không mông quạnh...

Năm 1949, đang là Trưởng ban Thông tin xã, Nguyễn Hưu được điều động lên làm cán bộ Ty Thông tin tỉnh (Lúc này Bộ Tuyên truyền đổi thành Tổng cục Thông tin). Từ đây anh ly dị hẳn cái dao cầu, sống với đồng trợ cấp ít ỏi.

Ở cơ quan Ty, anh được giao phụ trách biên tập và văn nghệ. Biên tập là hàng ngày đọc các bản tin mật, trích những tin của “đài ta”, đem in li-tô (in đá) gửi về các xã... Còn văn nghệ là làm thơ ca hò vè, cũng đem in li-tô gửi về địa phương cùng với bản tin để “phát thanh” trên ống loa hoặc đọc trong các buổi họp.

Từ một “cán bộ nói” anh trở thành “cán bộ viết” và cái bút danh Thanh Minh cũng xuất hiện từ đây.

Tên cơ quan thì luôn thay đổi, không ai kịp nhớ(12) còn nhiệm vụ cụ thể của Thanh Minh thì trước sau cũng chỉ là Thông tin – Tuyên truyền và Văn nghệ...

Năm 1951, Đại hội văn nghệ toàn tỉnh họp ở đình Khổng Yên (Đức Thọ), thành lập Phân hội văn nghệ Hà Tĩnh (trực thuộc Chi hội Liên khu 4 của Hội Văn nghệ Việt Nam). Thanh Minh là hội viên sáng lập Phân hội. Từ ấy cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp (1954), anh cùng với các anh Hoàng Nguyên Kỳ, Đinh Xuân Tửu... là những người chủ chốt, vừa làm việc của Ty, và lèo lái Phân hội. (Phát động phong trào văn nghệ quần chúng, tập hợp lực lượng sáng tác, tổ chức việc biên tập in ấn tác phẩm, và xuất bản tờ báo Thông tin (đều in đá).

Khi thành lập Ty Văn hóa (5-1955), nhiều cán bộ của Ty Tuyên truyền đã đi nhận công tác khác. Thanh Minh và số người còn lại đều chuyển sang Ty Văn hóa. Anh được phân công phụ trách văn nghệ nhưng mãi đến 1960-1961 mới chính thức được đề bạt Trưởng phòng.

Năm 1956, Thanh Minh cùng Trần Hậu, Vũ Hoàng, Trần Đức Duy, Lê Hàm là đại biểu Hà Tĩnh tham dự Đại hội thành lập Hội sáng tác văn nghệ Liên khu 4 và Thanh Minh được bầu vào ban chấp hành. Nhưng đến 1958, cấp hành chính Liên khu bãi bỏ, thì Hội cũng giải thể. Anh em lại chỉ hoạt động trong tỉnh.

Thời gian này, bản thân Thanh Minh và gia đình gặp rất nhiều trắc trở, khó khăn. Năm 1960, việc tạm ổn, anh thu xếp đưa gia đình về Thị xã để các cháu có điều kiện học hành. Rời khỏi túp lều giữa đồng không, lại lâm vào cảnh không nhà, phải đi ở nhờ, ở đỗ mấy năm liền, mãi về sau mới dựng được nếp nhà tranh nhỏ ở khu phố Lâm Phước Thọ...

Thanh Minh vẫn cùng anh em đồng sự âm thầm làm việc, viết lách, giao tiếp với anh chị em văn nghệ trong tỉnh, dần dần quy tụ được lực lượng sáng tác nòng cốt.

Tháng 2-1964, Phòng Văn nghệ tổ chức cuộc họp mặt của hai mươi anh chị em ban viết có khả năng nhất, thành lập Tổ sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh. Tổ có nội quy, chương trình hoạt động và bầu ra Ban cán sự để điều hành công việc(13). Ít lâu sau, được Ty văn hóa giúp đỡ, Ban cán sự mở rộng thành Ban vận động thành lập Hội sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh, do Thanh Minh, Vũ Hoàng làm Trưởng, Phó ban. Nhưng rồi vì nhiều lẽ, cứ phải trì hoãn đến hơn bốn năm sau, việc lập Hội mới được quyết định.

Đầu năm 1969, Tỉnh cho mở Đại hội thành lập Hội sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh, Thanh Minh được bầu làm Thư ký ban chấp hành Hội. Đại hội lần thứ hai họp cuối năm 1971 đổi tên Hội là Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh (gọi tắt là Hội Văn nghệ Hà Tĩnh) anh lại được bầu làm Hội trưởng.

Cũng từ năm 1969, anh nghỉ việc ở Ty Văn hóa, chuyển sang chuyên trách công tác Hội, và tham gia biên tập Tạp chí “Sông La” (Tạp chí của Ty Văn hóa và Hội sáng tác văn nghệ) rồi Tạp chí Văn nghệ Hà Tĩnh.

Một mảng công việc khác mà Thanh Minh cũng hết sức quan tâm và có đóng góp lớn: Năm 1970, anh là một trong hai hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam đầu tiên ở Hà Tĩnh. Được Ty Văn hóa giúp đỡ và tạo điều kiện, Tiểu ban VNDG được thành lập (do Thanh Minh, Thái Kim Đỉnh chủ trì). Tiểu ban có một nhóm chuyên trách 4 người, tổ chức được nhiều tổ sưu tầm và mạng lưới cọng tác viên (gồm 70 người) ở cơ sở, xúc tiến việc sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản tác phẩm dân gian trong nhiều năm liền...

Anh là ủy viên Đảng đoàn văn hóa – văn nghệ và là ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh từ 1969 đến 1977. Thanh Minh còn là đại biểu giới văn nghệ ra ứng cử và trúng cử vào Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa 4.

Năm 1976, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Thanh Minh đã vào tuổi 62, được nghỉ hưu. Nhưng anh vẫn tham gia Ban chấp hành Hội Văn nghệ Nghệ-Tĩnh cho đến Đại hội lần thứ ba (8-1981).

Suốt trong những năm ở Ty Văn hóa, Thanh Minh luôn gặp nhiều khó khăn. Nhưng anh luôn vẫn là hạt nhân đoàn kết và đầu tàu trong mọi công việc. Ty văn hóa trong một trời gian dài thường chỉ có một Trưởng hoặc Phó ty. Ông ấy đi vắng, có lúc một vài tháng, cũng có lúc đến sáu tháng liền, Thanh Minh là người được ủy quyền thay thủ trưởng giải quyết mọi việc của toàn ngành, và làm việc với Bộ, với Tỉnh, mà anh nói đùa là “được giữ cồng”. Điều dễ thấy là không chỉ ở văn phòng Ty mà cán bộ, nhân viên các đơn vị trực thuộc đều tin cậy, quý mến anh, nên ai nấy đều tự giác làm việc.

Thời chống Mỹ, gia đình phải đi sơ tán, các con lần lượt vào bộ đội, đi chiến đấu xa(14), chị thường đau yếu, nhiều lúc anh phải lo việc nhà giúp chị và các cháu nhỏ, nhưng không bao giờ phế khoáng việc cơ quan...

Sau khi về hưu, nhà vẫn túng thiếu nhưng khu phố có việc khó khăn, cán bộ cứ níu lấy “ông lão”, và ở tuổi bảy mươi, anh còn được/ bị cho làm Bí thư chi bộ, cái chức mà lúc ở cơ quan, anh đã “được” làm sáu khóa liền. Anh cười: “Đường cách mạng dài không trạm nghỉ” mà!

Nỗi đau lớn nhất của anh chị lúc tuổi già là việc cháu Phong Nghi hy sinh... Anh chỉ còn biết an ủi chị và tự an ủi mình: Mất là mất riêng, nhưng đã “được góp “còn” cho Tổ quốc”Cho cây đời còn mập chồi non”(2).

Những năm cuối cùng, anh chị sống bên con cháu, nghèo, nhưng thảnh thơi, vui vẻ khi láng giềng thăm hỏi, bầu bạn xa gần lại qua...

“... Một đời mưa nắng nặng đôi vai,
Một túp lều tranh, một bụi nhài
Một tấm lòng người, mươi quyển sách
Để cho con cháu của mồ hôi.”(2)

Thanh Minh mất ngày 28-12-1986, thọ 72 tuổi.

***

Thanh Minh đã có thơ in trên báo chí trong nước từ những năm 1938-1939, được nhiều người biết đến. Sau cách mạng, anh hoạt động trong lĩnh vực thông tin – tuyên truyền, văn nghệ, lại nhiều năm là chủ trì Hội Văn nghệ tỉnh nên viết càng nhiều, để lại một số tác phẩm thơ văn gồm nhiều thể loại.

Trước hết, Thanh Minh là nhà thơ, và theo lớp tuổi và sở học, thì anh rất thạo và thích viết thơ luật Đường. Nhưng thơ anh không sáo mòn, cũ kỹ như phần lớn thơ luật đương thời, bởi anh viết về những suy nghĩ cảm xúc thực của một thanh niên có học, buồn đau về nỗi mình, nỗi đời trong xã hội thuộc địa; một phần thơ anh lại có xu hướng thời thế (chữ dùng hồi ấy), thiên về trào lộng, đả kích, ít nhiều mang tính hiện thực (Sắc tài (tiền tài), Non bộ, nhất là bài Vua ra...)

Bài Vua ra Hà Tĩnh của Thanh Minh không được nhiều người biết như bài Vua ra Đức Thọ của cụ Phan Điện, nhưng ngôn từ “quyết liệt” hơn nhiều: “...Văn võ khom lưng chầu dưới bãi – Tây đầm nẩy bụng ngự trên cao – Quan già chúa tỉnh quỳ ôm vẹm – Gái trẻ làng quê đứng trật ngao – Dáng dấp mười năm vua học được – Văn minh nước mẹ: lính chào mào!”. Anh còn có bài thơ “cười khẩy” cái Viên dân biểu Trung Kỳ, và vài bài về vụ Lư Câu kiều, Nhật xâm lược Trung Hoa năm 1937. Mặc dầu chưa hiểu gì về chính trị, nhưng anh tỏ thái độ có thiện cảm với Nga, Tàu, và ác cảm với phát xít: “...Đạo quân Thiên hoàng gươm lết đất – “A-ri-ma-xừ-cạ” giữa đất Tàu!” (Arimasu ka? tiếng Nhật nghĩa là “có không?”).

Hình ảnh, ngôn từ trong thơ anh hùng rất táo bạo. Một cụ Tú, sau khi đọc mấy câu “Nửa buổi mây còn che nửa núi – Đầu chiều sương đã tỏa đầu non”, liền kêu lên: “Các anh trẻ bây giờ gớm tay quá! Theo cụ, câu thơ ấy là sái, là “vô hậu”!

Tôi nhắc nhiều về mấy bài thơ đầu tay của anh là muốn nói rằng một cậu nhà quê ít học như anh, ở tuổi ngoài hai mươi, đã có thơ in trên nhiều báo chí, không phải dễ.

Về sau, anh vẫn viết nhiều thơ luật, trữ tình, trào lộng, ngâm vịnh có, thù tạc có, nhưng những bài viết về cảnh ngộ, tâm trạng riêng là nổi trội hơn cả, một số bài rất chửng chạc, mực thước, trong đó có mấy bài thơ chữ Hán. Anh cho rằng thơ luật vẫn có thể dùng đắc địa trong châm biếm, đả kích, có điều không nên quá gò bó, gượng ép vào niềm luật, đối...

Thanh Minh cũng viết nhiều thể thơ tự do và đã cho in hai tập “Những hạt nắng” (1973), “Chung thủy” (1976) và còn một tập chưa in lấy đề “Những mảnh vụn trái tim”. Lại vẫn những bài về tình cảnh, nỗi niềm riêng, về những người thân, với những cảm xúc chân thực, là cuốn hút nhất (“Hai đứa”, “Chính ở nơi đây”, “Nhớ bà”, “Những đêm không ngủ”...). Anh sở trường về thơ trường thiên, thể lục bát hay thất ngôn, bài nào cũng gây được ấn tượng mạnh mẽ (“Thư dâng Bác”, “Cây ngô đồng thị xã”, “Bước chân cha, bước chân con”, “Cảm ơn đời, ăn dâu trả kén”, “Mấy vần tâm sự đầu xuân”, “Núi Hồng ai đắp mà cao”... Đặc biệt bài “Con ơi” (khóc con, liệt sĩ Phong Nghi) thể hiện nỗi đau tột cùng của người cha, đồng thời biểu hiện sự từng trải, thái độ đúng đắn, vững vàng của một cán bộ, khiến người đọc xúc động sâu sắc và kính trọng, quý mến thêm tác giả. Bài thơ trường thiên khác của anh, “Ánh lửa Ngàn Trươi” mang dáng dấp một trường ca.

Do yêu cầu của công tác ngành văn hóa và công tác tuyên truyền kháng chiến, cùng với thơ, Thanh Minh còn viết nhiều thể loại văn chương khác.

Nhờ có vốn cựu học dồi dào, anh rất sành thể biền văn, đã viết nhiều văn tế, Hịch (một loại văn kêu gọi, cổ vũ), đối liễn... Bài “Văn tế tiểu tường nhạc mẫu” làm lúc 26 tuổi đã khá điêu luyện. Về sau, anh dùng thể loại này để viết các bài “Văn tế sống chủ nghĩa cá nhân”, “Văn tế ngài Ngô” và các bài “Hịch tấn công nghèo nàn lạc hậu”, “Hịch đánh giặc Mỹ”..., thêm một hình thức văn chương tuyên truyền cổ động được nhiều người yêu thích.

Văn vần lục bát, song thất lục bát cũng là loại sở trường của Thanh Minh. Anh viết nhiều Diễn ca rất chỉnh (“Cánh diều lộng gió”, “Hai năm”, “Ngày hội mừng công”, “Quê ta tự lực, tự cường”). Anh còn viết nhiều bài Độc tấu (“Chuyện cái miệng”, “Kể chuyện cu Ngà”...) và rất nhiều vè giặm, in trong các tập sách ở địa phương. Giáo sư Nguyễn Đổng Chi cũng đã chọn ba bài của anh đưa vào sách “Hát giặm Nghệ Tĩnh” (Tập II). Lúc trẻ, Thanh Minh đọc khá nhiều tuồng bộ của Đào Tấn và các tác giả khác, lại dao du với bạn bè là nghệ nhân trong Phường tuồng Phù Lưu Thượng. Anh hiểu tuồng và thích tuồng nên đã viết hai tiết mục ngắn tuồng bộ trào lộng (“Quốc gia đại sự”, “Táo quân miền Nam hồi trào”...).

Về Văn xuôi, của anh, có giá trị nhất là tập Hồi ký tự truyện “Những mẩu đời không quên” trên trăm trang (A4), nhưng rất tiếc là bản thảo bị thất lạc, may mà còn một chương trích in báo “Nhìn về cái tết xa xưa”. Anh còn có bài Hồi ký “Mong giữ trọn niềm chung thủy” viết về quá trình công tác trong ngành Thông tin – Văn hóa.

Anh cũng viết nhiều bài ký: “Cây đa Đan Phố”, “Cô Nhẫn một ngôi sao trong làng hát ví Hà Tĩnh” (in trong “Đất nước Hồng Lam”), “Chị Dung” (in trong “Hồi ký cách mạng Hà Tĩnh”), “Ánh sáng đầu nguồn”, “Chị Ngụ Vọng Sơn”... (In rải rác trong nhiều sách).

Về mảng nghiên cứu, giới thiệu... đáng chú ý là các bài “Đọc thơ ca Xô-viết Nghệ-Tĩnh” (in trong tập sách cùng tên), “Hà Tĩnh hát giặm” (in trong “Đất nước Hồng Lam”). Đặc biệt Thanh Minh có cuốn “Truyện Kiều” do anh hiệu khảo, cuối sách có bài “Lần đầu tiên Truyện Kiều được in ở Hà Tĩnh” gợi lên nhiều ý kiến đáng suy nghĩ. Mấy bài “Tập Kiều và nhại Kiều khác nhau thế nào?”, “Một số nét cơ bản về luật sáng tác vè giặm” đều có những ý kiến xác đáng, bổ ích.

Các tập sach sưu tầm vốn cổ (“Thơ ca cách mạng” (1 và 2), “Thơ văn tập Kiều” (đã in), “Thơ văn Hồng La”, “Bút châm đồ Nghệ” (chưa in) là những đóng góp có ý nghĩa.

Cuối cùng, cần nói đến mảng công trình dịch thuật Hán Nôm mà Thanh Minh là người có năng lực. Trước hết cần kể đến cuốn sách “Phong thổ ký các huyện ở Hà Tĩnh” đã được Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh ấn hành năm 2001. Anh còn có bản thảo ba công trình khác: “Nghi Xuân huyện chí” của Lê Văn Diễn (trích dịch) và “Nghi Xuân huyện thông chí” (Thượng và Hạ) của Phan Thảng (?) (Dịch đầy đủ) hiện lưu ở Thư viện Hà Tĩnh, và “Những vần thơ dịch” gồm trên 70 bài dịch thơ của các tác giả Việt Nam và Trung Hoa (Di cảo).

Điểm qua mấy nét về Thơ văn Thanh Minh như trên có lẽ cũng đủ để hình dung được mảng đóng góp về trước tác của anh cũng quan trọng không kém sự đóng góp trong công tác tổ chức, chỉ đạo ngành văn hóa, văn nghệ tỉnh nhà trong mấy chục năm liền.

*

Nhân kỷ niệm lần thứ 100 năm sinh của Thanh Minh, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, chúng tôi sưu tầm, tuyển chọn từ các sách báo và di cảo trước tác của nhà thơ, biên soạn cuốn “Thơ văn Thanh Minh” mong giới thiệu một phần tác phẩm của anh với bạn đọc xa gần.

Nếu văn là người thì qua tập sách này, bạn đọc cũng có thể hình dung bóng dáng một Thanh Minh. Nhưng chúng tôi nghĩ cuộc đời anh, nhân cách của anh còn cao hơn sản phẩn văn chương của anh nhiều. Bạn bè nếu tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời anh, chắc sẽ có điều sở đắc và sẽ yêu quý anh hơn.

Hà Tĩnh, Tháng V-2014
Nguồn: Thái Kim Đỉnh - VHNA

---------------------
(1) Trước 1945, Nguyễn Hưu dùng các bút danh Yên Sơn, Tùng Lĩnh, Rú Rò, Thu Tâm nữ sĩ. Sau cách mạng, anh lấy bút danh Thanh Minh, và thỉnh thoảng vẫn dùng các bút danh Nguyễn Hưu, Hữu Nguyên, Yên Sơn tử, Thu Tâm, Tú Nguyễn.

(2) Thơ Thanh Minh.

(3) Theo Chương Thâu. Chưa rõ Thanh Minh thi năm nào. Nếu từ niên khóa 1925-1926 về trước thì bằng này là “Tuyển sinh’, còn từ niên khóa 1926-1927 về sau, gọi là “Yếu lược”, tức là giấy chứng nhận hết bậc sơ học.

(4) Trường tỉnh Hà Tĩnh là một trong 3 trường Tiểu học bị thể (Ecole primaire de plein exercice) ở Hà Tĩnh lúc đó, còn 9 trường Tiểu học khác đều là trường bán phần. Theo nhà nhiếp ảnh Nguyễn Nghiêm Lượng thì cụ và GS Hồ Tôn Trinh là bạn học cùng lớp với Nguyễn Hưu.

(5) Trần Sỹ Dực (1883-1946) đỗ Đầu huyện, yếu nhân của Hội Duy tân, tham gia cuộc binh biến của lính khố xanh mưu hạ thành Hà Tĩnh năm 1909, bị kết án tử hình. Sau được đưa sang đối chất ở Tòa đại hình Pháp; xong việc, đấu tranh không chịu về, bị đày sang Guy-an thuộc Pháp ở Nam Mỹ; Từ đây, ông tìm cách lên Bắc Mỹ về Nhật rồi về Trung Quốc gặp Phan Bội Châu; Hoạt động trong Quang phục quân về đánh Lạng Sơn, bị Pháp bắt, khai là người Hoa nên được trả cho chính quyền Tưởng; Ở Trung Hoa làm thuốc, già mới xin về nước.

(6) Giáo sư Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) lúc trẻ ở nhà gọi là Gióng (vì tên là Đổng).

(7) Có người nói hồi ấy ở Vinh, Thanh Minh làm gia sư kèm cặp cho cậu bé Trần Đình Đắc (sau này là nhà thơ Chính Hữu) học. Tôi cũng không hỏi lại anh việc này. Nhưng vào năm 1971-1972 gì đó, Thanh Minh và tôi ra họp ở Liên hiệp các Hội VHNT VN, 51-Trần Hưng đạo, Hà Nội, có nhà thơ Chính Hữu cùng họp. Giờ nghỉ, anh Chính Hữu kéo chúng tôi sang phòng bên cạnh nói chuyện về quê Nghệ-Tĩnh, về văn chương. Anh Chính Hữu gọi Thanh Minh bằng thầy và xưng tôi, tỏ ý rất tôn trọng anh.

(8) Bà là Trần Thị Vang, sinh năm 1914, mất năm 1938.

(9) Theo ký ức của Thanh Minh – Trường Sa, tức Trương Trọng Cảnh, thánh y Trung Hoa đời Hán, trước có làm Thái thú quận Trường Sa, nên người đời sau gọi như vậy. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1792) quê Hải Dương, về ở quê mẹ, xã Tĩnh Diệm, Hương Sơn, là đại danh y Việt Nam, tác giả bộ Y tông tâm lĩnh nổi tiếng.

(10) Theo bài của Mai Khắc Ứng.

(11) Theo bài của Chương Thâu.

(12) Từ Ty tuyên truyền đổi thành Ty Thông tin, rồi Thông tin tuyên truyền, Tuyên truyền Văn nghệ, Tuyên truyền và văn nghệ. Năm 1955, Bộ Văn hóa thành lập thì ở tỉnh có Ty Văn hóa, sau là Ty văn hóa – Thông tin, lại tách thành hai Ty văn hóa, Ty Thông tin, sau là Sở Văn hóa, rồi Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch.

(13) Ban cán sự có 3 người, lúc đầu do anh Đào Thuần (ở Ty Giáo dục) làm Tổ trưởng, Thanh Minh, Vũ Hoàng làm Tổ phó. Sau anh Đào Thuần ra Hà Nội công tác, anh Trần Thúc Cang  (GV Trường Sư phạm) thay. Anh Cang mất, Vũ Hoàng làm Tổ trưởng.

(14) Ba con trai của anh chị đều là bộ đội đánh Mỹ: Nguyễn Chí Giai, kỹ sư giao thông, sĩ quan Đoàn 559, mở đường Trường Sơn, là thương binh chuyển ngành; Nguyễn Phong Nghi là liệt sĩ, hy sinh tại mặt trận Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh; Nguyễn Thanh Tuấn, sĩ quan, chiến đấu trên các chiến trường B, C, thương binh nặng.


 

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Với Thạch Lam (06/08/2014)
Bạn bè tôi (25/07/2014)