Góc Hoài niệm
Nhớ cha
14:53 | 16/03/2015

Lời nói đầu: Mỗi khi về nhà ở Quỳnh Mai, tôi luôn hình dung thấy Cha tôi đang ngồi đâu đó quanh bàn làm việc của mình. Trong một lần về nhà gần đây, sau khi thắp hương cho Cha, chờ hương tàn bèn mang máy đánh chữ, là vật hết sức gần gũi đã gắn bó với Cha tôi cho tới khi mất, để lau chùi, làm vệ sinh.

Nhớ cha
GS Trần Đình Hượu

Khi mở nắp ra dòng chữ thân thuộc: “Nguyễn Công Trứ con đường cheo leo của tự do, của cá nhân” đập ngay vào mắt làm tôi chợt nhớ đến bản thảo viết tay của Cha tôi về bài này mà đã có dịp đọc và soạn lại cho Cha, trong đó có đoạn cuối chữ viết ngoằn nghèo. Tôi chợt hiểu ra đây chính là bài viết cuối cùng mà Cha tôi đang viết thì phải đi nằm viện. Mọi ký ức ùa về và thức dậy trong tôi thôi thúc tôi phải làm gì đó. Vừa may có hội thảo của trường ĐHXH Nhân Văn (ĐH Tổng hợp cũ) tổ chức kỷ niệm nhân 20 năm ngày mất của Cha tôi, tôi quyết định phải viết bài này: “Nhớ Cha”

I. Sơ lược tiểu sử

Ông Trần Đình Hượu sinh ngày: 26/12/1926 tại Võ Liệt – Thanh Chương – Nghệ An

Mất ngày: 11/02/1995 (tức ngày 12/01/ Ất Hợi)

Cha: Cụ Trần Đình Thố: (1882 – 1941)

Là nhà Nho nghèo, tham gia phong trào Đông du (là cơ sở đi về của Cụ Đặng Thái Thân, Lê Võ, Đội Quảng, Đội Quyên…). Bị bắt giam một thời gian ngắn ở nhà lao Vinh. Sau khi về nhà sinh sống bằng nghề làm thuốc.

Mẹ: Cụ Võ thị Liên (1888 – 1955): nuôi tằm dệt vải và nội trợ.

Khi còn nhỏ Ông học tại Thanh chương cho đến hết lớp Nhất (1942) và học chữ Nho 2 năm với Cha.

Từ 1942 đến 1945 học tại trường Trung học tư thục Thuận Hóa tới năm thứ ba thành chung. Ông học rất giỏi nhận được học bổng của cả nhà trường và của cả nhà nước.

Tháng 6/1945 – 1946 trở về quê Võ liệt - Thanh Chương tham gia Việt minh bí mật vào Ủy ban khởi nghĩa rồi chuyển sang làm thư ký cho Ủy ban nhân dân lâm thời, Ủy ban kháng chiến hành chính. Khi bầu HĐND được tín nhiệm nhưng không chịu ứng cử vì muốn tiếp tục đi học.

Năm 1948 tốt nghiệp trung học tại Thanh Chương – Nghệ An.

Năm 1949 học trường chuyên khoa Đào Duy Từ ban tự nhiên ở Thọ Xuân Thanh Hóa.

Năm 1950 – 1953 học dự bị đại học và lớp Sư phạm cao cấp ở Nghệ An và Thanh Hóa.

Từ 1954 – 1955: Dạy học tại trường cấp III Diễn Châu.

Từ 1955 – 1958 dạy học tại. cấp III Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh - Nghệ An.

Năm 1957: Được cử đi học lớp học tập giai đoạn quá độ cho cán bộ cốt cán Bộ giáo dục 6 tháng do Bộ giáo dục tổ chức.

1958 – 1959 Học tiếng Nga tại trường ĐH Ngoại ngữ ở Hà Nội

7/ 1959 – 7/1962: Được cử đi đào tạo PTS tại trường ĐH Tổng hợp Lomonoxop Matxcova - Liên Xô. Chưa kịp bảo vệ thì được gọi về nước.

1963 – 1993: Giảng dạy tại khoa Ngữ văn trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.

1993: Nghỉ hưu theo chế độ nhưng vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho đến khi mất (11/2/1995).

II. Truyền thống gia đình

Cha tôi sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho nghèo. Gia đình hai bên nội, ngoại đều có truyền thống hiếu học, làm nghề dạy học và thầy thuốc.

Bên Nội

Thế hệ thứ 6 có Cụ Trần Nhật Trinh (1797 – 1864) (thường gọi là Can Tư) đậu 2 khóa tú tài và đã từng là Huấn đạo tại Việt Yên - Thường Tín - Hà Nội.

Thế hệ thứ 7 có Cụ Trần Đình Hoát (Ông nội của Cha tôi) là thầy thuốc đông y có tiếng trong vùng.

Thế hệ thứ 8: Cụ Trần Đình Thố (1882 – 1941) học giỏi và cũng là thầy thuốc đông y, được dân làng quý trọng. Cụ thường chữa bệnh cho người nghèo không lấy tiền. (theo gia phả, Cha tôi ở thế hệ thứ 9)

Bên Ngoại:

 Dòng họ Võ có nhiều người đỗ đạt cao và có truyền thống làm nghề dạy học.

Điển hình có Cụ Võ Nhật Tân (1784 – 1848) (sau đổi thành Võ Duy Tân để tránh húy vào thời Tự Đức – Theo gia phả họ Võ) đậu Cử nhân khoa Quý Dậu (1813) đã từng làm Đốc học tỉnh Hà Nội 6 năm, Đốc học tỉnh Sơn Tây 6 năm và từng được bổ làm Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám. Sau từ quan về mở trường tư dạy học tại quê nhà..

Cụ Võ Viết An (1897 – 1969) giỏi chữ Hán, thi hương đỗ Tam trường. Sau khi tốt nghiệp Tiểu học Pháp – Việt và Tiểu học Sư phạm, Cụ đi dạy ở các trường Tiểu học Pháp – Việt trong tỉnh Nghệ An. Sau CMT8 Cụ được mời dạy Hán học tại trường trung học Đặng Thúc Hứa 3 năm. Năm 1953 gia đình Cụ bị qui là thành phần địa chủ (sau có sửa sai). Những năm cuối đời Cụ sống bằng nghề làm thuốc đông y.

Cùng thế hệ với Cha tôi có nhiều người làm nghề dạy học: Cha tôi dạy tại trường ĐH Tổng Hợp Hà Nội, ông Võ Viết Cẩn (con trai đầu của Cụ Võ Viết An) dạy tại trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, ông Nguyễn Lâm Hòe (em con gì của Cha tôi) dạy tại ĐH Giao Thông…đều đã từng được Cụ Võ Viết An dạy học khi nhỏ.

III. Những nhân vật có ảnh hưởng lớn tới nhân cách và sự nghiệp của Cha tôi

1/ Người Cha:

Theo một bản tự nhận xét của Cha tôi, ông đã ghi nhận người Cha đã có ảnh hưởng rất sâu sắc tới ông, đặc biệt là tinh thần yêu nước. Ông còn nói rõ hơn đó là:

- “Lòng yêu nước theo kiểu Phan Bội Châu (Yêu nước nhưng vẫn giữ trọn chữ hiếu).

- Sống thanh cao, không quị lụy…”

   (Ông Nội của Cha tôi là bạn của Cụ Phan Bội Châu và ông nội của tôi, từng là học trò của Cụ Phan).

Ông đã sống đúng như vậy trong suốt cả cuộc đời của mình.

Cha tôi được học chữ Hán với Cha 2 năm qua tập truyện Tam Quốc có trong nhà. Trong nhật ký ông viết rằng: Ông nội tôi đã dùng tập truyện Tam Quốc để dạy ông đọc, viết chữ Hán, sau khi ông nội tôi mất, Cha tôi đã mày mò tự học để đọc hết cuốn sách.

2/ Cụ Võ Viết An (Cậu ruột)

Sau một thời gian ông nội tôi mất, lúc cha tôi khoảng 14 tuổi. Cụ Võ Viết An đã đón cháu về để dạy học trong nhà, cùng với 3 người cháu khác (Cụ có 3 người chị và 2 người em gái). Như vậy cộng với 7 người con của mình Cụ đã nuôi và dạy 11 người cả con và cháu trong nhà.

Cha tôi thường kể Cụ Võ viết An dạy con và các cháu rất nghiêm, Cụ không chỉ quan tâm dạy chữ mà còn chú trọng giáo dục nhân cách, giữ gìn nề nếp gia phong của gia đình cho các con, các cháu. Trong số các cháu mà Cụ đã dạy, Cụ rất yêu quí Cha tôi, luôn nêu tấm gương ham học và học giỏi của ông cho các con, các cháu. Chính Cụ đã là người làm các giấy tờ cần thiết để Cha tôi có thể vào học ở Thuận Hóa (1942). Cụ đặt nhiều hy vọng vào ông.

Đây là bài thơ Cụ Võ Viết An đã đề tặng cho Cha tôi sau tấm ảnh chụp trong mùa đông tuyết phủ, mà Cha tôi đã gửi cho Cụ vào thời gian ông đang đi học ở Liên xô.

“Quế hải thanh niên chí khí hào
 Hoa viên thưởng tuyết hứng di cao
Đấu long mạn tưởng công thành nhật
Mãn địa xuân hoa ưởng cẩm bào”

Dịch (Võ Viết An)

“Biển quế thanh niên chí khí hào
Vườn hoa ngắm tuyết hứng càng cao
Rồng đua những tưởng ngày danh toại
Rợp đất hoa xuân rực gấm bào”.

Trong suốt cuộc đời của Cha tôi, ông luôn gắn bó thân thiết với những người con của Cụ Võ Viết An như anh em ruột thịt và luôn nhắc tới Cụ với lòng biết ơn sâu sắc.

3/ Giáo sư NGND Trần Văn Giàu

Cụ Giàu là người trực tiếp dạy Cha tôi vào thời kỳ ông học tại trường Sư phạm cao cấp. Sinh thời Cha tôi luôn kể rằng Cụ Giàu là con người nghĩa hiệp, đặc biệt Nam Bộ và tỏ thái độ thán phục, thích thú về cách dạy học của Cụ Giàu, hết sức lôi cuốn, thuyết phục. Trong giờ dạy của Cụ Giàu cả lớp im phăng phắc và có nhiều nông dân trong vùng đến đứng ở cửa sổ để lắng nghe một cách say sưa. Những khi tôi được chứng kiến Cha tôi giảng giải một điều gì cho con cái hay học trò của mình tôi thường liên tưởng tới những điều mà ông đã kể về Cụ Giàu.

Sau ngày giải phóng miền Nam, mỗi khi có dịp vào công tác Sài Gòn, bao giờ Cha tôi cũng đến thăm Cụ Giàu và cho tới khi mất hai người vẫn có sự trao đổi về khoa học, về những vấn đề nghiên cứu mà cả hai người cùng quan tâm.

4/ Giáo sư V.Ph.Asmus

Trong thời gian Cha tôi được cử đi làm nghiên cứu sinh tại khoa Triết của trường Tổng hợp Lomonoxop – Maxcova, Liên Xô (7/1959 –7/1962). Tại đây ông đã được GS V.Ph. Asmus, lúc bấy giờ đang là Chủ tịch Hội Nghiên cứu triết học toàn Liên Xô, trực tiếp hướng dẫn luận án. Cha tôi thường kể rằng ông thật sự may mắn gặp được Người Thầy với kiến thức đặc biệt uyên bác và cách làm việc nghiêm túc, khoa học. Theo GSTS Trần Ngọc Vương, là người học trò gần gũi với Cha tôi đã đúc kết:

”Đó chính là người có ảnh hưởng to lớn, toàn diện và lâu dài đến những chặng đời sau này của ông. Sự tin cậy, niềm yêu mến của người thầy khả kính ấy đã động viên Trần Đình Hượu vững vàng trong sự lựa chọn đối tượng và cách thức nghiên cứu khoa học, cũng khiến ông tự thấy phải vượt lên chính mình, vượt lên khỏi những hạn chế do hoàn cảnh của môi trường khoa học ở đất nước mình”.

(Trích: “ 50 năm tìm biết với niềm khắc khoái trí thức”PGS TS. Trần Ngọc Vương, 2009).

Ngoài ra, một người nữa đã có ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc đời của Cha tôi đó là mẹ tôi. Là người mà theo cách nói của ông là người ông yêu ‘điên cuồng” và sau này là người vợ và là người đã cùng ông chia sẻ mọi ngọt bùi, gian nan trong suốt cả cuộc đời.

Cha Mẹ tôi gặp nhau vào tháng 5/1951 khi đó bà là Hiệu đoàn trưởng của trường Trung học Đặng Thúc Hứa, ông là Hiệu đoàn trưởng của trường Dự bị đại học. Ngay lần gặp đầu tiên ông đã bị ảm ảnh về hình ảnh, về tính cách của bà, có thể nói theo cách bây giờ là ông đã bị “tiếng sét ái tình”. Sau lần gặp đầu tiên, ông luôn tìm cách tiếp cận (đi qua rất nhiều lần nơi mà bà ở trọ nhưng không đủ can đảm để vào, đành phải viết thư nhưng không dám gửi). Qua nhiều ngày, khi mà trái tim bị dồn ép (nói theo cách của Cha tôi) không thể chịu đựng được hơn nữa ông đã liều gửi những lá thư đã viết cho bà. Khi viết xong lá thư đầu tiên, ông đã “tự thú” “thấy lo lắng như người sắp phạm tội ác”. (Trước khi theo kháng chiến mẹ tôi là cô nữ sinh trường Phan Chu Trinh Hà Nội, là hoa khôi của trường Đặng Thúc Hứa khi đó và được nhiều người muốn làm thân). Một cuộc tình đẹp, đầy lãng mạn tiêu biểu cho tầng lớp thanh niên trí thức vào thời kỳ đó đã được đâm hoa kết trái. Tháng 6/1953 Cha mẹ tôi cưới nhau khi ông đang học lớp SP cao cấp ở Thanh Hóa.

Trong suốt cả thời gian dài (từ 1953 – 1977) Cha mẹ tôi rất ít khi được sống sum họp. Sau khi học xong lớp Trung cấp Sư phạm (4/1954) mẹ tôi đã được phân công đi dạy, khi ở Đồng Văn, Diễn Châu rồi đến Thị xã Vinh – Nghệ An (1957 - 1964). Còn Cha tôi sau khi học xong lớp Sư phạm đặc biệt (11/1953), được phân công giảng dạy tại trường cấp III Nguyễn Xuân Ôn ở Diễn Châu (1954 – 1955), cấp III Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh, Nghệ An (1956 – 1958). Tháng 7/1958 ông được cử đi học bồi dưỡng tiếng Nga một năm ở Hà Nội để chuẩn bị đi đào tạo nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Từ tháng 7.1959 đến 7/1962 ông được cử đi đào tạo Nghiên cứu sinh ở Liên Xô, khi chưa kết thúc đã phải triệu hồi về nước cùng với tất cả các NCS khác thuộc ngành KHXH. Năm 1963, Cha tôi được phân công giảng dạy tại trường ĐH Tổng Hợp ở Hà Nội. Trong khi đó, mẹ và 3 chị em chúng tôi vẫn ở Vinh - Nghệ An, nơi mẹ tôi đang công tác (trường cấp II Vinh), rồi chúng tôi cùng với Mẹ chuyển đến Đan Phượng – Hà Tây (1964- 1965) khi mẹ tôi được điều về dạy tại cấp II Tân Lập ở Hà Tây. Cho đến tháng 7 năm 1965 mẹ tôi được cử đi học tiếng Nga tại trường ĐHNN, Hà Nội những tưởng gia đình được sum họp từ đây thì chiến tranh bùng nổ: Trường ĐHNN sơ tán về Thanh Miện - Hải Dương, còn Cha tôi theo trường ĐH Tổng hợp sơ tán tại Đại Từ - Thái Nguyên. Anh chị em chúng tôi lúc theo bố ở Đại Từ - Thái Nguyên (1965), lúc theo Mẹ ở Thanh Miện - Hải Dương (1966 – 1968). Năm 1969, sau khi học xong ĐHNN mẹ tôi được phân công về làm việc tại Viện Khoa Học Giáo Dục ở Hà Nội. Vào thời gian đó gia đình chúng tôi chưa có nhà ở Hà Nội, trong khi Cha con chúng tôi sống ở Thạch Bàn - Gia lâm - Hà Nội (quê nội của mẹ tôi), còn mẹ tôi thì phải ở tạm tại cơ quan (101 – Trần Hưng Đạo – Hà Nội) do việc đi lại khi đó còn khó khăn chỉ đến cuổi tuần mẹ tôi mới về nhà ở Gia Lâm. Năm 1977, khi gia đình tôi được phân nhà tại khu tập thể của trường ĐHTH (Lò Đúc – Hà Nội), gia đình chúng tôi mới thật sự được sum họp.

 Anh chị em chúng tôi thật sự may mắn và tự hào được sinh ra và được nuôi dưỡng trong một gia đình có Cha và Mẹ như vậy. Hồi nhỏ mặc dù cuộc sống vật chất còn thiếu thốn nhưng chúng tôi luôn được sống trong bầu không khí đầm ấm, hạnh phúc. Tuy công việc hết sức bận rộn nhưng bố tôi luôn quan tâm tới việc học hành, chăm lo về đời sống tinh thần cũng như chú trọng về phát triển nhân cách cho con cái.

Cha tôi là người sống rất giản dị, là người Thầy tận tâm và gần gũi với học trò, nên cho đến nay mặc dù đã mất 20 năm nhưng các thế hệ học trò của ông vẫn luôn nhớ tới Thầy với một lòng kính trọng, quý mến.

IV. Những năm tháng cuối đời (1991 – 1995)

Vào khoảng những tháng đầu năm 1991 tại gia đình chúng tôi (503 – E6 Quỳnh Mai – Quận Hai Bà – Hà Nội) thường xuất hiện một thanh niên tầm thước, mảnh dẻ, anh tên gọi Imai Akio (là tùy viên văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam khi đó, nói tiếng Việt tốt), một người học trò đặc biệt của Cha tôi. Tôi nhớ anh là một học trò chăm chỉ: thường đến sớm và về rất muộn, mỗi khi anh đến là thầy trò vào làm việc ngay, thầy thì say sưa giảng giải, còn trò thì chăm chỉ ghi chép. Vào khoảng tháng 7/1991, qua sự giới thiệu của Imai Akio, Cha tôi đã được mời và sang Nhật tham dự hội thảo quốc tế thảo luận về “Văn hóa và tư tưởng trong vùng văn hóa dùng chữ Hán” tại Yokohama - Nhật Bản. Cha tôi đã tham dự hội thảo với bài viết:“Nho giáo và Nho học ở Việt Nam – Vài vấn đề về đặc điểm và vai trò của nó trước thực tế phát triển thời cận - hiện đại”. (GS Trần Văn Giàu cũng có gửi báo cáo tham luận). Báo cáo của ông và của cụ Giàu tại hội thảo lần đó được đánh giá cao, như Imai đã viết “rất quý và bổ ích. Các báo cáo này đã trở thành sách”. (Trích trong thư của anh Imai Akio gửi Cha tôi,1992). Sau khi tham dự hội thảo tại Nhật Bản trở về, Cha tôi như được tiếp thêm nghị lực, thúc đẩy ông làm việc miệt mài hơn.

Tháng 3/1994 theo lời mời của trường đại học Tổng hợp Aix - Provence (Pháp) Cha tôi đã sang và giảng dạy tại đây 9 tháng. Trong thời gian ở Pháp mặc dù bận rộn với công việc giảng dạy nhưng ông vẫn giành thời gian liên hệ với một số bạn bè ở Pháp gây được quĩ học bổng cho học sinh nghèo trong nước, tuy không nhiều nhưng khi đó Cha tôi đã chuyển được số tiền này về nước làm học bổng cho một trường ở Hà Tây, một trường ở Thanh Chương - Nghệ An. Trở về nước (tháng 11/1994) với tinh thần phấn chấn và ấp ủ bao nhiêu dự định, ông đã lao ngay vào công việc một cách miệt mài không quản ngày đêm, mặc dù khi ở Pháp về sức khỏe của Cha tôi đã kém đi nhiều, hình như ông cũng có những dự cảm về sức khỏe không tốt của mình. Thật không may, vào thời điểm này, Cha tôi đã mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Khi bị đau phải vào nằm viện ông vẫn mang theo tài liệu để tranh thủ làm việc. Bài viết: “Nguyễn Công Trứ - con đường cheo leo của tự do, của cá nhân” đã được hoàn thành ngay trong bệnh viện, khi mà ông đang phải chống chọi với bệnh tật để giành giật với sự sống từng giờ trong đau đớn. Đó cũng là bài viết cuối cùng của ông (hoàn thành cuối tháng 1/1995, do mẹ tôi chép lại và hoàn thiện).

Cha tôi mất đi đã để lại bao dự định còn dang dở, biết bao sự luyến tiếc của gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp trong, ngoài nước, của các thế hệ học trò đã từng được học ông cũng như những học trò chỉ được tiếp xúc qua các bài viết, giáo trình của ông. Như nhà Văn hóa Phan Ngọc đã viết: “Cái chết của anh là một cái tang chung cho văn hóa học Việt Nam”. (Trích: “Nhớ bạn Trần Đình Hượu” – Phan Ngọc, 1995).

Cha tôi đã đi xa nhưng những tư tưởng, những thành quả lao động của ông đã và đang được chuyển tải tới các thế hệ học trò ngày nay và sau này qua giáo trình, qua sách của ông để lại. Cầu mong Cha luôn được bình yên ở cõi vĩnh hằng./.

Hà Nội 26/1/2015 
Nguồn: Trần Thị Bích Ty - VHNA






 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Mùa mưa (16/01/2015)