Góc Hoài niệm
Nhà báo Nguyễn Cửu Thạnh - chủ nhiệm báo Sông Hương tục bản
15:21 | 21/09/2015

HỒ VĨNH

Nhà báo Nguyễn Cửu Thạnh sinh ngày 15/6/1905 tại Phú Hội, thành phố Huế. Thuở thiếu thời ông là người ngay thẳng, vui tính, thích văn chương nghệ thuật; ông bước vào nghề báo từ năm 1929 và tham gia hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận Dân chủ tại Huế và hoạt động báo chí do Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo.

Nhà báo Nguyễn Cửu Thạnh - chủ nhiệm báo Sông Hương tục bản
Báo Sông Hương Tục bản số 1, 19-6-1937. Chủ nhiệm Nguyễn Cửu Thạnh- Ảnh tư liệu của Hồ Vĩnh

Trong giai đoạn 1936 - 1939, việc đẩy mạnh hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, báo chí công khai và vận động nghị trường để phục vụ cho đấu tranh cách mạng là hình thức đấu tranh mới trong đó có những tờ báo đóng vai trò quan trọng trong cuộc vận động dân chủ ở Huế là Nhành Lúa, Sông Hương Tục bản, Dân Tiếng Dân… “Ngày 27/3/1937, trong khuôn khổ một cuộc họp công khai, được phép của nhà cầm quyền, Hội nghị báo giới Trung kỳ đã khai mạc tại Đông Pháp lữ quán (số 7 - Đông Ba Huế) với 70 đại biểu các báo Trung kỳ”(1). Báo Kinh tế Tân Văn đăng tải danh sách đủ mặt các nhà viết báo trong đó có nhà báo Nguyễn Cửu Thạnh.

Sông Hương Tục bản nguyên là Sông Hương của Phan Khôi. Vào giữa năm 1936, Phan Khôi xin được giấy phép và đứng tên sáng lập báo Sông Hương, số 1 ra mắt độc giả ngày 1/8/1936. Tờ Tuần báo này chỉ sống được 8, 9 tháng thì phải đình bản do tài chính mất cân đối, thu không đủ bù chi. Các đại lý lấy báo rồi không trả tiền, hoặc trả tiền nhỏ giọt, vốn dự bị lại cạn kiệt, không còn cách xoay xở để trụ lại nên phải đóng cửa thì được “các đồng chí Xứ ủy Trung kỳ chủ trương mua lại vẫn tên báo cũ, thêm hai chữ Tục bản, vì báo đã nghỉ mấy tháng, nay ra lại; vẫn để Phan Khôi tên sáng lập viên để giữ thế hợp pháp về hình thức, nhưng chủ nhiệm là Nguyễn Cửu Thạnh”(2).

Sông Hương Tục bản, số 1 ra ngày 19/6/1937, khổ báo 40x32,5cm và 49x42,5cm, có 4 trang, giá mỗi số 2 xu. Tòa báo đóng tại 68 rue Jules Ferry (nay là đường Lê Lợi, thành phố Huế). Mặc dù mới ra mắt nhưng Sông Hương Tục bản đã đăng tải nhiều bài về kinh tế, chính trị, xã hội, yêu cầu chính phủ Pháp cải cách dân chủ, hướng dư luận vạch trần bộ mặt thật của bọn phản dân hại nước. Ông Lê Thanh Cảnh là người bị mũi nhọn chính chĩa vào, đã vin cớ kiện Sông Hương Tục bản về tội hủy báng. Tòa Khâm gọi chủ nhiệm Nguyễn Cửu Thạnh lên “cảnh cáo” đòi thay đổi thể tài(3). Trên báo Sông Hương Tục bản, số 7 ra ngày 19/8/1937 có đăng bài về vụ kiện này: “… Nay xảy ra vụ ông Lê Thanh Cảnh, chủ bút báo Tràng An kiện Sông Hương về tội hủy báng. Ta chưa vội nói cho ông Cảnh kiện như thế nào? Đã làm một việc hèn thế nào? Ta chỉ nói trong vụ này đáng lẽ tòa Nam án nếu biết trong luật pháp thì phải bác lá đơn ấy đi mới phải. Bên này cụ chánh án Nguyễn Khắc Niêm lại cứ đường hoàng, đưa vụ đó ra xét. Ta chẳng cần nói đến chỗ cụ xử công bình hay là có thiên vị thế nào, ta chỉ biết cụ cứ ngang nhiên buộc tội một vụ kiện hủy báng về báo chí mà trong Hoàng Việt Hình Luật không có khoản nào ấn định về tội đó. Cụ Nguyễn Khắc Niêm khép ông Nguyễn Cửu Thạnh, chủ nhiệm báo Sông Hương vào điều khoản 321 về tội hủy báng, phải phạt 20 đồng, như tôi đã nói, trong Hoàng Việt Hình Luật không có khoản nào nói về báo chí… Thế mà ông (Lê Thanh Cảnh) không thấy thế làm nhục? Sao ông lại để cho tòa Nam án được có quyền xử quyền hủy báng giữa ông và tôi, tức là giữa báo Tràng An với Sông Hương. Chẳng những thế, ông lại còn xui dục người khác đi kiện Sông Hương và chạy vạy đủ cách để đóng cửa Sông Hương nữa kia. Cái cử chỉ nói trên mới ti tiện làm sao? Chúng tôi hãy để cho dư luận phán đoán”(4).

Sông Hương Tục bản ra được 14 số thì bị đình bản vì nội dung tuyên truyền đấu tranh cách mạng. Ngày 11/3/1937, Toàn quyền Đông Dương J. Brévier ra nghị định cấm và đến ngày 14/10/1937 (số báo cuối cùng), báo Sông Hương Tục bản bị đình chỉ hẳn. Sau khi Sông Hương Tục bản bị thu hồi giấy phép thì nhà báo Nguyễn Cửu Thạnh tiếp tục làm ở các báo Dân, Quyết Thắng

Nhà báo Nguyễn Cửu Thạnh mất năm 1967 và đã được Nhà nước công nhận cấp bằng Liệt sĩ(5).

H.V  
(SH319/09-15)

-----------------
(1) Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Lịch sử công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1936 - 2005), Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2008, tr. 43-44. Xem thêm Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Báo Thừa Thiên Huế, Lịch sử báo Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1930 - 2010), Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2014, tr. 68.
(2) Nguyễn Thành, Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 1945, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984, tr. 213. Đỗ Quang Hưng (chủ biên), Lịch sử báo chí Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 302. Xem thêm Phan Thị Mỹ Khánh, “Kỷ niệm về những ngày cha tôi làm báo ở Huế”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 83, tháng 9 - 10/2007, tr. 18-19.
(3) Nguyễn Thành, Sách đã dẫn, tr. 221.
(4) Nguyễn Thành (Giới thiệu, sưu tầm, biên soạn), Phan Đăng Lưu - Tiểu sử - Tác phẩm, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1998, tr. 161, 164.
(5) Hồ sơ gia đình do ông Nguyễn Cửu Trị cung cấp cho tác giả, ngày 13/1/2015. Xem thêm Cao Huy Hùng, “Phan Đăng Lưu với báo chí yêu nước và cách mạng ở Thừa Thiên Huế”, Báo Thừa Thiên Huế, 20/6/2002, tr. 3. Lịch sử báo Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1930 - 2010), Sách đã dẫn, tr. 105.  





 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng