Góc Hoài niệm
Tạ lỗi cùng Anh
14:56 | 09/05/2016

PHẠM HỮU THU

1.
Cuối năm 1989, tôi cùng Trần Phá Nhạc ghé 47 C Duy Tân, Quận 3 - TP. HCM thăm anh Trịnh Công Sơn.

Tạ lỗi cùng Anh
Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Tranh Vũ Duy Tâm

Vẫn như mọi khi, anh rót rượu mời hai đứa. Anh hào hứng kể về chuyến đi Paris và bất ngờ hỏi tôi:

- Em còn giữ chiếc xe đạp không?

Thấy tôi im lặng, anh nói thêm: Michico muốn có nó.

Chuyện về chiếc xe đạp anh Trịnh Công Sơn tặng tôi trước khi rời Huế vào cuối năm 1979 nhiều người biết và tôi đã kể khá tường tận trên Tạp chí Sông Hương số 147 năm 2001. Đó là chiếc xe đạp nam màu Bordaux, sau yên có hai túi thường dùng để đựng sách báo. Chiếc xe này đã gắn bó với anh trong suốt gần ba năm sống ở Huế. Ngoài ra nó còn là phương tiện giúp anh thâm nhập thực tế ở công trường Đại thủy nông Nam Thạch Hãn hay vi vu dọc tuyến đường 15 ở Quảng Bình, lúc cả nước đang khôi phục tuyến đường sắt thống nhất Bắc - Nam.

Riêng với tôi, nó là kỷ niệm khó quên, nhất là sau đêm anh bị tai nạn.

Tôi quen anh Trịnh Công Sơn từ đầu năm 1976. Thời ấy tôi là phóng viên thời sự của Đài phát thanh Huế, sống độc thân, nhà còn ở Thành nội. Mỗi khi đi công tác về tôi thường kiếm vài chai rượu và thức nhắm rồi nhắn bè bạn đến chung vui.

Lần ấy, nhậu xong thì đêm đã khuya. Anh Trịnh Công Sơn và Ngụy Ngữ là những người ra về cuối cùng. Đang dọn dẹp, tôi nghe tiếng của Ngụy Ngữ gọi, chạy ra đã thấy Ngụy Ngữ bồng anh Trịnh Công Sơn trên tay. Người sũng nước, trán anh Sơn tươm máu.

Ngụy Ngữ bảo:

- Anh Sơn rơi xuống hào mày nhảy xuống đó tìm chiếc kính cho anh!

Tôi giục:

- Anh cứ đưa anh Sơn vào nhà, còn việc ấy để tôi.

Đang loay hoay tìm, bỗng anh Sơn bảo: “Nó đây rồi!”

Thế là tôi đành lôi chiếc xe đạp lên và đưa vào nhà.

Biết anh còn tỉnh táo và chỉ bị xây xát nhẹ nên chúng tôi dùng nước muối sát trùng và ủ ấm cho anh. Trước khi chia tay, tôi nói vui:

- Vậy là “Sơn em” đã hại Sơn anh rồi.

“Sơn em” ở đây là anh Nguyễn Kỳ Sơn, Trưởng phòng công trình công cộng Huế. Để giúp người dân Thành nội không bị nước ứ, men các con đường đơn vị của anh đã đào các mương thoát nước, mùa mưa cận kề nên chưa có nắp đậy. Có lẽ vì lơ đãng hay do say sưa chuyện trò với Ngụy Ngữ nên “Sơn anh” đã lãnh đủ.

Chắc là nghĩ đến ân tình ấy mà trước khi rời Huế anh đã tặng chiếc xe đạp ấy cho tôi.

Khi nghe anh Trịnh Công Sơn nhắc đến tên Michico, thú thật tôi chưa biết người ấy là ai. Trần Phá Nhạc cho tôi biết, đó là cô gái xứ Phù Tang, tên đầy đủ là Yoshii Michico - người đã bỏ ra ba năm học tiếng Việt để sang đây giao tiếp và nghiên cứu âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Cô ấy là bạn gái thân thiết của anh! Từ ấy tôi chú ý đến nhân vật này và biết thêm năm 1991, Michico đã bảo vệ thành công luận án Cao học văn chương ở Đại học Paris VII với đề tài “Nhạc phản chiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”.

Có thể, sau chuyến đi Paris, theo đề nghị của Michico nên anh Sơn mới hỏi tôi như vậy. Vậy mà mười năm sau, khi anh cần, tôi đã im lặng, bởi kỷ vật ấy, trên thực tế tôi không dùng và cũng không biết ai đã sử dụng nó.

2.

Năm 1997, biết Đinh Trọng Hiếu, biên tập viên Đài truyền hình Huế đi Sài Gòn tôi đã viết thư cho anh Trịnh Công Sơn, nhắc lại ý định mà anh đã đồng ý với tôi là Đài truyền hình Huế sẽ thực hiện cuốn phim chân dung về anh. Đinh Hiếu tìm đến nhà nhưng không ngờ đấy là thời điểm anh Trịnh Công Sơn đang nằm điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy nên không thực hiện được.

Lần thứ hai là năm 2000. Biết anh Trịnh Công Sơn ra dự Festival Huế đầu tiên, tôi đến khách sạn Đống Đa thăm. Buổi diễn cận kề. Chỉ kịp chào nhau và anh hẹn tôi sáng hôm sau. Khi tôi đến khách sạn Hương Giang đã thấy anh và Bửu Ý đang nhâm nhi cà phê. Sức khỏe giảm sút, anh tỏ ý ngại ngần nhưng cuối cùng đã đồng ý và chúng tôi thỏa thuận thời gian và địa điểm thực hiện cuộc phỏng vấn.

Ngưỡng mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ lâu nên khi biết ý định tôi chuẩn bị làm phim, Văn Cầm Hải đề nghị xin được tham gia. Từ một nhà thơ, làm thư ký cho Tòa án, chỉ ba năm về Đài truyền hình Huế, Văn Cầm Hải cùng tôi và Quốc Phương đã có hai tác phẩm đoạt 2 Huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc. Do hiểu ý nhau nên tôi bằng lòng và cử Quốc Phương, tay máy nhanh nhẹn và tháo vát hỗ trợ. Biên tập viên Bùi Hồng Ngọc, biết chuyện cũng xin theo. Trước khi thực hiện cuộc phỏng vấn, tôi đã nhắc đi nhắc lại: đây là cơ hội để tích lũy hình ảnh cho phim chân dung về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nên yêu cầu phải ghi hình toàn bộ cuộc phỏng vấn.

Tại sân vườn của khách sạn Sai gon-Morin, Văn Cầm Hải, Bùi Hồng Ngọc đã ngồi với anh Trịnh Công Sơn gần 4 tiếng đồng hồ, đến độ chị Bội Trân - chủ Galeelly sợ anh Trịnh Công Sơn mệt phải giục mấy anh em nghỉ ăn cơm, nhưng anh vẫn nhẹ nhàng “Hãy để anh ngồi lại, để anh được phục sinh với người bạn trẻ này!”.

Văn Cầm Hải thuật lại:

- Hôm ấy anh Sơn vừa trải qua bạo bệnh, anh vốn gầy lại càng mong manh và hư ảo hơn trong nắng hanh vàng đượm màu phù dung xứ Huế. Với cái thân thể nhu mì ấy, sáng qua, trưa đến, chiều đi, anh Sơn vẫn say sưa đáp trả với tôi về những điều mà cả hai tâm đắc, nhất là những ý niệm về những cái chết sinh thành trên sự sống hiện hữu qua hàng trăm ca khúc, hình thành nên một con đường sáng tạo độc đáo giữa bầu trời tân nhạc Việt Nam mà hầu như chưa bao giờ anh tiết lộ.”

Một cuộc phỏng vấn độc quyền và dài nhất đã thực hiện. Tất cả gói gọn trong cuốn băng Super VHS. Xong cuộc, Văn Cầm Hải hỷ hả và còn lật cuốn sổ tay khoe riêng với tôi: “Chú Trịnh Công Sơn đồng ý nhận của em một vạn viên gạch để xây “nhà nguyện tình yêu” ở Huế! Sau cuộc phỏng vấn đó, Văn Cầm Hải bận túi bụi. Lúc này tôi phân công Văn Cầm Hải theo dõi vùng Hà Tĩnh nhưng anh vẫn tranh thủ làm phim về anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Minh. Công việc của một phóng viên thời sự thật khó mà dứt ra được. Đùng một cái, Văn Cầm Hải thi đỗ và bay sang Hà Lan học nghề. Về, Văn Cầm Hải tranh thủ đi Tây Tạng rồi sau đó sang Mỹ học kéo dài cho đến nay.

Năm 2011, nhân đạo diễn Trần Văn Thủy vào Huế, tôi đem chuyện làm phim về anh Trịnh Công Sơn để trao đổi. Đạo diễn Trần Văn Thủy giục: “Làm đi, cần thêm tư liệu, mình giúp. Ba giờ tư liệu, quý lắm đó”. Đề cương soạn xong cũng là dịp Văn Cầm Hải từ Mỹ trở về. Hỏi cuốn băng tư liệu đã quay, tôi sững sờ khi nghe Văn Cầm Hải báo lại: “Thất lạc đâu rồi anh ơi!”

Ngỡ là Huế sẽ có cuốn phim tử tế về anh, nào ngờ đã không thể.

3.

Đêm cuối đông, Huế lạnh, cái lạnh mãnh liệt của buổi giao mùa. Trong khu vườn Ngự Hà nằm ở phía nam cống Lương Y, tôi và Bảo Hân, sau nhiều hò hẹn đã có dịp lai rai với họa sĩ Dương Đình Vinh.

Dương Đình Vinh là anh của cố họa sĩ tài hoa Dương Đình Sang. 55 tuổi đời mới lấy vợ, không có con nên về cuối đời chỉ còn tâm nguyện mang hiểu biết của mình để phục hồi và phát triển kiến trúc cổ của xứ Huế. Từ khi nổi tiếng với biệt danh “vua nhà rường”, anh chu du nhiều nơi và nhận dựng cho các đại gia nhiều ngôi nhà đẹp. Chủ trương của anh là giữ gìn vóc dáng nhưng phải cải tiến nội thất và chiều cao cho phù hợp, bởi mục đích của nó là phụng sự người ở chứ không phải là thứ để chơi. Mỗi khi về Huế, anh thường gọi điện, nhắn bạn bè thân thiết lai rai. Người thân của nhóm được “duyệt” cho buổi đàm đạo lần này là KTS Nguyễn Hữu Đống, một Việt kiều đã rời Pháp về Huế sống hơn hai chục năm nay. Ông sinh năm 1937, quê ở Dạ Lê Gót, Thủy Vân, Hương Thủy. Trước giải phóng làm báo ở Sài Gòn. Anh qua đời cuối năm 2015. Chúng tôi xem KTS Nguyễn Hữu Đống là anh cả, thuộc hàng cha chú. Cũng giống như Dương Đình Vinh, ông thuộc lớp người hành động, yêu nồng nàn đất nước mình. Qua những lần trò chuyện, chúng tôi biết, năm 1963 khi đang là sinh viên của Trường cao đẳng kiến trúc Sài Gòn, Nguyễn Hữu Đống đã tham gia phong trào đấu tranh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, từng được tướng Dương Văn Minh xem như con. Ông quen và chơi thân với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ thời ông làm Chủ nhiệm báo Việt Chiến.

Trước sự kiện tết Mậu Thân, KTS Nguyễn Hữu Đống gợi ý, động viên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác tập KINH VIỆT NAM, bởi Kinh Việt Nam cũng là lòng mơ ước về một rạng đông cho đêm tối… là nỗi hân hoan của đám đông chờ mong ngày hồi sinh. Trước khi anh Trịnh Công Sơn rời Huế, tôi cùng mấy người bạn, may mắn được anh đàn và hát cho nghe bài Ta đã thấy gì trong đêm nay mà theo anh: đó là dự báo của một nghệ sĩ về niềm vui thống nhất của đất nước mình. Liên quan đến sự kiện này KTS Nguyễn Hữu Đống đã kể khá tường tận cho anh Nguyễn Đắc Xuân nghe. Ông xác nhận “Anh Nguyễn Đắc Xuân viết đúng những gì mà mình đã nói.”

Từ không khí ấm cúng nhuốm màu hạnh phúc, bất chợt tôi nhớ đến câu mà anh Trịnh Công Sơn thường nói với bạn bè trong lúc gian khó: “Hạnh phúc nhất là mình được thết đãi bạn bè”. Câu chuyện bắt đầu và bỗng dưng họa sĩ Dương Đình Vinh “xin” hát. Vườn Ngự Hà rộng gần hai nghìn thước vuông, mấy ngọn nến lập lòe đủ để hắt bóng phiêu bồng chàng lãng tử. “Hôm đó tôi ngồi uống cà phê trên đường Lê Lợi và đã nghe anh Trịnh Công Sơn ôm đàn hát bài này” - Dương Đình Vinh nhớ lại:

“Chiều nay qua công viên anh ngồi. Cỏ hôm nào đã xanh tươi. Chiều nay qua công viên, tôi đứng lại. Nhớ anh, buổi sáng, lửa ngời! Trên công viên chiều nay, đèn thôi giăng và cờ thôi bay, nhưng sao tim tôi vẫn tràn đầy bóng dáng người ngồi!

Ô hay, người về! Ô hay người đã về. Hiện về thân chim câu, cỏ mừng bay lao xao. Về đậu trong tim đồng bào. Rồi đây trên quê hương đã vắng người. Lửa vẫn còn cháy quanh đây. Lửa thiêng nơi quê hương không biết mỏi. Đấu tranh dựng nước từng ngày.”


Có thể những ca từ mà tôi ghi lại trên đây là chưa chính xác, nhưng tự nó đã khẳng định tinh thần nhập thế của anh Trịnh Công Sơn, bởi theo họa sĩ Dương Đình Vinh, đây là bài hát mà anh Sơn làm để ngợi ca đức hy sinh của thầy Thích Chơn Thể ở chùa Tường Vân, tự thiêu năm 1971, nhằm nguyện cầu dân tộc được sống trong hòa bình. Theo anh Bửu Ý, bài hát này lúc ấy chưa công bố. Nhờ nghe Dương Đình Vinh hát nên chúng tôi mới biết về nhạc phẩm này.

4.

Cách đây không lâu, Phạm Hữu Chiến - em tôi, khi nhắc về anh Trịnh Công Sơn đã gợi để tôi nhớ về bài hát mà anh Sơn đã sáng tác tặng Trần Phá Nhạc khi cưới vợ. Đó là năm 1977. Trần Phá Nhạc người Quảng Nam, trước giải phóng ra Huế học. Anh là người cùng thời với Nguyễn Duy Hiền, Bửu Nam, Bửu Chỉ, Võ Quê, Thái Ngọc San… hăng hái tham gia phong trào đô thị Huế và nổi tiếng với bài thơ đầy thách thức Đi giữa rừng súng máy. Sau Hiệp định Paris 1973, Trần Phá Nhạc thoát ly lên chiến khu, từng được phong chiến sĩ thi đua về vận tải và những năm đầu Huế giải phóng, anh được giao Phụ trách Đài truyền thanh Huế (lúc ấy trực thuộc Phòng Thông tin - Văn hóa Huế do anh Võ Văn Đông phụ trách).

Thời Trần Phá Nhạc Phụ trách Đài này rất nhiều anh em tham gia phong trào đô thị được bố trí về làm việc tại đây; đó là Ngụy Ngữ, Lê Văn Ngăn, Trình Đình Sơn Cước, Nguyễn Công Thắng, Phạm Tấn Hầu, Tường Vy, Chi Mai, Lê Văn Lân… Lũ lụt, đổi tiền, làm vệ sinh đường phố, truy quét văn hóa phẩm đồi trụy, phản động, khai hoang vùng kinh tế mới, xây dựng công trình đại thủy nông Nam sông Hương… Trần Phá Nhạc đều hăng hái và động viên anh chị em tham gia. Vài năm sau, Trần Phá Nhạc xin chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, làm ở Tuần tin báo Tuổi Trẻ, sau đó chuyển sang báo Thanh Niên. Trí nhớ rơi rớt theo năm tháng, đến bây giờ Phạm Hữu Chiến chỉ còn nhớ đúng hai câu: “Khi ta ra đời mùa thu có gió/ Khi anh yêu em lá xanh mùa hạ”. Đầu hè năm 2011, khi sắp sửa đến ngày Kỷ niệm 10 năm ngày anh Trịnh Công Sơn trở về với cát bụi, tại nhà hàng Đất Phương Nam của Đỗ Bèn, nhân chuyến tôi và Bảo Hân vào TP. Hồ Chí Minh khảo sát làm phim, nghe tôi vào, Trần Phá Nhạc ghé. Anh vẫn trường chay, nơi ở vẫn “trung thành” với chung cư trên đường Nguyễn Đình Chiểu và đều đặn viết cho báo Thanh Niên với bút danh Giao Hưởng.

Tôi hỏi Trần Phá Nhạc:

- Ông còn nhớ bài hát anh Trịnh Công Sơn tặng cho hai vợ chồng ông trong ngày cưới?

- Làm sao quên được, nhưng vì anh Trịnh Công Sơn chỉ hát một lần nên thú thật mình đã quên giai điệu.

- Vậy mà có người còn nhớ!

- Ai vậy?

- Em mình, Phạm Hữu Chiến.

Nhạc cười sung sướng. Ít nhất là trên mười năm, anh mới lại nâng ly cùng chúng tôi. Hình ảnh của đám cưới, qua ký ức được tái hiện: Hôm đó hình như đầu hè của năm 1977. Anh em trên rừng về, ở Bắc vô, anh em tại chỗ có dịp quây quần. Tôi ở Đài phát thanh, Nhạc ở Đài truyền thanh, vì cùng ở chiến khu về và chơi thân với nhau nên tôi và anh Quế Lâm (quê ở Lạng Sơn, làm báo) trở thành phụ rể cho Trần Phá Nhạc.

Hôm lên Kim Long đón Vinh - vợ Trần Phá Nhạc, nhiếp ảnh gia Thái Nguyên Hạnh mừng quà cho bạn bằng 1 cuộn phim màu Kodak và tự tay anh bấm máy (sau đó gửi qua nhờ chị Thái Kim Lan ở CHLB Đức sang ảnh). Các anh Võ Kiệm - chủ tiệm in sang băng nhạc Mưa Hồng, cà phê Sửu, Lý Văn Nghiên - phụ trách văn nghệ quần chúng Huế; các họa sĩ Đinh Cường, Tôn Thất Văn, nhà văn Ngụy Ngữ, Lữ Quỳnh; các thi sĩ Phạm Tấn Hầu, Bảo Định Giang, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Đông Nhật và nhiều anh chị em báo giới, văn nghệ sĩ ở Huế lâu ngày tôi không nhớ hết… chung tay lo liệu. Tiệc cưới thời ấy giản đơn lắm, chỉ ít bánh kẹo, thuốc lá và trà của mậu dịch quốc doanh. Không rượu chẳng có bia nhưng thật vui.

Hôm ấy, sau khi rước dâu về Đài truyền thanh Huế, mẹ chị Lợi - bán cà phê ở đường Phạm Hồng Thái (trước là đường Lê Đình Dương), quán mà Trần Phá Nhạc trước khi lên rừng (kể cả sau này) thường ký sổ - đã dõng dạc tuyên bố “xóa nợ”, xem đó là món quà cưới dành cho Nhạc! Còn anh Trịnh Công Sơn ôm đàn và hát tặng đôi uyên ương bài hát mà tôi đã nêu.

Trần Phá Nhạc kể với tôi rằng: ca từ của bài hát ấy nguyên là bài thơ của anh gửi cho nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ để đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên (thời ấy chưa có Tạp chí Sông Hương). Thấy hay, nhà thơ Mỹ Dạ chuyển cho anh Trịnh Công Sơn đọc. Không ngờ anh đem phổ nhạc và nhân đám cưới của bạn, bài hát trở thành quà tặng độc đáo.

Thời gian qua mau, biết bao vật đổi sao dời; nể bạn, lần hồi theo ký ức, Trần Phá Nhạc đã đọc lại bài thơ ấy cho tôi nghe, dù câu được câu mất:

Tôi sinh ra đời vòm cây mẹ chết
Đất mềm ôm ru những chiều hôm
Có chú ve sầu bò theo ánh sáng
Như người hát mù đi giữa những hàng bông
Khi ta ra đời mùa thu có gió
Khi anh yêu em lá xanh mùa hạ
Có đóa hoa bay đầu ngõ mưa phùn
Có chút trầm thơm tình cờ đâu đó…


Chỉ một đoạn thôi nhưng cũng đủ thấy tâm hồn Trịnh Công Sơn thật đẹp, một vẻ đẹp lộng lẫy của thơ ca và âm nhạc. Đó là vẻ đẹp yêu người, như nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét sau khi nghe tôi đã hát lại bài hát đã thất lạc theo thời gian...

P.H.T
(SHSDB20/04-2016)





 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng