Góc Hoài niệm
Những 'hạt giống đỏ' của lịch sử
08:59 | 29/11/2016

Lịch sử xã hội VN trong khoảng thời gian 1954 - 1975 đã ghi dấu sự hình thành cộng đồng học sinh miền Nam tại miền Bắc với những vai trò và đóng góp nhất định cho đất nước trước và sau năm 1975. Tuy nhiên, có rất ít công trình nghiên cứu về thế hệ học sinh đặc biệt này.

Những 'hạt giống đỏ' của lịch sử
Những học sinh miền Nam học tập tại miền Bắc - Ảnh: T.L
Cuốn sách Học sinh miền Nam - Tư liệu và kỷ niệm do những học sinh miền Nam năm xưa thực hiện, trong đó nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh (Cao Văn Dũng) làm chủ biên, NXB Văn hóa văn nghệ ấn hành, vừa ra mắt, gần như là công trình đầu tiên khái quát toàn diện về lịch sử học sinh miền Nam, cũng như mối quan hệ giữa cộng đồng đặc biệt này với lịch sử.

Những cuộc đời riêng trong vận mệnh chung của đất nước

Từ năm 1954 - 1975, khoảng 32.000 thanh thiếu niên miền Nam được đào tạo tại miền Bắc để góp sức giải phóng đất nước, xây dựng miền Bắc, cũng như tiếp quản miền Nam sau giải phóng, có thể chia thành 3 giai đoạn theo những tiến trình lịch sử của đất nước: 1954 - 1959, 1959 - 1964 và 1965 - 1975. Học sinh miền Nam có nhiều độ tuổi theo các cấp học khác nhau và được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt. Tất nhiên trong hoàn cảnh thiếu thốn chung của đất nước, chế độ này tốt hơn so với mặt bằng chung, nhưng khó có thể đầy đủ.

Năm 1964, khi lên 9 tuổi, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh đã xa gia đình ra miền Bắc học tập trong ngôi trường nội trú. Cũng như những học sinh miền Nam khác, trong ông, những ký ức về khoảng thời gian ấy chưa khi nào phai mờ: “Khi vào trường học, chúng tôi không phân biệt xuất thân của mỗi người mà sống hòa đồng như trong một gia đình mới, hay đúng hơn là cả cộng đồng, môi trường xã hội mới. Không chỉ học tập với các thầy cô, chúng tôi còn “đào tạo” lẫn nhau như hát, đàn, đá bóng…”. Dù vậy, cuộc sống xa gia đình từ nhỏ góp phần tạo nên tính cách, ảnh hưởng tới cách ứng xử của học sinh miền Nam với 2 mặt “phải” và “trái”. “Học sinh miền Nam thường là những người có năng lượng sống mạnh mẽ”, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh cho biết. Tuy nhiên, theo ông, họ lại thiếu nhiều kỹ năng trong cuộc sống, chẳng hạn như chuyện nữ sinh vụng về không biết nấu ăn, đi chợ, trả giá, hay nhiều nam sinh không biết gấp chăn màn… là bình thường.
 
Những “hạt giống đỏ” của lịch sử 1
Bìa sách Học sinh miền Nam - Tư liệu và kỷ niệm Ảnh: C.T.T

Các cô bé, cậu bé cũng phải chịu nỗi cô đơn lớn khi xa gia đình. Ông Tống Quang Anh - một trong những học sinh miền Nam năm xưa, tập kết ra bắc từ năm 1954 nhớ lại: “Tết đến ở các trường học sinh miền Nam, những đứa có cha có mẹ, gia đình thì được người thân đón về sum họp. Đối với bọn tôi, sự khao khát mái ấm gia đình chỉ là khát khao, như những đứa trẻ trông ngóng ông bụt, bà tiên”. Theo gia đình tập kết ra bắc khi mới lên 3 tuổi, bà Đặng Thị Mai ngẫm lại thấy mình may mắn bởi dù sống xa gia đình nhưng vẫn biết còn mẹ, còn cha. “Một số bạn tôi không được như vậy, cô đơn, trơ trọi trên đời, không biết chắc chắn quê hương mình là ở đâu, chỉ có bạn bè trong lớp là gia đình, cô bảo mẫu là “má”, có bạn gần cuối đời mới tìm được mẹ, nhưng cũng có bạn không được cái hạnh phúc ấy”, bà Mai chia sẻ.
 
 
 
Những 'hạt giống đỏ' của lịch sử - ảnh 2

Học sinh miền Nam mặc dù hình thành trong một hoàn cảnh rất đặc biệt vẫn là sự kế thừa, thể hiện phẩm chất kiên nhẫn, khát vọng tự do, sức phấn đấu và nỗi đau thương của dân tộc VN, nhân dân VN

Những 'hạt giống đỏ' của lịch sử - ảnh 3
 

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh

 
Ngoài ra, bởi ý thức rất rõ cộng đồng học sinh miền Nam là thế hệ nhân lực mới đang được “cộng sản” đào tạo, nên quân đội Mỹ luôn tìm cách tiêu diệt cộng đồng này. Máy bay Mỹ thường thả bom vào những ngôi trường học sinh miền Nam, khiến học sinh phải đi di tản, nhiều em đã chết vì bom Mỹ.
 
“Hạt giống đỏ” là ai ?
 
Trong cộng đồng học sinh miền Nam, theo nhìn nhận của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh có một thế hệ được gọi là “hạt giống đỏ”. Ông cho hay, rất nhiều “hạt giống” trong đó là con em của những cán bộ chủ chốt - nhiều người đã tham gia chống Pháp, chống Mỹ được coi là những “cây đỏ”. Cộng đồng “hạt giống đỏ” là những người được đào tạo dự kiến để trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng xã hội miền Nam theo mô hình xã hội chủ nghĩa. “Việc xét các ngành học với từng cá nhân được chọn lựa kỹ dựa trên khả năng, tố chất, thể chất và hoàn cảnh gia đình”, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh cho biết. Chẳng hạn như, ngay chính ông - một trong những người thuộc thế hệ “hạt giống đỏ”, tại Trường Học sinh miền Nam, được nhìn nhận có khả năng văn học. Hiện ông là một trong những nhà nghiên cứu về văn học sử và văn hóa sử hàng đầu tại VN.
 
“Tôi sinh ra ở Bình Thuận trong giai đoạn chống Pháp gian khổ, theo cha mẹ đi khắp nơi, việc học hành bị gián đoạn bởi chiến tranh. Khi tập kết ra bắc, tôi được học tập tại Trường Học sinh miền Nam, học văn hóa, phát triển toàn diện. Quãng thời gian này đã giúp tôi hình thành tích cách, nhận thức, cũng như thành công với nghề nghiệp sau này”, NSND Trà Giang cho hay. Trong trường, bà đã bộc lộ khả năng và được đào tạo về nghệ thuật. Sau này, bà quyết định đi theo nghiệp điện ảnh, trở thành học viên của khóa diễn viên đầu tiên của trường điện ảnh tại Hà Nội. Thế hệ của bà đã trở thành lứa nghệ sĩ là lực lượng nòng cốt của điện ảnh VN trong suốt một thời gian dài.
 
Sau khi đất nước thống nhất, nhiều người trong cộng đồng “hạt giống đỏ” trở về tiếp quản miền Nam. Dù nhiều người đã gặp khó khăn trong việc hòa nhập, nhiều người đi theo con đường khác với con đường họ đã được đào tạo, nhưng không thể phủ nhận, với nền tảng kiến thức được tiếp thu tại miền Bắc, không ít người đã trở thành những người đi đầu trong các lĩnh vực của đất nước, có người đi theo con đường chính trị, trở thành doanh nhân, tiếp quản các xí nghiệp, nhà máy, trở thành nhà nghiên cứu. Nhiều “hạt giống” trong cộng đồng học sinh miền Nam đã trở thành những chính trị gia tên tuổi như Phan Văn Khải, Trần Đức Lương, Trương Quang Được, Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình… hay những văn nghệ sĩ xuất sắc như Trà Giang, Lê Anh Xuân, Lâm Tới, Diệp Minh Tuyền…
 
Trường Học sinh miền Nam đã có những tác động khác nhau lên cuộc đời của mỗi cô bé, cậu bé năm xưa. “Học sinh miền Nam mặc dù hình thành trong một hoàn cảnh rất đặc biệt vẫn là sự kế thừa, thể hiện phẩm chất kiên nhẫn, khát vọng tự do, sức phấn đấu và nỗi đau thương của dân tộc VN, nhân dân VN”, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh nhìn nhận.

Theo Ngọc An - TNO
 
 
Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Bánh Vu Lan (16/08/2016)
Ký ức Hoàng Sa (09/08/2016)