Góc Hoài niệm
Vài nét về công ty Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân
15:05 | 27/10/2017

DƯƠNG PHƯỚC THU

Dưới thời Pháp thuộc, những năm đầu thế kỷ XX, để ra được một tờ báo - mà lại báo tiếng Việt do người Việt quản lý tại Kinh đô Huế quả thực nhiêu khê và vô cùng khó khăn, phức tạp.

Vài nét về công ty Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân
Báo Tiếng Dân những năm 1930 - Ảnh: internet

Nhưng những người chủ trương đã tìm mọi kế sách, kể cả việc phải nhúng nhường quan lại chính quyền thực dân cai trị, miễn sao họ đồng ý cấp phép cho xuất bản một tờ báo tiếng Việt ở xứ Trung Kỳ. Tờ báo “Tiếng Dân” đã phải làm như vậy.

Tiến sĩ Nho học Huỳnh Thúc Kháng, một nhà yêu nước mẫu mực. Sau khi được trả tự do từ nhà tù Côn Đảo, trở về quê nhà Quảng Nam, cụ vẫn tiếp tục dấn thân vào con đường hoạt động yêu nước. Tháng 7/1926, Huỳnh Thúc Kháng ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, đắc cử với số phiếu rất cao và được bầu làm Viện trưởng. Sau phiên họp đầu tiên khai mạc ngày 7/9/1926, Huỳnh Thúc Kháng “đã sinh chán và ý định thay sang việc ra tờ báo”1. Phan Bội Châu bàn để Huỳnh Thúc Kháng đứng tên xin phép ra báo lúc này có khả năng được chấp nhận, vì là cựu tù chính trị phạm, nhưng lại là đương kim Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Cụ Huỳnh ngỏ ý xin ra báo với P.Pátxkiê, nguyên Khâm sứ Trung Kỳ, lên nhậm chức quyền Toàn quyền Đông Dương thay Varen về Pháp, được Pátxkiê đồng ý, nên ý định ra báo chắc chắn có hy vọng. Huỳnh Thúc Kháng bàn với một số bạn bè trí thức phải đặt một tên chữ thật có ý nghĩa cho tờ báo của miền Trung... Chọn mãi và được nhiều người góp ý, ban đầu định đặt tên báo là Trung Thanh, vừa có ý nghĩa là tiếng nói ngay thẳng vừa hàm nghĩa tiếng nói của miền Trung, mà vẫn là tên “chữ”. Cuối cùng nghĩ đến hai chữ Dân Thanh, tiếng nói của người dân, Huỳnh Thúc Kháng đến hỏi ý kiến Phan Bội Châu, cụ Phan nói: “Đã báo quốc ngữ thì để tên Tiếng Dân không rõ ràng hơn sao”2. Thế là tên chính thức của tờ báo ra đời, vừa bình dị, vừa diễn đạt đúng ý nguyện của những người sáng lập là cơ quan phản ánh tiếng nói của nhân dân, bênh vực quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Trước khi ra báo Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng phát nguyện ba điều:

“1. Quyết mở tờ báo đầu tiên cho xứ Trung Kỳ, giữa kinh đô nước Việt Nam, dầu ra được 5, 7 số mà chết cũng vui lòng;

2. Theo thuyết chính danh của Khổng Tử, làm đúng như tên Tiếng Dân, thà chết, quyết không để cho cái gì lay chuyển hay lôi kéo đi đường khác;

3. Giữ cái tinh thần phương Đông “quốc hữu” cùng nuôi đốm lửa nhiệt thành ái quốc của các nhà tiên thời trong đống tro tàn, không để đứt mất”3.

Đầu tháng 10/1926, từ quê nhà Quảng Nam, cụ Huỳnh gửi đơn đến phủ Toàn quyền Đông Dương xin phép xuất bản tờ báo, trụ sở đặt tại Đà Nẵng, nhưng người Pháp không chấp thuận. Bởi lý do mà họ đưa ra là tờ báo ấy phải đặt trụ sở tại Huế.

Dù là tờ báo hoạt động theo xu hướng độc lập, do một số nhà cựu tù chính trị chủ trương, nhưng cũng phải do một tổ chức hay doanh nghiệp theo lối tư bản chủ nghĩa đứng tên xin phép. Vậy là Công ty Huỳnh Thúc Kháng ra đời. Đây là một công ty cổ phần ra đời sớm nhất ở Huế. Dù công ty này mang tên cụ Huỳnh, do chính cụ làm Quản lý (tương tự như Chủ tịch HĐQT bây giờ) nhưng nguồn tài chính lại không phải của cụ mà do các cổ đông góp vốn, cụ đứng tên trên danh nghĩa với uy tín của mình. Cụ Huỳnh quan niệm: “Trăm vạn quân không bằng một tờ báo” và luôn ý thức gắn sứ mệnh tờ báo với vận mệnh của dân tộc. Tuy nhiên, cụ cũng biết rằng hoạt động báo chí ở Trung Kỳ vô cùng khó khăn, nhưng ít nhất “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mà mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”.

Để được việc, cụ Huỳnh đành chuyển “trụ sở” ra Huế, lúc đầu đặt tạm tại nhà ông Nguyễn Khoa Tùng, một nghị viên của Viện Dân biểu Trung Kỳ lúc ấy, ở rất gần Đập Đá. Từ ngôi nhà này, ngày 9/10/1926, cụ Huỳnh lại gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ, đề nghị ông này can thiệp, giúp đỡ để tờ báo Tiếng Dân của cụ sớm được xuất bản. Sau vài lần cụ Huỳnh gửi thư yêu cầu, khi không còn lý do gì để cản trở, ngày 12/2/1927, Toàn quyền Đông Dương Pátxkiê ngồi tại Sài Gòn, đã ký nghị định cho phép Công ty Huỳnh Thúc Kháng xuất bản tờ báo Tiếng Dân, mỗi tuần 2 kỳ, có trụ sở đóng tại Huế. Tiếng Dân là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam có cái tên hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Căn cứ các sắc lệnh về báo chí của người Pháp thì: “Mỗi số báo phải nộp các bài một bản bằng chữ quốc ngữ và một bản dịch ra tiếng Pháp cho phủ Khâm sứ Trung Kỳ ít nhất hai ngày trước khi công bố”4.

Cũng như Công ty Huỳnh Thúc Kháng, với tờ báo, cụ Huỳnh là người sáng lập đồng thời làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Ông Trần Đình Phiên làm quản lý. Nhưng vào thời bấy giờ ở Huế chưa có nhà in nào in được báo khổ lớn 58 x 42cm. Do vậy công ty lại phải thành lập một nhà in riêng để in báo Tiếng Dân. Trong suốt gần sáu tháng đóng tạm trụ sở ở nhà ông Nguyễn Khoa Tùng5, cụ Huỳnh và các cộng sự Đào Duy Anh, Nguyễn Xương Thái còn phải ngược xuôi ra tận Hà Nội mua toàn bộ nhà in Nghiêm Hàm và một phần nhà in Thực Nghiệp, thuê công nhân đưa về Huế lắp ráp, hướng dẫn sử dụng và in thử, giao cho Trần Cửu Lai lo liệu. Sau khi nhà in chính thức đi vào hoạt động, ngày 13 tháng 6 năm Đinh Mão - thứ tư, ngày 10/8/1927, (trên đầu trang nhất ghi thế) báo Tiếng Dân ra số 1. Giá bán mỗi số 4 xu.

Khi báo vừa ra mắt bạn đọc số 1, thì ngay trên số 2 ra ngày 13/8/1927, Huỳnh Thúc Kháng đã viết: “Đó là sự vui mừng, sự buồn tủi và sự chờ đợi ấp ủ trong lòng hàng tiệu đồng bào. Dân là đầu mối của nước. Tiếng Dân đi sát với những vấn đề trong nước. Nếu chính phủ biết rõ những nguyện vọng sâu xa của dân thì cần gì đối xử bất công với Tiếng Dân như đã từng đối xử với vài tờ báo đã ra mắt gần đây và đã bị đóng cửa. Tờ báo này thật xứng đáng để mang tên là Tiếng Dân, vì trong thực tế, phải nhờ đến báo chí thì “Tiếng Dân” mới bộc lộ ra được”.

Từ đầu cho đến ngày 29/1/1936, Tiếng Dân phát hành tuần hai kỳ vào thứ tư và thứ bảy. Từ ngày 1/2/1936 đến 30/12/1939, báo ra mỗi tuần ba số: thứ ba, thứ năm và thứ bảy. Từ đầu năm 1940 trở về sau báo trở lại mỗi tuần hai số như trước. Báo có 2 trang, có nhiều số 4 trang, rồi 6 trang.

Tiếng Dân tập hợp được một số trí thức vừa tân học, vừa nho học có tinh thần dân tộc, dân chủ, tiến bộ, cộng tác với nhau chặt chẽ chung quanh hai người lãnh đạo, hai chí sĩ có uy tín về lòng yêu nước và kiến thức, đạo đức đáng kính phục: Huỳnh Thúc Kháng và Phan Bội Châu. Có những người gắn bó gần cả cuộc đời của mình với báo Tiếng Dân, như Nguyễn Xương Thái, Nguyễn Quý Hương, Lê Nhiếp, Trần Đình Phiên, Trần Đình Nam; nhiều biên tập viên có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, có trình độ học vấn uyên bác như Đào Duy Anh; có những người hoạt động bí mật trong Đảng Tân Việt và tham gia viết báo Tiếng Dân, về sau họ trở thành những người cộng sản được cả nước biết, như Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp với bút danh Vân Đình…

Để tờ báo Tiếng Dân xuất bản được đều đặn, nội dung phong phú, thông tin trung thực, hấp dẫn, thu hút được đông đảo bạn đọc, ngoài chuyện bài vở, cộng tác viên, biên tập viên, Tiếng Dân được sự đồng thuận góp vốn của nhiều cổ đông, nhờ nguồn vốn này mà tờ báo không phải lệ thuộc vào nhà cầm quyền Pháp hay một tổ chức nào của Nam triều. Sự chủ động về tài chính đã giúp cụ Huỳnh lãnh đạo tờ báo đi đúng tiêu chí “nói được tiếng nói của dân, bênh vực quyền lợi cho nhân dân”.

Nhưng để thu hút được nhiều cổ đông ủng hộ, tin tưởng góp vốn vào hoạt động kinh doanh là nhờ uy tín của người quản lý công ty, chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Tiếng Dân. Hàng năm, cứ vào tháng hai, công ty phải tổ chức đại hội cổ đông, báo cáo lãi lỗ nợ nần, kết quả công việc của năm trước, dự kiến chương trình hoạt động năm sau một cách công khai, minh bạch; nhất là về phần tài chính.

"Trụ sở báo Tiếng Dân" xưa đóng tại số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng


Để bạn đọc có điều kiện hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử liên quan trụ sở báo Tiếng Dân đóng tại số 123 đường Đông Ba, nay là 193 đường Huỳnh Thúc Kháng và những khó khăn ban đầu cũng như hoàn cảnh ra đời, tổ chức, điều hành, quản lý một cách minh bạch của cụ Huỳnh và Ban Biên tập đối với tờ báo Tiếng Dân, nhà in Tiếng Dân và cả Công ty Huỳnh Thúc Kháng suốt mấy chục năm về trước, chúng tôi xin công bố một văn bản do chính cụ Huỳnh viết và trình bày tại phiên họp Đại hội cổ đông đầu tiên, được đăng công khai trên báo Tiếng Dân vào cuối tháng 4/1928.

CÔNG TY HUỲNH THÚC KHÁNG, HỘI SỞ TẠI HUẾ, ĐẠI HỘI ĐỒNG THƯỜNG NIÊN, PHIÊN THỨ NHẤT, NGÀY 15/4/1928  

“Tờ trình của Hội đồng Kiểm soát

Thưa các ngài,

Từ ngày Công ty ta thành lập, thì ông Quản lý lo sắp đặt mọi việc, như mua nhà đất, mua máy móc, tìm người giúp việc, thuê thợ thuyền, đến ngày 10/8/1927 thì tờ báo ra đời, và công việc nhà in cũng bắt đầu từ đó mới khởi sự.

Tuy bước đầu bỡ ngỡ, công việc chưa quen, song Hội đồng chúng tôi đã được các ngài ủy thác cho cái trách nhiệm; thiệt hết lòng làm bổn phận, nào khám sổ sách, nào xét tiền bạc, mỗi kỳ nhóm đều có biên bản, xin các ngài xét lại.

Nay chúng tôi xin kể tóm tắt các khoản chi, thâu để các ngài xem cho tiện, còn muốn rõ ràng hơn, thì xin xem tờ trình của ông Quản lý trình Đại hội đồng hôm nay...6

Dưới đây là tờ trình của ông Quản lý Huỳnh Thúc Kháng

Thưa các ngài,

Ngày hôm nay là ngày Đại hội thường niên lần thứ nhứt Công ty Huỳnh Thúc Kháng ta, được các ngài chiếu cố đến dự hội đông đủ, tôi rất lấy làm hân hạnh.

Theo điều lệ của Công ty, ngày Đại hội đồng thường năm vào khoảng tháng hai, nhưng năm nay vì nhà hội đương làm chưa xong, nên triển lại đến hôm nay, đã có bố cáo trên tờ báo và tuyên bố trong giấy mời, tưởng các ngài cũng đã biết cả.

Thưa các ngài,

Mục đích của Công ty ta rất là hợp thời, mà cũng rất không hợp với hoàn cảnh. Phàm làm việc gì, lúc ban đầu cũng là khó, mà cái hoàn cảnh hiện thời của Công ty, đương lúc ban đầu lại càng nhiều nỗi khó khăn. Tuy vậy mặc dầu, tôi đã được dựa chắc nơi tấm lòng nhiệt thành và tín nhiệm của anh em cổ đông, thì cũng hết sức lấn lướt cho kịp thời cơ để mà đối phó. Hiện nay Công ty chưa được mười phần hoàn thiện, nhưng thu xếp cũng đã tạm yên. Vậy tôi xin lươt thuật tình hình dinh nghiệp của Công ty trong mấy tháng đã qua, và bày tỏ một đôi ý kiến để Đại hội xét.

1. Vốn của Công ty là 30.800$00, nhưng thâu mãi cho đến 31/12/1927 được 29.085$00, cổ đông còn thiếu đến 1.715$00 chưa góp đủ. Sự góp hùn chậm trễ như thế, thật là có phương hại cho công việc dinh nghiệp của Công ty, tôi đã có đăng trên tờ báo, và có thơ nhắc riêng từng người, nhưng đến nay cũng còn có người thiếu.

2. Hội sở Công ty đã quyết nghị dời ra Huế. Sau khi Đại hội thành lập, tôi đã chọn thuê một sở nhà lầu ở đường Đông Ba, thuộc địa phận phường Đệ Nhất chân thành Huế, nhưng muốn cơ sở Công ty được vững chắc, nên thuê được sáu tháng thì mua đoạn toàn sở nhà đất ấy, giá bạc là 4.050$00, tiền Lý trưởng chứng nhận 50$00, vô sổ văn tự hết 222$75, tổng cộng là 4.322$75, lại trù làm thêm một cái xưởng hai lầu, để có chỗ thợ làm cho ngăn nắp, dự trù hơn 3.500$00, trong năm 1927 đã chi được 1.499$00, còn bao nhiêu lúc làm xong sẽ chi tất. Hiện nay xưởng ấy đã làm xong. Về việc nhà cửa như vậy cũng tạm yên được.

3. Mục đích của Công ty ta là kinh lý một nhà in để in tờ báo, thì máy in là vật cốt yếu, tôi đã ra Hà Nội mua trọn chỗ các máy móc, khí cụ và đủ các thứ chữ của nhà in Nghiêm Hàm, lại mua luôn một bộ máy lớn của Thực Nghiệp mới gởi Tây lại. Thu xếp hai tháng trường, đầu tháng 7 năm 1927 thì về đến Huế.

Bộ máy lớn Thực Nghiệp: 3.048$47.
Các máy Nghiêm Hàm: 10.000$00.
Tài liệu và nhân công tháo máy và đóng thùng tại Hà Nội: 363$65.
Chuyên chở Hà Nội về Tourane (Đà Nẵng) và đến Huế: 950$00.
Công thợ lắp máy tại Huế: 134$06.
Sắm thêm các đồ phụ tùng và tu bổ tại Huế: 691$57.
Vậy tất cả các máy móc, chữ in và đồ phụ tùng là 15.122$44.
Như thế cũng vừa sức in tờ báo cùng các thứ khác.

4. Đồ khí dụng thì theo sự nhu yếu mà phải sắm, từ tủ bàn cho đến cái ghế con, cái dao nhỏ, cuối năm 1927 cộng số bạc là 960$04.

Các khoản kể trên đây, theo lệ nhà buôn thì mỗi năm phải có giảm thành, nghĩa là giảm bớt số vốn. Nhưng năm rồi đây, đã là năm đầu, mà cũng chưa được mấy tháng, nên chỉ số hiện tồn cuối năm 1927, chưa giảm thành. Qua năm thứ hai trở về sau, sẽ theo sự hao mòn mỗi thứ mà lượng giảm bớt vốn.

5. Kinh lý nhà in, thì những tài liệu như giấy mực vân vân, là món nguyên liệu sinh lợi duy nhất cho dinh nghiệp. Tài liệu có dồi dào, thì nghề in mới phát đạt được, trong khoảng hơn bốn tháng năm ngoái, việc in còn chú ý nơi tờ báo, chưa mở mang việc in là mấy, mà số tài liệu dùng để in báo và in vặt cũng đến 1.805$89. Tôi đã dự bị các thứ giấy mực 3.194$21, thế mà còn thiếu kiểu nhiều, không đủ cung ứng cho khách hàng nhu dụng. Sau nầy việc in còn phải khoách trương, thì tài liệu càng phải dự bị cho được sung túc.

Vã chăng các món tài liệu có trực tiếp mua các hãng bên Tây, mỗi lần mua mỗi món có được số nhiều, thì giá mới được nhẹ, lâu nay vì số vốn lưu động còn chật hẹp, chỉ theo lúc, theo vật khẩn dụng mà mua lặt vặt ở Hà Nội, giá hàng không rẻ, lại thêm tiền cước phí, nên chi thành bổn so với các chỗ, phải cao, mà việc in trong bốn tháng năm 1927, không được lời là mấy.

6. Nghề làm báo là một nghề thường bị lỗ vốn. Tờ báo của Công ty tuy ra đời giữa cái hoàn cảnh khó khăn mà may được anh em trong ba kỳ đối với Tiếng Dân không đến nỗi lãnh đạm. Từ khi ra đời đến cuối năm 1927, số người mua hạn năm, hoặc tháng, ngót 2.800; 42 kỳ gởi ngót 103.097 tờ; gởi đi các đại lý, các tỉnh hạt, ngót 34.485 tờ; bán lẻ tại Huế ngót 14.930 tờ. Tổng cộng trong 42 kỳ đã tiêu lưu được 152.512 tờ báo, mà tiền mua báo trừ ra một số ít người chưa gởi lại, còn đều đã lục tục gởi đến trả thanh. Vì thế mà báo in để gởi tặng, quảng cáo, ký án và bù số lạc mất cho các bạn đọc báo, trong năm tháng, ngót 19 ngàn tờ mà không đến nỗi đảm mất cơ hưng vượng của tờ báo.

Vả lại bài vở toàn do ở tòa soạn, ngoài ra anh em có gởi bài lại, cũng đều vui lòng giúp ích, nhà báo chưa phải xuất tiền mua cảo như các nhà báo khác.

Phóng sự các nơi cũng chưa chọn đặt được mấy, số tiền nhuận bút các phóng sự, có chi cũng chỉ số ít, chưa tốn là bao nhiêu.

Tờ báo tiêu thụ đã không đến nỗi ế, mà kinh phí tờ báo cũng không phải tốn nhiều, nên chi tờ báo không những không lỗ mà lại có lời chút đỉnh.

7. Công việc Công ty phải có ba bộ phận: Bộ phận biên tập, chuyên lo tờ báo; Bộ phận ấn loát, chuyên lo việc in; Bộ phận dinh nghiệp7, chuyên lo giao thiệp các việc thương mãi. Người có chuyên trách, thì việc mới tinh tường, việc có tinh tường, thì dinh nghiệp mới phát đạt, lẽ thường phải thế, nhưng đương lúc ban đầu, trăm điều còn phải tiết dụng, nên chi anh em giúp việc lâu nay, phần nhiều là người làm kiêm việc, chưa chia giới hạn bộ phận cho được rành, mà số nguyệt bổng cũng chi theo số tầm thường, so với công giá các nhà dinh nghiệp hiện thời cũng chưa lấy chi làm hậu. Sau nầy công việc cần phải mở mang, thì số người giúp việc cùng số lao kim cũng cần phải theo sự yếu nhu mà chi phối cho được đúng..

Số nguyệt bổng giúp việc, từ ngày 10/4 đến tháng 12/1927 cộng là: 2.905$22.
Số công thợ từ ngày 1/7 đến 31/12/1927 là: 2.000$54.
Về thợ thì nhà in còn phải cần thêm.

8. Kinh phí trong chín tháng:

Tiền thuê nhà hội và nhà chứa giấy: 180$00.
Tiền đèn điện và nước máy: 63$81.
Tiền giây thép và giấy thép nói: 55$47.
Tiền hộp thơ và tiền tem thơ: 101$41.
Tiền sổ sách và giấy mực: 129$93.
Tiền lộ phí và xe cộ: 349$11.
Tiền vệ sanh và các phí vặt: 135$14. Tổng cộng: 1.016$87.

9. Tiền vốn không được dồi dào, thì công việc phải hạn chế, hạn chế công việc, tức ngăn đáp cái nguồn sinh lợi của mình, bởi vậy mà các nhà dinh nghiệp đều phải chú ý đến số vốn lưu động.

Trong năm vừa rồi, số vốn Công ty hiện thâu: 29.085$00 (vì cổ đông còn thiếu 1.715$00) mà đã chi hết 21.819$69.

Tiền tổ chức Công ty: 446$00.
Tiền giấy mực tòa (công chứng): 736$90.
Tiền in cổ phiếu, điều lệ: 61$00.
Tiền mua nhà đất: 4.322$75.
Tiền mua máy in: 15.122$44.
Tiền sắm đồ dùng: 960$04.
Tiền mua sách vở, nhật báo và tạp chí: 170$56. Cộng tất là: 21.819$69.

Còn số vốn lưu động trong mấy tháng, vừa kinh phí, vừa nhân công vừa dự bị tài liệu, chỉ có 7.265$31 mà thôi, như vậy thật là chật hẹp. Nhưng nhờ có số tiền thu nhập từ khi tờ báo ra đời cho đến cuối tháng 12 năm 1927 cộng gần một vạn đồng.

Tiền mua trả trước: 8.552$74.
Tiền quảng cáo trả trước: 739$06.
Tiền in đồ vặt: 693$67.

Cộng tất là: 9.985$47, cho nên sự vận dụng trong mấy tháng năm 1927, mới được tiếp tế. Cuối năm 1927 Công ty còn thiếu các món nợ là 5.055$20.

Người đọc báo trả trước: 4.759$40.
Quảng cáo trả trước: 191$56.
Tiền hàng Lê Văn Tân: 15$74.
Tiền thợ trừ súc: 88$50. Cộng là: 5.055$20.
Mà số bạc hiện cũng còn được: 7.827$43.
Tại tủ: 1.519$37. Tại Banque Indochine: 6.240$06.
Tại Banque Franco chinoise: 68$00. Cộng là: 7.827$43.
Và đã dự chi về việc làm xưởng: 1.499$00.
Số tài liệu còn lại xưởng: 1.752$44.
Số tiền các chỗ còn thiếu: 421$64. Cộng tất là: 7.473$05.

Số tiền các chỗ còn thiếu chia ra như sau nầy: Mua báo chưa trả: 1.292$94. Quảng cáo chưa trả: 180$12. In đồ chưa trả: 278$97. Đại lý chưa trả: 688$28. Thợ mượn chưa trả: 60$00. Cổ đông còn thiếu: 1.715$00. Cộng tất là: 4.221$61.

Tổng cộng số còn lại: 15.300$48

Nay dự trù công việc về năm 1928, phỏng hết 22.000$00.
Trả hết các món nợ: 5.055$20.
Chi số làm xưởng: 2.200$00.
Mua thêm tài liệu: 3.500$00.
Sắm thêm đồ dùng: 600$00.
Kinh phí: như tiền điện, tem, sổ sách: 100 x 12 = 1.200$00,
Tiền lương 400 x 12 = 4.800$00.
Công thợ 370 x 12 = 4.440$00.
Tiền dự phòng: 200$00.
Tổng cộng: 21.995$20.

Vậy là số hiện còn so với số dự trù còn thiếu bảy ngàn bạc, nhưng đó chỉ là dự trù theo công cuộc chật hẹp như mấy tháng rồi đây mà thôi. Vì mấy tháng năm vừa rồi nhà cửa chật hẹp, máy móc chưa dựng đủ, công việc còn phải hạn chế theo lối hẹp hòi. Nay xưởng máy đã làm xong, các máy phải dựng hết, cần phải mở mang công việc cho đúng sức, không những phải cần thêm thợ, thêm người giúp việc, thì kinh phí phải thêm, mà nhất là món tài liệu là vật cốt yếu của nghề in, càng phải dự bị cho sung sức mới được.

Xem vậy thì ngoài số thiếu 7 ngàn đồng, còn cần phải trù thêm một món tiền khác lớn hơn nữa.

Trừ số tiền ấy, hiện có hai cách:

Một là tăng vốn Công ty. Theo khoản thứ sáu và khoản thứ bảy trong điều lệ, Công ty có thể kêu thêm vốn. Tăng vốn là món tiền vững chắc của Công ty, nhưng còn phải tốn thì giờ, mau lắm thì cũng phải một năm mới thu xong, xem như số cổ phần trước thì rõ.

Hai là vay bạc. Vay bạc Banque để vận dụng những khi cần kíp, là việc thường có của nhà dinh nghiệp phải làm. Nhưng chiếu theo khoản 13 điều lệ của Công ty, thì ông Quản lý không đủ quyền hạn.

Chiếu theo khoản 33 trong điều lệ xin Đại hội đồng cho phép ông Quản lý được đủ quyền, để tiện việc kinh doanh, cho dinh nghiệp Công ty được chóng phát đạt.

Ấy tình hình dinh nghiệp Công ty đại để là thế.

Còn sổ sách năm thứ nhứt kết toán xong rồi, đã có trình Hội đồng Kiểm soát duyệt.

Số tài sản hiện còn: Nhà đất: 4.322$75.

Máy in: 15.122$44.
Đồ dùng: 960$04.
Bạc tủ: 1.519$37.
Tài liệu: 1.752$44.
Đồ in: 61$20.
Sách vở: 120$79.
Banque Indochine: 5.043$53.
Tiền Tây: 1.196$53.
Banque Franco Chinoise: 68$00.
Đại lý còn thiếu: 688$28.
Hàng đi: 278$97.
Quảng cáo: 186$42.
Dự chi: 1.625$71.
Mượn trước: 60$00.
Người đọc báo thiếu: 1.292$94.
P.Caps thiếu: 112$00.
Cổ đông còn thiếu: 1.715$00.
Phí sáng lập chưa trừ: 1.181$80. Tổng cộng: 37.308$80.

Số công nợ hiện còn: Người đọc báo trả trước: 4.759$40.

Tiền quảng cáo trả trước: 191$36.
Lê Văn Tân: 15$74.
Trừ súc: 88$50.

Nguyên số vốn của Công ty 30.800$00. Tổng cộng là: 35.855$20.

Số tài sản còn lại là: 37.308$21.
Trừ số công nợ là: 35.855$20.
Còn dư được là: 1.453$01. Ấy là tiền lời năm thứ nhứt.

Số lời các khoản trong năm 1927: Thay giá bạc (vì tiền Tây lên, xuống mà lời) là 89$56. Thâu vặt (mực, giấy Nghiêm Hàm) tăng: 362$81.

Bạc lời Banque trả (bạc gởi Banque có lời). Đồ in. Báo. Số phí trong năm 1927. Phí sáng lập (trừ một phần trong 20 năm). Sách vở (báo và tập chí mua bị cấm). Tu bổ (sửa sang vặt).

Tiền lương (năm 1927): 2.900$00. Công bạn (lương thợ, năm 1927): 2.000$00.

Số tài sản hiện còn trừ vào số nợ, chi phí đều dư được: 1.453$01. Vậy là lời trong năm 1927 đã được đủ, xin Đại hội đồng duyệt sổ sách phê chuẩn cho.

Về số tiền lời 1.453$01, còn phải trả thuế hoa lợi cho nhà nước, nhà nước đã thâu trước thuế hoa lợi là 86$31. Nhưng còn số vốn phỏng dự chi nên chỉ trong sổ còn để về mục chi. Chờ khi Đại hội đồng phê chuẩn sổ sách, và tuyên bố số lời năm 1927 rồi, Sở Văn tự mới chiếu luật đương thời mà tính lấy số đúng.

Vậy số tiền lời năm 1927, xin chờ khi Sở Văn tự tính đúng số tiền hoa lợi, sẽ định việc chia.

Những ý kiến bày tỏ và thỉnh cầu trên đây, đều là bởi sự kinh nghiệm và đã suy xét kỹ càng, xin Đại hội xét.

Nay kính trình

Quản lý Huỳnh Thúc Kháng”.8  

Nhờ tính thủy chung, minh bạch, công khai lãi lỗ của công ty cổ phần mà suốt 17 năm (từ đầu năm 1927, trên măng sét của báo ghi là năm thứ 17) tồn tại ở đất Kinh kỳ, Tiếng Dân ra được 1766 số, đã nói được nhiều tiếng nói của dân; đã lên án được nhiều ông quan “phụ mẫu”; bệnh vực được rất nhiều cho người dân lương thiện bị chà đạp oan ức. Tiếng Dân đã chiếm một vị thế quan trọng trong lòng bạn đọc không chỉ ở Trung Kỳ và cả nước mà còn ở ngay chính ‘mẫu quốc” nước Pháp.

Đánh giá về báo Tiếng Dân, trong Kỷ yếu Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1948, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Trường Chinh nhận xét: “Cụ Huỳnh Thúc Kháng hét “Tiếng Dân” giữa kinh thành Huế”.

Tiếng Dân
bị thực dân Pháp ra lệnh đình bản vào ngày 20 tháng 3 năm Quý Vị, Dương lịch là 24/4/1943, mặc dù trên trang nhất của số 1766, tòa soạn đã giới thiệu nội dung bài vở cho số 1767, dự định ra vào ngày 1/5/1943, còn nhà in Tiếng Dân và Công ty Huỳnh Thúc Kháng vẫn hoạt động đến giữa năm 1946 mới giải thể.

D.P.T  
(TCSH344/10-2017)

------------
1. Ý kiến ông Huỳnh Thúc Kháng đối với thời cuộc, Nxb. Tiếng Dân, 1945, tr.11.
2. Sđd, tr. 12.
3. Sđd, tr.22, 23.
4. Công báo Đông Pháp (J.O.I.F) năm 1927, tr. 662, bản dịch của NNC Nguyễn Thành.
5. Hai vợ chồng ông Nguyễn Khoa Tùng và Đạm Phương Nữ Sử là những người đã cộng tác tích cực ngay từ buổi đầu cho Tiếng Dân ra đời.  
6. Do báo cáo của Hội đồng kiểm soát có nhiều điểm trùng với tờ trình của Quản lý Huỳnh Thúc Kháng nên phần này chúng tôi xin lược bớt.
7. Chữ dùng của cụ Huỳnh.  
8. Hàng năm, cứ vào tháng 2, Đại hội thường niên họp cổ đông. Các báo cáo hoạt động của Ban Kiểm soát, tài chính, mua bán cổ phiếu, số lượng cổ đông…sau khi trình cuộc họp, cụ Huỳnh cho in công khai ngay trên Tiếng Dân






 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng