Góc Hoài niệm
Ký ức về một người lính
09:45 | 22/05/2018

PHẠM XUÂN PHỤNG

Một buổi sáng tháng 7 năm 1994, tại Văn phòng Đảng ủy Bệnh viên Trung ương Huế, tôi tiếp một nhân viên văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật (nay là Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế).

Ký ức về một người lính
Ảnh: internet

Người ấy gửi cho tôi một giấy giới thiệu kèm theo lá thư của nhà thơ Võ Quê - Thường trực Hội nhờ tôi gắng tìm cách giúp một nhà thơ quân đội - thương binh hạng 2/4 từ ngoài Bắc vào thăm Huế, chẳng may gặp sự cố. Đó là nhà thơ Ngô Hoàng Cát. Một cái tên quen quen, gợi nhớ bao điều.

Năm 1965, cậu học sinh trường Gia Hội về quê nghỉ hè. Với mọi cậu học sinh nhà quê lên học côi Dinh (cách gọi kinh thành Huế của người nông thôn Thừa Thiên ngày xưa), nghỉ hè là một niềm vui vô cùng tận, vui náo nức, vui rộn ràng. Sách vở quăng hết vô tủ, giấy bút cũng vứt luôn, không cần học thêm học bớt chi cho mệt óc. Về quê! Bao nhiêu trò chơi với lũ bạn bè thuở nhỏ ở quê nôn nao chờ đợi sau suốt chín tháng học hành căng thẳng. Nghỉ hè còn là niềm vui gặp mạ ngày ngày, được ăn cơm do mạ nấu mỗi bữa, nhất là không phải ăn roi vì đã lớn. Cha tôi tập kết ra Bắc năm 1954, hai anh em tôi ở lại quê - làng Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền cùng mạ và mệ ngoại. Tháng 5 năm 1963, anh tôi vào Sài Gòn sống với người cậu ruột sau lễ tang mệ ngoại, nhà chỉ còn hai mạ con với ngôi nhà ba gian hai chái, mái lợp tranh giữa khu vườn rộng chừng hai sào Trung bộ sát bờ sông Bồ mỗi năm vài trận lụt. Lụt về với lũ trẻ con làng tôi là cơ hội chèo ghe ra đồng thả lưới bắt cá, thi bơi thi lặn. Khi còn học tiểu học ở quê, tôi chỉ biết ngồi trong ghe vừa thích thú vừa lo lắng mỗi khi ghe bị chao lắc vì tôi chẳng biết bơi, rớt xuống nước như cục đá, nhưng cái thú ngắm nước lụt mênh mông trên đồng vẫn không hề kém lũ bạn nhỏ bơi lặn như “ma rà”. Khi lên Huế học, cái thú được ngồi ghe ngắm nước lụt không còn, vì vào mùa lụt tôi đang ở trên phố. Mùa hè nắng chang chang là lúc lũ trẻ quê nghèo chúng tôi hè nhau đi chọc mo nang tre làm chất đốt để hối lộ cha mạ ở nhà trước khi đi chơi lang thang đến tối. Ra đồng mót trộm khoai lang, quơ rơm trên đồng đốt lên nướng khoai thơm lừng, thằng mô thằng nớ tay, mặt tèm nhem tro than vừa ăn khoai vừa hít hà vì nóng. Ăn xong cưỡi trâu xuống sông tắm mát. Cưỡi trâu là cái thú bềnh bồng nhất của tôi, đứa trẻ nhát gan nhất bọn. Tắm táp thỏa thuê xong lại cù chắc (rủ nhau) đi hái dái mít về chấm muối ruốc, ăn chát lè, cay xè mà thích thú vô song. Về chiều rủ nhau vô vườn nhà ai có cây ổi, cây khế cứ thế hái trộm, mỗi đứa một bọc áo mang ra sau vườn nhà tôi khúc khích cười nói, nhỏm nhẻm nhai, mược kệ sáng mai bị ăn roi cả bọn. Chao ơi! Những ngày hè tuyệt vời của đời học sinh trung học.

Mùa hè năm nay có cái chi đó khang khác. Thằng Phương, thằng Đá, thằng Bặm (những người anh họ và lớn tuổi hơn tôi nhưng hồi nhỏ cứ kêu bằng thằng, bị mạ đập cho mấy lần vẫn chẳng nhớ mà kêu bằng anh) đứa vô Sài Gòn, đứa đi du kích, chơ vơ mấy đứa nhỏ hơn luôn coi tôi như thủ lĩnh mọi trò chơi ù mọi (trốn tìm), đánh “căng cù u óc”, đánh trận giả, giật lá, bắt cá, trộm trái cây, cả bầy “lau hau” đang háo hức ngóng tôi về.

Chiều hôm đó, mâm cơm ngoài các món ăn bình thường mạ vẫn nấu còn có thêm tô canh cua, món xa xỉ mà hồi tôi còn học tiểu học trường làng, mạ nấu cơm tháng cho thầy hiệu trưởng nhà ở làng Vạn Xuân, gọi mạ bằng O, xưng chú, chắc có bà con chi đó, buổi trưa ở lại ăn cơm tại nhà tôi, dạy xong buổi chiều lên Huế, vài ngày mới có canh cua và tôi được thầy ưu ái gắp cho cái càng to. Hôm nay lại có canh cua, chắc nhà có khách quý. Đang đói meo sau gần một tiếng đồng hồ đi bộ từ chợ Hương Cần về nhà, tôi nhào vô bàn định xới cơm ăn thì bị mạ nhắc nhỏ: “Chờ tí đã con! Đói quá thì chịu khó ăn củ khoai luộc”. “Nhà có khách hả mạ?” Tôi hỏi. Mạ gật đầu.

Bóng tối trùm kín cả khu vườn và ngôi nhà. Ngoài vườn, tiếng dế bắt đầu rả rích. Ngọn đèn dầu hỏa rọi mờ căn phòng nhỏ. Tôi nôn nao ngóng ra cửa chính. Mãi vẫn chẳng thấy bóng ai. Làng tôi hồi đó là “vùng da beo”, ban ngày lính Sư đoàn 1 bộ binh Việt Nam Cộng Hòa cùng dân vệ thường xuyên rảo quanh các nhà, đến chiều họ rút sạch. Buổi tối các o các chú du kích xuất hiện, có khi các chú bộ đội hoặc cán bộ nằm vùng đi cùng, chuyện thường nên tôi không sợ nếu có ai vào nhà lúc ban đêm. Chờ mãi rồi cũng có tiếng bước chân rất nhẹ đi vào từ ngoài vườn phía bờ sông. Tôi nhìn ra, thấy hai chiếc bóng mờ một cao một thấp, lại gần thì ra chú Côi du kích khoác súng cạc-bin, theo sau là một chú bộ đội Quân giải phóng khuôn mặt còn trẻ đội mũ tai bèo, vai khoác túi dết, chân đi dép cao su, vai không khoác súng AK 47 như thường thấy. Chú này lần đầu mới gặp.

- Chào O! - Chú Côi chào nhỏ - O cho gởi đồng chí này vài bữa rồi giao liên xã sẽ sắp xếp đưa đồng chí ấy lên côi nớ (lên chiến khu).

- O biết rồi, chú Tư Hồng bí thư có dặn O hôm qua.

Thì ra lâu nay mạ vẫn nuôi giấu cán bộ như hồi tôi còn học tiểu học. Dạo đó, ngày nào tôi cũng ăn cơm độn khoai sắn, củ bình tinh, củ khoai từ. Đến bữa tối, đợi im ắng tất cả, bao giờ mạ cũng bảo tôi đơm một tô cơm trắng với khúc cá kho hay quả trứng, năm bảy lát thịt, dĩa rau xào, có khi chỉ có dúm muối mè kèm chai nước chè xuống hầm bí mật giữa rặng tre sau vườn sát bờ sông đưa cho cán bộ nằm vùng. Đó là giai đoạn Luật 10 năm 1959 vừa ban hành, quân lực của chính quyền Ngô Đình Diệm giám sát cả ngày đêm và nhà tôi là một trong những ngôi nhà bị giám sát chặt chẽ, trước cổng đóng một tấm bảng ghi câu khẩu hiệu 3 không: Gia đình tôi không chứa chấp cộng sản, không tiếp tế cho cộng sản, không liên hệ với cộng sản. Trong mỗi nhà có treo một cái mõ tre, quy định hễ thấy có du kích hay cán bộ Việt Cộng thì lập tức gõ mõ, nhà này gõ thì nhà khác gõ theo, inh ỏi cả một vùng quê. Nhà nào cũng phải nuôi chó để chó sủa khi có bóng người lạ vô làng. Suốt một thời gian dài như thế, cũng có du kích hay cán bộ nằm vùng đâu đó bị bắt, ở làng tôi thì không. Riêng nhà tôi có cây ổi to, lính Sư đoàn 1 đóng ngay trong nhà ngày mô cũng trèo hái, bất kể chín hay non đều ăn cả, hình như chỉ phá chút cho vui. Căn hầm bí mật chưa bao giờ bị lộ, chẳng bao giờ ông sĩ quan đeo khẩu súng ngắn hỏi han gì hai mạ con tôi cả, cứ như gia đình tôi không có liên hệ chi với Việt Cộng, mặc dù chính quyền xã đều biết cha tôi là công an Việt Minh lừng lẫy tiếng tăm ở huyện Quảng Điền đã tập kết ra bắc từ năm 1954. Từ khi tôi lên Huế học, mạ ở nhà vẫn tiếp tục làm cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ trong hầm bí mật theo phân công của tổ chức. Cả làng ngoại tôi đều thế, chẳng riêng gia đình tôi.

Bữa cơm tối đó, tôi vừa ăn vừa ngắm nhìn anh - (tôi chuyển sang gọi anh theo yêu cầu của anh ấy) - anh bộ đội Quân giải phóng có khuôn mặt chữ điền rắn rỏi, sạm đen, nhưng hai cánh tay trắng như con gái. Anh vừa ăn vừa trả lời vài câu hỏi thăm dò ý tứ của mạ tôi mà anh trịnh trọng thưa O. Có lẽ anh cũng biết rõ mạ tôi là chị của một cán bộ lãnh đạo cấp cao của cách mạng. Ăn xong, anh ngồi nói chuyện hỏi han tình hình học tập của tôi một lúc, tranh thủ tuyên truyền tình hình “tương quan lực lượng giữa ta và địch” cho tôi nghe, tay vuốt ve con chó vàng nhà tôi, lát sau thì lặng lẽ xuống hầm bí mật.

Tối hôm sau, anh lên nhà với một xấp giấy trong tay. Ăn cơm xong, anh đưa cho tôi xấp giấy, bảo mở ra xem. Ồ! Toàn là thơ tình Xuân Diệu, những bài thơ tôi đã từng nghe nhưng chưa đọc trực tiếp như Vội vàng, Giục giã, Lời kỹ nữ… được anh chép nắn nót vào từng tờ giấy. Cuối tờ cuối cùng, anh ghi lời đề tặng: Tặng em Phụng - Anh Hoàng Cát, Diễn Châu - Nghệ An. Tôi sung sướng ôm xấp giấy vào lòng. Từ đó cho đến hết kỳ nghỉ hè, khi nào rảnh tôi lại mở xấp giấy ra đọc các bài thơ tình của nhà thơ lớn Xuân Diệu, cho đến khi lên Huế học niên khóa mới. Anh Hoàng Cát sau hôm ấy đã được giao liên dẫn lên chiến khu, từ đó tôi không gặp lại anh nữa. Nhưng hình ảnh của anh đọng mãi trong tôi.

*

Anh đang ngồi trước mặt tôi, vẫn khuôn mặt vuông chữ điền rắn rỏi tuy thời gian đã in hằn lên đó những nếp nhăn mệt mỏi. Dù vậy, đôi mắt anh vẫn sáng rực, có ánh lửa nồng như ngày nào anh ôm vai tôi nói chuyện về văn thơ và ước mơ của người lính sau ngày đất nước thống nhất. Một đôi mắt tràn đầy niềm tin và chan chứa tình cảm. Theo kinh nghiệm từng giải quyết nhiều vụ như thế này, để tránh cho anh bị mặc cảm hoặc đôi khi quá vui mừng vì gặp được người quen, niềm hy vọng lớn có thể dẫn đến điều không hay nếu anh không được giải quyết như ý, tôi cố tình làm như chưa từng quen biết anh. Chắc chắn anh khó lòng nhận ra người bác sĩ đang đứng trước mặt anh là thằng bé học sinh Huế háo hức mê thơ Xuân Diệu ngày nào. Tôi cùng người nhân viên văn phòng Hội VHNT tỉnh dìu anh đi dọc hành lang bệnh viện về phòng Giám đốc. Xui xẻo làm sao dọc đường lại gặp một cán bộ có chuyên môn cao chặn lại hỏi: “Đi đâu đó?” Vừa nghe tôi trình bày hoàn cảnh của anh Cát, vị nọ thốt lên một câu bất nhã khiến tôi nghẹn cứng họng. Anh Cát đỏ vằn mắt… Tôi cùng người nhân viên ôm choàng thắt lưng anh, mặc cho anh vùng vẫy tức giận. Lát sau, thấy anh hơi dịu lại, tôi an ủi anh: “Đồng chí thương binh cứ bình tĩnh, tôi đưa đồng chí đến gặp Giám đốc bệnh viện”. Anh im lặng đi theo, nhịp thở còn dập dồn, chứng tỏ cơn giận chưa nguôi. Đến trước cửa phòng Giám đốc, tôi muốn dìu anh vào luôn nhưng anh khoát tay muốn đứng ngoài chờ. Tôi hiểu anh vừa bị cú sốc nặng nên có phần lo lắng hoặc nghi ngờ khả năng được bệnh viện giúp đỡ. Tôi đành vào một mình.

Nghe tôi trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng của anh, đồng thời chuyển lời nhờ cậy giúp đỡ của nhà thơ Võ Quê - đại diện lãnh đạo Hội VHNT tỉnh, Giám đốc lập tức bấm số điện thoại bàn gọi cho bác sĩ Trần Quốc Khánh - Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng yêu cầu gặp ông Nguyễn Xuy - Kỹ thuật viên trưởng xưởng chân tay giả. Câu hỏi dồn dập của Giám đốc khiến tôi vừa lo lắng vừa buồn cười:

- Này, cậu nói cho mình biết: Làm chân giả trong vòng 2 ngày với vật liệu tốt nhất, hình thức đẹp nhất, miễn phí trăm phần trăm, cậu làm được không? Kịp không?

- Dạ… dạ… được được ạ! - Anh Xuy vội trả lời.

- Tốt, làm đi, sẽ có phần thưởng của giám đốc. Phải đúng hẹn đó.

Quay sang tôi, ông hỏi: “Hài lòng chưa? Phải giải quyết cái rẹt như rứa chứ!”

- Cám ơn thầy! - Tôi mừng quá, vội xin cáo từ.

Giám đốc bình thản đứng dậy, khoác vai tôi nói như tâm sự: Người ta đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, cho quê hương mình, mình phải chăm lo chu đáo cho người ta chứ. Hà hà! - Ông cười to sảng khoái như thưởng cho mình.

Bỗng cánh cửa phòng bật mở. Anh Cát tay chống nạng, vừa đi vừa lết vội vào phòng, miệng hét to: “Thằng… thằng Hòa! Mày là Hòa, Phạm Xuân Hòa phải không?”

Phạm Xuân Hòa là bí danh của bác sĩ Phạm Như Thế - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế khi vào chiến trường Trị Thiên công tác thời kháng chiến chống Mỹ.

Giám đốc - bác sĩ Phạm Như Thế khựng lại giây lát rồi bỗng dưng ông dang tay ôm chặt lấy anh. Anh cũng thả chiếc nạng ôm lấy ông. Cả hai cứ vừa ôm, vừa vỗ lưng vừa xoay quanh nhau. Ông gọi bí danh của anh ở chiến khu, không quên chêm vào câu… chửi yêu: “Tổ cha mi. Tau tưởng mi chết rồi. Mi còn sống à? Tau cứ tưởng đồng chí thương binh mô, té ra là mi”. Còn anh, cứ vừa cười vừa khóc, nước mắt dàn giụa vừa trả lời: “Tớ chỉ bị cụt chân thôi! Hu hu!” Anh khóc ngon lành như một đứa trẻ. “Tốt, tốt, còn sống là tốt rồi.” - Bác sĩ Thế vừa vỗ lưng bạn vừa an ủi.

Tôi sững sờ chứng kiến cuộc hội ngộ bất ngờ đầy cảm động giữa hai người đồng đội từng chung một chiến hào trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở Khu ủy Trị thiên.

Hai ngày sau, anh Hoàng Cát có được chiếc chân giả mới rất vừa vặn, đi rất êm. Anh tiếp tục đi thăm lại chiến trường xưa, cơ sở cũ từng nuôi giấu anh thời kháng chiến. Còn tôi coi như hoàn thành nhiệm vụ Hội giao, thở phào nhẹ nhõm…

P.X.P  
(TCSH351/05-2018)




 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng