Góc Hoài niệm
Về các lớp chuyên bậc phổ thông trung học tỉnh ta
14:53 | 10/01/2019

MAI VĂN HOAN

Bình Trị Thiên trước đây và Thừa Thiên Huế bây giờ vốn nổi tiếng là nơi có nhiều học sinh giỏi. Các lớp chuyên tỉnh đã được thành lập hơn 12 năm nay.

Về các lớp chuyên bậc phổ thông trung học tỉnh ta
Trường Quốc Học thế kỷ 20 - Ảnh: internet

Năm nào ở bậc PTTH các em cũng đạt giải cao. Một số em đã được chọn đi thi Toán, Lý, Quốc tế và mang về những thành tích xuất sắc làm vẻ vang cho tỉnh nhà, cho cả nước như Lê Bá Khánh Trình, Hồ Đình Duẩn, Ngô Phú Thanh, Lê Tự Quốc Thắng... Có thể khẳng định hệ chuyên tỉnh ta đã thực sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng nhân tài. Không ít những em vốn là học sinh lớp chuyên tỉnh hiện nay đang làm luận án tiến sĩ, phó tiến sĩ, những cán bộ giảng dạy có năng lực ở các trường Đại học, nhiều em trở thành những "cây bút trẻ" trong lực lượng sáng tác văn học. Trong cái thời "ăn ra làm nên" ấy không chỉ có sự cố gắng của thầy và trò mà còn có sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo, các ban, ngành trong toàn tỉnh. Các em thời đó có khu nội trú tương đối tươm tất, có chế độ học bổng riêng, có kinh phi bồi dưỡng khá dồi dào. Vì vậy, trường Quốc Học đã chăm lo cho các em hết sức chu đáo. Các em được đi tham quan Nghĩa Trang Trường Sơn, tham quan chùa Non Nước (Quảng Nam Đà Nẵng) tổ chức những buổi sinh hoạt câu lạc bộ, những buổi học ngoài trời... Nhưng cái thời "hoàng kim" ấy đã trôi qua. Trong ba năm lại đây đặc biệt là sau khi chia tỉnh, hệ chuyên PTTH đã có những dấu hiệu sa sút mà những người có lương tâm, có chút lòng tự trọng, có chút quan tâm đến tài năng của thế hệ trẻ ai cũng thấy đau lòng. Trước đây các em học sinh giỏi ở khắp nơi háo hức nộp đơn xin thi vào lớp chuyên, mỗi môn như thế có tới vài trăm em. Bây giờ mỗi môn chỉ có vài chục em nộp đơn dự thi mà chủ yếu là các em ở thành phố Huế. Riêng môn văn hai năm lại đây chỉ có không đầy 10 em dự thi. Hệ chuyên văn, một thời rực rỡ bây giờ chỉ còn lại một chút hào quang le lói. "Nhưng mỗi năm mỗi vắng, người thuê viết nay đâu? giấy đỏ buồn không thắm, mực đọng trong nghiên sầu" (ông đồ - Vũ Đình Liên). Các môn Toán, Lý đều bị "thất bát". Còn đâu những Lê Bá Khánh Trình? Lớp 10 chuyên văn năm nay (1990-1991) học chưa hết học kỳ I đã đành phải "giải thể". Các em chia tay nhau lưng tròng nước mắt. Biết làm sao được ! Hầu hết các em đều ở nông thôn, gia đình nghèo túng lại vào lúc "cơm cao gạo kém" cha mẹ dù rất thương con, cũng phải đành lòng đưa con về quê vì không đủ tiền chu cấp cho con ăn học ở thành phố: "Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu?!". Câu hỏi róng riết được đặt ra: làm thế nào để hệ chuyên PTTH trở lại "phong độ" như xưa ? Làm thế nào để các em học sinh năng khiếu ở vùng nông thôn có thể phát huy hết khả năng của mình ? Sao cho tài năng của tỉnh nhà không bị mai một dần đi? Thực tế trong những năm qua đã chứng minh rằng "tài năng" không chỉ bó hẹp trong phạm vi thành phố Huế. Sở dĩ các em ở thành phố đạt kết quả cao hơn các em ở nông thôn chủ yếu là do các em có điều kiện học tập thuận lợi hơn. Những em có khả năng ở nông thôn sớm được "phát hiện" đưa vào các lớp chuyên tỉnh đã đạt những thành tích không ngờ. Chẳng hạn em Lê Thanh Hà quê La Chữ (Hương Trà) hai lần đoạt giải quốc gia về môn văn. Em Nguyễn Ngọc Ánh quê ở Hương Phú (cũ) hai lần đoạt giải quốc gia về môn Lý, đặc biệt năm học 1988-1989 Ánh đoạt giải nhất toàn quốc được chọn đi dự thi Lý quốc tế. Em Hồ Anh Khoa quê Quảng Trị cũng hai lần đoạt giải quốc gia môn Lý. Đó chưa kể các em Nguyễn Phi Phượng, Nguyễn Thảo Nguyên, Đoàn Công Huynh, Nguyễn Ngọc Hải, Lê Thị Tố Nga, Trịnh Thị Hường, Nguyễn Văn Hiệp... đều là con em ở các vùng quê xa xôi về ở nội trú học các lớp chuyên đã từng đoạt từ giải nhất đến giải ba trong các cuộc "tranh tài” toàn quốc. Nếu các em ấy "sinh sau đẻ muộn" một chút (như bây giờ chẳng hạn) chắc gì các em đã vào học được lớp chuyên, chắc gì các em đã đạt được những kết quả khả quan như vậy.

Hiện nay ở tỉnh ta các em học sinh ở các lớp chuyên không còn được cấp học bổng nữa, không còn có một khu nội trú nữa, không có một chế độ khuyến khích nào nữa, thử hỏi làm sao các em hào hứng như xưa? Với tình trạng này dần dần chỉ có các em ở thành phố là vào được các lớp chuyên. Các lớp chuyên tỉnh dần dần trở thành các Iớp chuyên của thành phố, "chuyên tỉnh" chỉ còn trên danh nghĩa. Có phải tỉnh nhà đã khó khăn đến mức phải thả nổi các lớp chuyên như thế không? Hay là lãnh đạo các cấp, các ngành chưa thật quan tâm đúng mức, chưa thật chú trọng đến việc đào tạo nhân tài cho tỉnh nhà, cho đất nước? Học sinh Thừa Thiên Huế vốn có truyền thống học giỏi, tỉnh ta lại có một đội ngũ giáo viên dạy chuyên dạn dày kinh nghiệm. Một thế mạnh như vậy mà để "thua em kém chị" thật là uổng phí lắm thay ! Muốn vực lại "hào khí" cho các lớp chuyên tỉnh nhà còn phải có một chế độ thích đáng cho thầy và trò. Tài năng cần được nuôi dưỡng, không được nuôi dưỡng tài năng sẽ tàn lụi, thui chột đó là quy luật tất yếu !

Trong khi đó, từ khi chia tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã tổ chức được trường năng khiếu. Cơ sở cho năng khiếu ở Thừa Thiên - Huế, ngược lại, đang lụi tàn. Chẳng phải là điều rất đáng lên tiếng đó sao?

Trên đây chỉ là đôi điều ngỏ hầu bày tỏ với cán bộ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở, các ban ngành liên quan may ra có thể tìm được những biện pháp kịp thời cứu vãn các lớp chuyên đang có nguy cơ rã đám!.

Huế, tháng 1 năm 1991.
M.V.H
Giáo viên chuyên văn Trường Quốc Học - Huế.
(TCSH45/03-1991)




 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng