Góc Hoài niệm
VÀNG trên biển đá đen
09:44 | 28/06/2019


ELENA PUCILLO TRUONG  

(Viết cho những người bạn cầm phấn)

VÀNG trên biển đá đen

Tiếng bản lề rít lên kẽo kẹt khi tôi đẩy cánh cửa bước vào lớp học. Ánh nhìn của tôi buồn bã chiếu xuống những dãy băng thấp đã từ lâu trống vắng. Tôi đang cố tìm lại vài vết mực loang hay những nhát cắt trên mặt gỗ và trong đầu cố hình dung đến những khuôn mặt học trò giờ đã xa xôi.
 

Một quầng sáng hình nón của ánh nắng mai đang chiếu lên kệ sách và trong đó tôi nhìn thấy những hạt bụi li ti bay lượn. Tôi quét sơ sàn nhà rồi ngồi làm bạn với một quyển sách và bắt đầu ngao ngán đợi chờ.

Đã từ lâu không còn có những giọng nói líu lo chờ đón tôi ở nơi đây, cũng không có cả sự yên lặng bất thường khi bọn trẻ chợt thấy tôi đang đến. Những đứa lớn thường chỉ liếc mắt nhìn còn những đứa bé hơn thì lấm lét hay nghiêm hẳn sắc mặt, thế nhưng khi đứng trên bục giảng, tôi vẫn nhìn thấy mặt các em trai còn đỏ gay vì chạy nhảy còn các bé gái thì đầu tóc rối bù dù các em đã cố gắng vuốt lại bằng tay sau khi làm ẩm bằng nước bọt.

Tôn trọng nhưng không bao giờ là sợ hãi. Tôi còn nhớ là mình đã lau khô bao nhiêu nước mắt để an ủi các em sau các lần tranh cãi, giận hờn, vấp ngã hay có khi chỉ vì một lý do phù phiếm nào đó! Thuở ấy tôi còn khá trẻ và vừa bị chuyển đến một buôn làng heo hút, chìm khuất giữa những dãy núi cao mà trước đó tôi chưa hề biết hay nghe nhắc đến tên.

Sau khi tốt nghiệp tôi rất mãn nguyện vì được bổ nhiệm về dạy trong một ngôi trường lớn và bề thế trong thành phố. Nơi đó tôi rất quý các đồng nghiệp và thương mến các em học sinh nên vui vẻ hòa mình vào cái thế giới đầy mùi sách mới, bụi phấn bám vào tay, nhưng sung sướng nhất chính là cái cảm giác đang thực hiện được niềm mong ước của mình.

Tôi đã tin rằng đời mình sẽ mãi thế và chẳng có gì thay đổi, thế nhưng chỉ cần vài lời của ông hiệu trưởng vào một buổi sáng là đủ để ném tôi rơi vào hố sâu tuyệt vọng:

“Thưa cô, tôi cho gọi cô lên văn phòng để thông báo về một nhu cầu khẩn thiết của Sở Giáo dục và tôi tin là chỉ có cô mới đảm nhiệm nổi. Cô còn trẻ, chưa lập gia đình, không có nhiều ràng buộc vì cả cha và mẹ đều đã qua đời... nên Sở đã quyết định chuyển cô về tổ chức các lớp học và giảng dạy các học sinh trên một vùng cao ở miền Bắc.”

Không hiểu tại sao mà dường như tất cả mọi thứ đều chống lại tôi, thí dụ nếu như còn trẻ hơn, có hai con hay cha mẹ già bệnh tật thì có lẽ tôi đã được ở lại làm việc trong cái góc thiên đường của mình. Nhưng hiện thực là thế nên vài ngày sau tôi phải đáp chuyến xe lên Hà Giang.

Rời bến xe tôi còn phải lấy xe đò, một thứ xe khách nhỏ gọn, phù hợp với địa hình ngoằn nghèo để có thể vượt qua những dãy núi mỗi lúc mỗi cao và dọc đường đèo có nhiều vực sâu đầy đe dọa.

Cuối cùng, sau cuộc hành trình vất vả, xe dừng lại ở một bãi đậu có các lùm cây và tôi cầm chiếc va li bước xuống, ngỡ ngàng nhìn chiếc xe khách lắc lư, lừ đừ đi tiếp như tiến vào khoảng không vô tận mà nước mắt chảy dài xuống má.

Chỉ có một ý nghĩ lúc đó đã giúp tôi phản ứng và bình tâm lại là mọi việc đều có nguyên do, có thể là một sự sắp xếp nào đó của định mệnh và giả như điều đang xảy ra với tôi do ác ý của ai thì một ngày nào đó cũng sẽ có câu trả lời.

Kế tiếp đó là những ngày cực kỳ bận rộn. Tôi phải bắt đầu sửa lại cái căn nhà ọp ẹp, dường như bị bỏ hoang từ nhiều năm, để biến thành “trường học”. Tôi đến từng nhà để mời các phụ huynh cho con mình đến “lớp” và tổ chức thành 3 nhóm dựa theo tuổi tác. Sau đó khi tôi chỉ cho những đứa bé xem những bức hình màu trong sách thì chúng bắt đầu làm quen và thường quyến luyến bên tôi như những chú gà con nấp vào đôi cánh mẹ. Với tôi, bước đầu như thế có thể cho là thành công.

Tuy ở rất xa nhưng tôi vẫn liên hệ thường xuyên với các đồng nghiệp cũ trong thành phố và thế là hàng tuần những thùng sách từ xa được gửi tới vùng cao. Điều bất ngờ là trong khi những bức tường đất bắt đầu trở thành một ngôi trường đơn giản và nghèo nàn thì trong tôi cũng bắt đầu có một sự thay đổi. Đối với tôi một quyển sách, một bức tranh hay một tấm bản đồ treo trên vách lúc này đều có một ý nghĩa lớn lao. Nó quý giá, cần phải tôn trọng và giữ gìn vì đó là những phương tiện ít ỏi có thể giúp các em bé xa tít ở nơi đây hiểu về cuộc đời và thế giới.

Dần dà rồi tôi cũng bắt đầu làm quen với dáng núi và những cơn gió lạnh rít qua khe cửa. Chỉ có điều là tôi nhớ biển, nhớ mùi gió hiu hiu mặn và bụi muối lờ lợ đọng lại trên thân thể vừa lau khô cùng với đôi bàn chân bị cát bám vào các ngón, ẩm ướt và nhột nhạt.

Tôi rất yêu biển vì suốt tuổi thơ tôi đều trải qua các kỳ nghỉ hè với ông bà nội ở một thành phố duyên hải miền Trung. Tôi thích chơi đùa với các bạn, tung tăng chạy nhảy trên cát mịn rồi lao mình vào giữa những cơn sóng nhỏ đầy bọt trắng. Rồi khi lớn lên, mỗi khi đi đến nơi nào có biển tôi đều giữ lấy một ít cát để làm kỷ niệm. Sau nhiều năm, chỉ nhìn qua những chai cát nhiều màu trong “bộ” sưu tập là tôi có thể biết nguồn gốc ở đâu. Cát trắng nhất lấy ở Phú Quốc, cát màu vàng lấy ở Quy Nhơn hay màu xám lấy ở Vũng Tàu. Tôi phân loại rồi bỏ cát vào chai, đặt tất cả trong chiếc hộp nhỏ bằng kim loại nằm trong phòng ngủ, và mỗi khi nhớ biển tôi thường xem lại cái kho tàng kỷ niệm của mình.

Năm tháng trôi qua và các cậu học trò của tôi cũng lớn dần, rồi sau thì tôi không còn nhìn thấy chúng nữa. Cái đói và sự nghèo nàn đã đẩy chúng đi xa để tìm phương tiện làm ăn và sinh sống. Ban đầu tôi chưa từng nghĩ tới điều này, cho đến một hôm, một cậu học trò ngoan và chăm chỉ của tôi vắng mặt ở lớp nhiều ngày. Tôi thấy lạ và lo lắng là em có thể bị bệnh gì đó nên đến nhà thăm. Đó là một căn nhà ọp ẹp nằm nép mình bên một khối đá to, cách xa trường chừng vài cây số. Chỉ lúc đó tôi mới hiểu nỗi khó nhọc của em và các bạn, hằng ngày phải cuốc bộ trên con đường núi đầy sỏi đá và vực sâu để có thể học vài trang sách ở trường. Rồi còn những ngày mưa, gió lạnh, khoảng cách ấy như xa thêm, đến được trường có thể được xem như một chiến công của các anh hùng.

Thế rồi sau bao khó nhọc tôi cũng đến được căn nhà và vui vẻ cầm lấy ly trà nóng mà mẹ Quang vừa pha:

- Thưa cô giáo, Quang không có ở nhà. Mấy ngày nay cháu phải lên núi giúp ba làm rẫy. Cần phải gieo hạt sớm vì nếu chậm thì mùa đông này cả nhà sẽ chẳng có gì để ăn.

Chỉ với câu nói ấy là tôi hiểu ngay hoàn cảnh và đời sống thường nhật của họ. Trên cao nguyên đá cuộc sống thật khó nhọc và đầy bi thảm.

- Bây giờ thì Quang ở đâu? Nhờ bà chỉ đường để tôi đến gặp em.

Bà mẹ liền chỉ tay vào hướng núi ở trên cao và cho biết là cách nhà khoảng một cây số.

Tôi vội vã đi, dù vẫn thận trọng tránh những mô đá và sợ bị trượt chân... và cuối cùng cũng vượt qua một ngọn đồi mà sau đó có thể nhìn thấy Quang.

Quang cảnh trước mắt tôi là một triền núi thoai thoải có vô số những tảng đá nhọn màu đen nằm cạnh nhau, đỉnh hướng thẳng lên trời. Triền núi lồi lõm, uốn lượn và những tảng đá hình thù quái dị như những con sóng hình tai mèo đang phản chiếu ánh sáng mặt trời. Giống như một mặt biển màu đen, xuất hiện thật bất ngờ: Một biển đá đang chuyển động bỗng bị cầm tù dưới bùa phép của một phù thủy cao tay ấn, đứng im, để nguyên những con sóng đang chồm lên trời, với bọt biển, tung tóe giữa những vực sâu... tất cả đều bị giữ im, bất động đến muôn đời.

Và trên cái mặt biển đá đen ấy xuất hiện tấm lưng trần đẫm mồ hôi của cha Quang. Lúc đó ông đang liên tục đứng lên, cúi xuống, để cuốc một đường rãnh giữa những tảng đá đen và cậu con trai đứng bên cạnh, vai mang gùi và tay cầm một túi hạt.

- Quang! Quang! - Tôi gọi lớn để tạo sự chú ý trong lúc dừng lại hổn hển thở giữa những tảng đá.

Rồi chậm chậm tôi tiến đến gần và nhận ra sự kinh ngạc trong mắt họ.

- Ui... Trời ơi, cô giáo! Cô lên đây làm gì? Chân cô rướm máu... cô có bị thương không?

Đến lúc này tôi mới nhận ra là đầu gối và bàn tay mình có nhiều vết cắt nhưng tôi không quan tâm vì lúc này chỉ muốn biết điều mà hai cha con họ đang làm: Một hạt giống không thể nẩy mầm nếu không có đất, và trên núi đá không phù hợp nên họ đang đào một cái rãnh và đem đất từ nơi khác lấp vào. Một điều đơn giản, mà từ thời nguyên thủy con người đã chiến đấu với thiên nhiên để sinh tồn.

Gieo hạt để nẩy mầm!

Công việc của tôi cũng vậy. Bây giờ tôi hiểu là mình cũng đang gieo hạt và tìm cách giúp các cậu học trò nhỏ nẩy mầm cho một cuộc sống mới, cho một ngày mai tươi sáng hơn. Dù bất cứ là ở nơi đâu tôi cũng có thể thực hiện công việc ấy, ngay cả trong môi trường khắc nghiệt và khó khăn như ở vùng núi này. Ngay lúc đó tôi hiểu rằng điều mà hai cha con Quang đang làm là vô cùng quan trọng. Và vì thế, tôi cũng nán lại để giúp họ gieo hạt giữa những khối đá đen.

Sáng hôm sau Quang đến trường thật sớm và tôi bảo em giải thích cho các em nhỏ hơn là phải làm thế nào để giúp các hạt bắp nẩy mầm giữa những tảng đá. Đó là một bài học được cả lớp chăm chú lắng nghe.

Những hồi ức ấy bây giờ đã xa xôi.

Tôi hồi tưởng lại trong lúc đặt mấy quyển sách lên kệ. Tôi phải chấp nhận sự vắng vẻ và cái khoảng trống buồn thảm ở xung quanh mình. Trong làng giờ chỉ còn ít người ở lại, phần lớn là những cụ già và từ lâu các dãy băng ghế đều trống rỗng.

Tôi uể oải cầm chiếc chìa khóa và chuẩn bị bước ra về.

Ngay lúc đó có một bóng người thoáng qua cửa và tôi nghe một giọng nói rất lễ phép:

- “Thưa cô giáo, cháu tên Kim. Cháu đến từ một làng ở xa đây vì người ta cho biết là ở trường này có một người có thể giúp cháu. Thưa cô... cháu không biết đọc và cháu muốn học để lớn lên giúp đỡ ba mẹ.”

Trong lúc bé gái đang bước vào, tôi nhìn thấy hai bàn tay em đang cầm một chiếc mũ đã sờn và bạc màu còn hai con mắt đang e dè và xúc động dưới một lọn tóc đang rơi xuống.

- “Vào đi cháu. Cô đang đợi cháu đây! Ngồi xuống, bên cạnh cô nè! Cô sẽ dạy cháu những con số và bí ẩn của ngôn ngữ. Cô sẽ dạy cháu về mùi của biển hay sự lấp lánh của những vì sao và sau đó cô sẽ giúp cháu làm nẩy những hạt mầm vàng trên một mặt biển đen”.

Trương Văn Dân dịch
(Nguyên tác tiếng Ý: “L’oro tra le pietre nere”)  
(SHSDB33/06-2019)





 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Mưa Huế (07/05/2019)