Góc Hoài niệm
Bác Hồ viết di chúc, “để lại muôn vàn tình thương yêu”
09:45 | 01/09/2019

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 50 năm Ngày mất của Người (02/09)

HỒ NGỌC DIỆP

Bác Hồ viết di chúc, “để lại muôn vàn tình thương yêu”
Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam năm 1969. Ảnh: Tư liệu

Nhận thấy tầm quan trọng của việc bộc lộ quan niệm về lẽ sống, nhận thức về lịch sử đấu tranh của nhân dân ta, nhất là giai đoạn chống Mỹ cứu nước và những tư tưởng, tình cảm của mình đối với Tổ quốc, Đảng, nhân dân phong trào cộng sản quốc tế, nếu mình phải qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định viết di chúc để “Để lại  muôn vàn tình thương yêu  cho toàn dân toàn Đảng”.

Bốn năm ròng viết, chữa để hoàn tất

Từ ngày 10 tháng 5 năm 1965, vào dịp sắp đến ngày sinh nhật thứ 75, Bác quyết định làm công việc đầy ý nghĩa ấy của mình. Đây cũng là lúc sức khỏe giai đoạn tuổi già của Bác đang dồi dào nhất. Bác ngồi vào bàn viết, bao giờ cũng đúng 9 giờ, giờ mà trí tuệ con người minh mẫn nhất. Lúc này hương thơm của các loài hoa quanh vườn thoang thoảng trong nắng sớm càng gây hưng phấn cho con người nhiều nhất. Bác không phải viết liên tục một mạch mà suy tư, ngẫm nghĩ hàng giờ, đôi khi chỉ một vài câu. Cũng có khi suốt một giờ Bác chỉ chữa được vài từ trong câu đã viết lần trước.

Mở đầu bản viết, bác ghi rõ: “Nhân dịp mừng 75 tuổi”. Phía trên góc trái bản thảo được Bác ghi cẩn thận: “Tuyệt đối bí mật”, nhằm không để bất kỳ ai biết được công việc “sắp đi xa” của mình. Đã có lần, đồng chí Trường Chinh đăng ký giờ làm việc với Bác nhưng cứ băn khoăn thắc mắc mãi việc đồng chí Vũ Kỳ thay mặt Bác khước từ, hẹn sang quãng giờ khác sẽ làm việc. Cứ sau một giờ ngồi viết di chúc hàng ngày, Bác cẩn thận cho vào phong bì để vào ngăn trên giá sách rồi trở lại công việc thường nhật của một Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng.

Bút tích Di chúc của Bác Hồ


Trong ngày đầu (10/5/1965) Bác chỉ viết đoạn sau đây:

“Người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường là cụ Đỗ Phủ có câu thơ rằng: “Nhân sinh thấp thập cổ lai hy”, nghĩa là người thọ bảy mươi xưa nay hiếm”.

Năm nay, tôi đã bảy lăm tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe, tuy vậy tôi cũng đã là người “Xưa nay hiếm”.

Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm mấy tháng nữa?

Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”.


Ngày hôm sau (11/5/1965), Bác viết tiếp 4 đoạn nhỏ, nói về Đảng, sự đoàn kết và đạo đức cách mạng:

“Trước hết nói về Đảng. Nhờ đoàn kết chặt chẽ một lòng một dạ phục vụ giai cấp, tổ chức và lãnh đạo, nhân dân ta hăng hái đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các Chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.

Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.


Sáng ngày 12 tháng 5 năm 1965, sau khi thông qua điện mừng Đại hội đoàn kết nhân dân á Phi lần thứ 4 tại Uyn-nơ-ba, Cộng hòa Gana, xem một số báo mới trong ngày, căn dặn một số điều, đúng 9 giờ, Bác lại ngồi vào bàn viết di chúc. Ngày này, Bác viết dài hơn, nhiều nội dung hơn:

“Đoàn viên và thanh niên nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “Hồng” vừa “Chuyên”.

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.

Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm đấu tranh.

Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.

Đảng ta cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non còn nước còn người

Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.

Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi, đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng  đánh thắng hai đế quốc to là Pháp  và Mỹ, và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.


Ngày 13 tháng 5 năm 1965, Bác chỉ dành cho nội dung viết về phong trào cộng sản quốc tế:

“Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!

Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có tình, có lý.

Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.


Sáng thứ sáu ngày 14/5/1965, từ 6 giờ, trong bộ áo quần bà ba nâu, Bác đã lên xe để đến thăm nông dân hợp tác xã đang gặt lúa tại cánh đồng xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Bác đi từ thửa ruộng này đến thửa ruộng khác, thăm hỏi, động viên từng xã viên. Mọi người sung sướng, phấn khởi náo nức vì chứng kiến một Chủ tịch nước lại ra tận đồng để thăm hỏi người dân đang lao động. Gần 10 giờ Bác mới về đến nhà, kịp tham gia họp với Bộ Chính trị theo kế hoạch. Do đi thăm đồng buổi sáng, trưa Bác ăn ngon cơm hơn, giấc ngủ trưa cũng dài hơn. Từ 14 giờ đến 16 giờ, Bác lại ngồi vào bàn tiếp tục với tài liệu “Tuyệt đối bí mật” của mình:

Sau khi tôi qua đời chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “Hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “Hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ có nhiều điện thì điện táng càng tốt hơn. Tro xương thịt tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo, Ba Vì hình như có nhiều đồi tốt. Trên mộ, nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.

Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp.

Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên giữ một ít tro xương cho đồng bào miền Nam.

Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.


Viết xong Bác đánh máy bản thảo của mình. Hoàn thành đúng 16 giờ ngày 14/5/1965 nhưng bản đánh máy, Bác lại ghi: Hà Nội ngày 15/5/1965.

Đã hẹn trước, đồng chí Lê Duẩn sang. Đây là người thứ 2 ngoài đồng chí Vũ Kỳ được xem tài liệu “Tuyệt đối bí mật” của Người, và được ghi dòng chữ chứng kiến cũng như chữ ký của mình ở góc trái, tờ cuối, bản di chúc đánh máy của Bác.

Xong việc, Bác bỏ tài liệu vào chiếc phong bì to và dặn đồng chí Vũ Kỳ:

- Sang năm, đúng 10/5, chú nhớ đưa lại cho Bác.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, sau ngày đó, Bác phải sang nghỉ dưỡng ở Trung Quốc để bảo đảm sức khỏe lâu dài.

Nhớ lời dặn, đúng ngày 10/5 năm sau, trước 9 giờ, đồng chí Vũ Kỳ đã đặt tài liệu “Tuyệt đối bí mật” trên bàn làm việc của Bác. Nhưng, trong 2 ngày 10 và 11 Bác đọc rất kỹ bản di chúc của mình đã viết, không thấy đặt bút viết thêm chữ nào. Ngày 12/5/1966 ở phần đoàn kết trong Đảng, có nguyên văn là: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng” thì Bác duy nhất viết thêm một câu là: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Ba ngày tiếp đó từ 9 đến 10 giờ Bác ngồi chăm chú đọc lại tài liệu “Tuyệt đối bí mật” của mình nhưng không sửa chữa gì thêm.

Như năm trước, ngày 16/5/1967, Bác lại đi nghỉ dưỡng vừa làm việc tại Trung Quốc theo lịch sắp xếp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Ngày 22/4/1968 Bác trở về Tổ quốc.

Ngày 1/5/1968, mặc dầu chưa được khỏe lắm, Bác vẫn đề nghị cho mình được ra dự mit-tinh với đồng bào ở hội trường Ba Đình. Nhưng ngày hôm sau, Bác bị cảm, ho nhiều và người lên cơn sốt, được các bác sĩ chữa bệnh tại giường. Khi đỡ mệt, đỡ sốt, Bác vẫn làm việc với các đoàn cán bộ ở Bắc vào ở Nam ra. Lịch làm việc dày đặc nhưng Bác vẫn chịu khó, tận dụng từng phút từng giây.

Hai năm qua Bác viết thêm một câu: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” trong di chúc của mình, bây giờ đúng ngày 10/5/1968, Bác lại ngồi vào bàn trước tài liệu “Tuyệt đối bí mật” của mình. Đã hai năm, sức khỏe có phần giảm sút. Bây giờ câu đầu tiên của di chúc Bác đã viết lại như sau:

Năm nay tôi vừa 78, vào lớp những người “trung thọ”. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khỏe có kém hơn so với vài năm trước đây.

Biết sức khỏe của mình sẽ gây cho mọi người nỗi lo lắng, Bác Hồ viết tiếp:

“Người ta đến khi tuổi tác càng cao, thì sức khỏe càng thấp, đó là một điều bình thường”.

Phần việc riêng, Bác bổ sung thêm một số từ, số đoạn cho rõ nghĩa, chủ yếu dựa trên ý đã viết hai năm trước. Riêng tro sau khi hỏa táng thi hài, Bác viết cụ thể hơn:

“Tro thì chia ba phần, bỏ vào ba cái hộp sành, một cho miền Bắc, một cho miền Trung, một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả không nên có bia đá, tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà đơn giản, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”.

Suốt cả ngày hôm đó và sáng hôm sau, bao nhiêu công việc dồn dập đến, Bác phải nghiên cứu, giải quyết. Thế nhưng đúng 9 giờ ngày 11/5/1968 Bác lại ngồi vào bàn hoàn thành công việc dang dở của mình. Bác lại viết như sau:

“Tháng 5 năm 1968, khi xem lại thư này, tôi thấy cần phải viết thêm mấy điểm, không đi sâu vào chi tiết.

Ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man.

Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm.

Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn đến mấy, khó khăn đến mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.


Ngày 12/5/1968 là ngày chủ nhật nhưng Bác vẫn làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương và Ngô Minh Loan. Đúng 9 giờ Bác lại ngồi vào bàn viết thêm đoạn sau đây trong di chúc của mình:

“Đầu tiên là công việc đối với con người.

Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “Tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ thì mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ), thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền xã cùng HTX nông nghiệp phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.

Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề để đào tạo những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là một đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến bình đẳng thật sự cho phụ nữ.

Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v thì nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.


Sáng 13/5/1968, đúng 9 giờ, Bác viết kỹ hơn về việc chăm lo hạnh phúc cho con người:

“Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiến đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta nhất là đồng bào nông dân, đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý kiến đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các HTX nông nghiệp để đồng bào hỷ hả, mát dạ mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất.

Gần cuối phần này có một đoạn viết xong Bác đóng khung bên cạnh, không hiểu Bác muốn bỏ đoạn ấy hay nhấn mạnh để người đọc chú ý. Đoạn ấy như sau:

“Ở đây tôi nói kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc “Đẹp đẽ, đàng hoàng hơn” trước chiến tranh. Khôi phục, mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế, sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng, chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc”.

Cuối phần này Bác có lời căn dặn vô cùng quan trọng đối với tất cả chúng ta, đặc biệt đối với các đồng chí lãnh đạo các cấp:

“Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Ngày 19/5/1968 đang đến gần. Năm nay Bác không có kế hoạch đi nghỉ dưỡng ở Trung Quốc như 3 năm trước đây. Bác muốn ở lại Hà Nội, hoàn chỉnh di chúc càng sớm càng tốt. Bởi hơn ai hết, Bác hiểu rất rõ sức khỏe của mình. Có những ngày làm việc rất căng thẳng như ngày 17/5 chẳng hạn, Bác vẫn dành một giờ cho việc viết di chúc như các ngày trước đó.

Một năm sau, đúng ngày 10/5/1969, dự hội nghị Trung ương Đảng họp ở nhà khách Hồ Tây, có cả đoàn cán bộ từ Nam ra, dường như quá mệt. Nhưng với tinh thần từ hội nghị, về đến nhà Bác ngồi vào bàn viết thêm đoạn sau đây ở phần đầu di chúc đã viết và chữa suốt 4 năm trước và chữa một số đoạn văn tiếp đó:

“Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để thăm hỏi đồng bào, cán bộ và chiến sĩ, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.

Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân đi thăm viếng và cám ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn năm châu, đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ chúng ta trong cuộc chống Mỹ cứu nước”.


Như vậy đến ngày 10/5/1969 Bác đã viết xong toàn bộ bản Di chúc lịch sử, bắt đầu ngày 10/5/1965 trừ phần cuối vẫn giữ nguyên như năm 1965, không có thêm bớt hoặc sửa chữa gì. Còn phần đầu, phần giữa đều được Bác thêm bớt, sửa chữa qua 4 năm suy ngẫm. Riêng năm 1968 Bác viết bổ sung thêm nhiều điểm quan trọng nhưng giống như là một bản phụ lục, chứ không viết vào bản chính thức của mình đã viết trước đây.

Ngày 12/5/1969 do buổi sáng bận họp với Bộ Chính trị, chiều từ 15 đến 16 giờ, Bác ngồi vào bàn sửa chữa lại bản di chúc của mình. Phần mở đầu ngay câu đầu tiên, Bác viết thêm một ý rất quan trọng. Ngày 10/5/1969 Bác đã viết: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn”, thì nay Bác viết thêm: “Dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa”. Trong câu: “…bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ chúng ta trong cuộc chống Mỹ cứu nước” nay Bác chữa lại là: “Giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta”. Trong câu: “Năm nay tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người “Xưa nay hiếm”, Bác chữa chữ “lớp”, thành chữ “hạng”.

Ngày 18/5/1969, Bác chữa 2 chữ và thêm 2 chữ trong trường hợp sau đây. Câu “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp 2 miền Nam - Bắc để thăm hỏi đồng bào, cán bộ và chiến sĩ”. Bác gạch chữ “thăm hỏi” thay vào đó chữ “chúc mừng”. Sau câu “…để chúc mừng đồng bào, cán bộ chiến sĩ”, Bác thêm 2 chữ “anh hùng”.

Ngày hôm sau, đúng ngày sinh nhật của Bác, Bác đọc lại kỹ hơn bản đã viết của mình, chỉ chữa thêm ba chữ ở phần đầu. Trong câu “Nhưng tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt như thường”, Bác khẳng định lại bằng câu: “Nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt”. Trong câu: “Khi người ta đã ngoài 70 tuổi”, Bác bỏ chữ “tuổi” và thay bằng chữ “xuân”. Bác dùng chữ “sẽ” thay cho chữ “phải” trong câu: “phòng khi tôi phải đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”.

Có thể nói việc viết, chữa sau 4 năm vào ngày đó đã kết thúc việc viết di chúc. Điều đó nói lên sự tỉ mẫn hệ trọng biết bao trong công việc của Bác. Di chúc của Bác Hồ đã trở thành di sản văn hóa, văn kiện chính trị quan trọng bậc nhất của Đảng ta, dân tộc ta, hôm qua hôm nay và mãi mãi mai sau.

Năm nay (2019), toàn Đảng, toàn quân, toàn dân long trọng kỷ niệm 50 năm ngày Bác đi xa và bản Di chúc của Người được công bố lần đầu tiên. Nhìn lại quá trình viết Di chúc của Bác, một lần nữa, chúng ta càng thấy rõ phong cách làm việc chu đáo, khoa học cũng như tư tưởng, tình cảm trong sáng, vĩ đại của Người. Thực hiện lời dạy của Người, 50 năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đạt được nhiều thành tựu trong chiến đấu và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.  

H.N.D
(TCSH366/08-2019)

Tài liệu tham khảo:

“Bác Hồ viết Di chúc và Di chúc của Bác Hồ” - Hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký và cận vụ riêng của Bác Hồ). PGS, TS Thế Kỷ ghi. Nxb. Chính trị Quốc gia - Nxb. Kim Đồng (7/2005).  




 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Mưa Huế (07/05/2019)