Góc Hoài niệm
Trời gieo bão lụt giữa lòng Cố đô
14:46 | 29/11/2019

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG 
                   Bút ký 

KỶ NIỆM 20 NĂM CƠN LŨ LỊCH SỬ 1999

Trời gieo bão lụt giữa lòng Cố đô
Ảnh: internet

Từ ngữ chỉ lụt của người Huế cũng thật phong phú: lụt mẹ, lụt con, lụt bòn, lụt xép, lụt lữa, lụt muộn. Bài đồng dao cho trẻ em có câu: “Lụt to lút ngõ, lụt nhỏ lút đồng, lụt xép ướt lông, lụt ông ướt nhà, lụt bà ướt bếp”. Ba tháng hay xảy ra lụt là 8, 9, 10 âm lịch nên sau vụ gặt hè thu, khi “lúa lên tra, rơm lên đụn” là bà con sẵn sàng… chờ lụt.

Lụt năm 1999, một trận lụt kinh hoàng 100 năm mới có một lần, chỉ diễn ra trong một tuần lễ nhưng đã để lại nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng, bà con còn có thêm từ “đại hồng thủy”, trận lụt đau thương hay lấy so sánh lụt như lụt chín chín làm thước đo cho các trận lụt trước đó và sau này. Từ ngày 1/11/1999 đến ngày 6/11/1999, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra trận mưa lũ lịch sử. Sáng ngày 1/11/1999, trời đầy mây, mưa nhẹ, một thời tiết bình thường như bao ngày bình thường của Huế trong mỗi mùa đông mưa dầm dai dẳng. Bất ngờ, buổi chiều trời mưa to hơn, sấm nổ đì đùng và chập tối mưa xuống như trút. Mưa suốt đêm dài và đến mờ sáng 2/11 cả thành phố Huế chìm trong biển nước mênh mông, phương tiện đường bộ không thể di chuyển, thay vào đó ca nô ghe thuyền là phương tiện chính, toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc, điện đài bị cắt đứt. Mưa tiếp đó còn kéo dài suốt cả gần một tuần lễ không ngơi không ngớt. Một cơn “đại hồng thủy” với sức tàn phá kinh hoàng đã đi vào ký ức khó phai mờ và trở thành nỗi ám ảnh không thể nào quên của mỗi người dân xứ Huế dù 20 năm đã qua đi. Nếu tính cả miền Trung, trận lũ lụt lịch sử làm ngập 10 tỉnh, thành từ Quảng Trị đến Bình Định làm 595 người chết, tổng thiệt hại hơn 3.773 tỉ đồng (thời điểm 1999). Trong tổng số 595 người chết của đợt lũ thì Thừa Thiên-Huế đã chiếm quá nửa với 358 người (có số liệu ghi 372 người), bị thương nặng 94 người; lũ đã xô đổ, cuốn trôi, phá hỏng 25.015 ngôi nhà; 1.207 căn phòng, trường học bị tốc mái, xiêu đổ. Kênh mương bị sạt lở với tổng chiều dài hơn 412 cây số; đê sông, đê ngăn mặn bị phá vỡ hoặc cuốn trôi hơn 243 cây số. Lũ lụt đã giết chết 160.537 con trâu bò dê lợn; hơn 897.676 gia cầm. Và còn vô số thiệt hại khác về giao thông, xây dựng cơ bản, điện lực, y tế, cơ sở sản xuất, di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật... Ước tính thiệt hại lên đến 1800 tỷ đồng, bằng tổng thu nhập bình quân của tỉnh Thừa Thiên Huế trong 7 năm liền trước đó trên số dân một triệu người.

Hàng loạt nhà dân bị nước lũ tràn vào làm cuộc sống của những hộ dân này lâm vào cảnh khó khăn. Điện đài, giao thông hầu như bị tắc nghẽn hoặc hư hỏng. Tại vùng đồng bằng các huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy), Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc và một số nơi ở thành phố Huế bị nước lũ nhấn chìm, ngập sâu đến 4 mét. Nhiều đoạn quốc lộ bị ngập trong nước nhiều ngày dẫn đến giao thông đường bộ ngưng trệ. Giao thông đường thủy, đường sắt và đường hàng không cũng phải tạm dừng hoạt động. Sân bay Phú Bài nằm ở vị trí tương đối cao nhưng nước lũ vẫn tràn vào gây ngập khiến sân bay này phải đóng cửa 4 ngày. Tại huyện A Lưới, nước lũ kèm theo đất đá đổ xuống các cánh đồng khiến hàng trăm héc ta ruộng không thể phục hồi. Ngoài ra, con đường duy nhất nối A Lưới với thành phố Huế cũng bị lũ đánh sập.

Cơn đại hồng thủy để lại thiệt hại nghiêm trọng, lâu dài. Nhà báo Dương Phước Thu trong cuốn “Thiên tai và dịch bệnh ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (bảy thế kỷ nhìn lại) đã nhận định chua xót: “... xem như xóa sạch những thành quả nhân dân Thừa Thiên Huế đã tạo dựng nên sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt trong suốt mười năm kể từ ngày tái lập tỉnh. Vậy là phải đầu tư những gì còn lại sau khi lũ lụt đã tàn phá hết”. Chưa có trận lụt nào mà báo chí, văn nghệ đã chứng kiến, ghi lại những mất mát thương đau, lòng hy sinh cứ người, giúp đỡ, tương trợ nhau qua nạn thiên tai. Đồng hành và chia sẻ với đồng bào Thừa Thiên Huế, Tạp chí Sông Hương phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh đồng chủ biên xuất bản tập ký sự Thừa Thiên Huế - cơn đại hồng thủy năm 1999, dày đến 350 trang, một số trang ảnh tư liệu quý giá về sự tàn phá của lũ dữ. Chưa có trận lụt lịch sử nào nhiều ký ức như thế, để rồi bao sách vở, bài viết, công trình, câu chuyện kể mãi về những ngày tháng đau thương ấy.

Cơn lụt lịch sử này là tổng hợp của đủ loại hình thiên tai xảy ra cùng một lúc gồm lũ ống, lũ quét ở miền núi, ngập lụt ở đồng bằng, triều cường, sóng lớn ở biển… với tính chất và mức độ chưa từng có trong các tài liệu và số liệu khí tượng và thủy văn thế kỷ 20. Tại Thừa Thiên Huế, lượng mưa của hai ngày đêm đã 2300mm, gần bằng lượng mưa của cả năm cộng lại; nước đầu nguồn sông Hương mỗi giờ dâng lên 1m, nước hạ nguồn sông Hương lên đến 5,94m (vượt báo động III đến 2,94m), cũng chưa từng có trong các số liệu thủy văn hơn trăm năm qua. Nguyên nhân gây mưa quá lớn là do sự tổng hợp cùng lúc của nhiều hình thế thời tiết: không khí lạnh phía bắc tràn vào, gặp dải thấp xích đạo đi qua miền Trung, trên cao vừa có đới gió đông hoạt động, cùng lúc là áp thấp nhiệt đới gần bờ. Đó là hình thế “lý tưởng” phải hằng trăm năm mới “hội tụ” một lần, khiến cho thiên tai diễn ra cùng lúc trên toàn miền Trung và kéo dài suốt một tuần.

Cơn lũ lụt 1999 khủng khiếp kéo dài nhiều ngày khiến nhiều người phải ngồi tránh lũ trên những nóc nhà suốt mấy ngày đêm, đói, lạnh và tưởng chừng kiệt sức. Nước chảy xiết ở các ngả đường, trâu bò lợn gà, tài sản và cả xác người trôi la liệt trong lũ. Người dân thành phố Huế không thể nào quên hai hàng quan tài gỗ thông vàng nhức nhối quàn trước bia Quốc Học. Số quan tài này do một trung đội cấp tốc xẻ gỗ, đóng quan tài để mai táng người dân chết lụt. Sau này, nhiều người kể lại rằng khi đóng xong những cỗ quan tài cho đồng bào mình, gương mặt những người lính nhòe nhoẹt nước mắt. Nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đám tang những người thiệt mạng trong đợt lũ phải diễn ra ngoài đường do nhà của họ bị lũ làm hỏng, bị cuốn trôi. Tôi nhìn lại những bức ảnh năm ấy, dải khăn tang của những người thiếu phụ, trẻ em phất phơ bên vệ đường, buộc vào cơn lũ vẫn chưa qua.

*
Thời điểm năm 1999, tôi mới vào học lớp 6, trường trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương. Ba mẹ gửi tôi trọ học nhà mệ Trợ là bác ruột của ba tại đường Hàn Mặc Tử, phường Vỹ Dạ. Ngày đầu tiên tới nhà gặp mệ để xin được ở lại học kỳ I, cơn mưa Huế bất thình lình đổ xuống, mưa đầu mùa tưới xuống những hàng cây rợp tán, hơi đất từ đường, từ vỉa hè bốc lên, lần đầu tiên tôi cảm nhận được mùi vị mưa trên đất cổ kính. Thứ mùi ấy đọng mãi trong tâm trí, như một hồi ức ghi nhớ buổi đầu xa nhà theo trường theo lớp, theo đuổi giấc mơ kiếm tìm tri thức của ba mẹ dành cho tôi. Từ ngày ở nhà mệ Trợ, tôi đi học gần hơn. Sáng sáng, chiếc xe đạp mi ni ba mới sơn màu xanh lá từ khung xe cũ sửa sang lại, đưa tôi đi qua con đường Hàn Mặc Tử xanh mướt tán bồ đề, qua đập đá đườm đượm mùi sông, mùi cá xen lẫn mùi của cuộc sống tạm bà con vạn đò trên những chiếc nôốc. Xe băng qua đường Lê Lợi tấp nập người xe, khách ba lô rồi rẽ vào Đội Cung, Bến Nghé có hàng điệp, cóc tây tán giao che kín mặt đường. Quảng đường chừng 1km ấy lặp đi lặp lại như một điệp khúc thần tiên của tuổi học trò. Nhưng rồi, cái ngày đáng nhớ ấy vội đến. Vào buổi chiều 1/11/1999, khi chúng tôi đang say sưa học bài giữa cơn mưa tầm tả không ngớt một giọt từ lúc sáng, loa trường nghe giọng thầy Hỷ, Tổng Phụ trách thông báo nước đang lên, thầy cô cho các em nghỉ sớm. Ở các lớp học, một số thầy cô bước ra ngoài hành lang để nghe cho rõ hơn và rồi nhìn cơn mưa trắng xóa mênh mông như nước từ thác trời đổ xuống, ai nấy đều chắc lưỡi, lắc đầu. Chúng tôi được lệnh nhanh chóng di tản đề phòng lũ về. Tôi mang cặp, mặc áo mưa bước ra ngoài, sân trường bây giờ nước dâng lên một bậc cấp, các bạn phải lội bì bỏm. Phía lỗ cống thoát nước, thay vì nước chảy xuống lỗ thì ngược lại, nước từ các lỗ thoát phun lên như có ai phun nước máy từ dưới đó lên. Tôi nhanh chân dắt xe ra cổng trường, nhanh nhảu chọi hết sức để kịp về nhà mệ Trợ. Vừa chạy vừa lo nước tràn Đập Đá, đường về nhà khi đó sẽ khổ sở biết bao. Xe qua đường Bến Nghé, Đội Cung, nhiều đoạn nước bắt đầu dâng ngập, xe máy chạy qua tạt nước lên cả vỉa hè. Tôi cố chọi ra đường Lê Lợi, cơ man là người mặc áo mưa xuôi ngược như ong vỡ tổ, dường như ai cũng nhanh nhanh chạy về nhà. Đến Đập Đá, lạy trời nước mới tràn qua đôi chỗ, xe cộ vẫn còn chạy được. Tôi liều dắt qua, nhiều người lớn la nạt quá trời, cứ đạp, cứ dắt giữa dòng nước đỏ ngầu quằn quại từng lớp xua đi màu xanh hiền hòa vốn từng là của sông Hương. Về đến nhà, tôi thở phào nhẹ nhỏm, mở cặp ra một bên bị hở áo mưa, ướt lan vào sách vở. Tôi leo lên gác, mưa dội lên mái tôn ầm ầm, khốc liệt, lòng nôn nao không biết giờ này làng Thần Phù tôi có bị sao không, nhà tôi thế nào rồi. Mệ Trợ đi ra đi vào hóng ba người con trai, hai dâu, bốn cháu nội. Gần 6 giờ tối, người trong nhà mệ cũng về gần hết, có bác phải cất xe nhà bạn mà lội bộ về. Tin gần nhất là Đập Đá đã tràn. 7 giờ tối, tôi ra ngoài hiên đứng hóng, nước đã vào sân, dù sân nhà mệ thuộc loại cao nhất ở xóm. 8 giờ tối, người nhà về đủ cả, anh Sáu hàng xóm chạy qua báo lũ to, lũ từ nguồn về, tranh thủ kê đồ đạc. Các bác nghe vậy cũng bỏ ngoài tai, ngồi ăn cơm cho xong việc. Khi ra xem nước tầm 9 giờ, nước đã ngấp nghé lên gần hết ba bậc tam cấp. Bên hàng xóm hô hoán thu dọn đồ đạc. 10 giờ đêm, cả nhà kéo nhau lên căn gác bé tí chừng hai mươi mét vuông. Các bác trai hè nhau kê đồ đạc, bàn ghế, tủ lạnh, xe máy lên phòng chờ nước rút. Bọn trẻ tôi cũng phụ mang những đồ lặt vặt như áo quần, giày dép… Mệt quá, chúng tôi nằm lăn ra ngủ, ngoài trời mưa vẫn ào ạt, thỉnh thoảng một cơn gió mạnh quét vào mưa đánh từng trận lên cửa sổ. Giữa đêm, một bác cầm đèn pin xuống cầu thang xem tình hình, nước đã ngập gần hết tủ buffe, gần ngập xe máy, tủ lạnh. Các bác lại xuống hì hục kê cao thêm, cứ thế cả đêm chúng tôi ngủ rồi lại thức, chập chờn trong mưa to gió lớn. Sớm ra, tôi ghé mắt của tấm cửa kính nhỏ nhìn ra sông Như Ý, mưa vẫn mù trời, dòng sông đục ngầu, chẳng thấy Đập Đá đâu nữa, nhiều cột điện, đèn được bị nước xô nghiêng ngả, không thấy một bóng người thấp thoáng trên đường. Mưa to hơn, nước dâng lên. Cả nhà ngồi bàn chuyện lũ, chuyện đồ ăn thức uống trong trường hợp mưa lũ tiếp tục kéo dài. Cũng may, bác gái về muộn thấy thiên hạ tấp nập đi mua đồ dự trữ cũng kịp mua hai két mì tôm, một cân đậu phộng. Vậy là mỗi bữa, vài gói mì tôm được đổ nước sôi thật nhiều, gạo nấu bếp ga, đậu phộng rim với đường, nước mắm ăn cơm qua bữa. Mưa hoài mưa, bọn trẻ chúng tôi hùn nhau lại thi kể chuyện cho qua giờ, vừa chơi nhưng lòng tôi bất an. Ở nhà, con heo nái tuần trước về mới đẻ một bầy heo con, lúa nhà cắt vào dự trữ vẫn chưa bán hết và cả căn nhà cũ kỹ, ọp ẹp của gia đình tôi.

Những hồi ức về bao mùa lụt cũ tràn về. Nhớ năm lụt về, nước trắng đồng. Từ vườn nhà tôi nhìn ra Bàu Thần Phù thấy màu xanh của biền tre cuối làng, còn lại bát ngát một màu nước đục hút lấy đồng xanh sau những trận mưa tối trời. Những chiếc ghe mành từ xóm Mỏ Giác tận biền tre kia ngày ngày lại chèo vào, mang theo bao nhiêu tôm cá họ rớ, bủa được. Những bạn cùng trang lứa với tôi rất giỏi chèo ghe, cứ vác lấy sào là chống đi khắp đồng, cầm lấy dầm là chèo đi muôn phía. Tụi trẻ con xóm Tranh dĩ nhiên không rành về khoản này và được trèo lên những chiếc ghe đi lênh đênh giữa dòng nước lụt là cả mơ ước.

Tôi nhớ mãi hình ảnh bà nội và người chị của bà ngồi bên dòng nước lụt sau vườn nói chuyện sau bao tháng ngày biền biệt đôi đường. Phút đoàn tụ ấy vào tháng Mười nước lũ, gió thổi lồng lộng, có gì xao xác thổi qua mỗi khi nghĩ lại. Những chiếc ghế xếp hàng gần bờ nước có sóng vỗ xoàm xoạp y như đang ở biển Thuận An. Một ấm chè xanh đặt trên chiếc bàn con sứt mẻ. Một chút nắng hiếm hoi chiếu trên bóng ngọn tre chỉ còn cành hiu hút. Tôi ngồi trên ghế, chân thòi xuống nghịch nước, nghịch sóng, lâu lâu ăn tí kẹo bà nội cho, nghe hai người già cười nói trong bóng chiều. Cơ hồ là một yên bình trong hồi ức thơ ấu, về cơn lũ đã qua, về vầng mặt trời chói rỡ trên đỉnh lũ năm nào.

Nhưng trận lụt này với một bầu trời đen kịt, căng tức nước rồi xối xả dội mưa xuống khắp tỉnh thành khiến lòng người nơm nớp. Lâu lâu, người lớn dậy hé cửa ra nhìn, tôi cũng nhìn ké cho rõ. Đến ngày thứ ba, từ căn gác, tôi quan sát thấy nước sông Hương cuồn cuộn chỉ còn cách cầu Trường Tiền độ mét nữa là ngập luôn cả cầu, khách sạn Hương Giang có chỗ bị sạt lở. Đoạn sông Như Ý trước mặt, nước đỏ chảy xiết. Thỉnh thoảng có vài khúc gỗ lớn trôi trên sông và khủng khiếp nhất có cả mái nhà dập dềnh trên bọt sóng.

Lũ vừa xuống, tôi ù chạy ra đường định bụng về nhà. Nhưng ôi thôi, cả ngôi nhà của mệ Trợ toàn bùn là bùn, ngoài vườn lớp lớp phù sa có nơi ngập cả mét. Cả nhà xắn tay dọn dẹp một buổi. Tôi tranh thủ ra tới đường Nguyễn Sinh Cung để xem tình hình có thể về nhà được không, điện thoại vẫn chưa liên lạc được với gia đình. Tôi đi lang thang trên con đường quen thuộc cả một con đường quán xá đông đúc giờ ngập toàn bùn lầy, bèo Nhật Bản và vô số thứ rác rưởi khác trùm lên đường, vỉa hè, nhà cửa, cảnh tượng hết sức tiêu điều. Rồi chuông điện thoại được kết nối, mỗi lần có tiếng chuông tôi đều chạy vào nghe có phải người nhà gọi, nhưng mãi tới khuya vẫn không có tiếng mạ gọi.

Trời bắt đầu nắng lên, tôi xin phép mệ cho về thăm nhà. Chiếc xe mi ni rạo rệu sau trận lũ cùng tôi vượt quãng đường 15 km để về nhà. Một cậu học trò nhỏ mới 12 tuổi, một mình đạp qua phố phường xơ xác, nhà trôi, cửa sập, chỏng chơ cột đèn cột điện. Đây đó những thân cây ngã đổ chèn lối đi, có những đoạn đường không nghe, không thấy tiếng người. Có đoạn thấy nhiều người bịt khăn tang trên đường, nghe tiếng than hờ, lòng tôi sốt ruột. Tôi cố đạp để nhanh về nhà. Kia rồi, cánh đồng Thanh Lam trước mặt, tới qua cánh đồng là về làng Thần Phù rồi. Tôi dừng xe lại, chống chân cho đỡ mệt, nhìn xa xăm về quê nhà. Nước vẫn còn vâm xấp mặt ruộng, một trời trắng xóa xa xa. Lâu lâu mới có một chiếc xe chạy qua dù đây là đường quốc lộ 1A. Tôi hít hà hơi thở sống của quê hương rồi đạp ù về nhà. Xóm nhỏ tôi tiêu điều, bê bết bùn đất. Tôi vào nhà kêu lên: Ba ơi! Mạ ơi! Mệ ơi! Em ơi! Cả nhà ôm tôi vào lòng. Con Vàng cũng còn sống, quyến luyến bên tôi một hồi. Ba kể, khi lũ về, chỉ trong một đêm, nhà ngập tới gần hết cửa sổ. Cũng may, một phần kho lúa, bầy heo con trước đó đã chuyển lên nhà bác ở nơi cao, không bị ngập. Nhà tôi không có ghe nên phải chờ hàng xóm cứu. Cả nhà lên ngồi trên nóc tủ, ba cũng thủ sẵn xà ben để cậy lên nóc nhà trong trường hợp nước còn lên. Cuối cùng, đến sáng kêu gọi bà con thì có ghe đến cứu. Vàng là một dũng sĩ, bảo vệ cho heo con, nhường chỗ cho heo mẹ, chỉ bơi theo ghe khi có người tới cứu. Từ bấy đến nay, cả nhà ăn mì tôm thay cơm. Mọi người không sao là may quá rồi. Chợt nghe tiếng phèn la vang dội, xóm dưới, có nhà vừa đưa tang.

*
Trận “đại hồng thủy” 1999 ấy để lại nhiều câu chuyện cảm động của tình người trong gian khó, của những tấm gương anh hùng, vì người khác quên thân trong lũ dữ. Nhìn chiếc áo chiến sĩ đã sờn vai, bạc màu theo năm tháng, trên ngực áo thêu dòng chữ màu trắng “Lê Đ Tư A15-B3”, được bảo quản cẩn thận tại Bảo tàng Biên phòng. Đây là di vật của liệt sĩ Lê Đình Tư, Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế. Anh và liệt sĩ Phạm Văn Điền hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu dân trong trận lũ lụt lịch sử tại Thừa Thiên Huế, tháng 11/1999. Trước tình huống khẩn cấp, vào lúc 3 giờ 30 phút, ngày 3/11/1999, 11 cán bộ, chiến sĩ trên 2 tàu BP 31.02.02 và BP 31.04.01 nhanh chóng tiến thẳng đến khu vực dân cư có nhiều tiếng kêu cứu. Sau những nỗ lực vật lộn với cơn lũ dữ, cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế đã cứu được nhiều bà con và hàng chục ghe thuyền đưa vào nơi an toàn. Tuy nhiên trong lúc làm nhiệm vụ, tàu BP 31.02.02 bị gió mạnh cuốn trôi ra biển rồi chìm, đồng chí Phạm Văn Điền và Lê Đình Tư đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Trước sự hy sinh anh dũng của 2 đồng chí, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Phạm Văn Điền và Huân chương Chiến công hạng Nhất cho đồng chí Lê Đình Tư. Họ là những tấm gương sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, là phẩm chất cao quý của những người lính trên khắp dải đất hình chữ S này.

*
Ai gây nên nông nỗi này? Ở một góc tiếp cận khác, các nhà khoa học, các cơ quan chức năng sau này tìm hiểu nhiều lý do gián tiếp và trực tiếp gây ra trận lũ 1999 như nạn phá rừng, việc khai thác cát sỏi và hệ thống đê đập... Nạn phá rừng đầu nguồn khiến hệ tầng sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không còn khả năng lưu trữ nước tự nhiên như khi còn rừng. Ngoài ra việc khai thác bừa bãi cát sỏi ở các dòng sông cũng gia tăng mức độ của lũ lụt vì nhiều đoạn bờ sông bị sụt lở nghiêm trọng hoặc bồi lấp các cửa sông cản trở việc thoát lũ, làm cho lũ lụt lớn hơn và lâu hơn. Đây là bài học lớn, lâu dài cảnh tỉnh các hành vi ứng xử của chúng ta trước môi trường, trước thiên nhiên vì “cái này có thì cái kia có, cài này còn thì cái kia còn”.

Hai mươi năm đã qua, cơn lũ dữ cũng chìm vào quá khứ, chỉ còn những hồi ức lắng đọng về tình người đằm thắm. Chiều nay, mưa mùa về muộn, mưa đi trên ngói, mưa lộp bộp trên tàu lá, chợt nghe khúc “Tiếng sông Hương” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương nhắc nhớ về cơn lụt mỗi năm tơi bời: “Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi, khiến đau thương thấm tràn ngập Thuận An để lan biển khơi ơ hò ơ hò. Hò ơi”.  

L.V.T.G   
(TCSH369/11-2019)


 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Sen & Tôi (18/10/2019)