PHẠM THỊ CÚC
Chú tên là Đô, người làng Thanh Thủy, nhưng không phải làng Thanh Thủy Chánh có Cầu Ngói, mà là Thanh Thủy Thượng, bây giờ gọi là Thủy Dương, cùng quê với nhà thơ Phùng Quán. Chú không phải là nhà thơ nên ngất ngưỡng kiểu khác, đặc biệt hơn.
Tôi biết chú dưới một biệt danh là “quyển từ điển sống về tiếng Pháp”, mà cái biệt danh đó quả là không ngoa chút nào đối với chú. Bất kỳ lúc nào, ở đâu, bất kỳ chữ gì, hễ có ai hỏi tới là chú “tuôn” ra như một cái băng ghi âm. Ví dụ tôi hỏi chú chữ consommation (danh từ) có nghĩa là gì, chú giải thích, đưa ra rất nhiều nghĩa tiếng Việt, rồi sau đó đưa ra các chữ: consommable (tính từ), consommateur (người tiêu dùng...), consommé (tính từ), consommer (động từ: tiêu phí, tiêu dùng, tiêu hao, lãng phí...), consomtible (tính từ). Tóm lại, khi hỏi chú một từ nào đó, là động từ chẳng hạn, thì phải chuẩn bị giấy bút để ghi những từ “cùng họ”, mà không phải chỉ có một, mà có hai, ba, có từ còn có cả bốn, năm từ cùng họ. Nên học với chú một chữ không chỉ là một chữ mà phải biết từ hai chữ trở lên.
Chú Đô thật đúng là một quyển từ điển sống. Lúc nào có ai hỏi chú, chú đều vui vẻ nhiệt tình trả lời đầy đủ. Tôi chưa bao giờ thấy chú thiếu nhiệt tình hay cáu gắt gì.
Có người sẽ hỏi chú giỏi như vậy nhưng sao chú chỉ là một thầy giáo cấp hai của trường làng. Là thầy giáo cấp hai, vậy mà có khi còn suýt bị cho “về vườn” khi chú chỉ mới ngoài bốn mươi tuổi! Chung quy cũng chỉ vì cái tính hâm hâm, gàn gàn, “coi trời bằng vung” của chú.
Coi trời bằng vung ở đây không phải là chú tự cao, tự đại, tự cho mình giỏi... Không, chú không hề mảy may có một chút gì như vậy. Nhiều lúc tôi còn nghĩ, chắc chú giả đò hâm hâm, gàn gàn... để giải tỏa những căng thẳng chất chứa trong đầu mà không nói ra được...
Đầu những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi, trước khi Mỹ bắt đầu đưa quân sang Việt Nam, thành phố Huế là một thành phố nên thơ với những con đường như Lê Lợi, Đoàn Thị Điểm... (đường “Phượng bay”), tô điểm cho thành phố thêm đẹp đẽ, thơ mộng. Những buổi sáng, trước giờ vào lớp và những buổi chiều tan trường, những cô nữ sinh Đồng Khánh với những tà áo trắng tung bay trong gió. Những cậu nam sinh Quốc Học mặc áo sơ mi trắng, quần xanh cứ đạp xe kè kè bên các cô nữ sinh, các cậu vừa đi vừa (độc thoại) tán gẫu, cưa kéo... Các cô thì vừa đạp xe vừa cúi mặt, vì e thẹn thì ít mà vì bực mình, bất bình thì nhiều.
Nhiều lần, các nữ sinh Đồng Khánh vì bị các nam sinh Quốc Học đạp xe “chèn ép” các cô vào lề nên nhiều lúc bị ngã, gây tai nạn, nên sau này trường Đồng Khánh “rút kinh nghiệm”, bao giờ cũng bãi học trước Quốc Học 15 phút để tránh bị “chèn ép”.
Khi quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam, thành phố Huế với những “bức tranh”: phía trước một xe camion chở đầy lính Mỹ với mũ sắt, súng ống đạn dược... đầy thùng xe, đứa đứng đứa ngồi, chỉ trỏ, la hét vào sau xe, trước mặt các cô nữ sinh Đồng Khánh tha thướt áo dài trắng, cứ từng tốp 2, 3 xe song song trên đường. Trên xe, những tên lính Mỹ xí lô, xí la, những tràng cười khả ố, kèm theo những ngón tay chỉ vào mặt các cô. Chúng ngáng đường các cô như vậy có lúc cả hàng chục phút, cười nói, chọc ghẹo cho thỏa thích.
Những cảnh tượng như vậy xảy ra hàng ngày trên đường phố, làm nhiều người dân bức xúc, nhưng cũng phải làm ngơ.
Trong số đó, chú Đô là người bức xúc nhất. Những lúc như vậy, chú đành cố nén để... về đến nhà.
Vừa đến nhà, chú nhảy ngay xuống đường (đầu đường Bà Triệu, cạnh siêu thị Big C bây giờ), xăn hai tay áo lên, chú bắt đầu chửi, vừa đi tới đi lui vừa chửi. Chú chửi Mỹ, chửi quân đội Sài Gòn, chửi tất tần tật... Chú không sợ bị bắt ư? Không hiểu! Nhiều lần chú chửi nhưng cũng chẳng thấy ai nói gì (may mà không có công an, cảnh sát ở đó).
Nhà ở đầu đường Bà Triệu đó là của ba mẹ Thu, bạn thân của tôi. Chúng tôi thân nhau từ lúc cùng vào lớp đệ thất trường Đồng Khánh (niên khóa 1962 - 1963). Ba mẹ Thu rất thương tôi. Thu có nhiều bạn, nhưng sau đó các bạn gái (trong xóm) của Thu cũng học Đồng Khánh không lo học, ham yêu đương, nên ba Thu cấm không cho Thu chơi với các bạn đó nữa, mà cuối cùng hai cụ chỉ “tín nhiệm” một mình tôi: ba Thu quản lý Thu rất chặt. Ông có một thời khóa biểu ở trường của lớp chúng tôi, giờ nào, tiết thứ mấy, có những giờ môn gì, ngày nào nghỉ tiết đầu, tiết cuối..., ông đều nhớ rất kỹ.
Có một lần, buổi sáng, hết tiết cuối, chúng tôi 5, 6 đứa rủ nhau về Cồn Hến ăn chè bắp, gần 12 giờ trưa Thu mới bước vào nhà. Mặt hầm hầm, ba Thu hỏi: “Ngày ni nghỉ hai tiết cuối, mi đi mô mà chừ mới về?” “Con đi ăn chè bắp ở Cồn Hến”. “Mi đi với ai?” (May quá, Thu biết thế nào vào nhà cũng bị ba “tra hỏi” nên đã dặn tôi “Cúc đứng ngoài ni, khoan về...”). Nghe nhắc tên, tôi chạy vào, “Thưa bác, tụi con đi với nhau...”. “Ừ, tưởng đi với ai chứ đi với con Cúc thì được...”.
Thu có một ông cậu họ (là em con cậu của mẹ Thu), cậu ấy hơn tôi mấy tuổi, học trên tôi mấy lớp (ở Nha Trang), nghe Thu nói: cậu ấy cao to, trắng trẻo, đẹp trai...
Ba mẹ Thu “tín nhiệm” tôi đến nỗi hai cụ bàn với nhau “Hay mình nói cậu Tr. (bố của cậu họ Thu) đi hỏi con Cúc cho con trai cậu ấy”. Thu đem chuyện đó nói với tôi, tôi tức cười quá chừng. “Tao mới học đệ lục mà, mi nói chi lạ rứa...”. Thế mà, hồi đó, khi tôi đang học đệ thất, cũng có một cô bạn cùng lớp (17 tuổi) đã lấy chồng.
Nhà ba mẹ Thu cũng giàu có, nên thuê chú Đô làm précespteur (gia sư) về tiếng Pháp cho Thu.
Thấy tôi con nhà nghèo ham học, lại là bạn thân của Thu, chú nói “Cúc ham học rứa, để chú dạy thêm cho, không lấy tiền...”.
Chính những lần chú “xuống đường chửi Mỹ” như vậy làm cho ba mẹ Thu sợ “thót tim”. Có lúc mẹ Thu bàn: hay là đừng “nuôi” chú nữa. Nhưng không thuê, thì chú ở đâu? Tuy chú giỏi, nhưng tính tình chú như vậy, nhiều nhà ngại không dám thuê.
Thật ra chú không phải là người thất nghiệp. Chú là giáo viên dạy tiếng Pháp trường cấp hai An Lương Đông (có thời chú làm hiệu trưởng). Với trình độ của chú, chú đủ sức để dạy ở khoa ngoại ngữ của một trường Đại học, nhưng tính tình chú như vậy, biết làm sao được. Mức lương hiệu trưởng trường cấp hai thời trước 1975 của chú không phải nhiều, nhưng cũng không phải là ít. Tiền ăn, tiêu đã có ba mẹ Thu lo, tiền lương chú dành tất cả để làm từ thiện. Chú rất thương người. Những đứa học trò trong xóm chú ở phần lớn là nghèo: mẹ bán hàng rong: bún, cháo, cơm hến, ba đạp xích lô, khuân vác ở bến xe, bến tàu..., đã nghèo lại đẻ nhiều, càng nghèo càng đẻ, càng đẻ càng nghèo... Chú dành tiền chu cấp cho những đứa con (được đi học) của những nhà đó. Có nhà 9, 10 đứa con nhưng chỉ được đi học một, hai đứa. Cứ mỗi lần nghe nói đứa này, đứa kia sắp bỏ học là chú lại cho tiền, mà tiền lương của chú thì có hạn, trong lúc trẻ con nghèo trong xóm thất học, bỏ học thì quá nhiều.
Lo cho mọi người, còn bản thân chú, chú chẳng lo. Chú người to, cao (khoảng 1,75m), trán cao, mũi cao, thẳng, da trắng, nhìn vẻ mặt ngoài toát lên sự thông minh, sáng láng. Khuôn mặt nhìn thoáng qua như có nét lai Tây. Thế mà chú lại ế vợ.
Khi chú đã ngoài tám mươi tuổi, chú không vợ, không con, không người thân thích, không nhà cửa, không của cải bạc tiền..., chú đúng nghĩa đen là một người “vô sản”. Thấy chú phải lang thang ở nhờ, nay đây, mai đó, không vợ không con, có lần tôi hỏi:
- Răng hồi trẻ chú không lấy vợ?
- Hồi đó cũng có cô này cô khác yêu, chứ; lại trẻ đẹp, nhưng chú không yêu họ, lại đi yêu một cô mà cô đó không yêu chú, lần lữa mãi, chú già nên lỡ dịp...
Sau năm 1975, tôi và Thu hỏi thăm mãi mới tìm ra một nhà ở đầu đường Bà Triệu (là nhà cho chú ở nhờ). Tôi và Thu vào nhà, chú đi vắng, chủ nhà chỉ vào một cái giường đơn, gọi là “giường” nhưng chỉ là bốn cái chân bằng sắt trên lót một tấm ván ép (đã cũ sắp mục) ở giữa tấm ván, gần cuối gường thủng một lỗ to, tròn, đường kính khoảng hơn hai tấc, do bị cháy đen, chung quanh còn một vành than đen; không chiếu, không gối. Ông chủ nhà nói: “Đó là cái giường của ông Đô”.
Chúng tôi ngồi nói chuyện với ông chủ nhà khoảng hai mươi phút, vừa đợi chú Đô về.
- Anh có biết chú Đô đi đâu không?
- Ông hay đi vắng, chắc là loanh quanh đâu đó.
- Chú Đô ở đây, thế quần áo tư trang... chú để đâu?
- Chủ nhà lôi ra một cái cặp nhỏ (chắc cái cặp hồi trước chú đựng sách vở đi dạy học), nói: Chỉ có mấy bộ áo quần cũ rách để trong này...
- Chú không có gì nữa à?
- Hoàn toàn không, cái cặp là “gia tài” của ông Đô đó.
- Thế chú Đô ngủ ở đây, còn ăn ở đâu?
- Ông ăn cơm bụi, mỗi bữa hai ngàn...
- Ngồi một hồi, không thấy chú về, chúng tôi chào chủ nhà ra về.
Mấy bữa sau, sau hai tiết dạy giữa giờ, tôi lại xuống xóm Bà Triệu tìm chú.
- Ông Đô có dạy kèm cho một thằng cu ở xóm nhà bên kia.
Ông chủ nhà vừa nói, tay vừa chỉ qua xóm nhà phía sau góc đường Hùng Vương và Nguyễn Huệ. Tôi vào xóm, đi lên, đi xuống, đi qua, đi về một hồi cũng tìm ra được cái nhà chú ở nhờ.
Tôi vào, thấy chú nằm giữa nền xi măng, đắp cái chiếu.
Thầy tôi chú vùng dậy:
- Răng mà Cúc biết chú ở đây?
Hỏi chuyện chú một hồi mới biết ra: nhà này thật ra cho chú... nằm nhờ, chứ cũng không phải cho ở nhờ nữa, vì chú không được nấu ăn, uống, ngay cả tắm giặt cũng không được, vì xem ra nhà cũng nghèo lắm (có khi không có cả vòi nước máy cũng nên).
Lần khác tôi lại đến thăm chú ở nhà đường Bà Triệu. Ngồi trên tấm ván cháy, tôi lại hỏi thăm chuyện ăn, ở của chú.
- Thế ban đêm chú ngủ đây à?
Tôi vừa nói vừa chỉ xuống tấm ván bị cháy thủng (tôi đã nói ở trên).
- Chú không ngủ ở đây.
- Nhà bên kia không cho ngủ, chú không ngủ ở đây thì ngủ ở mô?
- À... à... ờ...
Chú nói vài câu tiếng Việt với tôi, sau đó chuyển qua nói tiếng Pháp, vì sợ ông chủ nhà đang ngồi bán đồ điện phía ngoài nghe được, tuy cũng không phải nói xấu ông ta. Chú tuy quá nghèo nhưng vẫn có sự sĩ diện của một anh trí thức, chú không muốn tôi biết chú ăn ở quá khổ sở như vậy.
Tôi về suy nghĩ mãi: một người mà vốn kiến thức tiếng Pháp sâu rộng như vậy, mà chẳng biết dùng khối kiến thức đó để làm gì. Tôi sực nhớ, có lần anh Nguyễn Khắc Phê nói là chuẩn bị dịch nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp của ông Nguyễn Khắc Viện ra tiếng Việt, tôi mừng quá liền hỏi ngay anh Phê: anh cho biết là đã thuê người, và chuyện dịch ra tiếng Việt cũng nhiều thủ tục rầy ra lắm, rứa là đành chịu.
Tôi đem chuyện chú Đô nói với anh Đ (trước khi nghỉ hưu anh Đ là chủ nhiệm khoa Sinh trường ĐHSP Huế. Anh Đ. nói:
- Tôi biết ông Đô, trước khi đi Pháp năm 1997, tôi cũng có nhờ ông Đô dạy thêm tiếng Pháp.
Thu và tôi thỉnh thoảng giúp chú vài trăm ngàn, chẳng thấm tháp vào đâu.
Có lần tôi trình bày hoàn cảnh của chú với chị bạn chuyên làm từ thiện, giúp người nghèo. Chị gửi cho chú một trăm đô, tôi nói với chú:
- Chú cất đi, tiêu dần, chứ mỗi tháng trông vào ba, bốn chục ngàn tiền nhà nước cấp thì tiêu sao đủ.
Khi đã nghèo rớt mùng tơi như vậy mà chú vẫn còn lo cho người khác, vẫn không lo cho bản thân mình, mà lại còn lo cho người chết nữa chứ.
- Chú đã đưa năm trăm ngàn cho đứa cháu, để nó xây lăng cho ba nó.
Khi chưa được một trăm đô, có lần chú nói:
- Chừ chú muốn có khoảng ba trăm ngàn.
- Chú muốn có số tiền đó để làm gì?
- Để chú đi bán vé số, nhưng chú sẽ vô Sài Gòn, còn bán ở Huế, nhiều người quen chú ốôt dôộc lắm.
Khi đã có được một trăm đô, chú vào Sài Gòn bán vé số thật. Một thời gian, hết tiền chú lại trở ra Huế, lúc này chú đã tám mươi tuổi rồi.
Sau lần đi xa về, tôi nghe bạn tôi bảo:
- Chú Đô mới mất.
Hôm đó chồng Thu và tôi về Thủy Dương viếng chú, quan tài của chú đặt trong nhà một người bà con xa. Cạnh nhà là một căn chòi lợp tranh, là một “cái hộp” hình lập phương bằng tranh cả năm mặt, mỗi cạnh khoảng gần 2 mét.
Đó là căn nhà mà chú sở hữu lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng trong đời, nơi chú đã ở những ngày cuối đời, trước khi chú rời chốn trần gian này ra đi.
Huế, ngày 09 tháng 9 năm 2011
P.T.C
(SHSDB35/12-2019)