NGUYỄN KHẮC PHÊ
"Đồng Khánh - mái trường xưa" là tên tập đặc san được phát hành tại Huế nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập trường Đồng Khánh vào đầu tháng ba này.
Trọn ba phần tư thế kỷ qua, bên bờ sông Hương có hai ngôi trường song đôi nổi tiếng - Quốc Học và Đồng Khánh, vì từ đây biết bao nhiêu là nhân vật tên tuổi của đất nước đã trưởng thành. Cũng có người chỉ nhớ đến tuổi học trò thơ mộng xưa, gọi hai trường bằng một tên chung giản dị mà cũng... tình tứ: "Trường Anh - Trường Em". Biết bao nhiêu là nụ cười và ánh mắt của các anh Quốc Học và các em trên lầu hồng Đồng Khánh đã vượt con đường nhỏ ngăn cách hai trường giao hòa vào nhau. Và không ít đôi, sau khi trưởng thành, đã nên nghĩa vợ chồng.
Có điều đáng nói là mấy chục năm qua, tuy hai trường vẫn sóng đôi bên nhau mà chỉ Quốc Học tổ chức kỷ niệm: 90 năm rồi 95 năm thành lập. Vì may mắn ngôi trường này đã từng in dấu chân người học trò lỗi lạc: Nguyễn Tất Thành. Còn Đồng Khánh thì không may vướng phải cái tên ông vua nhà Nguyễn mà sự nghiệp không lấy gì làm vẻ vang nên phải đổi tên thành trường Hai Bà Trưng. Vô hình trung mà dòng lịch sử như bị cắt rời, nếu tổ chức kỷ niệm biết lấy mốc thời gian nào và lấy tên nào đây? Có thể vì thế mà 60 năm, rồi 70 năm qua, mãi đến năm nay, Ban Liên lạc cựu học sinh Đồng Khánh mới nhất quyết kỷ niệm 75 năm thành lập trường. Sự nghiệp ông vua hay hoặc dở đã có lịch sử phán xét, cớ gì làm vướng bận việc vun đắp truyền thống một ngôi trường danh tiếng.
"Nữ sinh Đồng Khánh", những từ này đã bao năm tượng trưng cho vẻ đẹp và truyền thống văn hóa của cô gái Huế. Và không chỉ của Huế. Đã có bao thế hệ nữ thanh niên ưu tú của suốt dải đất từ Nghệ Tĩnh cho đến Phan Thiết được đào luyện và trưởng thành từ đây. Không cần thống kê và chọn lựa công phu, chỉ chợt nhớ cũng có thể lập nên một "danh sách" những nữ sinh Đồng Khánh đã trở nên các nhân vật tên tuổi mà nam giới cũng phải vì nể: Trần Thị Như Mân (vợ giáo sư Đào Duy Anh) người thay mặt nữ giáo sư và học sinh Đồng Khánh thảo bức điện gửi toàn quyền Pháp A.Varenne đòi ân xá cho nhà ái quốc Phan Bội Châu; Trần Thị Phát - Chánh văn phòng Phụ nữ Giải phóng Liên khu 5 trong chống Mỹ; Lê Thị Kinh (cháu ngoại cụ Phan Chu Trinh) - Đại sứ nước ta tại một số nước Châu Âu; Nguyệt Tú - Giám đốc Nhà Xuất bản Phụ Nữ; Nguyễn Khoa Diệu Hồng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ Nữ Hà Nội; Điềm Phùng Thị - Nhà điêu khắc ở Pháp; Cẩm Thạnh - Nhà văn; Phương Thảo - ủy viên Ban Thư ký TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bà Nguyễn Đình Chi - Phó Chủ tịch Liên Minh các lực lượng Dân tộc - Dân chủ và Hòa Bình Huế thời chống Mỹ...
Danh hiệu "Nữ sinh Đồng Khánh" được nhiều người biết không chỉ vì nhiều người đã trở nên nhà cách mạng, nhà văn hóa. Nét đặc sắc của trường Đồng Khánh là đã rèn giũa, xây dựng một phong cách học tập, một nếp sống quy củ, đã đưa "nữ công gia chánh" thành môn học được xem trọng, từ đó, các nữ sinh đã được học làm vợ, làm mẹ, làm người nội trợ đảm đang của một gia đình Việt Nam. Có chị ở Hà Nội sau nửa thế kỷ vẫn còn giữ được mẫu thêu từ Đồng Khánh và nhờ đó đã mở được lớp dạy thêu lúc nghỉ hưu. Nhiều chị em, tuy xa Huế lâu năm, khi cắm một bình hoa hay dọn một bữa ăn vẫn in rõ dấu ấn của bàn tay "nữ sinh Đồng Khánh"...
Một Đồng Khánh như thế quả là chỉ có dưới mái trường xưa, chỉ còn trong kỷ niệm. Dãy lầu hồng Đồng Khánh bên những gốc phượng già còn đó, nhưng trường Hai Bà Trưng hôm nay đã bố trí học trò con trai con gái học chung. Hẳn là theo một nguyên lý giáo dục nào đó và không ít các em học sinh trường Hai Bà Trưng hôm nay cũng đã đạt thành tích học tập xuất sắc. Nhưng một ngôi trường có truyền thống đã thành một giá trị văn hóa, có nên chăng phải cứng nhắc theo nguyên lý chung mà bỏ mất nét riêng đặc sắc - điều cốt lõi làm nên mọi giá trị văn hóa?
Không ít cựu nữ sinh Đồng Khánh trở lại mái trường xưa với tâm trạng bâng khuâng tiếc nuối nề nếp học hành ngày trước, có chị đã kiến nghị tổ chức lại trường nữ riêng, chương trình giáo dục cần chú trọng đến giới tính... Vấn đề xin dành cho các nhà quản lý giáo dục trả lời. Duy có một điều an ủi, cũng có thể gọi là một niềm vui: thời gian gần đây, các lớp học "nữ công gia chánh" liên tục mở và trên "con đường học trò" bên bờ sông Hương bóng áo dài trắng dịu dàng tha thướt ngày một nhiều. Có phải đó là hình bóng của "Đồng Khánh" xưa?...
Huế, tháng 2/1992
N.K.P
(TCSH48/03&4-1992)