Góc Hoài niệm
Nhớ một kỷ niệm với nhà thơ Tố Hữu
15:55 | 03/11/2020

NGUYỄN QUANG HÀ

Tôi vốn là người lính. Sau Mậu Thân 1968, một số phóng viên báo Cờ Giải Phóng - Huế hy sinh, một số bị thương ra Bắc, tôi được thành đội trưởng Huế cử biệt phái sang làm phóng viên báo Cờ Giải Phóng, sau mấy năm thì trở thành phóng viên thật sự.

Nhớ một kỷ niệm với nhà thơ Tố Hữu
Ảnh: laodong.vn

Không ngờ năm 1974 tại cuộc chiến đấu vùng sâu Quảng Điền, tôi bị thương, bị sốt rét, được đưa ra Bắc chữa bệnh.

Cuối năm 1974 tôi khỏi bệnh, đúng lúc Hội Nhà văn mở khóa 7, tôi được điều động đi học. Các nhà văn, nhà thơ đến dạy lớp này rất đông. Trong đó, có nhà thơ Xuân Diệu đến giảng về chuyên đề thơ.

Vốn thời trẻ, anh Xuân Diệu học ở Quốc Học Huế nên nghe tôi ở Huế ra, anh rất mừng, đưa tôi về nhà, bảo tôi kể chuyện chiến trường cho anh nghe.

Rất may, bữa anh em đang trò chuyện thì có khách tới, anh Xuân Diệu giới thiệu ngay:

- Đây là nhà thơ Tố Hữu.

Tôi nói là tôi rất yêu thơ Tố Hữu, ngay lúc đó tôi đọc liền hai bài thơ: bài Hồ Chí Minh và bài Việt Bắc.

Từ thuở đi học, tôi đã được học hai bài thơ này. Tôi nói với anh Tố Hữu:

- Em rất thích các câu trong hai bài thơ này.

Tôi liền đọc cho hai anh nghe:

“Hồ Chí Minh
Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng
Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc
Trăm thế kỷ trong tên Nguyễn Ái Quốc
Bạn muôn đời của thế giới đau thương”.

“Mình đi có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù
Mình về có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”.

Anh Tố Hữu tỏ ra rất vui, đúng thời điểm đó, anh Xuân Diệu giới thiệu ngay:

- Em Quang Hà là lính Thân Trọng Một vừa ở chiến trường Thừa Thiên Huế ra.

Nghe thế, anh Tố Hữu nhào tới ôm lấy tôi như hai người đồng hương gặp nhau.

Anh Tố Hữu hỏi tôi liền:

- Em có yêu Huế không?

Tôi đáp:

- Em yêu Huế như thơ anh:

“Huế ơi, quê mẹ của ta ơi!
Nhớ tự ngày xưa, tuổi chín mười
Mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng
Mưa nguồn gió biển, nắng xa khơi”.

Anh Tố Hữu lại hỏi:

- Ở Huế em đã đi nhiều nơi chưa?

Tôi đáp:

- Em là trinh sát đặc công, lại là phóng viên, nên đi khắp như thơ anh đã nhắc nhở:

“Tháng Tám vùng lên Huế của ta
Quảng - Phong ơi, Hương Thủy, Hương Trà
Phú Vang, Phú Lộc đò lên Huế
Đỏ ngập dòng sông rộn tiếng ca”.

Anh Tố Hữu càng ôm tôi rất chặt. Phải một lúc sau tôi mới thong thả kể anh nghe: Ở Huế vất vả lắm. Về nông thôn càng vất vả hơn. Ngày nằm dưới hầm bí mật, đêm lên hầm cơ sở dẫn đi vận động nhân dân tham gia kháng chiến, tổ chức dân quân, du kích giữ làng giữ xóm. Có lúc dân đói ăn khoai ăn sắn nhường cơm cho bộ đội ăn. Ở đâu cũng có các bà mẹ như “Bầm ơi” của anh:

“Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần”.

Chúng em đi chiến đấu mới hiểu đúng như Bác Hồ dạy: “Không có nhân dân liệu chúng ta làm được gì”. Và chúng em đã chiến đấu ngoan cường:

“Giết giết quân xâm lược!
Mau xung phong! Xung phong!
Cờ bay lên cứu nước
Máu giặc phải thành sông!”

Theo sát Mậu Thân anh thấy đó, chúng em kiên cường như thế nào. Hết đạn trong tay rồi, Trung ương bảo Huế phải ở lại gánh trách nhiệm cho thành phố bạn, chúng em đã giữ Huế tận 25 ngày.

Tôi kể chuyện người lính thôi nhưng anh Tố Hữu đắm đuối theo dõi. Tôi hiểu đó chính là tình yêu quê hương của anh, anh muốn xem quê hương mình ra sao. Đoạn tôi kể về những chuyến về đồng bằng từ chiến khu về huyện Hương Thủy, chúng tôi phải vượt sông Hương. Lập tức, anh Tố Hữu ngân nga mấy câu:

“Chí ta như núi Thiên Thai ấy
Đỏ rực chiều hôm dậy cánh đồng
Lòng ta như nước Hương giang ấy
Xanh biếc lòng sông những bóng thông...”

Đầy cảm xúc, anh hỏi:

- Đã có lần nào em về Quảng Thọ chưa?

Tôi đáp:

- Em về đó mấy lần rồi. Dẫu là đêm hôm tối mù mịt, chúng em vẫn nhờ cơ sở mật dẫn vào thăm nhà anh và nhà anh Nguyễn Chí Thanh. Hai nhà ở rất gần nhau bên bờ sông Bồ. Nhân dân rất quý hai anh. Dân bảo khi nào hòa bình, thống nhất nước nhà, nhân dân chúng tôi sẽ cho giữ gìn ở đây hai ngôi nhà làm bảo tàng, để con em không bao giờ quên các anh ấy.

Anh Tố Hữu bảo:

- Giữ được hai ngôi nhà đã là tốt rồi.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi như không muốn dứt.

Thời gian đã muộn, anh Xuân Diệu mời anh Tố Hữu và tôi ở lại ăn trưa. Anh Tố Hữu không những không chịu mà còn ép tôi và anh Xuân Diệu ra phố ăn phở bò. Vừa ăn, anh Tố Hữu vừa hỏi anh Xuân Diệu:

- Theo anh, phở bò Hà Nội ngon hay bún bò Huế ngon?

Anh Xuân Diệu đáp:

- Bún bò Huế ngon chứ!

Anh Tố Hữu nói ngay:

- Cả ba chúng ta là người Huế rồi nên tôi mời ăn phở Hà Nội để nhớ bún bò Huế, nhớ Huế. Anh Xuân Diệu đã trả lời đúng tâm trạng tôi lúc này. Bao giờ hòa bình, thống nhất, tôi hứa sẽ đưa anh Xuân Diệu và em Quang Hà đi chợ Đông Ba, chợ Bến Ngự hay chợ An Cựu ăn bún Huế để thấy cái phong phú của ẩm thực Huế như thế nào. Nhân đây anh cảm ơn Quang Hà đã thuộc thơ anh một cách kỹ lưỡng, có nhà thơ nào thấy bạn đọc thuộc thơ mình mà không sướng. Một lần nữa, anh cảm ơn Quang Hà.

Một giờ chiều, chúng tôi mới chia tay. Anh Tố Hữu ôm lấy tôi dặn:

- Anh em mình sẽ còn gặp nhau nữa Quang Hà nghe.

Nhờ có anh Xuân Diệu, quan hệ giữa tôi và anh Tố Hữu ngày một gần nhau hơn. Nhiều lần anh Tố Hữu mời tôi về nhà anh chơi, anh em ăn với nhau những bữa cơm giản dị nhưng thật ân tình.

Gần giữa năm 1975, Huế chuẩn bị giải phóng, là lính Huế mà Huế giải phóng không có mặt thì thật buồn cho nên mặc dầu khóa học chưa xong, tôi cũng quyết định đi. Đúng lúc đó tôi gặp Tô Nhuận Vỹ. Vỹ cũng muốn về Huế, thế là chúng tôi ghé nhà anh Tố Hữu:

- Có cách nào anh giúp chúng em vào Huế với ạ?

Anh Tố Hữu hẹn 3 ngày nữa đến đây, anh sẽ giúp các em. Đúng hẹn, chúng tôi tới, đã có xe đợi. Xe chở chúng tôi vào Huế kịp giải phóng.

Không có anh Tố Hữu, không thể có ngày gặp gỡ vui vẻ này. Chúng tôi cảm ơn anh Tố Hữu vô cùng.

Được gặp anh Tố Hữu, đó là một kỷ niệm không bao giờ quên, là một trong những hạnh phúc của đời tôi.

N.Q.H
(TCSH380/10-2020)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng