NGUYỄN THỊ TÂM HẠNH
(Dẫn liệu từ tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay [1932 - 1940])
Cái đẹp là một phạm trù thẩm mỹ ra đời và biến đổi không ngừng cùng với sự phát triển tư duy, tình cảm của con người. Tuy khó để đi đến một mẫu số chung, song, ở một tầng lớp thuộc về một quốc gia/dân tộc gắn liền với một thời đại nhất định luôn có sự thống nhất tương đối trong quan niệm về cái đẹp. Sự thống nhất ấy được tạo nên bởi sự gắn bó, không tách rời của đời sống thẩm mỹ với đời sống thực tiễn của con người - với các mối quan hệ xã hội mang tính tổng hòa. Điều đó đồng nghĩa rằng, sự thay đổi của đời sống xã hội, tất yếu tác động đến đời sống thẩm mỹ, đến quan niệm về cái đẹp mà thời trang chính là một trong những khía cạnh có thể nhận diện rõ nét.
1. Đầu thế kỷ XX, với điều kiện chính trị đặc thù của một nước nửa thuộc địa, người Việt vừa sống trong xã hội Á Đông với những chuẩn thẩm mỹ đã được định hình từ lâu đời, vừa tiếp nhận, thẩm thấu những yếu tố văn hóa mới của phương Tây. Đi tìm sự dung hòa giữa hai yếu tố Đông - Tây là một xu hướng được lựa chọn, khuyến khích, thể hiện trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội lúc bấy giờ. Trong bối cảnh đó, trên nền của chiếc áo dài cổ truyền, các họa sỹ, nhà thiết kế đã cách tân sáng tạo để mang đến một sắc thái mới cho loại hình trang phục nữ này. Điểm đặc biệt là những sáng tạo đó không chỉ mang đến một xu hướng thời trang mang tính nhất thời mà có thể xem là một bước “chưng cất” quan trọng, đem lại sự tinh túy cho chiếc áo dài ngày nay.
Những thông tin trên báo Nam Phong và Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn (từ 1932 - 1940), một tuần báo mà một trong những tôn chỉ được đặt ra là “mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ”, đã cho thấy những thay đổi trong quan niệm của một bộ phận người Việt về vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ cũng như đời sống của chiếc áo dài Việt ở một thời kỳ lịch sử mang tính bản lề cách đây 100 năm.
2. Áo dài Lemur trên tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay
2.1. Họa sĩ Lemur Cát Tường: tác giả của các kiểu áo dài “tân thời”
Trích từ số Mùa Xuân báo Phong Hóa số 85 - Ảnh: internet |
Bắt đầu từ số báo mùa Xuân đặc biệt (số 85 ngày 11/02/1934), tờ Phong Hóa đã cho mở chuyên mục Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô với mục đích là “sẽ nói đủ mọi thứ trang sức, quần áo, đồ đạc, nhà cửa, v.v, sẽ có nhiều bức vẽ kiểu của mấy nhà họa sĩ tốt nghiệp trường mỹ thuật nghĩ giúp” với mong muốn nhờ có mục này mà “người, quần áo, đồ đạc sẽ dần dần được tăng thêm vẻ đẹp”1. Phụ trách chuyên mục này là họa sĩ trẻ Nguyễn Cát Tường (1912 - 1946), tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 4 (1928 - 1934). Dựa trên hiện tượng đồng âm “tường” 祥 (may mắn, phúc lành) với tường 墻 (bức tường), họa sĩ Cát Tường đã hài hước dịch tên mình thành “le mur” (nghĩa là bức tường trong tiếng Pháp) làm tên hiệu ký trên các bức vẽ. Các mẫu áo dài do ông thiết kế trong mục Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô đăng trên nhiều số của báo Phong Hóa, từ đó, được gọi là mẫu áo Cát Tường hay mẫu áo Le mur.
Cùng với phong trào Thơ Mới vốn đã ghi một cột mốc quan trọng trong tiến trình văn học Việt Nam, trong năm 1934, áo dài Lemur/Cát Tường cũng tạo nên dấu ấn đặc biệt trên phương diện mỹ thuật, làm dấy lên phong trào mặc áo tân thời, khiến cho “kẻ công kích, người khuyến khích, những áo tân thời kể cũng đã làm tốn mực, giấy cho các nhà văn”2. Sự “công kích” và “khuyến khích” này xuất phát từ sự khác nhau về quan điểm thẩm mỹ, mà sâu xa hơn chính là cuộc “đụng độ” giữa tư tưởng mới của phương Tây và nền luân lý Tống Nho đã bắt rễ từ lâu đời. Những cách tân trong kiểu dáng cắt may chiếc áo dài Lemur của họa sĩ Cát Tường, theo đó, cũng luôn song hành với những biện luận gắn liền/hướng đến các chuẩn mực mới về vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ; giải phóng cơ thể; chú trọng yếu tố cá nhân, vệ sinh và thẩm mỹ. Quan trọng hơn, họa sĩ/nhà thiết kế thời trang này luôn ý thức để áo của phụ nữ Việt Nam có “vẻ riêng”, khỏi nhầm “với phụ nước nước ngoài, như nước Tầu, nước Pháp, nước Nhật Bản”3.
2.2. Đặc điểm của áo dài Lemur
2.2.1. Hướng đến phô diễn chiều cao và tỉ lệ hình thể
Theo quan niệm truyền thống của người Việt, ngoài tóc đen, da trắng, mặt bầu thì thân hình đầy đặn được xem là một mẫu hình của người phụ nữ đẹp. Sự đầy đặn ấy không mâu thuẫn với chuẩn mực của người phương Tây về tỉ lệ hình thể. Cụ thể, những dáng người “thắt đáy lưng ong” với nghĩa là vòng một và vòng ba nở nang, vòng hai thon nhỏ cũng được người Việt đề cao, cả về phương diện thẩm mỹ lần tướng pháp (Những người thắt đáy lưng ong. Vừa khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con). Tuy nhiên, như họa sĩ Cát Tường đã quan sát và nhận định, cách ăn mặc của phụ nữ Việt Nam khiến cho họ trông “trơn tuột như hộp kẹo sìu hay ống bột nét lê [Nestle]”4. Lối ăn mặc này, ngoài quan niệm xem áo quần chỉ thuần túy che thân mà không chú trọng đến yếu tố thẩm mỹ, còn bởi định kiến: “hễ có một bộ ngực nở nang là khép nép, e lệ, chỉ sợ các cụ trông thấy thì… phải mắng”5 hay “có người khi trông thấy một bộ ngực nở nang thường ra chiều mai mỉa, vì họ cho thế là chướng mắt, lẳng lơ”6.
Từ cách tiếp cận mới dưới nhãn quan của một nghệ sĩ trẻ có “ý tưởng Âu Tây” và “tinh thần mỹ thuật”, họa sĩ Cát Tường cho rằng: “Trời sinh ra người, vốn sẵn dành cho các hình dáng riêng, chỗ nở, chỗ thắt hợp với đủ phương diện mỹ thuật”7. Một người phụ nữ có hình thể đẹp là người có “thân thể vừa phải, chân, tay có những bắp thịt lẳn, ngực phồng, nhưng trông toàn thể vẫn giong giỏng cao, như thế là đẹp”8. Những cách tân của ông dựa trên bộ áo dài (năm thân hay tứ thân) vốn có, do đó, trước tiên hướng đến tiêu chí: làm nổi bật/ phân biệt vòng ngực với vòng eo. Với quan niệm: “một người con gái đẹp mà “không có ngực” nghĩa là ngực lép kẹp như chiếc đồng hồ Omega thì không thể nào gọi là một người đẹp hoàn toàn được”9 và một bộ ngực “cứng cáp, nở nang, đẹp đẽ” quan hệ mật thiết với sắc đẹp lẫn sức khỏe, họa sĩ Cát Tường vừa hiến kế một bài tập thể dục chống đẩy để tăng kích thước ngực [Hình 1], vừa thu nhỏ phần eo trên chiếc áo dài cổ truyền, làm “cho hơi chật ở chỗ bụng”. Cũng nhằm tạo sự thon thả cho vùng bụng, ông đã tìm cách khắc phục nhược điểm của chiếc quần giải rút vốn “hơi chút lụng thụng” bằng hai cách khác nhau: [1]: may theo lối cạp quần có giải rút bình thường nhưng thu hẹp từ cạp đến đầu gối vừa khít với thân hình10 và [2] vừa thu hẹp cạp quần, vừa mở ở giữa như quần tây, “nhưng hai miếng hai bên phải rộng và giài [dài] hơn để có thể buộc khép vào với nhau được; rải [dải] rút ta sẽ thay vào cái rải [dải] cùng thứ vải may quần đính vào hai đầu cạp rồi thắt chéo sang bên cạnh sườn (…) có thể thêm mấy cái khuy bấm ở bên cạnh mép (chỗ quần mổ) cài vào lại với nhau” [Hình 2]. Việc thu hẹp phần cạp và phần trên của ống quần cũng đồng thời làm tôn vòng ba mà họa sĩ Cát Tường nói một cách ý nhị: “như thế những vẻ đẹp thiên nhiên của từng từng người mới lộ ra”11.
Cùng với làm nổi bật tỉ lệ của ba vòng, áo dài Lemur cũng hướng đến việc tôn chiều cao và tạo cảm giác mềm mại cho người mặc. Nhận thấy nhược điểm của “đàn bà Việt Nam phần nhiều lùn (…) mà người lùn, dù ăn mặc quần áo quý giá, kiểu mẫu đẹp đến đâu cũng khó làm tôn vẻ đẹp của mình lên được”, họa sĩ Cát Tường đã “hiến” một bài thể dục bác sĩ Pagès [Hình 3]. Đồng thời, ông cũng tìm cách thu hẹp tà áo từ bụng trở xuống để “mất vẻ lòe sòe” và “làm chùng thêm vạt chính” để tạo sự thanh cảnh. Vạt áo còn được tạo điểm nhấn bằng đường viền, đính đăngten hình bánh bẻ (feston) ở phần lai (gấu áo) hay tạo các chếp dọc hai bên sườn. Mặc dù phần tách ra giữa tà trước và tà sau không ngay phần eo như các áo dài xuất hiện về sau nhưng sự thu hẹp, kéo dài vạt áo cũng đã tạo được sự mềm mại mà vẫn kín đáo [Hình 4]. Ngoài ra, phần ống quần cũng được cải tiến đáng kể: “đầu gối trở xuống đến chân, hai ống quần lại phải may rộng dần ra để khi đi đứng cái dạng điệu của các bạn được tăng lên vẻ nhẹ nhàng”. Với chiếc quần mà ông gọi là “lối loa” này kết hợp với giày cao gót, người phụ nữ cũng trông cao hơn. Những sọc dọc hai bên ống quần bằng vải lộn, xếp ly, đăng-ten hay những hoa văn ở ống quần cũng góp phần tăng cảm giác cho đôi chân dài hơn và tạo nên điểm nhấn đặc biệt của chiếc quần nữ được xem là “mẫu quần đàn bà đầu tiên trên thế giới”12 [Hình 5].
2.2.2. Ưu tiên sự tiện lợi, gọn gàng, hợp vệ sinh
Sự ưu tiên này được thể hiện tập trung ở phần cổ và tay của áo dài Lemur. Họa sĩ Cát Tường cho rằng, “cái cổ áo là thừa và hai ống tay bất tiện”. Những chiếc cổ cao khít, cài khuy và những ống tay chật này chỉ phù hợp với xứ lạnh, trong khi đó, nước ta lại ở xứ nóng. Từ đó, ông đề xuất “một thứ cổ khác, cổ hở. Không những nó hợp với khí hậu xứ ta, nó lại còn thêm vẻ đẹp là đằng khác nữa”13. Các kiểu “cổ hở” của áo Lemur rất đa dạng, như: cổ bẻ, cổ viền, cổ bánh bẻ (feston), cổ trái tim, cổ lưỡi dao, v.v. [Hình 6a, 6b].
Hình 7a: 4 kiểu tay áo mùa Xuân (Phong Hóa, số 87, ngày 2/3/1934) |
Hình 7b: Mấy kiểu tay áo mùa nực (Đặc san Đẹp mùa nực 1934, Nxb. Đời Nay, Dẫn theo Phạm Thảo Nguyên (2019), Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay, Nxb. Hồng Đức, tr. 25) |
Tương tự với tay áo, họa sĩ Cát Tường cho rằng: “xứ ta là một xứ nóng, vậy quần áo của ta cần phải rộng rãi, trước là để sự cử động được tiện lợi, sau là để hợp cách vệ sinh”14… Từ đó, ông đề xuất nên may các ống tay áo cho thật rộng, nhưng không phải lụng thụng như “áo tế” hay áo kimono Nhật mà “chỉ nên may rộng từ cách ra qua chỗ khuỷu tay độ mươi mười lăm phân tây, còn từ chỗ đó ra cổ tay, ta nên may hẹp lại. Nói là thế, song ta lại còn tùy thời tiết các mùa mà lựa đổi”. Nếu như mùa Xuân có các kiểu áo tay dài (lưỡi chàng, kiểu quả tim, kiểu đuôi tôm, kiểu thắt cổ bầu) thì mùa nực thậm chí ông còn cho ra các mẫu áo tay ngắn, dùng cho các thời điểm khác nhau (lúc trời mát thì tay ngắn viền chun hay buột giải; tay dài có “chun sòe” [xòe] dùng vào buổi tối đi xem hát hay dự lễ; tay dài có đuôi tôm ở cổ tay để chống nắng khi ra ngoài”) [Hình 7a, 7b]. Đáng lưu ý hơn, khác với áo dài ngũ thân, từ thân và ba thân trước đó, áo dài Lemur không may tay áo liền với thân mà cắt rời ra rồi nối vào thân áo ở vai hoặc nối xéo từ cổ đến nách nên phần thân trên (vai, ngực) được ôm sát; tạo nên sự gọn ghẽ cũng như làm nổi bật đường nét của phái nữ.
2.2.3. Chú trọng yếu tố cá nhân và sự hài hòa màu sắc
Tiếp nhận tư tưởng tự do, tôn trọng cá nhân của văn hóa phương Tây và so sánh với phương Đông, tác giả áo dài Lemur phân tích: “Nếu như xã hội phương Đông đề cao mỹ thuật bắt họ ăn vận một người một khác, nhưng nền luân lý chặt chẽ của Tống nho lại bắt họ phải ăn vận giống nhau”15. Nhằm đem lại “một phần giá trị và hạnh phúc” cho phụ nữ, những phá cách trong thiết kế của ông không dừng lại ở chỗ tạo cho nữ giới Việt Nam nói chung có cơ hội điểm trang, phô diễn những đường nét của phái đẹp mà ông còn phá vỡ sự “giống nhau” và “tùy mực thước của thân hình mỗi bạn” để có kiểu vẽ riêng. Với phụ nữ béo lùn, ông chú ý thiết kế gọn ghẽ, họa tiết nhỏ, sọc dọc; ngược lại phụ nữ cao gầy lại lựa chọn tay bèo, phồng, viền ngang ở tà và các họa tiết ngang nhằm tạo cảm giác cân đối; áo trẻ con tay và vạt đều ngắn để tiện vận động.
Không chỉ kiểu dáng, màu sắc cũng được chú ý cách tân để phù hợp với từng cá nhân gắn với màu da, dáng người. Trước những thiết kế của Cát Tường, vào những năm 1920, màu sắc của áo dài đã có những thay đổi đáng kể. Trong đó, đáng chú ý là “bỏ cái mầu đen di truyền, (…) âm thầm buồn tẻ mà may bằng những thứ hàng màu trắng”16. Sự thay đổi này đã gây ra không ít tranh cãi: “Hơi trông thấy bóng một cô mặc quần trắng đi qua là y như kẻ có bất bình nói mát… Nào là tân thời, là lố lăng, thôi thì đủ thứ”17. Song, với quan niệm“hợp với cách vệ sinh”, “chẳng hề tiêu biểu cho sự lãng mạn, dâm ô”18 và quan trọng là “lạ nhưng đẹp”. Chính vì “người ta ăn vận đẹp vừa ý mình, chị em cũng nô nức đua nhau mà ăn vận như thế”19. Sự kết hợp màu sắc giữa quần và áo từ đó thường xuyên thay đổi theo “mốt” nhờ nguồn vải nhập khẩu đa dạng: “Hết tân thời ở áo lam quần trắng, lại tân thời ở áo mầu “rượu vang”, rồi sau rốt tân thời ở áo quần đồng màu”. Việc chọn lựa màu sắc phù hợp với đặc tính tuổi tác, màu da cũng như phối màu giữa quần với áo, giữa quần áo với phụ kiện càng về sau càng được chăm chút, như Việt Sinh (tức nhà văn Thạch Lam) đã quan sát và nhận xét về “quần áo mới”: “Mầu là một cái yếu điểm trong y phục phụ nữ. Mầu đen tối tăm, trang nhã, có thể hợp với những người tuổi đã già. Nhưng với những cô con gái trẻ măng, với đôi mắt tươi, đôi môi thắm, với nụ cười sung sướng cần phải có những mầu cũng tươi đẹp như môi đỏ, cũng óng ả như làn tóc, cũng rực rỡ như ngày xuân. Nhưng không có thể ghép một cái san xanh lá cải lên trên một cái áo đỏ hoa lựu thắm được. Lựa chọn các mầu thế nào cho hòa hợp, cho dịu dàng, cho êm mắt, trọn [chọn] các mầu thế nào cho hợp với làn tóc, với da người, cho tôn vẻ đẹp của mình, đó là một nghệ thuật rất khó, mà chính cái khó ấy làm cho thiếu nữ hiểu biết cái đẹp, được phô cái tài của mình cho khác hẳn những cô gái tầm thường”20.
Hình 8: Các mẫu áo dài Lemur được vẽ “tùy mực thước của thân hình mỗi bạn” |
Một số ý kiến đương thời cho rằng, áo dài tân thời chỉ phù hợp với dân thành thị, tầng lớp giàu sang. Tuy nhiên, nhà văn Nhị Linh (tức Khái Hưng/ Trần Khánh Giư) cho rằng, đây là loại trang phục không chỉ phổ thông mà còn “rất phổ thông”, bởi tùy điều kiện kinh tế của mỗi người, chỉ cần cắt may theo lối mới đều có thể thể hiện được “vẻ mềm mại dịu dàng óng ả của tấm thân xinh đẹp được dù các cô dùng hàng thượng hạng “Bom bay”, hàng “Thượng hải” hay dùng hàng Annam, từ lương the, lụa là cho đến vải An nam nữa”21.
2.3. Áo dài Lemur: những phụ kiện đi kèm
* Giày cao gót: Mẩu quảng cáo của hiệu giày Chấn Long đăng trên Phong Hóa, viết: “Các bà, các cô mặc quần áo Tân - Thời, muốn được tăng thêm vẻ đẹp nên đi giầy Tân thời”. Quả thực, như nhận xét của bà giáo (Trịnh Thục Oanh) đương thời: “Mặc quần áo mới, tất chân phải dận trên đôi giầy cao gót mới có dáng dong dỏng thướt tha”. Giày cao gót trở thành một phụ kiện không thể thiếu gắn với áo dài Lemur. Ngoài một số hiệu giày nổi tiếng ở Hà Nội đóng như Chấn Long, Phi Yến, họa sĩ Cát Tường cũng vẽ một số kiểu giày cao gót Lemur [Hình 9a, 9b].
* Ví cầm tay: Với tiêu chí eo thon, chiếc ruột tượng có chức năng đựng tiền và các thứ giấy tờ thường được buột dọc lưng quần của các bà, các chị đã không còn phù hợp. Thay vào đó, chiếc ví da tân thời được thay thế, thường đi kèm với đôi guốc cao gót và được bày bán trong các hiệu giày [Hình 10].
* Áo lót nâng ngực: Nếu như đôi giày cao gót có thể “cứu” được chiều cao hạn chế của đa số người Việt thì chiếc áo lót nâng ngực là phụ kiện không thể thiếu giúp họ tự tin diện áo dài Lemur, bởi chiếc yếm không thể giúp họ “ăn gian” vòng ngực nếu gầy quá hay che bớt vùng bụng nếu béo quá. Trong khi đó, áo corset của Pháp thì không phải ai cũng có điều kiện mua sắm. Nhà thiết kế Cát Tường đã cùng với người bạn là chủ xưởng dệt Cự Chung đã tạo ra chiếc áo lót nâng ngực bằng tơ (1935) với nguyên liệu nội và giá thành rẻ. Chiếc “áo ngực Lemur” trở thành một phụ kiện không thể thiếu đi kèm với áo dài Lemur. Phong trào mặc áo dài Lemur vì thế ngày càng nở rộ22.
* Chiếc khăn san: Một số ý kiến cho rằng, chữ khăn san xuất phát từ tiếng Pháp. Có lẽ chữ khăn san xuất phát từ chữ Châle trong tiếng Pháp (nghĩa là khăn choàng vai). Sự kết hợp giữa áo dài và khăn choàng vào những năm 1930 được mô tả: “Còn cái khăn quàng nó là vật phụ, mà rất cần, b y âgiờ may hình chéo, nhỏ, quàng vào trông tựa như cái “cravate” [cà vat]. Áo hàng nào thường dùng khăn hàng ấy, và gài nó bằng một cái “broche” [ghim] có mặt đá thì đẹp”23. Vào mùa đông, khăn san len là một phụ kiện “nhập khẩu” vừa làm đẹp, vừa giữ ấm hiệu quả.
* Tóc kiểu mới và các nhu cầu làm đẹp khác: Thay cho nguyên tắc “che cổ dấu tóc”, cùng với chiếc “cổ mở” của chiếc áo dài, phụ nữ Việt Nam đã từng bước từ rẽ tóc mái lệch nhưng vẫn dấu tóc trong khăn vấn sang búi hoặc kẹp tóc (bỏ chiếc khăn vấn) và cuối cùng là thả tóc tự do, trong những năm 1930 đã để mái tóc uốn “phi dê”. Các mỹ viện bắt đầu xuất hiện, không chỉ làm đẹp cho mái tóc (uốn, nhuộm màu đen, hung, bạch kim) mà còn để cạo trắng răng, nâng vú, làm rậm lông mày, uốn mi, xóa tàn nhang, v.v.
3. Áo dài cách tân: xưa và nay
Để có chiếc áo dài được định dạng là “truyền thống” với những đặc điểm cơ bản là may sát vào form người với hai tà xẻ từ hông xuống chân như ngày nay, áo dài Việt Nam đã trải qua nhiều bước cách tân qua nhiều thế hệ. Áo dài truyền thống, thực chất, cũng từng là áo “cách tân”, áo “tân thời” mà Lemur Cát Tường là một trong những người có vai trò quan trọng. Ông đã đem đến một làn gió mới cho thời trang nữ Việt Nam đầu thế kỷ XX, khiến cho cả xã hội có cách nhìn nhận mới về nhu cầu “mặc” - một nhu cầu thiết yếu của con người. Ngoài sự tiện lợi, còn cần thêm cái đẹp, cái sang: “quần áo tuy dùng để che thân thể, song, nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ tri thức của một nước. Muốn biết nước nào có tiến bộ, có mỹ thuật hay không, cứ xem y phục của nước họ, ta cũng đủ hiểu”24. Một chiếc áo đẹp, hợp thời trang, không chỉ cần đến một thợ may mà còn cần đến vai trò quan trọng của nhà thiết kế nhằm đem đến sự hài hòa về màu sắc cũng như phù hợp với từng dáng người, từng mùa, từng loại chất liệu, v.v. Mặc dù có những ý kiến khen chê khác nhau, nhưng áo dài Lemur đã không ngừng lan tỏa từ Bắc vào Trung đến Nam trong những năm 1930. Thậm chí, họa sĩ Cát Tường từng được hoàng hậu Nam Phương mời thiết kế tủ áo dài riêng cho mình. Đây cũng là trang phục được nhiều trí thức, nghệ sĩ đương thời lựa chọn. Trên nền tảng của chiếc áo dài này, áo dài Việt Nam tiếp tục được sáng tạo, cách tân qua từng thời kỳ khác nhau.
Đầu thế kỷ XXI (đặc biệt từ 2016), xu hướng áo dài Cát Tường quay trở lại với nhiều cách tân, kết hợp táo bạo hơn (về chất liệu, về cách cắt may cũng như kết hợp giữa áo với quần). Sự trở lại này không gây nhiều phản ứng nặng nề như đầu thế kỷ XX. Thậm chí, nhờ những cách tân gọn gàng và sự bắt mắt, người Việt quay trở lại với chiếc áo dài vốn có của mình trong cuộc sống thường nhật sau một thời gian dài chỉ sự dụng vào các dịp lễ nghi đặc biệt. Tuy nhiên, những cách tân thái quá (như áo dài xuyên thấu) cũng như vấn đề bản quyền, bản sắc đang đặt ra và đòi hỏi sử sáng tạo, trình độ và trách nhiệm trước hết của các nhà thiết kế. Bởi, xét cho cùng, một xu hướng thời trang luôn được bắt đầu bởi những nhà thiết kế thời trang, hơn bất cứ mệnh lệnh nào, mà áo dài Lemur là một bằng chứng.
N.T.T.H
(TCSH380/10-2020)
-------------------
1. Lời tòa soạn cho chuyên mục Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô lần đầu tiên xuất hiện trên báo Phong Hóa, số 85, ngày 11/02/1934, trang 22.
2. Tử Ly (1935), “Chúc mừng năm mới” [tổng kết báo 1934], trong báo Phong Hóa, số mùa Xuân (134), 30/01/1935, tr. 3.
3. Nguyễn Cát Tường (1934), “Y phục của phụ nữ”, trong báo Phong Hóa, số 86, 23/2/1934, tr. 4.
4. Nguyễn Cát Tường (1934), “Y phục của phụ nữ”, trong báo Phong Hóa, số 86, 23/2/1934, tr. 4.
5. Cát Tường (1934), “Một môn thể thao: cách luyện bộ ngực”, báo Phong Hóa, số 102, 15/5/1934, tr. 4.
6. Cát Tường (1934), “Y phục của phụ nữ”, trong báo Phong Hóa, số 90, 23/3/1934, tr. 4.
7. Nguyễn Cát Tường (1934), “Y phục của phụ nữ”, trong báo Phong Hóa, số 86, 23/2/1934, tr. 4.
8. Cát Tường (1934), “Một môn thể thao”, trong báo Phong Hóa, số 91, 30/3/1934, tr. 4.
9. Cát Tường (1934), “Y phục của phụ nữ”, trong báo Phong Hóa, số 90, 23/3/1934, tr. 4.
10. Về sau, giải rút được thay bằng cạp chun, vừa dễ thở, vừa có thể điều chỉnh cao thấp một cách thuận lợi.
11. Cát Tường (1934), “Y phục của phụ nữ”, trong báo Phong Hóa, số 89, 16/3/1934, tr. 18.
12. Sau Cát Tường là nhà thiết kế nổi tiếng người Pháp Gabrielle Bonheur Chanel (1883 - 1971) đã vẽ quần cho nữ giới vào năm 1954, với tên gọi là quần Yatching.
13. Cát Tường (1934), “Y phục của phụ nữ”, trong báo Phong Hóa, số88, ngày 9/3/1934, tr. 9.
14. Cát Tường (1934), “Y phục của phụ nữ”, trong báo Phong Hóa, số 87, 02/3/1934, tr. 4.
15. Tử Ly (1935), “Chúc mừng năm mới” [tổng kết báo 1934], trong báo Phong Hóa, số mùa Xuân (134), 30/01/1935, tr. 3.
16. Cát Tường (1934), “Y phục của phụ nữ”, trong báo Phong Hóa, số 89, 16/3/1934, tr. 18.
17. Nguyễn Cát Tường (1934), “Y phục của phụ nữ”, trong báo Phong Hóa, số 86, 23/2/1934, tr. 4.
18. Nguyễn Cát Tường (1934), “Y phục của phụ nữ”, trong báo Phong Hóa, số 86, 23/2/1934, tr. 4.
19. Đoàn Tâm Đan (1935), “Bà Trịnh Thục Anh nói về thời trang”, trong báo Ngày Nay, số 1, tr. 4.
20. Việt Sinh (1935), “Quần áo mới”, trong báo Ngày nay, số 1, 30/1/1935, tr. 3.
21. Nhị Linh (1934), “Vẻ đẹp của các bà các cô”, trong báo Phong Hóa, số 89, ngày 16/3/1934, tr. 2.
22. Phạm Thảo Nguyên (2019), Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay, Nxb. Hồng Đức, tr. 27.
23. Đoàn Tâm Đan (1935), “Bà Trịnh Thục Anh nói về thời trang”, trong báo Ngày Nay, số 1, tr. 4.
24. Nguyễn Cát Tường (1934), “Y phục của phụ nữ”, trong báo Phong Hóa, số 86, 23/2/1934, tr. 4.