PHẠM XUÂN PHỤNG
Vào đúng 9 giờ đêm 26 tháng 3 năm 1975, chúng tôi vui sướng đến nghẹn ngào nhận tin vui Huế đã được giải phóng qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội. Tiếp đến là mệnh lệnh tất cả sẵn sàng hành quân về Huế. Không ai không mong chờ niềm vui ấy, nhưng những người lính quê Thừa Thiên, trong đó có tôi đều vui mừng vì sắp được trở lại quê nhà!
Tại chiến khu, khi các học viên quân y sĩ của Trường Quân y Quân khu Trị Thiên Huế (QKTTH) đang thực tập tại các đội điều trị liền chuẩn bị hành quân. Bộ phận học viên chúng tôi đang thực tập tại Đội điều trị 96 ở A Lưới, đi theo đường 12, về đến làng Dương Phẩm (xã Thủy Bằng hiện nay) vào đêm 28, rạng ngày 29/3/1975, đóng quân chờ lệnh, sau đó tiếp tục hành quân bằng xe tải dọc theo đường bộ bên bờ nam sông Hương (từ làng Dương Phẩm qua khỏi cầu Tuần rồi men theo đường Minh Mạng hiện nay về QYV Nguyễn Tri Phương, con đường dài ngoằng này đã được các đơn vị công binh rà phá bom mìn do địch gài lại). Tôi là người Huế nên được vinh dự giao nhiệm vụ dẫn đầu đội quân này. Rất cám ơn các đồng chí công binh vì trên đường hành quân êm như ru, không có mìn nổ (trước đó vài ngày, chúng tôi nhận được hung tin chiếc xe chở các CBCS quân y, trên đúng con đường 12 về Huế mà chúng tôi vừa đi qua, đã bị trúng mìn địch gài lại, nhiều đồng chí hy sinh, trong đó có đồng chí Hưởng - y sĩ, quê Hương Thủy, chỉ cách nhà chưa đầy cây số!). Tôi ngồi trước đầu xe, tay ôm khẩu AK47, đầu đội mũ tai bèo, vai khoác ba lô choàng tấm khăn dù hoa với khuôn mặt chắc chắn tươi như hoa. Mẹ ơi! Con sắp được gặp mẹ rồi. Niềm vui vỡ òa từ đêm 26 tháng 3 vẫn chưa làm bùng cháy hết nguồn vui cuồn cuộn trào dâng trong lòng, cứ thế tôi và đồng đội hát vang trên đường về quê mẹ. Các đồng đội quê miền Bắc cứ thúc giục tôi cho xe chạy mau hơn nữa, nhưng tôi thì cứ lâng lâng tâm hồn trên mây, giọng khê rè nhưng cứ tỉnh bơ hát hò: “Ra đi, ước hẹn ngày về thăm quê, rằng chưa tan hết giặc ta chưa về” rồi “Tiến về đồng bằng, ta quét sạch giặc thù! Tiến về Sài Gòn, giải phóng thành đô”, nhớ bài nào hát bài đó, khản đặc cổ mới chịu thôi.Đồng đội quân y của tôi là những người con trai con gái quê chủ yếu ở hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, vài người quê tỉnh khác. Họ sinh ra trong khoảng thời gian 1950 cộng trừ 3, tham gia Quân Giải phóng miền Nam, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong ngành quân y trên chiến trường Trị Thiên Huế trong khoảng 1968 cộng trừ 3; hầu hết là con em nông dân, chỉ vài người là con em dân nghèo thành thị, khi tham gia cách mạng chưa biết chữ hoặc mới học lớp 2 lớp 3 trường làng, chỉ có vài người đang học Trung học đệ nhị cấp, tương đương THPT bây giờ (các đồng đội quê ngoài Bắc hầu hết học xong lớp 7 trở lên, có người là sinh viên Đại học); 100% tình nguyện thoát ly lên chiến khu tham gia cách mạng (người miền Nam) hoặc tình nguyện nhập ngũ vào Nam chiến đấu (những người quê ngoài Bắc). Điểm chung của thế hệ chúng tôi ngày ấy là thế. Nhưng có một điểm chung nhất: Tất cả đều háo hức lập công, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, “mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại gian khổ hy sinh, có chí tiến thủ” như Di chúc Bác Hồ từng viết về thanh niên Việt Nam. Và điểm chung thứ hai: Khao khát phấn đấu trở thành đảng viên, một khao khát máu thịt, tim óc dù rằng lúc ở chiến trường, sự phấn đấu có khi đổi bằng mạng sống hoặc chí ít hy sinh hạnh phúc riêng. Một điểm chung nữa: Tất cả chúng tôi - những người lính hậu cần nói chung, quân y nói riêng đều có mặt tại Huế, tại Quân y viện Nguyễn Tri Phương ở trong đồn Mang Cá Lớn vào những ngày sau khi Huế được giải phóng để tẩy uế chiến trường, dọn dẹp mọi thứ để lại và góp công sức tu sửa, tổ chức lại nơi đó thành một bệnh viện dã chiến phục vụ cho hậu phương chiến trường miền Nam đang đi vào hồi kết thúc cuộc chiến kéo dài đằng đẵng 21 năm, nhằm thực hiện nguyện ước lớn nhất của toàn dân tộc: Thống nhất Tổ quốc. Cuối cùng đến nay, nhiều người trong số chúng tôi lại có chung một điểm: Đời sống kinh tế gia đình tạm ổn, con cái hầu hết trưởng thành, dĩ nhiên bệnh tật liên miên đeo bám tuổi già.
*
Theo cuốn Lịch sử Viện Quân y 268 thì có thể tóm lược hành trạng của các đơn vị quân y của Quân khu Trị Thiên Huế trong Chiến dịch Trị Thiên Huế - Mùa xuân 1975 như sau: Sau khi Chiến dịch Buôn Mê Thuột thắng lợi, theo chỉ đạo của Trung ương, các lực lượng vũ trang của Quân khu tổ chức Chiến dịch Trị Thiên Huế, bắt đầu từ ngày 08/3/1975. Mục tiêu lớn nhất là phải giải phóng được hoàn toàn hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, Thành phố Huế. Các đơn vị quân y (Viện Quân y 68, các Đội điều trị 82, 86 và các đội phẫu thuật tiền phương) cùng quân y của các đơn vị chủ lực được bố trí cơ động theo các đơn vị bộ binh, pháo binh, xe tăng… của Quân khu Trị Thiên Huế và Quân đoàn 2 tấn công theo các hướng khác nhau, từ Quảng Trị đánh vào (cả hướng đồng bằng lẫn hướng biển) và từ miền tây Trị Thiên đánh xuống, mà mục tiêu chủ yếu là thành phố Huế. Lực lượng quân y liên tục cơ động, bám theo đội hình chiến đấu vừa tải thương vừa cấp cứu thương binh. Đêm 25/3/1975, ĐĐT 86 nhận lệnh từ căn cứ Hòa Mỹ thần tốc về đồng bằng phối hợp với Quân đoàn 2 tiến vào Huế. Đến ngày 26/3/1975, Huế được giải phóng, một bộ phận gồm 35 cán bộ chiến sĩ của ĐĐT 82 là những chiến sĩ quân y đầu tiên đặt chân vào thành phố Huế. Ngày 27/3/1975, từ căn cứ Chúc Mao và điểm cao 300, Viện Quân y 68 nhận tin Huế giải phóng, đến ngày 02 tháng 4 năm 1975, khoa Ngoại 1 và một số thương binh còn lại của Viện được Cục Hậu cần QKTTH đón đưa về tiếp quản Quân y viện Nguyễn Tri Phương (ở Đồn Mang Cá - nơi đóng Bộ Tư lệnh Vùng 1 chiến thuật và Sư đoàn 1 bộ binh quân Sài Gòn), cuối tháng 4, toàn đơn vị tập kết đầy đủ tại Quân y viện này. Từ ngày 27/3/1975, lần lượt các đơn vị quân y khác, trong đó có các giảng viên và học viên Trường Quân y QKTTH (Cuốn sách Lịch sử Viện Quân y 268 không nhắc đến lực lượng này, có lẽ do thiếu thông tin tư liệu) tiến vào thành phố Huế và bắt tay ngay vào nhiệm vụ tẩy uế chiến trường, trước khi được nghỉ phép về thăm gia đình, thân bằng quyến thuộc, niềm vui lớn nhất đời lính ở chiến trường.
Nhưng để đến ngày vui ấy là một chặng đường dài của lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có một thời tuổi trẻ của thế hệ chúng tôi.
*
Nhớ lại người dân làng Dương Phẩm, khi chúng tôi vừa đến, từ cụ già đến các o thiếu nữ, các em bé hào hứng chào đón các anh giải phóng quân, bánh tét, bánh chưng, mứt gừng xếp đầy bàn trong mỗi gia đình, ai cũng mặt mày rạng rỡ, nụ cười của các o thôn nữ duyên dáng xinh tươi làm sáng bừng làng quê vừa qua chiến trận. Có lẽ thế chăng nên sau này có một chàng cùng lớp tôi - Đậu Hải Sơn, quê Nghệ An “cua” được o Vân đẹp nức tiếng ở làng rồi ở lại làm rể luôn, bây giờ có cô con gái Đậu Thị Thu Hà đang làm nhân viên điều dưỡng khoa Ngoại Nhi - Cấp cứu bụng, BVTW Huế. Vợ tôi lúc đó - cũng đang là học viên quân y sĩ khóa 7 của trường Quân y Quân khu Trị Thiên Huế đi theo một đoàn khác về đến làng Dương Phẩm chậm một đêm, hai vợ chồng chỉ gặp nhau ít phút, ôm nhau vài giây cho đỡ nhớ rồi tôi phải hành quân đi trước về Huế. Bạn đọc có ngạc nhiên không, khi ở chiến trường lửa đạn mà tôi có vợ?
Trước đó, vào cuối năm 1974, toàn trường tổ chức chỉnh quân chỉnh cán, học tập Nghị quyết của Trung ương về chủ trương quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong khoảng 1976 - 1977, tuy nhiên nếu có điều kiện thuận lợi phát sinh thì có thể chớp thời cơ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc càng sớm càng tốt. Để chuẩn bị chiến dịch, đơn vị thông báo cho mọi quân nhân chưa lập gia đình, nếu ai có người yêu và có nguyện vọng lập gia đình thì cứ báo cáo. Chúng tôi cùng một cặp nữa (đồng chí Nguyễn Hồng Chắt, quê Hải Dương và đồng chí Trương Thị Hồng Lợi, quê Quảng Bình) được cấp trên chuẩn y và tổ chức lễ cưới vào đêm 08 tháng 12 năm 1974, trong hoàn cảnh chiến khu thiếu thốn mọi bề. Mặc dù vậy, đám cưới ở căn cứ Khe Sanh có đủ kẹo, thuốc lá (do Cục hậu cần cấp theo tiêu chuẩn gồm 1 cây Tam Đảo, 1 kg kẹo Nugar), còn thịt hộp, bột trứng, sữa bột do các anh trong tiểu đội 4 của tôi - mà chủ yếu là các anh Phạm Ngọc Tuyên, Lường Sĩ Piêng quê Thanh Hóa đi “vận động” các anh cùng quê làm quân nhu ở đơn vị radar tên lửa tặng; riêng món rau cải, bầu bí, su hào, cà rốt do chính tiểu đội tôi và tiểu đội vợ tôi tăng gia sản xuất, anh chị em cùng đơn vị mỗi người một tay chuẩn bị cho chúng tôi, kể cả một ngôi nhà nhỏ xinh với một chiếc giường tân hôn được các anh hì hục đục đẽo suốt mấy ngày mới xong, đẹp và trơn láng như giường Tây. Bàn tay bộ đội khéo như thợ mộc lành nghề, đúng như câu nói “Quân đội chính là trường Đại học nhân dân”, ai đã vào thì cái nghề gì cũng có thể biết nếu thực lòng muốn học. (Chỉ tội chiếc giường có 5 thanh song ngang thì hai thanh ở giữa bị “các bố” cưa gần đứt lìa, chỉ cần khi nằm đặt mông hơi nặng là gãy cái rầm. Ai thông minh và hài hước chắc sẽ hiểu vì sao “các ông tướng” ở tiểu đội tôi lại làm cái giường tân hôn như vậy. May tôi phát hiện kịp thời và đẽo ngay thanh ngang khác thế vào, khiến “các bố” phải một phen hí hửng hụt và bị muỗi Khe Sanh đốt ê chề vì cả gan... ngồi ngoài phòng tân hôn rình chờ nghe tiếng giường sập!). Cưới xong, vợ chồng được ở bên nhau chừng hai tháng lại phải xa nhau, đến cuối tháng 3 mới gặp lại. Bây giờ cặp Chắt - Lợi ở phường Bắc Nghĩa - Tp. Đồng Hới, nhưng mỗi lần gặp nhau, chúng tôi vẫn hào hứng kể về những ngày vui ấy.
Trở lại chuyện tiếp quản QYV Nguyễn Tri Phương. Ngày đầu đặt chân đến, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là cái QYV này thứ thì rộng quá, thứ lại hẹp quá. Rộng là diện tích toàn QYV và các phòng của chỉ huy Viện, hẹp là mấy căn buồng chứa thương bệnh binh của họ và tù binh là cán bộ, bộ đội và du kích của ta bị thương rồi bị bắt về, vừa hôi hám bẩn thỉu vừa chật chội đến ngột ngạt, chẳng bù lại mấy cái lán thương bệnh binh của chúng tôi ở trên rừng, tuềnh toàng tranh tre nứa lá nhưng rộng và thoáng đãng vô cùng. Chúng tôi bắt tay ngay vào công việc tẩy uế chiến trường. Bao nhiêu xà phòng (mỗi cây xà phòng trắng mềm nom như đèn sáp trắng dài chừng 1m, vuông vức bốn cạnh 5cm, ước nặng chừng 5kg), khẩu trang, nước hoa, găng tay cao su đều được bóc ra dùng hết. Liên tục làm việc cật lực trong 3 ngày mới chôn lấp xong 72 tử thi đã và đang thối rữa được bọc trong các bao nhựa dày, dẻo và trong, giúp bộ mặt bệnh viện thay đổi hẳn.
Xong việc tẩy uế đến việc tu sửa lại các buồng bệnh để tiếp nhận thương bệnh binh từ các nơi chuyển về, việc dồn dập nhưng không ai kêu ca gì, tâm trạng mừng vui ngày chiến thắng vẫn còn nguyên vẹn. Khi hoàn tất công việc cũng là lúc chúng tôi nhận lệnh bàn giao lại cho đơn vị quân y khác, còn chúng tôi về căn cứ Phú Bài dọn dẹp để chuyển Trường Quân y QKTTH về đây, tiếp tục học rồi ra trường, mỗi người một nơi. Gần 30 năm sau mới gặp lại vài người trong đó có bác sĩ Đào Bá Vi - Đội phó của một trong 3 đội phẫu tiền phương của Quân y Quân khu Trị Thiên Huế, một người rất vui tính, có tài xuất khẩu thành thơ và lợi khẩu trong mọi tình huống, trừ tình huống “đối diện đàn bà con gái” nên đã 38 tuổi (năm 1973) mà vẫn làm lính “phòng không”... trong dịp Viện Quân y 268 đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND). Riêng bác sĩ Nguyễn Đức Lân - Hiệu phó kiêm giảng viên dạy môn Bệnh học nội khoa của chúng tôi, từ sau năm 1975, trở về quê ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương thì mãi đến cuối năm 2017 vẫn chưa liên hệ được với thầy. Trước ngày tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Bệnh viện 268 (26/3/1968 - 26/3/2018), các học viên ở Huế chủ trương tổ chức cuộc gặp mặt cán bộ chiến sĩ và học viên của Trường Quân y Quân khu Trị Thiên Huế vào ngày 18/3/2018. Khá đông người dè dặt vì e khó có nhiều người ở ngoài Bắc tham gia. Chúng tôi gồm 3 người (tôi, cô Lê Thị Thu Hạnh - AHLLVTND ngành quân y, cô Nguyễn Thị Hồng Lựu, biệt danh Lựu tóc dài) cứ kêu gọi, nhắn tin khắp nơi, dù trong tay chưa có đồng nào vẫn liều mình đặt tiệc, chuẩn bị phương án tổ chức tiếp đón đồng đội từ Quảng Trị trở ra Bắc về dự. Không phụ lòng, đến ngày gặp mặt có 45 người về dự, đặc biệt xúc động khi chúng tôi gặp lại thầy Lân - Hiệu phó nhà trường sau 43 năm xa cách. Đó là nhờ công lao của anh em học viên khóa 6 chúng tôi quê miền Bắc (Hải Dương, Thái Bình, Hà Nội...) “quyết tâm bế cụ vào thăm lại chiến trường xưa” thì chúng tôi mới gặp được thầy và cả cô nữa. Điều cảm động và bất ngờ nhất là thầy vẫn lưu giữ danh sách học viên của trường từ khóa 1 đến khóa 7 với đầy đủ họ và tên, quê quán chính xác của từng người. Kinh ngạc hơn, thầy còn nhớ và phân biệt rõ họ và tên, quê quán cấp làng, thôn, xóm của những người trùng họ và tên, giới tính, quê quán cấp tỉnh, huyện. Trí nhớ của thầy thật đáng nể dù năm đó (2018) thầy đã 85 tuổi. Bao nhiêu kỷ niệm xưa ùa về, tuôn trào qua từng câu chuyện, tràng cười sảng khoái và không thiếu những giọt nước mắt mừng vui của những người đồng đội, thầy trò, bạn cùng học chung một mái trường trong chiến khu xưa giữa thời đạn bom gầm rú, gian khó trăm bề.
Bây giờ mỗi lần nhớ lại những ngày sôi nổi mừng vui năm 1975, tôi càng nhớ da diết những người thầy, những vị chỉ huy và luôn nhớ những đồng đội cùng ngành, cùng tham gia tiếp quản và dọn dẹp, tu sửa Quân y viện Nguyễn Tri Phương những ngày sau giải phóng Huế, tháng 3/1975, để sau này trở thành Viện Quân y 268 và nay là BV 268 - Quân khu 4.
P.X.P
(SHSDB40/03-2021)