Góc Hoài niệm
Âm vang thời chưa xa
15:03 | 29/07/2021

XUÂN HOÀNG
          Hồi ký

(Trích Chương V, tập II - "Trường tư thục Thuận Hóa")

Âm vang thời chưa xa
Ảnh: FB Miên man nồm Nhật Lệ

Trường tư thục Thuận Hóa là một dãy nhà mười hai gian, nguyên trước đây là một đầm lầy được san lấp do một chủ thầu làm ra cho các công chức nghèo thuê ở. Từ ngày ông Tôn Quang Phiệt về tập hợp được một số giáo viên trung thành với mục đích và tôn chỉ của một trường tư thục trung học, gian nhà ấy trở thành trường tư thục Thuận Hóa. Thuận Hóa là tên cổ của một vùng đất. Đồng thời cũng là tên cổ của thành phố Huế. Là một người tù chính trị phạm được phóng thích, ông giáo Tôn Quang Phiệt muốn trở lại nghề cũ của mình. Ông chọn cái tên Thuận Hóa cho trường học của mình không phải không có ý đồ gửi gắm: đây sẽ là nơi đào tạo những người học trò có tư cách, có tri thức nhằm góp phần vào việc cải tạo cái xã hội còn bị ô nhiễm quá nhiều bởi hậu quả của một thể chế phong kiến đầy tính chất thuộc địa thời đó. Phía bọn cai trị cũng không dại dột gì: trong khi cho phép ông Phiệt mở trường tư, chúng lập hồ sơ các thầy giáo ở trường, đồng thời cài thêm một số điểm chỉ vào trường dưới dạng học sinh hoặc nhân viên giúp việc để tiện việc theo dõi những hành động và cách giảng dạy của các thầy giáo trong trường, nhất là đối với ông hiệu trưởng không lấy gì đáng tin tưởng cho lắm ấy.

Trường thành lập được ba năm thì tôi bắt đầu vào nhập học. Lúc này trường đã có tiếng vang tốt lan về các tỉnh miền Trung, số học trò ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi kéo về đây học tập khá đông. Nhiều thầy giáo ở tỉnh miền ngoài miền trong cũng xin về đây dạy học. Ông Phiệt không phải là người khó tính. Trường tư thục Thuận Hóa được nổi tiếng ở khâu quản lý học sinh tốt và nhiều thầy giáo dạy tốt. Cuối các kỳ thi thành chung, tỉ lệ học sinh thi đỗ ra cao hơn nhiều trường tư thục khác. Bốn năm học ở đây, tôi có nhiều kỷ niệm về thầy giáo và bạn bè, kể cả những kỷ niệm về những chấn động xã hội từ ngoài dội vào.

Từ nhà tôi trọ học, ở thôn Nhì Tây, xã An Cựu, ra đến trường Thuận Hóa phải qua một xóm dân cư đông đúc, vượt cánh đồng An Cựu, đến ngã năm bót cò thì rẽ xuống đường Verdun, nay là đường Bến Nghé. Quãng đường quốc lộ chạy qua cánh đồng này gọi đường ngang, nổi tiếng xan gió: đường lộng gió nồm và đồng thời cũng lộng gió bấc về mùa đông. Hai bên đường trồng toàn cây muối.

Huế là xứ mưa dầm. Những ngày mưa thường lại rơi đúng vào những ngày gió mùa đông bắc. Dạo đó, học sinh chúng tôi đi học vào mùa mưa, thường mang tơi đoọc, một thứ tơi làm bằng đọt cây chằm nón, rất bền và ấm. Vừa đi trong mưa, vừa nhai khoai deo thì thật là tuyệt vời. Tuy nhiên có bữa không mang tơi, giữa đường gặp mưa, tôi thường lợi dụng một trường hợp khá độc đáo: dựa vào xe cụ Thượng. Dạo đó, đang là học sinh năm thứ nhất, tôi rất thích các môn điền kinh, nhất là môn chạy việt dã. Không bằng lòng với việc đi thong thả, nhiều hôm, tôi thích chạy thi với anh phu xe nhà cụ thượng Phạm Quỳnh hàng ngày vẫn chở cô con gái của cụ đến học ở trường Gian - Đa, không xa chỗ trường tôi bao lăm, ngày nắng cũng như ngày mưa. Đó là một nông dân khỏe mạnh (một người lính bảo vệ thì đúng hơn là một người phu xe chuyên nghiệp) rất biết làm chủ trong tư thế kéo xe với cách nâng nhẹ đôi càng gỗ bóng nhoáng của chiếc xe kéo có khung che bằng vải bạt dày với chiếc thùng xe sơn màu đen hào phóng, trong đó chễm chệ cô tiểu thư học sinh mặt hoa da phấn, mặc chiếc áo nhung đen dài. Tất cả đều là màu đen bóng láng và sang trọng. Cô tiểu thư trong đó đâu có hay là đằng sau xe trong nhiều ngày mưa rét, có một cậu học trò trung học vừa muốn thử sức dẻo dai của đôi bắp chân mình, vừa lại muốn nấp mưa đằng sau bóng hồng một cách an toàn và bí mật...

***

Cũng trong năm thứ nhất, một hôm, đi học về tôi nghe cô Sáu, cũng vừa đi phố về, kể một chuyện lạ: không biết vì sao, bên phố rất chộn rộn. Người ta xúm đen xúm đỏ trước mặt nhà hàng bán vải người Ấn Độ. Sau đó, một lát, có phu-Iít đến giải tán. Vốn tính ít ỏi, không thích những việc không liên quan đến mình, cô vội về ngay. Chiều ấy, đến lớp tôi nghe học sinh bàn tán xôn xao, nhất là ở các lớp trên. Có anh kéo bạn bè lại với nhau thành cụm, hăng hái vận động "Không để cho người ngoại quốc làm nhục người An Nam mình! Phải trị thằng chà và ấy mới được". Nhiều anh khác tán thành. Sau đó, họ nói với nhau những gì nữa, không nghe rõ. Tôi biết chuyện đó có liên quan với việc cô Sáu hồi sáng, nhưng nghĩ là không phải chuyện gì to lớn lắm, nên thôi, không để ý đến nữa. Ai ngờ, sự việc đó, hôm sau, thành to ra. Những chuyện này, mấy hôm sau tôi được thằng bạn học cùng lớp ở bên thành nội đi học về, chứng kiến cảnh đó đem ra kể lại.

Không biết người ta vận động nhau bằng cách nào mà sáng hôm đó học sinh nhiều trường bỏ lớp kéo cả sang bên phố Đông Ba, vây quanh nhà hàng vải người Ấn Độ hô to khẩu hiệu: "Tẩy chay Bombay" vang rền cả phố. Quần chúng xung quanh bị kích động. Nhiều người tìm gạch đá ném vào nhà hàng làm vỡ nhiều cửa kính. Cảnh sát kéo đến giải vây không được. Cánh học sinh người lớn lên tiếng bắt chủ hàng phải ra xin lỗi. Cuối cùng, người chủ hàng, sợ quá phải đứng ra xin lỗi thật. Bấy giờ, nỗi giận dữ của quần chúng mới dịu đi. Đám đông dần giải tán. Sự việc nguyên do thế này: Hôm qua, một chị phụ nữ vào tiệm vải Bom-bay mua hàng. Không biết viên chủ hiệu hoặc một nhân viên trong tiệm có ý sàm sỡ thế nào đó làm chị ta đỏ mặt phản đối. Tưởng thế là yên, ai ngờ, chị về nhà kể lại câu chuyện, làm cả nhà nổi giận. Chị có một người em là học sinh trường trung học Hồ Đắc Hàm. Cậu ta đem chuyện đó kể lại với bạn bè trong trường, gây ra một sự phẫn nộ lớn: danh dự người Việt Nam bị xúc phạm, cần phải được giải quyết thích đáng! Và sự việc đã bùng nổ ra như cô Sáu và anh bạn của tôi kể lại. Lần đầu tiên, trong đời tôi được biết thế nào là danh dự của một dân tộc. Những cuộc mít tinh của quần chúng mà chị trợ Luân kể trước đây cũng chỉ mới nằm trong việc "nghe". Bây giờ tôi dù gián tiếp... chứng kiến. Tôi cứ tiếc là sáng ấy không được dịp có mặt trong đám đông. Việc kể lại của anh bạn không làm tôi thỏa mãn. Tuy nhiên, những sự tập dượt như vậy vẫn có hiệu quả nhất định của nó: từ trong tiềm thức của tôi, đã lóe lên một cái gì đó về sức sống của dân tộc, về sức mạnh của đám đông với tất cả mặt tích cực và tiêu cực không tự giác của nó, mặc dầu còn ở dạng mơ hồ, manh nha. Sau việc đó, ông hiệu trưởng Tôn Quang Phiệt cũng bị Sở mật thám triệu tập lên làm rầy rà ít nhiều, vì trong số học sinh đập phá nhà hàng Bom bay hôm đó, không phải là không có những học sinh của trường Thuận Hóa. Ông lờ đi, không giải thích trở lại với học sinh trong trường: Việc đó rồi xem như cho qua.

Nhưng ít lâu sau, đến đám tang của cụ Phan Sào Nam, mới xẩy ra nhiều điều rắc rối khó xử hơn. Mặc dầu đã được nhà trường chú ý nhắc khéo, hôm đưa đám cụ Phan, nhiều học sinh đã tự động bỏ trường đi đưa đám. Có sự việc, không ai nói ra nhưng tự nó có những nhân quả của chính nó một khi nó vỡ ra trong quy luật của cuộc sống, ở đời thường. Ngoài một số thầy giáo có cảm tình với cụ Phan, hình như nhiều học sinh ở các lớp trên, mặc dù biết trong lớp mình có điểm chỉ của Sở mật thám Pháp gài vào, vẫn công khai hoặc bán công khai biểu lộ lòng ngưỡng mộ của mình đối với nhà yêu nước nổi tiếng bị nhà cầm quyền Pháp giam lỏng ở dốc đường Bến Ngự đó. Khi ông mất, tiếng loan truyền nhanh chóng lan đi. Và đến ngày đưa đám, việc biểu lộ thái độ của một số thầy giáo và học sinh đã trở thành công khai không còn che giấu gì nữa.

Hôm đó, các trường lớp trở nên thưa vắng. Nhiều thầy giáo vắng mặt. Ông hiệu trưởng đến sớm ngồi lì trong phòng, không tiếp xúc với nhân viên và học sinh như ngày thường. Có lẽ ông đoán trước sự lôi thôi mà chính quyền thực dân sắp gây ra đối với nhà trường trước một vấn đề bất khả kháng ngoài tầm tay và tấm lòng của ông. Đấy là vấn đề hệ trọng đến chiều sâu tình cảm yêu nước của nhiều thầy giáo và học sinh. Và ngay cả ông nữa. Ông há đã chẳng có nhiều buổi tiếp xúc, gặp gỡ với cụ Phan, mặc dầu đã nhiều lần bị Sở mật thám gọi lên cảnh cáo. Sau khi đi tù về, ông có ý dè dặt giữ gìn hơn để tiện việc mở trường tư thục, nhưng bây giờ việc cụ Phan mất, ít nhất cũng buộc ông phải tỏ rõ một thái độ, chí ít cũng phải có cách biểu lộ nỗi buồn và niềm đau của mình. Ông biết, chỉ cần sự có mặt của ông trong đám tang, bọn mật thám sẽ gây khó khăn cho ông trong những ngày sắp tới. Việc đó sẽ quan hệ rất nhiều đến sự tồn tại hay không tồn tại của nhà trường. Vì thế, ông tránh mặt, không đi dự đám tang. Nhưng ông không ra lệnh cấm học sinh đi dự đám tang, với cả những thầy giáo mà ông biết là đang có tư tưởng "chống đối nhà nước" cần phải chú ý giúp đỡ như trong nhận xét của Sở mật thám Pháp. Không đi dự đám tang được một cách công khai thì ông dự đám tang bằng tưởng tượng, bằng tấm lòng của ông vậy. Không khéo kỳ này bọn Pháp sẽ lại trở mặt một lần nữa nhằm lặp lại sự an ninh cần thiết của chúng.

Hôm đó, hình như cánh học trò có mặt ở các lớp đều hiểu tâm trạng người hiệu trưởng trường học của mình. Một ngày yên tĩnh giả tạo trôi qua. Không hiểu sao, sau đám tang của cụ Phan, bọn Pháp lại không hoạnh họe gì nhiều. Có lẽ, chúng sợ già néo dễ đứt nên cũng bỏ qua chuyện học sinh các trường tư thục đi đưa đám người chí sĩ yêu nước được mang cái tên trìu mến "Ông già Bến Ngự". Sáng hôm sau, đến giờ Hán văn, chúng tôi hồi hộp đợi thầy Phiệt đến. (Ông Phiệt vừa là hiệu trưởng vừa là giáo viên Hán văn của nhiều lớp). Dạo đó chúng tôi đang học năm thứ hai, mỗi tuần có một giờ Hán văn. Thường thường học sinh không thích môn này, mặc dầu môn đó do chính thầy hiệu trưởng dạy. Thầy Phiệt cũng hiền. Ai thích học thì học, không thích thì thôi, không có ý kiến gì. (Có lẽ chính ông, ông thấy việc ông phụ trách môn Hán văn cũng chỉ là điều bất đắc dĩ, vì môn học này đã trở thành xa lạ với lớp học trò tây học phải thồ quá nhiều môn học hiện đại khác. Có điều lạ, là sáng đó, bọn học sinh chúng tôi không có đứa nào bỏ giờ Hán văn cả. (Trước đây, đến giờ này, có đứa lặng lẽ chuồn hoặc đi chơi phố, hoặc về nhà, đến giờ sau mới trở lại lớp). Đến giờ ông Phiệt đến, nét mặt trang nghiêm, buồn bã. Tóc chải rẽ, mặt bầu bĩnh, mặc bộ áo vét-tông màu gio có đính cái băng đen nhỏ ở ve áo, ông chậm rãi từ ngoài bước lên bục, lặng lẽ cầm lấy viên phấn để ở ngách bảng đen lặng lẽ viết bài lên bảng, bằng một thứ chữ nét nắn nót, chân phương và từ tốn. Chúng tôi lặng lẽ chép bài vào vở của mình. Tôi còn nhớ, đó là bài thơ viết về Kinh Kha, rút ra từ tập "Đường thi". Không hiểu sao đến nay tôi vẫn còn thuộc bài thơ buồn đó:

Thử địa biệt Yên Đan,
Tráng sĩ phát xung quan.
Tích thời nhân dĩ một
Kim nhật thủy do hàn
(*)

Lúc này tôi chưa nghe nói đến cái chết của liệt sỹ Phạm Hồng Thái. Nhưng thầy Phiệt thì chắc chắn là đã biết. Phải chăng đó chính là tâm sự u uất của một người chí sĩ còn sống trong khi nghĩ về người đồng chí của mình hy sinh trong một hoàn cảnh tương tự và một đồng chí sĩ khác vừa mới mất? Có gì giống nhau giữa tâm trạng của Kinh Kha khi qua sông Dịch Thủy và tâm trạng của người chiến sĩ cách mạng khi đi trừng trị tên toàn quyền Méc-lanh? Và có gì liên quan với nhau giữa tâm trạng hôm qua của Ông già Bến Ngự bị giam lỏng với tâm trạng người tù chính trị phạm đang bị quản thúc ở vùng chợ Cống ngày hôm ấy? Tất cả những câu hỏi đặt ra ấy, lúc bấy giờ chúng tôi chỉ mang máng cảm thấy mà không thể nào tự trả lời được, trong khi thời gian cứ mỗi phút mỗi đi qua. Cho đến bây giờ thì mọi việc đã rõ ràng: lý lịch người hiệu trưởng đáng kính kia đồng thời là vị Phó Chủ tịch ủy ban thường trực Quốc hội của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được xác minh, không phải bởi chính quyền thực dân đế quốc Pháp mà bởi chính quyền của ta qua tấm gương của một trí thức yêu nước từng nghiêm túc và trong sạch sống trong từng thời điểm éo le và tế nhị của đời mình.

Các thầy dạy ở trường tư thục Thuận Hóa hồi ấy không nhiều nhưng đều có chung một tâm trạng bất mãn với các nhà đương cục, đều có chung lòng yêu nước thương nòi nhưng tự cảm thấy mình bất lực trước những diễn biến xô bồ phức tạp của cuộc sống. Tuy cùng có chung một tâm trạng nhưng thái độ biểu hiện lại rất khác nhau. Có người chán đời, sa vào chuyện đánh bạc cho qua tháng ngày, đến lớp, mệt quá, thường lim dim ngủ gật hoặc cố che giấu nỗi buồn ngủ của mình sau cặp kính cận lấp lánh bằng những phút lặng im lơ đãng; có thầy bộc lộ quan điểm bằng những câu triết lý về đạo đức với tất cả sự mỉa mai, chua chát của một con người mang nặng chủ nghĩa hoài nghi trong những giờ giảng dạy luân lý. Trái lại, có thầy lại sôi nổi nói về những trang sử hào hùng của cha ông qua các giờ lịch sử, hoặc về những vẻ đẹp của non sông đất nước qua các giờ địa lý. Tất cả đều hợp pháp và có mức độ để cho lũ điểm chỉ trong các lớp không có cớ làm khó dễ. Chỉ có một thầy che giấu những tình cảm sôi động về đất nước, về con người của mình dưới một bên ngoài thật lạnh lùng và bằng một phương pháp sư phạm hết sức nghiêm chỉnh làm chúng tôi vừa kính sợ vừa mến yêu. Đó là thầy Nguyễn Đức Nguyên.

Lúc đầu, chúng tôi chỉ biết đó là thầy Nguyên, một cựu chính trị phạm bị tiếp tục theo dõi và kiểm soát như ông hiệu trưởng Tôn Quang Phiệt. Nhưng từ ngày chúng tôi biết thầy Nguyên còn là tác giả cuốn "Thi nhân Việt Nam", thì việc ngưỡng mộ, khâm phục và tự hào của chúng tôi được đẩy lên tột đỉnh. Thầy Nguyên người cao lớn, đầu húi "đờ-mi cua", dáng dấp khỏe mạnh, mùa hè com lê trắng, mùa đông com lê nâu kẻ sọc, đều đặn đến lớp rất đúng giờ.

Tôi học môn Pháp văn và Việt văn với thầy Hoài Thanh suốt trong hai năm đệ tam và đệ tứ. Tôi mê giọng đọc thơ và văn của thầy trong các giờ Pháp văn cũng như Việt văn đến nỗi về nhà cứ bắt chước giọng đọc của thầy, đọc vang lớn một mình trong cái phòng học ấm cúng có cái tủ sách bất hủ của ông Hường và chú Chín, chú Mười.

Còn nhớ, một hôm, thầy gọi trúng tên tôi lên đọc bài. Đó là một đoạn dài trong trường ca "Trừng phạt" của Victo Huy-gô, chương nói về sự thất bại và cuộc rút quân của Napôlêông đệ nhất trên chiến trường nước Nga, sau trận Bôrôđinô nổi tiếng. Tôi đã đọc thuộc lòng bài đó trong một tâm trạng đầy thích thú với những diễn cảm nội tâm khá đậm nét làm cả lớp, với chính thầy Nguyên cũng xúc động. Thầy khen tôi đọc tốt. Tự nhiên, tôi nổi hứng, nói lên một cách bất ngờ: "Thưa thầy, em đã học cách diễn cảm đó của thầy". Thầy gật gù mỉm cười, ghi cho tôi điểm 8 (Thời đó, được điểm 8 trong tiết "đọc thuộc lòng" là một chuyện khá hiếm). Đến giờ giải lao, tôi bị chúng bạn bao vây, khen chê đủ điều. Một nhóm cho tôi nịnh thầy Hoài Thanh, một nhóm bảo vệ tôi, cho là tôi chân thật. Tôi không cãi, để chúng tranh luận với nhau. Đồng thời, tôi cũng không ngờ là mầm mống viết anh hùng ca sau này đã được vươn lên trong tôi từ những giờ dạy văn Victo Huy-gô của thầy Hoài Thanh, người cũng đã hết lời ca ngợi Phạm Huy Thông bài "Tiếng địch sông Ô" trong "Thi nhân Việt Nam" - bài mà tôi đã học thuộc lòng từ những ngày còn ngồi ghế học trò trường tiểu học. Thầy Hoài Thanh còn làm cho tôi mê văn học Pháp qua việc giảng văn các trích vở bi hài kịch của Coócnây, Raxin và Môlie với cách phân tích tâm lý nhân vật rất sâu sắc của thầy. Mùa hè năm 1942, trước khi lên lớp đệ tứ, tôi đã thử viết một kịch thơ về Ngô Phù Sai và Việt Câu Tiễn. Đem ra đọc trong một nhóm nhỏ bạn bè, tôi vừa được khích lệ lại vừa bị chế nhạo. Đến giờ, tôi vẫn còn rõ nội dung cái chương Phạm Lãi rủ Tây Thi bỏ Ngô đi chơi Tây Hồ ấy, chương bị mọi người xem như là một sự báo hiệu cuồng nhiệt của chủ nghĩa văn học lãng mạng phương Tây dưới hình thức "bình cũ, rượu mới". Tiếc rằng bản thảo đó đã bị mất đi trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp qua một cuộc tản cư đầy thử thách gian khổ mà tôi sẽ còn có dịp trở lại về sau này.

X.H.
(TCSH50/07&8-1992)

------------------
(*) Tạm dịch:

Đất nầy, từ biệt thái tử Đan nước Yên
Tóc tráng sĩ dựng đứng lên trong mù
Chuyện đã cũ, người xưa không còn nữa
Mãi đến bây giờ nước vẫn còn thấy lạnh

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Vinh dự lớn lao (18/05/2021)