Góc Hoài niệm
Sở Nghiên Cứu Địa Lý
14:51 | 12/10/2021

HÀ KHÁNH LINH

Còn sống sót sau 30/4/1975 chúng tôi thường tìm đến nhau dẫu có người thân thể không còn nguyên vẹn, hoặc mắc một số bệnh nào đó do di chứng của chất độc hóa học màu da cam Diocine của Mỹ, hoặc bị sốt rét ác tính, hoặc bị tra tấn khi rơi vào tay giặc…

Sở Nghiên Cứu Địa Lý
Ảnh: internet

Anh Hoàng Hiếu (còn gọi là Hoàng Nhân) - nguyên sĩ quan tình báo của đơn vị tình báo anh hùng T.65 Bộ Nội vụ (Bộ Công an) - từ ngục tù Côn Đảo trở về làm Tham mưu Trưởng Công an quận 5 thành phố Hồ Chí Minh - Nhà ở trên đường An Dương Vương. Tôi làm Tạp chí Sông Hương ở Huế thỉnh thoảng lại gặp nhau nói đủ thứ chuyện trên đời. Có lần anh Hiếu hỏi:

- Em còn nhớ những ngày trước trong và sau chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ không?

- Dạ, em nhớ chứ. Trước đó thì nhân dân Huế và Phật giáo Huế biểu tình chống chế độ gia đình trị và đàn áp Phật giáo, còn sau khi Ngô Đình Diệm sụp đổ thì nhân dân Huế đến đập phá nhà Ngô Đình Cẩn, đập phá ngục CHÍN HẦM…

- Em còn nhớ sáng ngày 2 tháng 11 năm 1963, em vừa về đến nhà ở Ưu Điềm, Phong Điền, anh đã dục em phải quay trở lại Huế ngay, mang theo một “món quà” cho người ở Huế…

- Dạ, em nhớ chứ. Đó là lý do mà về sau thầy mẹ em “khó chịu” với anh…

- Giá như các cụ biết được em đã giúp anh một việc lớn! Nói chính xác là góp phần giải cứu kịp thời một số cán bộ nòng cốt của ta bị giam ở ngục CHÍN HẦM.

- Dạ, em cũng có một thầy giáo bị Ngô Đình Cẩn giam vào ngục đó. Suốt ngày đêm phải đứng ngâm chân trong nước hôi thối bẩn thỉu; phải neo mình lên vách hầm để nằm… Nhìn qua khe cửa hầm thấy có mấy viên gạch, táp-lô, thầy năn nỉ tên coi tù bỏ vô cửa cho thầy một viên. Hắn ra giá một viên gạch tương đương với năm chỉ vàng! Thầy giáo em đã phải xin hắn giấy bút để viết thư gởi gia đình trao tiền với vàng cho hắn!... Cũng ngay hôm anh giục em quay lại Huế, làm xong công việc anh giao, em theo bạn bè lên nhà Ngô Đình Cẩn. Dinh thự, vườn hoa cây cảnh đã đang bị đập phá gần hết. Trên đường đi em còn gặp các anh chị chặt bẻ những nhánh cam, nhánh quýt đầy cả bông và trái vác lên vai đi nghênh ngang trên đường phố Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, cầu Trường Tiền… Tại dinh Ngô Đình Cẩn em đứng coi những bạn trẻ vẫn tiếp tục đập phá nhiều thứ còn sót lại… Một số vị cao tuổi có mặt ở đó thấy vậy nén tiếng thở dài và nói:

- Các cháu có biết không, tất cả những của cải ấy là xương máu của nhân dân đó!...

Khi nghe chút ký ức của tôi về ngày ấy, anh Hoàng Hiếu nói:

- Nếu chỉ một mình Ngô Đình Cẩn thì không thể tạo ra nhiều tội ác như thế, mà có sự hợp tác đắc lực của Phan Quang Đông, dẫu đó không phải là trách nhiệm của Phan Quang Đông. Phan Quang Đông đến Huế để thực thi một nhiệm vụ tối mật và cực kỳ quan trọng của chính quyền trung ương Ngô Đình Diệm - mà không phải ai cũng biết được!

… Phan Quang Đông tên thật là Phan Quang Tùng, sinh năm 1929 tại Lệ Đinh - Hương Sơn - Hà Tĩnh. Tuổi thiếu niên đã vào Huế học trường Trung học Pellerin của Dòng Lasan. Năm 1951 dạy Việt văn tại Trung học Thiên Khải Đường thành phố Vinh - Nghệ An. Tham gia hoạt động chìm trong ngành Công an của Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Năm 1953 Phan Quang Đông vi phạm kỷ luật ngành. Chưa kịp kiểm điểm thì y đã lôi kéo một số tên cùng hội cùng thuyền và bà con thân cận của y bỏ trốn. Đó là Phan Quang Điều, Phan Văn Chính, Phan Bình Phúc, Phan Văn Luận, Phan Hồng Xuân (tức Phạm Nho) do Phan Quang Đông dẫn đường vượt biên qua Lào để vào Sài Gòn. Vượt biên lần thứ nhất thất bại, lần thứ hai gặp một toán quân Pháp xâm lược đang chốt ở biên giới Lào Việt. Quân Pháp bắt gọn cả nhóm đưa về đồn Nape, rồi chuyển về Savanakhet để đưa về thủ đô Vientaine cho Deuxième Bureau (phòng Nhì) tra hỏi. Sau mấy ngày, cả nhóm đều được trả tự do, chỉ riêng một người được Deuxième Bureau đặc biệt coi trọng nên muốn giữ lại, đó là Phan Quang Đông. Người Pháp muốn đào tạo Phan Quang trở thành người của họ. Sau hiệp định Genève 1954 Pháp rút về nước. Phan Quang Đông theo học trù bị trường sĩ quan Thủ Đức. Lúc bấy giờ bác sĩ Trần Kim Tuyến đang giữ chức Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị phủ Tổng thống Sài Gòn - phát hiện người bạn học cũ của mình là anh chàng Phan Quang Đông vốn đẹp trai, học giỏi, tài hoa rạng ngời - đang ở Học viện Quân sự Thủ Đức, nên vội tìm đến gặp, bàn bạc, đưa ra nước ngoài đào tạo nghiệp vụ tình báo. Thời gian đào tạo yêu cầu cũng phải gấp rút để tương hợp với thời gian đào tạo ở học viện Thủ Đức. Vậy nên khi Phan Quang Đông từ nước ngoài trở về cũng được đồng hóa với quân hàm Chuẩn úy, Thiếu úy, rồi Trung úy… tốt nghiệp từ Học viện Quân sự Thủ Đức.

Năm 1957 Trần Kim Tuyến bổ nhiệm Phan Quang Đông làm Giám đốc một cơ quan tình báo tối mật và rất đỗi quan trọng của Phủ Tổng thống Sài Gòn đặt tại Huế với tên gọi là SỞ NGHIÊN CỨU ĐỊA LÝ - tại số 9 đường Lê Lợi - Huế - Trụ sở đối diện với tư dinh của Tỉnh Trưởng Thừa Thiên (- Nhà công vụ cho Tỉnh Trưởng và gia đình ở) - gần với Tỉnh Đường. Nhiệm vụ của cơ quan tình báo tối mật này: Một là thiết lập một Đài kiểm thính đặt tại Huế để kiểm soát tất cả mọi cuộc điện đàm và tất cả công điện mật của các cán bộ cao cấp Quân - Dân - Chính - Đảng Cộng Sản Việt Nam tại miền Bắc. Hai là Kiểm thính để kịp thời ngăn chặn tất cả các loại điện đàm, điện tín mật và tối mật của các cơ quan tình báo Quân - Dân - Chính - Đảng Cộng sản miền Bắc gởi vào cho Cục R và các điệp viên đang hoạt động tại miền Nam. Đến năm 1960 thêm một nhiệm vụ nữa là theo dõi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ba là phát hiện mọi điều động và di chuyển của các đơn vị quân đội, công an từ miền Bắc vào miền Nam bằng đường Trường Sơn và đường biển. Đặc biệt là nắm bắt đầy đủ các loại vũ khí cùng di chuyển với họ. Bốn là Đài kiểm thính này đặt tại Phú Bài. Đài có hai mươi kỹ sư và kỹ thuật viên điều hành dưới sự chỉ huy trực tiếp của Giám đốc SỞ NGHIÊN CỨU ĐỊA LÝ “Trung úy” Phan Quang Đông. Năm là phái các điệp viên ra miền Bắc để hoạt động. Nhiệm vụ cụ thể là:

+ Nắm tin tình báo chiến lược cả quân sự và dân sự của chính quyền cộng sản miền Bắc Việt Nam.

+ Cài đặt một số điện đài lưu động tại Hà Nội và những vị trí trọng yếu trên toàn miền Bắc.

+ Các điệp viên chuyển tin về Bộ chỉ huy SỞ NGHIÊN CỨU ĐỊA LÝ đặt tại số 9 - Lê Lợi - thành phố Huế vào giờ khuya.

+ Tổ chức các phong trào quần chúng nổi dậy tại miền Bắc nhằm lật đổ chế độ Cộng sản Bắc Việt. (Vụ việc đồng bào huyện Quỳnh Lưu Nghệ An nổi dậy chống phá năm 1957 là một ví dụ điển hình cụ thể công tác của SỞ NGHIÊN CỨU ĐỊA LÝ do Phan Quang Đông trực tiếp chỉ đạo).

+ SỞ NGHIÊN CỨU ĐỊA LÝ phải báo cáo thường xuyên kịp thời mọi động tĩnh về chính sách, chủ trương, đường lối của Cộng sản Hà Nội cho Sở Nghiên Cứu Chính Trị phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa để trình lên Cố vấn Ngô Đình Nhu.

Vậy nên sau cuộc lật đổ Ngô Đình Diệm do các tướng lĩnh quân đội Sài Gòn là Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh… họ thành lập Tòa án cách mạng ra lệnh bắt Phan Quang Đông, thì Phan Quang Đông phản ứng ngay rằng: Cơ quan tình báo của Phan Quang Đông không hề và không có trách nhiệm gì về việc đàn áp quần chúng nhân dân Huế, đàn áp Phật giáo Huế, cũng như biến cố tàn sát phật tử đêm mồng 8 tháng 5 năm 1963 (lễ Phật đản) tại Đài Phát thanh Huế 19 Lê Lợi v.v… Về lý thì đúng là như vậy. Tuy chỉ bắt đầu bằng quân hàm Chuẩn úy Thiếu úy… để tương hợp với sĩ quan Thủ Đức. Đến thời điểm 1/11/1963 cũng chỉ mới được thăng lên quân hàm Trung úy chưa lâu, nhưng với vai trò và trách nhiệm Giám đốc một cơ quan tình báo lớn hàng đầu, số một của Chính quyền Sài Gòn thì lương và bổng của Phan Quang Đông đã khủng lắm rồi. Chưa kể rằng khi mới nhậm chức Giám đốc SỞ NGHIÊN CỨU ĐỊA LÝ chưa được mấy ngày Phan Quang Đông đã cho triển khai mạnh mẽ vai trò của mình trong đó có việc tổ chức cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân Quỳnh Lưu - Nghệ An 1957. Sự kiện này được phủ Tổng thống Sài Gòn đánh giá rất cao và ban thưởng lớn. Thế nhưng lòng tham của con người là vô đáy! Biết được một số cán bộ cách mạng nằm vùng, đặc biệt là những người đang ở trong chế độ Sài Gòn nhưng lại ngầm ủng hộ đường lối cứu nước của Đảng và Nhà nước miền Bắc xã hội chủ nghĩa - họ là những người giàu có và nổi tiếng, những đại thương gia, những trí thức lớn… nên Phan Quang Đông muốn làm tiền bằng cách hợp tác với Ngô Đình Cẩn, tìm cách gán trọng tội cho những nhân vật này để bắt đi tù với những thủ đoạn tra tấn dã man rồi vòi tiền của họ. Tù chính trị lúc bấy giờ gồm có hai thành phần chính: Một là cán bộ cách mạng Việt Minh cộng sản và những người liên quan; Hai là những công chức của chế độ Sài Gòn, nhưng bất phục chế độ, thậm chí phản đối kịch liệt chế độ gia đình trị họ Ngô và sự tàn ác khi đàn áp Phật giáo, với những đại thương gia, trí thức lớn ngấm ngầm ủng hộ những phần tử này như đã nói trên. Con số này rất lớn, nhưng tại các tỉnh miền Trung lúc bấy giờ có thể dẫn vài trường hợp tiêu biểu: Chẳng hạn như ông Võ Văn Triêm - Chủ sự Nha Tài chính Trung phần - nắm bắt rất rõ việc Ngô Đình Cẩn lợi dụng quyền lực, y đã dùng mọi thủ đoạn ranh ma nhất để lấy tiền của Nhà nước về làm của riêng, nên ông Triêm đã dùng nghiệp vụ kinh tế tài chính của mình đặt ra những thể lệ nhằm khống chế Ngô Đình Cẩn. Ngô Đình Cẩn đã triệt hạ ông bằng cách phối hợp với Phan Quang Đông lập hồ sơ giả gán cho ông trọng tội làm gián điệp cho thực dân Pháp trước đây, còn bây giờ thì chống đối Ngô Đình Cẩn do sự xúi dục của Việt Cộng nằm vùng… Hoặc trường hợp các ông Nguyễn Trường Nguyên, Bùi Đăng Ngại - Nhân viên Tòa Thị Chính Đà Nẵng; ông Trần Nguyên Cáo - cảnh sát Quảng Ngãi, ông Võ Côn - Chánh văn phòng Tỉnh đường Bình Định, bác sĩ Lê Khắc Quyến - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế… Khi bị chúng bắt và gán cho những trọng tội nói trên và bị giam lần lượt ở các nhà tù như: Lao xá ty công an Thừa Thiên, nhà lao Thừa phủ, lầu Hòa Bình, nhà giam Sở vôi Long Thọ, trại Mang Cá nhỏ… Bọn chúng thường dùng những cực hình tra tấn dã man tàn bạo đối với người tù, nhưng nếu không đạt được hiệu quả mong muốn từ lời khai của người bị tra tấn, thì chúng thường phát ra một câu hăm dọa:

- Đưa vô CHÍN HẦM! Cho chúng bay vô ở CHÍN HẦM!...

CHÍN HẦM - nguyên là kho vũ khí của thực dân Pháp. Năm 1941 bọn Pháp chọn một quả đồi ở phía Nam kinh thành Huế rồi cho công binh đào bới và xây dựng thành tám cái hầm nửa chìm nửa nổi, thiết kế bê tông cốt thép - để cất giấu vũ khí, với một cái nhà dành cho lính gác - cũng bê tông cốt thép, nhưng thoáng hơn. Người dân Huế thường gọi khu vực ấy là CHÍN HẦM kể từ ngày nó hình thành, và cũng từ đó thường dân không mấy khi dám đi qua khu vực này. Đến đêm 9 tháng 3 năm 1945 Nhật Pháp đánh nhau. Nhật thắng Pháp, giành quyền cai trị Đông Dương, cai trị Việt Nam - quân Nhật tước đoạt nhiều thứ của quân Pháp, trong số đó có kho vũ khí CHÍN HẦM. Quân Nhật lấy gần hết sạch kho vũ khí này, chỉ chừa lại những quả bom đã bắt đầu han rỉ.

Với tiêu chí Nhật Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta - Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao Động Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân làm nên cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945. Lực lượng An ninh Tự vệ của chính quyền non trẻ đã tìm đến kho vũ khí CHÍN HẦM thì chỉ còn lại những quả bom Ba-càng đã hoen rỉ. Thế nhưng những người thợ quân khí đầu tiên của binh chủng Công binh non trẻ của ta - quê gốc làng Hiền Lương - Phong Điền - Thừa Thiên Huế đã đưa chúng về, mở chúng ra, lấy các thiết bị của chúng để chế tác thành các loại tạc đạn - kịp đánh trả bọn thực dân Pháp khi chúng quay trở lại tấn công Thừa Thiên Huế đầu năm 1947.

Năm 1956, cố vấn Ngô Đình Cẩn độc ác nhất của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm đã lấy CHÍN HẦM làm nơi biệt giam những tù chính trị đặc biệt, đã cải tạo đôi chút. Như ngăn những vách chắn tạo thành những ô chữ nhật chật chội để giam riêng từng người một; khoét lỗ thông hơi - cũng là lỗ để thả cơm nước vô cho người tù. Ban ngày có chút ánh sáng mờ nhạt lọt qua những lỗ này, ban đêm tối đen như mực với rất nhiều sâu bọ, rắn rết, muỗi, chuột… Khi trời mưa thì nước mưa theo những lỗ nhỏ này chảy vào, ứ đọng quanh năm suốt tháng - cùng với chất phế thải của người tù - làm cho hôi thối ngột ngạt suốt ngày đêm!... Những lúc cửa hầm mở là lúc chúng đưa người tù ra bên ngoài để tra tấn. Với những trận đòn dã man kịch liệt thì những người tù này phải tìm cách nhắn với người thân đem tiền nhét vô két sắt nhà Ngô Đình Cẩn, két nhà Phan Quang Đông - để chỉ mong được sống. Tuy vậy sau đó, không có mấy người trong số họ được sống sót (!) dẫu rằng họ đã mất rất nhiều ngân lượng cho bọn chúng.

Còn với thành phần tù chính trị là Việt Minh Cộng Sản thứ thiệt, thì chiêu thuật đầu tiên của bọn chúng là khuyến dụ, mời mọc, dỗ dành hãy rời bỏ Việt Minh Cộng Sản để quay về với chính nghĩa Quốc Gia, sẽ được trọng dụng đúng mức… Khi thấy khuyến dụ, dỗ dành, mời mọc mãi không được - thì chuyển sang thúc ép và cưỡng bức… Mãi vẫn không được thì những cuộc tra tấn dã man dồn dập - làm cho không mấy ai còn sống sót! Tuy nhiên với bề dày kinh nghiệm và được đào tạo bài bản, Phan Quang Đông đã bảo Ngô Đình Cẩn hãy tương nhượng, hãy nhẹ tay với những tù chính trị sáng giá - để làm mồi nhử, hoặc làm đối tượng hoán đổi khi có thời cơ…

Trở lại vấn đề sau cuộc đảo chính 1/11/1963 lật đổ Ngô Đình Diệm, thì ngày 3/11/1963 trung tướng Nguyễn Khánh đang trấn giữ dinh Độc lập - ra lệnh cho trung tướng Đỗ Cao Trí - Tư lệnh trưởng Vùng I Chiến thuật (từ vĩ tuyến 17 đến Quảng Ngãi) hãy bắt Phan Quang Đông. Đỗ Cao Trí cho quân đến Sở Nghiên Cứu Địa Lý vây bắt Phan Quang Đông.

Phan Quang Đông khẩn khoản yêu cầu:

- Xin quý vị vui lòng cho tôi gặp trung tướng Đỗ Cao Trí, vì cơ quan chúng tôi có một số công việc rất quan trọng, tôi phải bàn giao cho trung tướng Tư lệnh trưởng trước khi nộp mình cho các ông!...

Viên sĩ quan dẫn đầu cuộc vây bắt đồng ý, trở về báo cáo với Đỗ Cao Trí. Liền sau đó có một cuộc gặp tại phòng làm việc của Phan Quang Đông trong SỞ NGHIÊN CỨU ĐỊA LÝ. Phan Quang Đông nói:

- Tôi là Giám đốc SỞ NGHIÊN CỨU ĐỊA LÝ kiêm Giám đốc Đài Kiểm thính miền Bắc. Cơ quan chúng tôi trực thuộc Sở Nghiên cứu Chính trị phủ Tổng thống. Công việc của chúng tôi là những điệp vụ ở miền Bắc, hoàn toàn không liên hệ nội tình chính trị miền Nam. Hiện chúng tôi có một số điệp viên đang hoạt động ngoài Bắc. Hôm qua - 2/11/1963 tôi đã cho điện báo để họ biết tình hình miền Nam và lệnh cho họ hãy rút về Nam theo đường đi qua Lào. Thiêu hủy hoặc cất giấu toàn bộ tài liệu mật và tối mật - liên quan đến các điệp viên và các cộng sự - để tránh nguy hại cho nhiều người về sau… Trước khi nộp mình cho trung tướng tôi xin được bàn giao những hồ sơ tài liệu quan trọng tối mật của quốc gia, cùng các loại máy móc thiết bị, các phương tiện truyền tin, liên lạc, cùng với những mật mã… Tôi cũng khẩn thiết đề nghị trung tướng giúp đỡ anh em điệp viên từ miền Bắc trở về… Điều quan trọng cần nói sau cùng là tại CHÍN HẦM cơ quan Tình báo chúng tôi đang giam giữ một số cán bộ cao cấp của Việt Cộng. Sắp tới dẫu tình thế phát triển như thế nào, cũng xin thiếu tướng lưu ý cho để khỏi “sổng” mất những tên Việt Cộng cao cấp này!... Đặc biệt trong số đó có tên Mười Hương. Đây là một điệp viên quan trọng mà cơ quan tình báo chúng tôi cần dự phòng… nhiều phương án. Dẫu rằng hắn không khai thật tên tuổi, chức vụ, nghề nghiệp… Trong bản cung khai của tên Mười Hương này hắn khai tên là Trần Ngọc Trí, tên thường gọi là anh Hai…

Nói với Tư lệnh Vùng I Chiến thuật đến đây trong Phan Quang Đông hiện rõ mồn một điệp viên Mười Hương đầy bản lĩnh, đầy tài năng và nhiều bí mật chưa được điều tra hết… dẫu về phía An ninh Tình báo của chính quyền Sài Gòn nhiều khi cũng phải giả ngu, giả dốt - để cho đối phương thỏa mãn trổ hết những chiêu thuật của mình - và Mười Hương là một dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu. Ừ thì anh khai anh là anh Hai Trần Ngọc Trí - chúng tôi ghi nhận - khi bắt anh tại Sài Gòn năm 1958. Chức vụ cụ thể anh không khai, chỉ nói chung anh là cán bộ Giải Phóng - vận động quần chúng nhân dân đứng lên phá bỏ kềm kẹp, lật đổ chế độ Việt Nam Cộng hòa đang làm tay sai cho đế quốc Mỹ xâm lược… Tra tấn mấy ngày tại Sài Gòn không khai thác được chút gì, bất lực nên phải đưa anh Hai Trần Ngọc Trí ra Huế giao cho Ngô Đình Cẩn, Phan Quang Đông. Tại Huế ngay từ bước đầu Phan Quang Đông đã bàn kỹ với Ngô Đình Cẩn rằng với một đối thủ như Mười Hương thì phải có kế sách đặc biệt. Cũng gọi mời, khuyến dụ, thuyết phục rời khỏi hàng ngũ Cộng Sản, về với Quốc Gia sẽ được trọng dụng… Nhưng mấy lần đều bị anh Hai Trần Ngọc Trí nhã nhặn khước từ. Phan Quang Đông càng lịch thiệp nhã nhặn bao nhiêu - thì Mười Hương Trần Ngọc Trí cũng lịch thiệp nhã nhặn bấy nhiêu!

Thấy rằng đòn vọt đối với Mười Hương chắc không có tác dụng, nên Phan Quang Đông đã bàn với Ngô Đình Cẩn mời cố vấn Ngô Đình Nhu ra Huế để gặp Mười Hương.

Phan Quang Đông đã trình sơ yếu lý lịch của đối tượng để cố vấn Ngô Đình Nhu tham khảo trước khi cuộc gặp gỡ tay ba diễn ra. Anh Hai Trần Ngọc Trí tên khai sinh là Trần Ngọc Ban sinh ngày 20/12/1924 quê làng Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Thành phần gia đình là tư sản, địa chủ. Tham gia phong trào Thanh niên Dân Chủ khi mới 14 tuổi. Vào Trung học phổ thông học trường Dòng phố Nhà Chung - Hà Nội, tham gia phong trào Hướng đạo, tham gia Hội truyền bá quốc ngữ. Năm 1942 bị thực dân Pháp bắt giam nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội. 1943 ra tù, vào Đảng Cộng Sản Đông Dương. Năm 1949 công tác ở Cục Tình báo quân sự Bộ Tổng Tham mưu. Năm 1950 làm ở Phòng điệp báo Nha Công an, rồi phó Giám đốc Nha Tình báo chiến lược Trung ương… Năm 1954 vào Nam bộ với tên gọi là Trần Quốc Hương - tức Mười Hương…

Cuộc gặp tay ba gồm: Cố vấn Ngô Đình Nhu, Giám đốc cơ quan tình báo trực thuộc phủ Tổng thống Sài Gòn Phan Quang Đông, với Mười Hương - dưới tên gọi anh Hai Trần Ngọc Trí. Anh Hai nêu rõ lý do anh theo lý tưởng Cộng Sản là vì Cộng Sản nhân văn. Trong quá trình hình thành và phát triển để hoàn thiện chắc chắn có lúc sai lầm vì cực đoan… nhưng vấn đề là ở chỗ kịp thời nhận ra để điều chỉnh. Ví dụ như chiến dịch cải cách ruộng đất với khẩu hiệu “Người cày có ruộng” là rất đúng! Nhưng khi triển khai lại có sai sót… Bản thân tôi con nhà địa chủ tư sản, ruộng đất nhà tôi có nhiều như thế để làm gì? Đem giao cho nông dân chẳng phải quá đúng hay sao?

Khi nhận xét về thể chế chính trị Việt Nam Cộng hòa anh Hai nói:

- Ông Ngô Đình Diệm chẳng được độc lập chút nào hết! Đến một lúc nào đó nếu không nghe theo Mỹ sẽ bị Mỹ loại trừ thôi! Chỉ riêng cái việc ông Diệm vay tiền Mỹ để xây đập Thủy điện Đa Nhim nhưng bị Mỹ khước từ, về sau khi các ông xin tiền Mỹ cũng để xây đập Thủy điện Đa Nhim và triển khai một số dự án khác, họ liền cho, cho một cách hào phóng! Vì sao? Vì người Mỹ muốn dùng tiền để thâu tóm quyền lực dần về tay họ! Khi các ông mất dần tính chủ động, nhất là chủ động về kinh tế thì rất nguy! Bởi vì viện trợ chẳng khác nào một cái dây thòng lọng. Một khi các ông không nghe họ, các ông chống lại họ, họ sẽ thắt nút dây lại, thì các ông sẽ nghẹt thở!...

Khi biên bản cuộc đối thoại này trình lên ông Ngô Đình Diệm, ông Ngô Đình Diệm đã nói:

- Anh Hai này là Cộng Sản ngoan cố, nhưng những gì anh ta nói - chúng ta cũng cần phải suy nghĩ…

Sau cuộc gặp đó anh Hai vẫn tiếp tục bị giam tại CHÍN HẦM, cũng với chế độ không quá khắc nghiệt… để tiếp tục theo dõi, nắm bắt…

… Nhưng tất cả những điều đó lúc này Phan Quang Đông không thể nói hết với tướng Đỗ Cao Trí được! Và hình như tướng Tư lệnh cũng không muốn nghe Phan Quang Đông nói nhiều…

Ngay sau đó Phan Quang Đông bị tống giam chờ ngày ra “Tòa án cách mạng” trong chiến dịch truy lùng mật vụ Diệm Nhu Cẩn ác ôn!

Thứ bảy ngày 28/3/1964 lúc 15 giờ, vợ Phan Quang Đông nhận được bức thư tuyệt mệnh dài hai mươi mốt trang của chồng.

12 giờ 45 ngày 9/5/1964, Phan Quang Đông bị trói vào cây cột đứng tại sân vận động Tự Do - Huế. Tràng đạn mười một viên quét qua thân thể và một viên ân huệ vào đầu - của “Tòa án cách mạng” đứng đầu là ông Nguyễn Khánh thủ tướng chính quyền Sài Gòn.

Trước khi chết Phan Quang Đông đã nhận được tin báo là ngục CHÍN HẦM đã bị phá. Những tù Việt Minh Cộng Sản cộm cán cũng đã thoát ra bằng nhiều cách, trong đó có cách cạo trọc đầu, mặc áo cà sa - trộn lẫn với đám thầy tu Phật giáo đang bị giam giữ nơi đây…

Huế 8/2021
H.K.L
(SHSDB42/09-2021)



 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Mạ Bảy (07/10/2021)
Mộ cây đàn (01/09/2021)
Phù sa đen (26/08/2021)