Góc Hoài niệm
Hội đồng cứu tế nạn dân Bắc Kỳ tại Huế, nghĩa tình đồng bào trong cơn hoạn nạn
16:15 | 12/11/2021


ĐỖ BỒ GIANG

Hội đồng cứu tế nạn dân Bắc Kỳ tại Huế, nghĩa tình đồng bào trong cơn hoạn nạn
Sông Hồng trong mùa lũ

1. Lời dẫn

Nằm ở vành đai khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam là một trong những quốc gia thường xuyên hứng chịu các đợt bão lũ. Vẫn chưa có một thống kê đầy đủ những thiệt hại về người và tài sản mà người dân Việt Nam đã phải gồng gánh trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trước thế kỷ thứ XIX, có thể nói, những dòng ghi chép khá vắn tắt từ các bộ thư tịch là cơ sở dữ liệu duy nhất mà chúng ta có thể cảm nhận được về sự khốc liệt của thiên nhiên. Từ nửa cuối thế kỷ XIX và đặc biệt thế kỷ XX trở đi, với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình báo chí, nhiếp ảnh…, những hình ảnh đau thương của đồng bào trong các đợt lụt bão phần nào được phản ánh một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất. Trong số các cơn đại hồng thủy đã từng diễn ra, có lẽ phải nhắc đến cơn lũ lịch sử vào năm 1937 tại Bắc Kỳ. Bài viết này, không xuất phát từ ý niệm gợi lại những hồi ức “đau buồn”; chúng tôi chỉ muốn đề cập đến một cuộc vận động Cứu tế lớn nhất ở Trung Kỳ lúc bấy giờ, để thấy được tấm lòng của những người dân đất Việt.

2. Tình đồng bào trong cơn hoạn nạn

2.1. Hướng về miền Bắc ruột thịt


Vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm Đinh Sửu (1937), các tỉnh miền Bắc nước ta đón nhận những đợt mưa lớn dồn dập. Không có bất kỳ lời cảnh báo lũ nào được thông báo đến người dân. Vài ngày sau, nước từ các con sông nhanh chóng phủ kín khắp đồng bằng, làng mạc chìm trong biển nước, hơn 40 vạn dân vùng hạ du lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Thông tin về tình hình lũ lụt ở các tỉnh miền Bắc xuất hiện đều khắp trên các tờ báo trong cả nước. Ở Hà Nội báo chí liên tục giật tít (title): Khẩn cấp.

Tại Huế, báo Tràng An là một trong những tờ báo phát đi thông tin đầu tiên về cơn đại hồng thủy ở Bắc Kỳ. Sau đó, tờ báo này tiếp tục đăng tải các tin, bài về thảm cảnh khốn khổ của người dân miền Bắc, đồng thời kêu gọi cuộc vận động lạc quyên ủng hộ người dân. Vào ngày 17 tháng 9 năm 1937, Tràng An báo đăng tin “Cứu tế! Cứu tế! Nạn dân Bắc Kỳ còn cần đến mãi mãi”, đây là lời kêu gọi thống thiết đến từ ông Hoàng Văn Khải (Dân biểu Thanh Hóa) và Phan Thanh (Dân biểu Quảng Nam). Trong bức thư “kính đạt” đề ngày 9 tháng 9 năm 1937, hai Dân biểu cho biết “nhờ một trường hợp riêng anh em chúng tôi gặp nhau ở miền Bắc, được thấy những cái thảm trạng các trận mưa lụt đê vỡ đã gây nên ở mấy tỉnh hạ du xứ Bắc Kỳ. Vì vậy, chúng tôi xin có lời trân trọng cùng các ngài đồng viện, cùng toàn thể anh em quốc dân ở Trung Kỳ, để yêu cầu các ngài, cùng anh em góp sức vào công cuộc cứu tế chung”(1).

Tiếp sau lời kêu gọi của ông Hoàng Văn Khải, Phan Thanh; kỹ nghệ gia Bùi Huy Tín (1875 - 1963) nhân danh là Hội trưởng hội Bắc Kỳ châu phả (Bắc Kỳ Tập thiện phả) tại Huế (Hội đồng hương của những người quê quán ở Bắc Kỳ, sinh sống và làm việc tại Huế), đồng thời là chủ nhiệm báo Tràng An (ông cũng là người sáng lập nhà in Đắc Lập(2)), đăng bài “Mấy lời kính cáo khẩn cấp cuộc lạc quyên giúp đồng bào bị vỡ đê ở Bắc Kỳ”. Theo tường thuật của ông Chủ nhiệm báo Tràng An, hơn 40 vạn dân các tỉnh miền Bắc hiện nay đương quằn quại trong cảnh đói rét đau khổ, làn nước bạc đã cuốn hết nhà cửa, thóc lúa, súc vật và hoa màu. Bây giờ đây, có lắm người không đủ mảnh vải che thân, không đủ miếng cơm lót dạ(3).

Để có thể san sẻ nỗi đau mất mát của đồng bào trong cơn “thủy tai”, báo Tràng An và hội Bắc Kỳ Tập thiện phả đã thống nhất mở cuộc vận động lạc quyên để lấy tiền giúp đồng bào. Đích thân ông sẽ đứng ra tiếp nhận tất cả sự hỗ trợ đến từ các “Mạnh Thường quân”, “các ngài ở Huế xin đem tiền đến tòa báo của chúng tôi. Bản báo chủ nhiệm nhận tiền sẽ xuất biên lai. Còn các ngài ở các tỉnh xin gửi ngân phiếu nhà bưu điện hoặc ngân phiếu nhà ngân hàng gởi về cho bản báo chủ nhiệm thâu nhận”(4).

Báo Tràng An, số 256, ra ngày 17 tháng 9 năm 1937


Không dừng lại ở đó, trên trang đầu số 258, ra ngày 24 tháng 9 năm 1937, báo Tràng An cho đăng bài của tác giả “Phạm Giao”: “Một vấn đề cần gấp làm đê mới cho xứ Bắc Kỳ”. Đi từ tình trạng xuống cấp của hệ thống đê ở miền Bắc, biện giải về vấn nạn lũ lụt, đê vỡ hàng năm; tác giả yêu cầu Chính phủ Bảo hộ Pháp tại Đông Dương phải gấp rút nghiên cứu và “Chính phủ Bảo hộ cần phải hy sinh một số tiền lớn để đắp lại đê”, bởi trên thực tế kinh phí xây dựng đê không quá nhiều so với chi phí xây dựng “con đường hỏa xa [xe lửa] xuyên Đông Dương”(5). Cũng tại số báo này, Tràng An báo tiếp tục làm lay động hàng nghìn trái tim người dân Trung Kỳ thông qua bài viết “Mấy mươi vạn đồng bào ngoài Bắc đương ngắc ngoải thoi thóp”, kèm lời kêu gọi “trước quang cảnh não nùng thê thảm ấy, dân Trung Kỳ chúng ta lẽ nào đành đoạn làm ngơ”. Bằng một cách nào đó, các hội phước thiện hãy tổ chức những cuộc chơi hội hè để lấy tiền cứu tế, lẽ nào “người trong một nước” lại không “thương nhau cùng”.

Trước tình hình khốn khó của người dân ở miền Bắc, các cá nhân, tổ chức ở Huế liên tiếp đứng lên vận động thành lập một tổ chức để nhanh chóng giúp đỡ các nạn dân. Vào ngày 17 tháng 9 năm 1937, ông Lê Thanh Cảnh và Nguyễn Quốc Túy với tư cách là Dân biểu đồng ký tên vào bản kiến nghị “trình” lên Thượng thư bộ Kinh tế Xã hội “xin quan lớn cùng liệt vị thương đồng với quý Khâm sứ trích bớt một số tiền ở quỹ cứu tế gởi gấp cho quan Thống sứ Bắc Kỳ nhờ ngài phân phát lại cho nạn dân, để tỏ tình thương thân tương trợ như mấy kỳ tai nạn trước(6), đồng thời tổ chức Hội đồng Cứu tế riêng.

Sau lần vận động của ông Bùi Huy Tín mà chúng tôi đã nói ở trên, đích thân ông Hội trưởng hội Bắc Kỳ Châu phả đã có đơn đề đạt lên Khâm sứ Trung Kỳ cho phép tổ chức một hội đồng cứu tế. Đến ngày 25 tháng 9 năm 1937, sau khi “hiệp đồng chính phủ Nam triều”, Khâm sứ Trung Kỳ đã có thư hồi âm đến Bùi Huy Tín “sẽ ra Nghị định lập ban cứu tế trung ương ngay và ngài lại xin tất cả các thân hào, cùng các hội ái hữu sẽ vì nghĩa mà giúp việc cứu tế(7).

2.2. Thành lập “Hội đồng Trung ương Cứu tế Nạn dân Bắc Kỳ” tại Huế

Sau một thời gian ngắn vận động và thỉnh cầu nguyện vọng, đến đầu tháng 10 năm 1937, Hội đồng Trung ương Cứu tế Nạn dân Bắc Kỳ (từ đây xin viết tắt: HĐTWCTNDBK) chính thức được thành lập tại Huế. Tràng An báo, số 264 ra ngày 15 tháng 10 năm 1937, cho biết “Hội đồng Trung ương cứu tế nạn dân Bắc Kỳ mới thành lập ở Huế gồm có các quan chức, thân hào Pháp Nam”.

Về cơ cấu tổ chức, hội thống nhất suy cử Thượng thư Hồ Đắc Khải (Bộ trưởng bộ Tài chính) giữ chức Chánh Chủ tịch.

- Phó Chủ tịch gồm có: Pastau (Giám đốc Hành chính), Thượng thư Phạm Quỳnh (Bộ trưởng bộ Giáo dục), Thượng thư Bùi Bằng Đoàn (Bộ trưởng bộ Tư pháp), Thượng thư Nguyễn Khoa Kỳ (Bộ trưởng bộ Kinh tế), Phạm Văn Quảng (Viện trưởng viện Nhân dân đại biểu Trung Kỳ).

- Thủ quỹ là ông Creuse (Quản lý chi điếm Đông Dương ngân hàng tại Huế).

- Tổng Thư ký: Lê Khắc Tưởng (Thị lang bộ Tài chính).

- Phó Thư ký: Phan Văn Phúc (Thị lang bộ Kinh tế).

- Hội viên: Gaudard (Cố vấn bộ Tài chính), Trung úy Diguet (Đại diện quan Thống binh Trung Kỳ), Flachet (Hội viên hội đồng Kinh tế), ông Chủ nhiệm báo Tiếng Dân, bà Chủ nhiệm báo France - Annam, ông Bùi Huy Tín (Chủ nhiệm báo Tràng An, Chánh phả trưởng Bắc Kỳ châu phả), ông Tôn Thất Bằng, Đỗ Phong (Hội viên hội đồng thành phố Huế), ông Nguyễn Văn Hoán (Tá lý bộ Giáo dục), ông Lê Văn Hòa (Ty trưởng ty chuyên môn bộ Công tác) và ông Nguyễn Tiến Lãng (Ty trưởng ty Báo chí Ngự tiền Văn phòng)(8).

Để đảm bảo sự đồng thuận về mặt chủ trương và thống nhất phương thức hoạt động, vào lúc 10 giờ sáng ngày 7 tháng 10 năm 1937, tại trụ sở bộ Tài chính, HĐTWCTNDBK đã tổ chức họp bàn và thông qua biên bản của hội. Tham dự cuộc họp có sự góp mặt đông đảo các vị Thượng thư, Thị lang của các bộ, quan lại người Pháp ở Trung Kỳ, cùng tất cả viên chức trong bộ máy chính quyền Nam triều và chính quyền Bảo hộ. Sau phần khai mạc, quan Hội trưởng, đại diện toàn hội tuyên cáo lý do “cho hội đồng biết rằng nhân nạn thủy tai phá hại nhiều tỉnh Bắc Kỳ, làm cho gần 400.000 người lâm vào tình cảnh rất khốn đốn. Đức Hoàng đế [vua Bảo Đại] và quý Khâm sứ đại thần chuẩn định đặt một hội đồng trung ương cứu tế ở Trung Kỳ và giao cho ngài tổ chức hội cứu tế ấy”(9). Theo đó, với tinh thần tương thân tương ái, hội HĐTWCTNDBK ra đời vì mục đích “để tổ chức khắp trong xứ Trung Kỳ một cuộc lạc quyên, xem xét các cuộc từ thiện do hội riêng hoặc cá nhân tổ chức và tập trung những số tiền lạc quyên rồi gửi ra cho quan Thống sứ Bắc Kỳ”(10). Tại cuộc họp, tất cả thành viên tham dự đồng loạt ký tên vào biên bản, nhất trí với 2 nội dung chính:

- Mở một cuộc lạc quyên khắp Trung Kỳ, những số tiền lạc quyên đều phải ghi số hiệu, kiềm ký (đóng dấu xác nhận) của quan Hội trưởng, rồi sẽ gửi đi cho các công sở và những người nào sẵn lòng quyên giúp cho hội đồng.

- Khuyến khích lòng từ thiện trong dân gian, việc ấy sẽ thông tư cho các quan Thủ hiến các Tỉnh để cho phép và khuyến khích những người hảo tâm muốn làm các việc nghĩa(11).

Vận động thành lập HĐTWCTNDBK, đó là một giải pháp kịp thời và vô cùng khôn khéo. HĐTWCTNDBK được hình thành dưới sự đồng ý của Hoàng đế Bảo Đại, tập hợp đông đảo các thành viên quan lại đương giữ các chức vụ cấp cao của triều đình, chính quyền Bảo hộ và hàng loạt nhân sĩ, trí thức có uy tín lúc bấy giờ. Về mặt chính danh, HĐTWCTNDBK là tổ chức “liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị và các tầng lớp xã hội”, có đầy đủ tư cách pháp nhân để tiếp nhận, phân phối tất cả sự hỗ trợ đến từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở các tỉnh Trung Kỳ, rộng ra là cả nước. Thành công của HĐTWCTNDBK, theo chúng tôi không thuần túy ở số tiền đã quyên góp được; hơn hết, hội đã kết nối tất cả những tấm lòng hảo tâm trong cả nước, khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc - truyền thống vốn đã ăn sâu trong tâm thức con dân đất Việt.

2.3. Mệnh lệnh từ trái tim

Trước và sau khi HĐTWCTNDBK được thành lập, từ Huế, công cuộc vận động hỗ trợ cứu tế được các cá nhân, tổ chức ở Trung Kỳ nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ. Về hình thức tiếp nhận hỗ trợ, ban Vận động chủ trương (1) thu nhận tiền bạc trực tiếp từ các cá nhân, tổ chức và (2) lạc quyên thông qua các hoạt động gây quỹ. Tất cả số tiền quyên góp được lập thành các “sổ quyên”, có biên lai, kê khai chi tiết danh tính, số tiền đóng góp và Tràng An báo cập nhật liên tục trên các số báo phát ra hàng ngày. Tại các tỉnh, viên quan đầu tỉnh sẽ đứng ra đại diện tiếp nhận, sau đó toàn bộ tiền được gửi về Huế. Riêng tại Kinh đô, sẽ tổng kết nạp về HĐTWCTNDBK.

Thông tin về số tiền quyên góp đăng trên báo Tràng An (số 261, ra ngày 5 tháng 10 năm 1937)


Về phương diện hỗ trợ đến từ chính quyền, ngay sau khi những thông tin về nạn lụt xảy ra ở các tỉnh miền Bắc truyền đến Trung Kỳ, vua Bảo Đại liền ban cấp 1.500$00 đồng cho đồng bào Bắc Kỳ, Khôn Nghi Xương Hoàng thái hậu 300$00 đồng, chính phủ Nam triều hỗ trợ 2.000$00 đồng, quỹ Quốc gia Cứu tế ở Trung Kỳ 3.000$00 đồng. Tất cả số tiền này được giao cho HĐTWCTNDBK(12) chịu trách nhiệm chuyển ra cho Thống sứ Bắc Kỳ.

Trước thời điểm ra đời HĐTWCTNDBK, Tràng An báo đã đứng ra vận động quyên góp. Nhằm công khai số tiền của các nhà hảo tâm, báo Tràng An cập nhật rất chi tiết danh tính của các cá nhân, tổ chức ủng hộ qua các đợt và phân thành các sổ ghi chép, kèm biên lai thâu nhận. Xin đơn cử, số 260 ra ngày 1 tháng 10 năm 1937 (sổ thứ nhất) kê rõ 24 cá nhân hỗ trợ như sau: 1 cụ Án (yêu cầu không ghi tên tuổi) góp số bạc là 2$00, cụ Án Chuẩn (1$00), ông bà Đức Thuận (5$00), chủ hiệu Hà Thanh (1$00), ông Trương Cảnh Khương (1$00), các cô Bùi Bằng Đoàn (6$00), bà Ưng Phố (1$00), bà Lê Văn Hòa (2$00), ông Ly.V.K (1$00), Vô danh (1$00), cụ bà Nguyễn Khoa Tân (1$00), Vô danh (0$50), ông bà Tôn Thất Bằng (20$00), bà Hội Nghi (3$00), bà Hường Sắc (2$00), ông Diên (1$00), ông Dương (1$00), Khuynh Diệp (10$00), 1 bà vô danh (1$00), ông bà Thị Ngô (1$00), ông bà Bút (2$00), bà Sáu (1$00), Tôn Thất Tiên (1$00), bà Thiết (1$00), tổng cộng 66$50(13).

Trong danh sách hỗ trợ tiền lũ lụt, rất nhiều cái tên đã quá nổi tiếng ở Huế, như các quan lại đại thần của chính quyền Nam triều, viên chức trong bộ máy chính quyền Bảo hộ, các nhà tư sản, chủ hiệu buôn, chủ các nhà in (Tiếng Dân, Phúc Long, Viễn Đệ); thì bên cạnh đó, có quá nhiều danh tính mà chúng ta không thể nào xác nhận rõ lai lịch. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, tất cả đều chung một mục tiêu, “của ít lòng nhiều”, sẵn sàng đùm bọc những nạn dân đang vật lộn với dòng nước bạc ở các tỉnh miền Bắc.

Về hoạt động gây quỹ, kể từ tháng 9 năm 1937 đến tháng 10, 11 năm đó, rất nhiều sự kiện do các hội, nhóm đứng ra tổ chức đã quyên góp được một số tiền rất lớn, góp một phần không nhỏ giúp đỡ đồng bào miền Bắc sớm vượt qua cơn hoạn nạn. Chúng tôi xin dẫn về một số hoạt động đã được tổ chức tại Huế và các tỉnh ở Trung Kỳ:

Tại Huế, khởi đầu là hội Hòa Lạc với việc đăng cai tổ chức diễn kịch, ca nhạc, hát bộ, ảo thuật vào tối ngày mồng 2 tháng 10 năm 1937 tại viện Dân biểu(14). Theo kết quả tổng kết, hội Hòa Lạc đã quyên góp được số tiền 461$30 đồng. Tiệm Khiêu vũ Place ở Huế tổ chức 2 đêm khiêu vũ (mồng 2 và mồng 3 tháng 10), “tiền thu được bao nhiêu sẽ bỏ vào quỹ Trung Kỳ giúp nạn dân bị lụt ở ngoài Bắc”(15). Sau đó, hội Bắc Kỳ Tập thiện phả tổ chức diễn kịch “Nửa chừng xuân” của Khái Hưng, tại viện Dân biểu vào lúc 8 giờ 30 tối ngày 3 tháng 10 năm 1937. Chung cuộc, buổi diễn kịch đã bán vé được 309$10 đồng, tiền quyên 15$00 đồng, Hưng Thái Long góp 2$00, ông Nguyễn Sĩ Sần 1$00, cụ Thái Văn Toản 5$00, tiền bán hoa 34$70, tổng cộng 366$80 đồng(16).

Tiếp đó, tại viện Dân biểu, đại diện ban Tổ chức là ông Lê Thanh Cảnh, Hoàng Đức Trạch, Nguyễn Đình Diên và Nguyễn Quý Hương cho biết sẽ tổ chức “hai cuộc vui để gây quỹ” vào tối ngày 7 và mồng 9 tháng 10 năm 1937. Theo nội dung chương trình, tối thứ năm (7/10/1937) sẽ diễn ra cuộc đấu võ và ảo thuật do ông Bửu Tuyển đứng ra triệu tập các võ sĩ danh tiếng ở Kinh đô. Phần ảo thuật do ông Trần Văn Phương diễn. Đến tối thứ bảy (9/10/1937), tổ chức hai vở kịch, đó là kịch “Biển lặn” và kịch “Đời một thầy giáo(17). Tiếp đó, tối chủ nhật ngày 10 tháng 10 năm 1937, tại sân vận động Bảo Long, hai đội bóng S.E.P.S.H và đội S.O.H tổ chức trận giao hữu bóng đá để gây quỹ(18). Theo thống kê của HĐTWCTNDBK đến ngày 19 tháng 10 năm 1937 (hội Cứu tế đã gửi đi 6.800$00 đồng) nhận được hỗ trợ với số tiền 7.526$56 đồng (trong đó, gồm có tiền từ hội Hòa Lạc, viện Dân biểu, trường Đồng Khánh)(19).

Sau hội Hòa Lạc, viện Dân biểu, đến lượt hội Quảng Tri. Vào lúc 8 giờ 30 tối ngày 25 tháng 10, hội Quảng Tri tổ chức tại trụ sở viện Dân biểu một buổi diễn thuyết chủ đề về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Diễn giả gồm có ông Ưng Dự, Ưng Bình, Hồ Đắc Hàm, Nguyễn Tiến Lãng. Giá vé vào cửa được niêm yết 0$30, 0$20 và 0$10(20). Số tiền thu được sau buổi diễn thuyết 66$12 đồng, hội Trưởng hội Quảng Tri sau đó chuyển toàn bộ số tiền cho hội đồng cứu tế(21). Một cuộc vận động khác do ban Tương tế tổ chức “đã được phép của chính quyền sẽ đi biểu diễn khắp các tỉnh Trung Kỳ”. Theo kế hoạch, ban tổ chức sẽ ra mắt các vở diễn vào tối thứ năm (4/11/1937) tại “hãng Morin Frères à Hué”. Buổi diễn gồm các phần: (1) Diễn văn nói về nạn nước lụt; (2) Tả cảnh thảm khốc của đồng bào ở ngoài Bắc và (3) Diễn tuồng (với 2 vở tuồng: Tình là giây oan Phụng nghi đình)(22).

Cuộc vận động cứu tế tưởng chừng như chỉ dừng lại trong phạm vi các hội, nhóm tại thành phố Huế. Tuy nhiên, tại các huyện lỵ ở Thừa Thiên không khí “lạc quyên” vì đồng bào miền Bắc cũng không kém phần sôi nổi. Đêm ngày 6 và ngày 7 tháng 11, một nhóm thanh niên nam nữ làng Khuông Phò (huyện Quảng Điền) đã tổ chức buổi diễn kịch và hát bội tại chợ Ngũ Xã (Sịa). Ngoài ra, còn có rất nhiều buổi biểu diễn được tổ chức tại Huế trong năm 1937, như buổi Chợ Phiên do hội Lạc Thiện tổ chức, đêm Ca nhạc của học sinh Phú Xuân, hội Hướng đạo v.v.

Tại một số tỉnh thành ở Trung Kỳ, vào tối 16 và 17 tháng 9 năm 1937, rạp “Annam Ciné” (Vinh, Nghệ An), tổ chức hát Tuồng Cải lương do ban Đồng tử ấu ca diễn vở “Tiểu thư vượt ngục” và “Tình là tội”, số tiền thu được lên đến 400$00(23). Ở Đà Nẵng, hưởng ứng theo lời kêu gọi của “anh em Hướng đạo”, đoàn Phan Thanh Giản cũng đã tổ chức quyên góp vào ngày 19 tháng 9 năm 1937. Số tiền quyên được lên đến 98$00 đồng, toàn bộ số tiền nói trên được chuyển đến tòa Đốc lý(24). Kế đó, vào ngày 25 tháng 9 năm 1937, nhân viên tòa Địa chính Faifoo (Hội An) tổ chức diễn vở kịch “Con ai” tại rạp Đồng Lạc Faifoo, thu được  155$36 đồng(25).  

Vào đêm ngày 2 tháng 10, tại Sông Cầu, toàn bộ viên chức đã tổ chức buổi kịch “Tứ đổ tường”, toàn bộ số tiền thu được từ vé bán ra sẽ được gửi ra Huế ủng hộ quỹ cứu trợ nạn dân lũ lụt(26). Ở Tuy Hòa (Phú Yên), ông Đặng Hữu Huyên, Phan Ngọc Bích cùng tất cả anh em thợ thuyền ở Tuy Hòa cũng tổ chức buổi Cải lương “lấy tiền giúp dân bị lụt ở Bắc Kỳ, thu được số tiền 236$82 đồng”(27). Tại Đà Lạt, hội “Cercle Annamite de Dalat” tổ chức buổi ca nhạc vào chiều ngày 9 tháng 10, nhằm mục đích gây quỹ, với số tiền thu được (từ bán vé và các nhà hảo tâm đóng góp) 466$38 đồng(28). Tại Kontum, ban Cứu tế Việt Nam viên chức phối hợp với các nhà buôn tổ chức diễn tuồng “Bên hiếu bên tình” vào tối ngày 10 tháng 10, “kết quả hoàn toàn mỹ mãn, thu 212$55 đồng”(29). Tương tự, tại Khánh Hòa, tối thứ bảy (20/11/1937), chủ nhật (21/11/1937), hai đêm hát Cải lương cũng được tổ chức, vận động được số tiền 56$10 đồng(30).

Cuộc vận động vì nạn lũ ở miền Bắc nhanh chóng lan tỏa đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Từ Lào, “hội Việt Nam Viên chức Ái hữu” và hội “Annam tương tế thể thao” đã tổ chức buổi ca nhạc và diễn tuồng “Hồng y hiệp nữ” vào tối mồng 2 tháng 10, kết quả thu được 303$40 đồng(31).

Thống kê đến ngày 27 tháng 11 năm 1937, số tiền quyên góp lên đến 21.847$50 đồng, gồm các sổ quyên góp của: Tuần vũ tỉnh Hà Tĩnh, Công sứ Hà Tĩnh, Dân biểu Quảng Nam, báo Tiếng Dân, Thượng thư bộ Giáo dục, Chủ nhiệm Bùi Huy Tín, hội Bắc Kỳ châu phả, Chủ bút Lê Thanh Cảnh, ban Tương tế, Công sứ tỉnh Quy Nhơn, trường Phú Xuân, Tuần vũ Nha Trang, hội Lạc Thiện, Đốc lý Huế, Nha Trang, Phủ doãn phủ Thừa Thiên, Tam Kỳ, Hội An, Quy Nhơn, Quản đạo Pleiku, Tuần vũ Quảng Trị, hội Hòa Lạc, Quản đạo Phan Rang, Sông Cầu, Thượng thư bộ Công tác, Quản đạo Đà Lạt, Djiring (Đồng Nai)(32). Qua đây, có thể thấy, chỉ trong khoảng thời gian khá ngắn, hàng loạt các hội, nhóm, tổ chức đoàn thể đã hưởng ứng tích cực cuộc vận động cứu tế, góp phần chung tay xoa dịu những nỗi đau mất mát, đó thực sự là nghĩa cử cao đẹp của người dân miền Trung, luôn một lòng hướng về đồng bào miền Bắc ruột thịt.

3. Kết từ

Cùng nhìn lại một sự kiện diễn ra gần 84 năm về trước, hẳn trong chúng ta không thể không thừa nhận vai trò của các tờ báo lúc bấy giờ. Chính những trang báo như tờ Tràng An, đã chuyển tải rất kịp thời tất cả thông tin liên quan về nạn lũ ở Bắc Kỳ đến tất cả người dân miền Trung.

Trong sự thành công của cuộc vận động cứu tế vào năm 1937, phải kể đến sự tận lực không biết mệt mỏi của kỹ nghệ gia Bùi Huy Tín. Với lợi thế chủ nhiệm của báo Tràng An, Hội trưởng Bắc Kỳ châu phả hội, Bùi Huy Tín bên cạnh việc tận dụng báo Tràng An làm kênh thông tin truyền thông, ông khéo léo vận động thành lập hội đồng cứu tế. Qua đó xây dựng một tổ chức cứu trợ “chính danh”, đảm bảo tiền “lạc quyên” đến đúng địa chỉ và đúng đối tượng.

Như chúng tôi đã dẫn ở trên, việc tiếp nhận hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức được Hội đồng cứu tế niêm yết công khai rõ ràng. Chính sự minh bạch trong thu chi đã mang lại một niềm tin nhất định đối với tất cả các giai tầng lúc đó. Do vậy, trong hoạt động thiện nguyện nói chung, khuất tất về vấn đề tiền bạc sẽ là nguồn cơn của rất nhiều vụ việc ồn ào. Và, vụ “sao kê” lùm xùm trên mạng xã hội xảy ra trong thời gian vừa qua (2021) của một vài cá nhân trong giới nghệ sĩ hiện nay, có lẽ cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Hơn 80 năm đã trôi qua, câu chuyện về cứu tế lũ lụt ở Trung Kỳ, thiết nghĩ sẽ là bài học quý giá để thế hệ hôm nay phải lắng lòng suy ngẫm.

Đ.B.G
(TCSH392/10-2021)

---------------------------------
1. Tràng An báo (1937). Cứu tế! Cứu tế! Nạn dân Bắc Kỳ còn cần đến mãi mãi. Số 256 (ra ngày 17 tháng 9 năm  1937). tr. 2.
2. Về tiểu sử của cụ Bùi Huy Tín, xin quý độc giả tham khảo thêm:  
- Đỗ Minh Điền (2020). “Bước đầu tìm hiểu hoạt động xuất bản sách ở Huế, 1920 - 1935. Nghiên cứu trường hợp nhà in Đắc Lập và Tiếng Dân”. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. Viện Nghiên cứu và Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Số 07 (161). tr. 115 - 130.
- Đỗ Minh Điền (2021). “Góp thêm một số thông tin về Bùi Huy Tín và nhà in Đắc Lập”. Tạp chí Sông Hương, số Đặc biệt (số 42 - 09. 2021). tr. 42 - 47.
3. Tràng An báo (1937). Mấy lời kính cáo khẩn cấp cuộc lạc quyên giúp đồng bào bị vỡ đê ở Bắc Kỳ. Số 257 (ra  ngày 21 tháng 9 năm 1937). tr. 1.
4. Tràng An báo (1937). Mấy lời kính cáo khẩn cấp cuộc lạc quyên giúp đồng bào bị vỡ đê ở Bắc Kỳ. Tlđd. tr. 1.  
5. Phạm Giao (1937). “Một vấn đề cần gấp làm đê mới cho xứ Bắc Kỳ”. Tràng An báo, số 258 (ra ngày 24 tháng  9 năm 1937). tr. 1.
6. Tràng An báo (1937). Đối với nạn dân Bắc Kỳ. Số 260 (ra ngày 1 tháng 10 năm 1937). tr. 2.
7. Tràng An báo (1937). Giúp dân bị lụt. Số 259 (ra ngày 28 tháng 9 năm 1937). tr. 3.  
8. Tràng An báo (1937). Hội đồng Trung ương Cứu tế Nạn dân Bắc Kỳ mới thành lập ở Huế. Số 264 (ra ngày 15  tháng 10 năm 1937). tr. 2.
9. Tràng An báo (1937). Biên bản hội đồng Trung ương Cứu tế Nạn dân Bắc Kỳ. Số 265 (ra ngày 19 tháng 10 năm 1937). tr. 2.  
10. Tràng An báo (1937). Biên bản hội đồng Trung ương Cứu tế Nạn dân Bắc Kỳ. Tlđd. tr. 2.  
11. Tràng An báo (1937). Biên bản hội đồng Trung ương Cứu tế Nạn dân Bắc Kỳ. Tlđd. tr. 2.  
12. Tràng An báo (1937). Đức Hoàng đế Bảo Đại ban cấp cho nạn dân Bắc Kỳ một ngàn năm trăm đồng. Số 262 (ra ngày 8 tháng 10 năm 1937). tr. 2.
13. Tràng An báo (1937). Giúp nạn dân Bắc Kỳ, sổ quyên của Bắc Kỳ Tập thiện phả và báo Tràng An giúp dân bị  lụt ở Bắc Kỳ. Số 260 (ra ngày 1 tháng 10 năm 1937). tr. 1.
14. Xem thêm:  
- Tràng An báo (1937). Cuộc vui tối mai tại viện Dân biểu do hội Hòa Lạc trong thành tổ chức. Số 260 (ra ngày 1 tháng 10 năm 1937). tr. 2.
- Tràng An báo (1937). Cuộc vui làm phúc giúp nạn dân Bắc Kỳ của hội Hòa Lạc. Số 262 (ra ngày 8 tháng 10 năm 1937). tr. 2.
- Tràng An báo (1937). Kết quả đêm làm việc nghĩa do hội Hòa Lạc tổ chức. Số 262 (ra ngày 8 tháng 10 năm 1937). tr. 2.
15. Tràng An báo (1937). Hai tối khiêu vũ làm việc nghĩa. Số 261 (ra ngày 5 tháng 10 năm 1937). tr. 2.
16. Xem thêm:  
- Tràng An báo (1937). Đại diễn kịch Nửa chừng xuân. Số 260 (ra ngày 1 tháng 10 năm 1937). tr. 2.
- Tràng An báo (1937). Kết quả cuộc diễn kịch Nửa chừng xuân. Số 262 (ra ngày 8 tháng 10 năm 1937). tr. 2.
17. Tràng An báo (1937). Cứu giúp nạn dân Bắc Kỳ. Số 261 (ra ngày 5 tháng 10 năm 1937). tr. 3.  
18. Tràng An báo (1937). Một cuộc đấu bóng lấy tiền giúp dân bị lụt. Số 262 (ra ngày 8 tháng 10 năm 1937). tr. 2.  
19. Tràng An báo (1937). Cứu tế nạn dân Bắc Kỳ. Số 265 (ra ngày 19 tháng 10 năm 1937). tr. 2.  
20. Tràng An báo (1937). Một tối nói chuyện Kiều. Số 266 (ra ngày 22 tháng 10 năm 1937). tr. 2.  
21. Tràng An báo (1937). Kết quả buổi diễn thuyết lấy tiền giúp nạn dân Bắc Kỳ. Số 268 (ra ngày 29 tháng 10 năm 1937). tr. 2.
22. Tràng An báo (1937). Cuộc vui quyên tiền giúp dân bị lụt Bắc Kỳ. Số 268 (ra ngày 29 tháng 10 năm 1937). tr. 3.  
23. C. P (1937). “Hai tối hát giúp nạn dân thủy lạo Bắc Kỳ”. Tràng An báo, số 261 (ra ngày 5 tháng 10 năm 1937).  tr. 3.
24. Tràng An báo (1937). Kết quả ngày quyên tiền giúp nạn dân ngoài Bắc của anh em Hướng đạo Tourane. Số 265  (ra ngày 19 tháng 10 năm 1937). tr. 3.
25. Tràng An báo (1937). Faifoo, Việc nghĩa. Số 265 (ra ngày 19 tháng 10 năm 1937). tr. 3.  
26. Tràng An báo (1937). Sông Cầu, một buổi tối xem kịch Tứ đổ tường do các nam nữ viên chức đóng. Số 267 (ra  ngày 26 tháng 10 năm 1937). tr. 4.
27. Tràng An báo (1937). Tuy Hòa, cuộc hát cải lương lấy tiền giúp dân bị lụt Bắc Kỳ. Số 268 (ra ngày 29 tháng  10 năm 1937). tr. 4.
28. Tràng An báo (1937). Dalat, kết quả cuộc hát giúp đồng bào Nam Bắc bị lụt do hội Cercle Annamite de Dalat  tổ chức chiều 9 - 10 - 1937. Số 267 (ra ngày 26 tháng 10 năm 1937). tr. 4.
29. Tràng An báo (1937). Kontum, giúp đồng bào ở Bắc bị nạn lụt lội. Số 268 (ra ngày 29 tháng 10 năm 1937). tr. 4.  
30. Tràng An báo (1937). Khánh Hòa, hai đêm hát cải lương làm nghĩa giúp nạn dân Bắc Kỳ. Số 280 (ra ngày 10 tháng 12 năm 1937).
31. Tràng An báo (1937). Ai Lao giúp đồng bào ở Bắc. Số 263 (ra ngày 12 tháng 10 năm 1937). tr. 4.  
32. Tràng An báo (1937). Sổ quyên của hội đồng Trung ương Cứu tế giúp nạn dân Bắc Kỳ. Số 277 (ra ngày 30 tháng  11 năm 1937). tr. 2.    




 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Mạ Bảy (07/10/2021)
Mộ cây đàn (01/09/2021)
Phù sa đen (26/08/2021)