Góc Hoài niệm
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tuyên và cuộc vận động cải cách tân nhạc tại Huế năm 1938
14:53 | 03/03/2022


ĐỖ MINH ĐIỀN

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tuyên và cuộc vận động cải cách tân nhạc tại Huế năm 1938
Bài viết về nhạc sỹ Nguyễn Văn Tuyên của tác giả Thiếu Lăng trên báo Tràng An, số 311, ra ngày 12 tháng 4 năm 1938

1. Nguyễn Văn Tuyên, cánh chim đầu đàn nền Tân nhạc Việt Nam

Đối với giới mộ điệu âm nhạc nói chung, Nguyễn Văn Tuyên là một trong những nhạc sỹ không mấy “tên tuổi”. Có lẽ, vì ông viết ít và các nhạc phẩm của ông cũng không được phổ biến như một số nhạc sỹ cùng thời (Lê Thương, Thẩm Oánh, Dzoãn Mẫn, Dương Thiệu Tước, Đặng Thế Phong…). Tuy nhiên, trong tiến trình lịch sử của nền âm nhạc nước nhà, ông là cái tên luôn được nhắc đến đầu tiên, bởi, vị nhạc sĩ gốc Huế này chính là người đã có công khai sinh nền Tân nhạc Việt Nam.

Nguyễn Văn Tuyên, sinh năm 1909(1), tại làng Kim Long (nay thuộc phường Kim Long, thành phố Huế), trong một gia đình nghèo theo đạo Thiên Chúa. Nguyễn Văn Tuyên may mắn được sinh ra và lớn lên dưới mái nhà đầy ắp tiếng nhạc: “Trong nhà từ bố đến mấy anh đều biết âm nhạc. Ở một bên sông Hương, Tuyên thường lắng tai nghe giòng nước trong chảy và gió reo trên đọt dương liễu mà cho là một khúc nhạc hay”(2). Hai người anh của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tuyên vốn nổi tiếng đánh đàn piano, thường xuyên góp mặt trong các ban nhạc ở một số nhà thờ tại Huế.

Từ nhỏ, ông đã sớm bộc lộ năng khiếu về âm nhạc. Được hai vị bào huynh kèm cặp một cách bài bản, cộng với niềm khao khát bản năng, Nguyễn Văn Tuyên tiếp tục tự mày mò trang bị kiến thức phần nhạc lý cho mình qua sách báo, mà chủ yếu là sách báo tiếng Pháp. Năm lên 12 tuổi, ông theo học lớp Nhất trường Dòng. Nhà nghèo không có xe, ông phải cuốc bộ để đi học hoặc qua về trên những chuyến đò ngang. Trong hồi ức của nhiều người, thứ năm và chủ nhật hàng tuần, “không bao giờ có mặt Tuyên ở nhà. Muốn tìm cậu bé ấy, cứ đến ngay đồn nhạc ở Đập Đá. Cứ ngày nghỉ là không có mặt ở nhà. Hồi ấy Tuyên đã mê âm nhạc đến thế”(3).

Sau khi đỗ Thành chung (Diplôme d’Étude Primaire Supérieurs Franco - Indigène), ông được nhận vào làm tại sở Bưu điện Đà Nẵng. Ngoài giờ làm việc, ông dành nhiều thời gian “giao thiệp với những tài tử âm nhạc trong tỉnh để biết thêm”. Thời đó, người ta học nhạc Tây phương và làm nhạc bước đầu bằng cách ráp lời Việt vào một bài nhạc Tây để hát. Cố nhạc sỹ Lê Thương cho biết, khoảng năm 1933 - 1934, hai nghệ sỹ tiên phong ở trong Nam là Tư Chơi (Huỳnh Hữu Trung) và Năm Châu (Nguyễn Thành Châu), đã đề xướng việc đặt lời cho các ca khúc Pháp, để trình diễn trên các gánh hát Trần Đắc và Phước Cương, mà người ta gọi là những bài Ta điệu Tây(4).

Bên cạnh khả năng đánh đàn, ông còn được trời phú cho một chất giọng cực hay. Trong thời gian lưu lại Đà Nẵng, tiếng ca của ông bắt đầu được các công chức người Pháp đặc biệt chú ý. Một ngày nọ, ông được ông chủ sở Bưu điện cắt phiên trực làm đêm để chuẩn bị đón tàu “Claude Chappe” thả neo. Ông ngồi một mình trong phòng, tự đặt lời một bài hát Tây, rồi “sung sướng hát múa, vang dội cả phòng. Bài ấy lấy tên là Le Claude Chappe”. Trong khi mãi mê ca hát, ông đâu ngờ ông chủ đứng đằng sau chỉ chực chờ vỗ tay khen ngợi. Vài ngày sau, bài hát đó được đông đảo anh em bạn bè đón nhận.

Sau vài năm, ông xin đổi lên Đà Lạt. Việc rời bỏ vùng đất miền Trung đầy nắng gió để đến miền cao nguyên là quyết định không mấy dễ dàng với ông lúc đó. Tuy vậy, trong sự tình cờ đó, Đà Lạt, xứ sở mộng mơ, “thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ”, lại là nơi chắp cánh cho tài năng của ông: “Chính ở đây là nơi Tuyên được gặp nhiều sự may mắn để giúp Tuyên có ngày hôm nay”(5). Đà Lạt, trước và sau Nguyễn Văn Tuyên là nơi lưu dấu bao dấu chân của văn nhân, thi sĩ tài hoa người Việt. Đà Lạt với những chiều tình tự bên hồ Than Thở, thành phố mờ sương đầy quyến rũ, mà như cảm nhận của nhạc sỹ Lam Phương “vừa đi đã mỏi, đường quanh co quyện gốc thông già, chiều đan tay nghe nắng chan hòa”. Trong khung cảnh man mác đượm buồn đó, Đà Lạt khởi nguồn cảm hứng cho rất nhiều bản tình ca bất hủ của Việt Nam: Hoàng Nguyên với “Ai lên xứ hoa đào”, Lam Phương với tuyệt phẩm “Thành phố buồn”, hay “Đà Lạt hoàng hôn” và “Thương về miền đất lạnh” của Minh Kỳ, Dạ Cầm (bút danh khác của nhóm Lê Minh Bằng, gồm: Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng).

Bản nhạc “Một kiếp hoa” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tuyên đăng trên báo Ngày Nay, số 122 ra ngày 7 tháng 8 năm 1938


Cuộc dừng chân phiêu lãng ngắn ngủi tại thành phố cao nguyên được đánh dấu với nhiều sự kiện quan trọng trong sự nghiệp ca hát, sáng tác của ông. Tại đây, “người ta đã bắt đầu nghe tiếng Tuyên. Làm quen với nhiều người lính Tây ham chuộng âm nhạc. Tuyên được tập thêm giọng, tập cách thở, cách chuyền hơi”(6). Với vốn liếng vừa đủ về nhạc lý, Nguyễn Văn Tuyên chính thức trở thành một thầy giáo dạy nhạc cho các trường học có con em người Pháp theo học. Tác giả Thiếu Lăng cho biết, cho đến năm 1934, cả thành phố Đà Lạt đều hoan nghênh ông.

Đầu năm 1935, vị “lữ khách giang hồ” Nguyễn Văn Tuyên lại chia tay với Đà Lạt để tiếp tục du sơn ngoạn thủy, “ngày ngày xách đàn, kiếm những nơi vắng vẻ, có suối reo, có chim hót để đàn hát”(7). “Đời nghệ sĩ sương gió ngàn nơi, biết ai là tri kỷ”. Chính những ngày lang thang đây đó để “dâng tiếng hát cho người đời, bỏ tiền mua vui”, ông được một “bà Đầm” tên là Nadal, phu nhân Chánh phòng phủ Thống đốc Nam Kỳ “xin nhận làm tri kỷ”. Mến mộ tài năng của ông, bà thường xuyên mời ông về biệt thự riêng, mở tiệc chiêu đãi. Cuộc vui chẳng được bao lâu, sau đó, bà cùng chồng vội vã lên tàu về nước. Trước khi đi, bà Nadal đã gửi gắm “người bạn nghệ thuật” với bà Dau Amiel ở Sài Gòn.

Vào năm 1936, ông di cư vào Sài Gòn, thành phố hoa lệ bậc nhất của Việt Nam bấy giờ. Nhờ sự giới thiệu của bà Dau Amiel, ông bắt đầu làm quen với hai vị nhạc sư nổi tiếng: Morel và Fraissinet. Được một thời gian, thông qua nhiều mối quan hệ khác nhau, Nguyễn Văn Tuyên tiếp tục kết giao với bà Vincenot và Aspar, đây là hai người đã giúp ông rất nhiều về nhạc lý, cách soạn nhạc, đánh đàn. Ở Sài Gòn, ông tham gia hội Ái nhạc (Philharmonique). Thời gian này, bên cạnh việc dạy nhạc ở trường Lycéum Paul Doumer tại Chợ Quán, ông hăng hái tham dự một số chương trình ca nhạc trên sóng truyền thanh (Radio). Những hoạt động cổ vũ cho nền âm nhạc mới của ông liên tục được báo chí miền Nam ca ngợi, tên tuổi của ông bắt đầu được nhiều người biết đến.

Những năm đầu thập niên 1930, âm nhạc Việt Nam có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Qua sóng đài phát thanh Radio, những “bài Ta theo điệu Tây” được giới trẻ chào đón nồng nhiệt, thị hiếu của công chúng bắt đầu thay đổi, càng chứng tỏ “tuổi trẻ Việt Nam lúc đó không còn rung động trước dòng nhạc cổ truyền đang ở trong thời kỳ suy nhược nhất của nó”(8). Tân nhạc xuất hiện trong bối cảnh phong trào canh tân văn hóa (Tân nhạc chào đời sau phong trào Thơ Mới và dòng văn học lãng mạn) đang phát triển rầm rộ. Đây là giai đoạn được ghi nhận rất nhiều sự đổi thay trong đời sống sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Trong chương trình “70 năm Tình ca trong Tân nhạc Việt Nam”, phát sóng trên đài Phát thanh SBS ở Úc châu, tác giả Hoài Nam hoàn toàn có lý khi đưa ra nhận định: “Về mặt khách quan, nghệ thuật và văn hóa lãng mạn của Tây phương, chủ yếu là của Pháp đã bén rễ. Tiểu thuyết, phim ảnh có tiếng nói, và đĩa nhạc đã được du nhập vào. Về mặt chủ quan, chữ Quốc ngữ đã thực sự phát triển với những tác phẩm hoàn toàn thoát khỏi truyền thống văn học từ chương viết bằng Hán Văn, mà quan trọng nhất là phong trào thơ mới và các tác phẩm văn học của “Tự Lực Văn Đoàn”.

Sau thời gian mò mẫm để “đi tìm nhạc ngữ mới” - như cách gọi của cố nhạc sỹ Phạm Duy, lớp thế hệ nhạc sỹ tiên khởi người Việt muốn viết những bài hát hoàn toàn Việt Nam từ nhạc cho tới lời. Trước thời điểm “âm nhạc mới” được hô hào bởi nhạc sỹ Nguyễn Văn Tuyên, thì một số nhóm nhạc sỹ như “Myosotis” (Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Vũ Khánh, Trần Dư…), nhóm “Tricéa” (Văn Chung, Lê Yên, Dzoãn Mẫn…), nhóm Phạm Đăng Hinh, nhóm nhạc sỹ tại Hải Phòng (Lê Thương, Hoàng Quý, Canh Thân), nhóm Nam Định (với đại diện tiêu biểu là nhạc sỹ Đặng Thế Phong), đều sáng tác rất nhiều bản “Nhạc Ta”, song họ “không có dịp phô bày công khai”.

Vào đầu năm 1938, một quyết định mang tính chất cá nhân của Nguyễn Văn Tuyên, nhưng nó đã góp phần mở ra một kỷ nguyên mới đối với nền âm nhạc nước nhà: “Ông muốn đi tách riêng ra một con đường, mà đường ấy là đường của ông đắp nên: âm nhạc mới, có tánh cách Việt Nam mà không lấy theo âm điệu cũ”(9).

Theo tác giả sách “Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu”, vào năm 1938, Nguyễn Văn Cổn giới thiệu Nguyễn Văn Tuyên với Thống đốc Nam Kỳ hồi đó là ông Pagès để xin được trợ cấp để đi diễn thuyết về âm nhạc cải cách […] Tháng 3 năm 1938, Nguyễn Văn Tuyên tới hội Trí Tri ở Hà Nội và hội Trí Tri ở Hải Phòng để làm công việc ông gọi là vận động cho âm nhạc cải cách. Ba bài hát được hát lên trong buổi vận động này là: Bông cúc vàng, Anh hùng ca và Một kiếp hoa(10).

2. Thông tin thêm về cuộc vận động cải cách âm nhạc tại Huế năm 1938

Sau bao năm lang bạt xứ người, đầu tháng 4 năm 1938, ông trở về Huế trong sự chào đón nồng nhiệt của bạn bè thân hữu. Lần hồi hương bất chợt này, như ông có lần tâm sự, đó là về thăm lại quê cha đất tổ; sau nữa, Huế sẽ là điểm dừng chân đầu tiên cho buổi diễn thuyết về dự định cải cách âm nhạc mà ông hằng ấp ủ.

 Tràng An báo số 318, ra ngày 6 tháng 5 năm 1938


Chúng ta đều biết rằng, năm 1938, được xác định là một dấu mốc rất quan trọng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, khi nó được đông đảo giới nghiên cứu, nhạc sỹ thống nhất ấn định là năm ra đời của “phong trào âm nhạc mới” (Tân nhạc). Theo nhạc sỹ Lê Thương, “năm 1938 khi nhạc sỹ Nguyễn Văn Tuyên từ Sài Gòn ra hô hào tại đất Bắc. Ông Tuyên được Thống đốc Nam Kỳ thời kỳ đó là Rivoal trợ cấp đi diễn thuyết về âm nhạc cải cách”(11).

Sau này, trong công trình nghiên cứu “Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu”, nhạc sỹ Phạm Duy tiếp tục tái khẳng định, “đầu năm 1938, phải được coi như một mốc điểm lớn của âm nhạc Việt Nam. Sau thời gian chuẩn bị, bây giờ có thể coi như nhạc Việt loại mới được thành hình. Một thanh niên gốc Huế tên là Nguyễn Văn Tuyên, ngụ tại Thị Nghè, tòng sự tại một công sở ở Sài Gòn, có giọng hát hay, đã thử thách soạn mấy bài hát mới và được bạn bè hoan nghênh. […] Tháng 03 năm 1938, Nguyễn Văn Tuyên tới hội Trí Tri ở Hà Nội và hội Trí Tri ở Hải Phòng để làm công việc ông gọi là vận động cho âm nhạc cải cách (musique renovée)”(12).

Nếu như buổi diễn thuyết ở Hải Phòng và Hà Nội đã được một số tư liệu sách báo đề cập ít nhiều, thì lần diễn thuyết tại Huế của Nguyễn Văn Tuyên dường như chưa một lần được nhắc đến. Gần đây, trong quá trình “lập biên mục thống kê các công trình nghiên cứu về Huế” được đăng tải trên các tờ báo ấn hành vào nửa đầu thế kỷ XX, chúng tôi đã tình cờ phát hiện một số “tin vắn” đưa tin về “buổi diễn thuyết của Nguyễn Văn Tuyên” đăng trên báo Tràng An: số 315 (ra ngày 26 tháng 4 năm 1938), số 316 (ra ngày 29 tháng 4 năm 1938) và số 318 (ra ngày 6 tháng 5 năm 1938).
 

Tin về buổi diễn thuyết  của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tuyên trên báo Tràng An, số 315, ra ngày 26 tháng 4 năm 1938

Theo thông tin trên báo Tràng An, buổi nói chuyện về âm nhạc của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tuyên chính thức được tổ chức vào lúc 9h, ngày mồng 2 tháng 5 năm 1938, do hội Quảng Tri (Société d’Enseignement Mutuel) đăng cai, diễn ra tại trụ sở Viện Dân biểu Trung Kỳ. Với những tư liệu đã dẫn ở trên, có thể khẳng định rằng, cuộc vận động cải cách âm nhạc do Nguyễn Văn Tuyên khởi xướng, được bắt đầu từ Huế vào đầu tháng 5 năm 1938, sau đó ông tiếp tục hành trình của mình ở Hà Nội, rồi Hải Phòng... Như vậy, buổi diễn thuyết của ông ở Hà Nội, không thể diễn ra vào tháng 3 năm 1938.

Buổi diễn thuyết dưới sự chủ tọa của Đào Đăng Vỹ (Hội trưởng hội Quảng Tri) và ông Sogny (Chánh phòng Liêm phóng Trung Kỳ), thu hút sự tham gia của rất nhiều thành viên trong hội Quảng Tri, hội Mỹ Hòa, đông đảo các vị quan lại đại thần đương triều và các nhân sĩ trí thức, thương nhân, kỹ nghệ gia... Trong lời thông báo đến quý độc giả, đại diện ban Tổ chức cho biết, “đó là buổi hát cuối cùng của nhà nhạc sỹ trước khi rời Kinh và buổi nói chuyện rất bổ ích về âm nhạc Việt Nam mới mà ông đã có công đeo đuổi cho nó có một tánh cách riêng về chủng tộc Việt Nam”(13).

Sau phần giới thiệu sơ lược của cụ Ðào Đăng Vỹ về tiểu sử, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tuyên với nụ cười tươi, nhẹ nhàng nhập đề: “Nói về âm nhạc, diễn giả muốn nói riêng một thứ âm nhạc, thứ âm nhạc Việt Nam mới do diễn giả có sáng kiến đặt ra. Chỉ vì diễn giả là người ham mê âm nhạc và muốn cho âm nhạc Việt Nam khỏi đứng mãi một chỗ, nên không ngại ngùng bước đầu, bước đầu là một bước khó khăn”(14).

Người mở đầu bao giờ cũng gian nan, nhưng nó sẽ khó khăn hơn nhiều khi vấn đề cải cách âm nhạc hãy còn là câu chuyện khá mới mẻ. Trong lần diễn thuyết tại Hà Nội, có lẽ do giọng “đậm chất Huế”, nên kết quả không thực sự mỹ mãn như ông mong đợi. Ở Hải Phòng, “ông đã may mắn hơn. Tuy số khán giả chỉ độ 20 mặt, nhưng ông đã có người thông cảm. Chính vào buổi nói chuyện này, cử tọa đã yêu cầu chúng tôi lên trình bày cho diễn giả nghe một bản nhạc mới của miền Bắc. Câu chuyện trở nên lý thú, khi ông Tuyên đã gặp một người đồng hành và một tri âm”(15). Tuy nhiên, với Huế - Kinh đô của triều đại quân chủ cuối cùng, những ý tưởng cải cách về âm nhạc của ông lại được đông đảo quần chúng đón nhận. Một buổi diễn thuyết chỉ đơn thuần diễn giải về sự canh tân âm nhạc, nhưng nó được hội Quảng Tri đứng ra tổ chức và một tờ báo lớn nhất Trung Kỳ theo dõi đưa tin, hẳn là một sự kiện văn hóa nổi bật lúc bấy giờ.

Chuyến đi dài ngày từ Nam ra Bắc của Nguyễn Văn Tuyên đã tạo nên tiếng vang rất lớn. Báo Tràng An - cơ quan ngôn luận uy tín nhất tại miền Trung thời bấy giờ (số 323, ra ngày 24 tháng 5 năm 1938), đã hết lời tán dương: “Bàn về sự thử cải tạo âm nhạc - lẽ tất nhiên là âm nhạc Việt Nam - bài ấy đã làm cho cả toàn thể làng hâm mộ âm nhạc ở đây hoan nghênh. Luận điệu của tác giả là một luận điệu chắc chắn, rút một phần ở sự kinh nghiệm của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tuyên, diễn thuyết tại nhà Hội đồng Dân biểu tại Huế”(16).

Bài viết của nhà thơ Thế Lữ về nhạc sỹ Nguyễn Văn Tuyên trên báo Ngày Nay, số 116, ra ngày 26 tháng 6 năm 1938


Tiếp đó, trên số ra 116 (ngày 26 tháng 6 năm 1938), báo Ngày Nay cho đăng bài: “Một hy vọng trong làng âm nhạc: ông Nguyễn Văn Tuyên”. Trong bài viết nói trên, nhà thơ Thế Lữ bày tỏ: “Mấy bữa trước, ông Nguyễn Văn Tuyên, một bạn trẻ ở Huế ra trình bày trước công chúng Hà Nội những ý kiến về việc đổi mới âm nhạc Việt Nam. Người ta sốt sắng đến hội Trí Tri như để đón sự thực hiện một điều mà người ta vẫn thiết tha mong mỏi. Tuy ông Nguyễn Văn Tuyên không phải là người thứ nhất nghĩ đến việc cải tạo âm nhạc […]. Dẫu sao, ông Nguyễn Văn Tuyên vẫn đáng cho ta trông cậy, cho ta tin ở công việc đẹp đẽ mà ông đang theo đuổi. Chúng tôi chắc rằng ông sẽ cố gắng cho tới chỗ hoàn thiện chớ không tự mãn vì những danh vọng rất đích đáng mà ông được thấy lúc này”(17).

Sau bài viết của nhà thơ Thế Lữ, để cổ vũ cho phong trào cải cách âm nhạc, báo Ngày Nay tiếp tục ra mắt bạn đọc một số bản nhạc của các nhạc sỹ, như: “Bình minh” của Nguyễn Xuân Khoát (số 121, ra ngày 31 Juillet 1938), “Một kiếp hoa” của Nguyễn Văn Tuyên (số 122, ra ngày 7 Aout 1938), “Tiếng đàn đêm khuya” của Lê Thương (số 123, ra ngày 14 Aout 1938), “Âm điệu không lời” của Nguyễn Văn Tuyên (số 124, ra ngày 21 Aout 1938), “Đám mây hàng” của P.Đ. Hinh và P.V. Xung (số 125, ra ngày 28 Aout 1938), “Khúc yêu đương” của Thẩm Oánh (số 127, ra ngày 11 Sept 1938), v.v. Như vậy, những ca khúc bấy lâu nay chỉ được “lưu hành nội bộ”, thì nay chính thức xuất hiện đều khắp trên báo chí, qua đó, từng bước xác lập một thể nhạc mới trên nền tảng nhạc ngữ Tây phương (thang âm thất cung, hòa âm phối khí bằng nhạc khí Tây phương). Có thể nói, để có được một hình hài, vóc dáng của nền âm nhạc Việt Nam hôm nay, công đầu thuộc về lớp thế hệ nhạc sỹ tiên phong. Và bài viết này chính là nén tâm nhang để tưởng nhớ đến nhạc sỹ Nguyễn Văn Tuyên, người khai sinh dòng nhạc cải cách Việt Nam.

Đ.M.Đ
(TCSH396/02-2022)

------------------------------
1. Nhạc sỹ, ca sỹ Nguyễn Văn Tuyên, cánh chim đầu đàn của nền tân nhạc Việt Nam tạ thế vào ngày 30/04/2009, hưởng thọ 100 tuổi.
2. Thiếu Lăng (1938). “Nguyễn Văn Tuyên, một nhạc sỹ”. Báo Tràng An 311, ra ngày 12 tháng 4 năm 1938. tr. 1.  
3. Thiếu Lăng (1938). “Nguyễn Văn Tuyên, một nhạc sỹ”. Tlđd. tr. 3.  
4. Lê Thương (1970). “Thời Tiền chiến trong Tân nhạc, 1938 - 1946”. In trong Nhạc Tiền chiến, Nxb. Kẻ Sĩ, Sài  Gòn. tr. 62.
5. Thiếu Lăng (1938). “Nguyễn Văn Tuyên, một nhạc sỹ”. Tlđd. tr. 4.  
6. Thiếu Lăng (1938). “Nguyễn Văn Tuyên, một nhạc sỹ”. Tlđd. tr. 4.
7. Thiếu Lăng (1938). “Nguyễn Văn Tuyên, một nhạc sỹ”. Tlđd. tr. 4.
8. Phạm Duy (2017). Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu. Nxb. Thế giới. tr. 33.
9. Thiếu Lăng (1938). “Nguyễn Văn Tuyên, một nhạc sỹ”. Tlđd. tr. 4.
10. Kiếp Hoa hay Một Kiếp Hoa, còn được biết đến với cái tên là Hoa Tàn. Nguyên là một bài thơ của Nguyễn Văn Cổn và được Nguyễn Văn Tuyên phổ thành ca khúc. Đây được xem là một trong những bài hát đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam. Phạm Duy (2017). Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu. Nxb. Thế giới. tr. 35, 36.
11. Lê Thương (1970). “Thời Tiền chiến trong Tân nhạc, 1938 - 1946”. Tlđd. tr. 63.  
12. Phạm Duy (2017). Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu. Nxb. Thế giới. tr. 35, 36.  
13. Tràng An báo (1938). Nguyễn Văn Tuyên với âm nhạc Việt Nam mới. Báo Tràng An, số 316, ra ngày 29 tháng 4 năm 1938. tr. 2.
14. Tràng An báo (1938). Một buổi diễn thuyết. Báo Tràng An, số 318, ra ngày 6 tháng 5 năm 1938. tr. 2.  
15. Lê Thương (1970). “Thời Tiền chiến trong Tân nhạc, 1938 - 1946”. Tlđd. tr. 63.  
16. Minh Châu (1938). “Cải cách âm nhạc”. Báo Tràng An, số 323, ra ngày 24 tháng 5 năm 1938. tr. 2.  
17. Thế Lữ (1938). “Một hy vọng trong làng âm nhạc: ông Nguyễn Văn Tuyên”. Báo Ngày Nay, số 116, ra ngày  26 tháng 6 năm 1938. tr. 8.  




 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng