Góc Hoài niệm
Nhớ lại một buổi nói chuyện thơ với Thanh Tịnh
15:42 | 05/04/2022

TẾ HANH

Trước Cách mạng tháng 8-1945 tôi chỉ gặp Thanh Tịnh có một lần mặc dầu tôi sống đến 8 năm ở Huế và Thanh Tịnh là một nhà văn nổi tiếng sinh trưởng ở Huế.

Nhớ lại một buổi nói chuyện thơ với Thanh Tịnh
Ảnh: tư liệu

Những truyện ngắn như "Quê mẹ", "Am cu li xe" và những bài thơ như "Rồi một hôm", "Mòn mỏi" của Thanh Tịnh viết trước năm 1940 cả nước đều biết. Đó là một ngày vào khoảng 1941 khi tôi đang học năm thứ 1 ban tú tài trường Quốc Học Huế (tức trường Khải Định). Anh nói, anh rất thích những bài thơ của tôi sau khi báo "Ngày Nay" công bố giải thưởng văn học năm 1939 và có ý mời tôi cho một bài thơ để anh ra một tập san Tết. Tôi nói, tôi ít viết về đề tài Xuân Tết và đọc anh nghe bài "Phơi phới" có một ít hương vị xuân tôi viết năm 1941. Anh đồng ý và xin bài đó. Bài "Phơi phới" sau này tôi để vào tập "Hoa niên" gồm những bài thơ trong tập "Nghẹn ngào" cộng với những bài viết trong hai năm 1940 - 1941 và gửi ra Nhà xuất bản "Đời Nay", đến cuối năm 1944 mới ra đời.

Mấy tháng sau vào dịp xuân 1942 tôi nhận được tập san của anh trong đó có bài thơ tôi. Ở Huế tôi sống cuộc đời học sinh lo học lo thi. Còn Thanh Tịnh tuy viết văn viết báo nhưng nay đây mai đó lo cuộc sống làm ăn. Chỉ sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, tôi ở Liên khu 5 tập kết ra miền Bắc thì mới có dịp gặp Thanh Tịnh nhiều lần. Những lần gặp Thanh Tịnh tôi thấy anh là một người nói chuyện rất có duyên hay bông đùa và đọc những câu thơ hóm hỉnh trong những bài độc tấu nổi tiếng của anh.

Chỉ có một lần tôi và anh nói với nhau về thơ trữ tình, đó là vào khoảng trước giải phóng miền Nam tại căn phòng đầy đồ cổ của anh ở đường Lý Nam Đế thuộc trụ sở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi nhắc đến một trong những bài thơ đầu tiên của anh đã gây ấn tượng cho tôi: Bài "Rồi một hôm" của Thanh Tịnh. Tôi nói bài thơ anh tuy dựa theo tứ của bài thơ "Nếu ngày kia anh trở về" của nhà thơ Ma-e-tet-lin (Maeterlinck 1862-1949) nhưng tôi vẫn thấy cái chất Việt Nam và Thanh Tịnh trong đó. Thanh Tịnh nói: Khi mình đăng báo, mình đã ghi dựa theo tứ của Ma-e-tet-lin. Tôi nói đó là sự trung thực đáng quý của anh. Bây giờ Thanh Tịnh thử đọc bài thơ của mình và tôi đọc bài thơ tạm dịch của Ma-e-tet-lin thì sẽ thấy cái độc đáo của anh:

Thanh Tịnh bắt đầu với giọng cảm xúc:

Rồi một hôm nếu về cha hỏi
Mẹ ở đâu con biết nói sao?

- Con sẽ bảo: trông cha mòn mỏi
Mẹ từ trần sau mấy tháng đau.
Nếu cha hỏi sao nhà vắng vẻ
Mẹ khuyên con nên trả lời sao?

- Con hãy chỉ bình hương khói lẻ
Và trên bàn chỉ đĩa dầu hao.

Tôi ngắt lời anh và xin đọc hai đoạn đầu bài thơ của Ma-e-tet-lin mà tôi đã tạm dịch:

Nếu anh ấy trở về
Em nói gì hỡi chị?

- Nói người ta đợi anh
Cho đến giờ tắt nghỉ.
Nếu anh hỏi vì sao
Mà căn phòng vắng vẻ?

- hãy chỉ ngọn đèn tàn
Và cánh cửa mở hé.

Tôi nói với Thanh Tịnh, hai đoạn đầu của bài thơ "Rồi một hôm" của anh gần với 2 đoạn đầu của bài thơ "Nếu ngày kia anh trở về", chúng ta đọc tiếp hai đoạn sau thì sẽ thấy chỗ khác.

Thanh Tịnh đọc tiếp:

Nếu cha hỏi: Cây đào trước ngõ
Sao chỉ còn một gốc ngả nghiêng?

- Con hãy chỉ một cây đào nhỏ
Bên cây tùng rồi đứng lặng yên.
Và mồ mẹ nếu cha muốn biết
Phải hướng nào con nói cùng cha?

- Con hãy chỉ bầu trời xanh biếc
Và chân trời chỉ nội cỏ xa.

Tôi đọc tiếp hai đoạn sau của bài thơ Ma-e-tet-lin:

Nếu anh ấy nhìn em
Như người không biết rõ?

- Nói một người như em
Chắc anh ấy sẽ khổ.
Nếu anh hỏi chị thế nào
Trong những giờ phút chót?

- Em nói chị mỉm cười
Để cho anh khỏi khóc.

Thanh Tịnh nói: Ông nhận xét đúng quá, nhưng trong hai đoạn đó ông thích câu nào. Tôi thích nhất cái hình ảnh cây đào nhỏ như tượng trưng cho tương lai. Thanh Tịnh nói tiếp: Nhưng đoạn cuối của bài thơ Ma-e-tet-lin thì hay quá mình không thể nào bằng được. Tôi tiếp: 2 câu thơ: "Em nói chị mỉm cười. Để cho anh khỏi khóc" là hai câu tuyệt vời, nó làm cho bài thơ Ma-e-tet-lin thành bài thơ nổi tiếng nhất của ông. Sau đó tôi chào anh ra về, anh tiễn tôi và đọc bằng tiếng Pháp 2 câu thơ sau cùng của bài thơ Ma-e-tet-lin. Cả hai chúng tôi có ngờ đâu một năm sau miền Nam giải phóng trong đó có Huế của Thanh Tịnh và của tôi nữa.

Năm 1988 Thanh Tịnh từ biệt chúng ta tại Hà Nội. Tôi đã thay mặt anh chị em nhà thơ nhà văn đọc điếu văn tiễn anh.

Hà nội 27.2.1992
T.H.
(TCSH53/01&2-1993)

 

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng