Góc Hoài niệm
Bác Hồ với chiến sĩ Trường Sơn
14:29 | 19/05/2022

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Không phải ngẫu nhiên đội quân mở đường Trường Sơn đầu tiên mang tên “Đoàn 559”, cũng như tuyến đường huyền thoại này được mang tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Bác Hồ với chiến sĩ Trường Sơn
Bác Hồ và Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, 1967

Điều này, nhiều sách báo đã nói đến. Tôi chỉ kể lại vài sự kiện mà tôi chứng kiến, thể hiện mối quan hệ gần gũi, thân thiết mà thiêng liêng giữa Bác Hồ với chiến sĩ Trường Sơn.

Trên chặng đường văn hơn nửa thế kỷ qua của tôi, những năm tháng tuổi trẻ sống và chiến đấu ở Trường Sơn đã cho tôi vốn sống quý báu để viết nên một số tác phẩm. Là cán bộ kỹ thuật luôn phải bám sát mặt đường, tôi đã nhiều lần chứng kiến các chiến sĩ thanh niên xung phong, công nhân thể hiện tình cảm của mình hướng về Bác Hồ - cũng là biểu tượng cao đẹp của Tổ quốc thiêng liêng - trong cuộc chiến khốc liệt suốt ngày đêm dưới mưa bom bão đạn.

Ngày ấy, khoảng năm 1965 - 1966, chưa có tên “Đường Hồ Chí Minh”; chỉ đài BBC của Anh và đài Hoa Kỳ gọi các tuyến vượt Trường Sơn ra mặt trận là “đường mòn Hồ Chí Minh” mà trọng điểm chính là tuyến 12A vượt qua Cha Lo, đèo Mụ Giạ, vì lúc đó các tuyến đường khác như đường 10, 16 (vượt Trường Sơn ở phía nam Quảng Bình) và đường 20 (qua “Hang Tám Cô” - cái tên huyền thoại; nói vậy, vì thực tế là 4 nam và 4 nữ cùng hy sinh trong hang đá ấy) chưa khai thông. Chính vì thế, đây là nơi hứng bom đạn nhiều nhất, chịu hy sinh nhiều nhất trong giai đoạn 1965 - 1966 và do đó được Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Những dòng sau đây phần lớn là trích nguyên văn từ hơn 10 cuốn nhật ký mà tôi đã ghi chép trong chiến tranh, nên không có chuyện “làm văn”, chuyện “hư cấu” ở đây:

“…Chính vào thời điểm cuộc chiến đấu trên những con đường bước sang giai đoạn ác liệt hơn, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định tổ chức “Đại hội Bảo đảm Giao thông vận tải, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” toàn miền Bắc. Ngày 9/3/1966, anh Phan Huy Đại, Phó Ban chỉ huy, Bí thư Đảng bộ Công trường 12A (ngày đó, để giữ bí mật, trên báo chí gọi là “Công trường “Thống Nhất”) được thay mặt 1.500 cán bộ, công nhân TNXP trên đường 12A, lên đường ra Hà Nội dự Đại hội. Dẫn đầu đoàn Quảng Bình là Phó Chủ tịch Lại Văn Ly. Tôi chỉ là kẻ “ăn theo” (Nhân có xe ra Hà Nội, tôi được ra khám bệnh, do trước đó bị sốt rét suýt chết; cũng để khám lại con mắt bên phải đã bị mù từ mấy năm trước…).

Sau đây là những dòng nhật ký có nhắc đến sự kiện Hồ Chủ tịch đã đến thăm Đại hội chiều 24/3/1966:

“... Mình gặp đoàn đại biểu lúc ở hội trường đi ra. Anh Ly tay cầm lá cờ luân lưu của Chính phủ tặng, vừa nói vừa cười, bộ mặt đỏ ửng lên: “Phấn khởi lắm! Cờ, Huân chương, nhưng cũng lo đấy!...” Anh Đại, nét mặt thoáng cái gì như ngơ ngác, giọng nhỏ hẳn lại vì đang quá xúc động. Không chỉ vì vừa được gặp Bác Hồ; hơn thế, Bác Hồ đã gọi đại biểu Công trường 12A lên hỏi chuyện. Việc Bác gặp riêng Công trường 12A là một vinh dự thật lớn lao, nhưng cũng nói rõ tầm quan trọng của con đường và báo hiệu cuộc chiến đấu sẽ còn ác liệt hơn...”.

Không phải đợi lâu, chính trong những ngày anh Đại và đoàn đại biểu Công trường 12A đang trên đường trở về, mang theo trọng trách của Tổ quốc trao cho, qua cái bắt tay của Hồ Chủ tịch với đồng chí Bí thư Đảng bộ Công trường, tại trọng điểm Ca Tang đã diễn ra những trận chiến đấu quyết liệt 4 ngày liền bên bom nổ chậm. Trong lúc dừng chân bên bờ bắc Ca Tang, chúng tôi nghe anh Diệm, Bí thư Đội Quyết Tiến kể: Các ngày 28-29-30-31/3 bom nổ chậm nổ nhiều lần, anh chị em bị đất vùi, chưa bị thương, lại đứng lên tiếp tục cuốc đất lấp hố bom. Đêm 31, một số bị thương nhẹ, vẫn không rời trận địa, như các cô Ngụ, Hiến, Đào, Liên, các anh Phòng, Phú, Mua, Hào, Quang, Nhỏ…, trong đó, cô Ngụ bị tảng đất to đập vào chân, không đứng dậy được, cứ bảo y tá xoa bóp để được ở lại cùng chị em. Ngay sau trận chiến đấu, ba cô gái quê Hà Tĩnh: Nguyễn Thị Ngụ, 19 tuổi (Đức La, Đức Thọ), Lưu Thị Khanh, 20 tuổi (Đức Ninh, Đức Thọ), Trần Thị Tình, 19 tuổi (Nghi Xuân) đã được kết nạp vào Đảng…

Nghe xong chuyện chiến đấu mấy ngày qua, đồng chí Đại nói, giọng xúc động:

- …Thay mặt Đảng ủy và Ban chỉ huy công trường, tôi nhiệt liệt biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm của các đồng chí. Rất vui là các đồng chí đã chiến thắng, càng vui mừng hơn vì trong chiến đấu quyết liệt, lực lượng ta thêm vững vàng, chi bộ các đồng chí mạnh thêm…

Sau đó, Đại kể lại giây phút được gặp Bác Hồ ở Đại hội Bảo đảm Giao thông toàn miền Bắc vừa qua. Câu chuyện của đồng chí Bí thư bị ngắt quãng nhiều lần vì những câu hỏi không kìm giữ được: “Bác có khỏe không?”, “Bác còn đi dép cao su không?”, “Còn ai được bắt tay Bác nữa?”… Đồng chí Bí thư lần lượt trả lời các câu hỏi, rồi nói:

- Chúng ta ai cũng mong Bác khỏe, mong được gặp Bác. Tiếng là chúng ta ở xa Bác Hồ, nhưng thật ra lại rất gần gũi Bác vì Bác luôn quan tâm đến cuộc chiến đấu gian khổ của chúng ta trên con đường huyết mạch này của Tổ quốc…

Nỗi vui sướng, xúc động lắng sâu đã biến thành sự suy nghĩ nghiêm túc về trách nhiệm nặng nề mà rất vẻ vang của mỗi người đối với sự sống của con đường nối hai miền đất nước…

*

…Không đầy nửa tháng sau, ngày 12/4/1966, không quân Hoa Kỳ tung “át chủ bài” B.52 đánh đoạn từ Bãi Dinh lên đèo Mụ Giạ. Bây giờ, sau khi mọi người đã chứng kiến trận “Điện Biên Phủ trên không” hạ hàng chục B.52 ngay trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972, vũ khí chiến lược này không còn là con ngoáo ộp ghê gớm nữa, nhưng trận ngày 12/4 có ý nghĩa lịch sử vì đây là lần đầu B.52 đánh miền Bắc. Có lẽ vì thế, sau trận này, Bác Hồ liền gọi điện vào Quảng Bình hỏi thăm tình hình. Cũng do đài phương Tây đưa tin phóng đại; quá lâu rồi, tôi không còn nhớ chi tiết, đại ý là “B.52 đã mở đợt oanh kích đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn đường dưới chân đèo Mụ Giạ, phá hủy cả chục km, nhanh nhất phải mất 10 ngày mới sửa xong”. Thực ra, trận B.52 này không làm ai thương vong, việc khai thông đường còn dễ hơn trận bom nổ chậm đầu tiên ở Cha Lo, nên cả công trường vẫn bình tĩnh, “việc ai nấy lo” như thường. Ngày 27/4 Mỹ dùng máy bay B.52 ném bom đoạn Cha Lo - Mụ Giạ lần thứ hai. Không có ai hy sinh, tuy độ rung bom nổ khiến 18 suất cơm của anh em Hạt 11 ở trong hang đá đổ mất 12, chỉ còn lại 6; nhưng trang giấy được đóng khung ghi “5 điều Bác Hồ dạy” treo trên vách đá vẫn y nguyên.

*

Hai tháng sau, từ Công trường bộ ở Khe Ve, tôi cuốc bộ lên kiểm tra đoạn đường Cha Lo - Mụ Giạ. Trước khung cảnh rừng núi tan hoang, xe, pháo bị trúng bom ngổn ngang bên đường, tôi bỗng liên tưởng đến chiến trường Oa-téc-lô mà V. Hugo mô tả trong tiểu thuyết Những người khốn khổ. Khi trở về, tôi ghé lại đại đội  TNXP 759 - đơn vị đảm đương đoạn đường xung yếu, chỉ ít ngày sau đã diễn ra trận chiến đấu bi tráng nhất trên đường 12A…

Đó là ngày 3/7/1966, trận đánh diễn ra tại km 21 (nên về sau gọi là trận “đồi 37” để giữ bí mật). Chính ở đây, trưa 18/6/1966, khi từ đèo Mụ Giạ về xuôi qua km 21, tôi và 3 chiến sĩ công binh thoát chết trong gang tấc lúc lọt vào giữa trận bom mở đầu đợt đánh hủy diệt của không quân Mỹ quyết chặt đứt đoạn đường hiểm yếu này. (Là cán bộ kỹ thuật - khác với TNXP hay công nhân thường ra lấp hố bom vào ban đêm - nhiều khi tôi phải ra mặt đường ban ngày để xác định đúng mức độ hư hỏng và phương án khắc phục…).

Cho đến đêm 3/7/1966, giữa lúc các chiến sĩ TNXP 759 và công binh Tiểu đoàn 2 đang đánh bộc phá dọn ba đống lớn khoảng 1.200m3, thì bom tọa độ đợt mới trúng ngay trận địa. 80% chiến sĩ thương vong nằm la liệt dọc đường. Trong bóng tối mù mịt, trong khi núi đất vẫn tiếp tục chảy xuống, có tiếng một cô gái: “Mẹ ơi! Con hy sinh vì Tổ quốc rồi! Hồ Chủ tịch muôn năm!” Tiếng kêu của Nguyễn Thị Sâm, chiến sĩ tiểu đội 5. Ngoài Sâm, còn có Thanh, Dương và các o Mị, Mai, Luyến… vết thương đau, vẫn nói: “Lên cứu đồng đội đã!” Nguyễn Văn Hanh và Tăng, mình bị đất vùi, tức nghẹn cổ, vẫn dốc sức đào bới đồng đội. Hanh cứu được 3 người thì kiệt sức ngất đi… Chỉ riêng trong đêm 3/7, đại đội TNXP 759 hy sinh 8 chiến sĩ. Những ngày sau, bom vẫn tiếp tục trút xuống, Sâm đã được cứu sống, nhưng số thương vong lên tới 35 người, một số thi hài mãi không lấy được. Nguyễn Thị Kim Huế, tiểu đội trưởng tiểu đội 6, chân bị đau, vẫn dẫn đầu chị em lên trận địa tìm xác đồng đội, mở thông đường…

Không hẳn là sự trùng hợp tình cờ, đúng vào những ngày ác liệt này, chủ nhật 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”, trong đó có câu nói lịch sử đã được lưu truyền đến hôm nay: “…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”

Đáp lời kêu gọi của Bác Hồ, không chỉ đại đội TNXP 759 và Tiểu đoàn 2 công binh, mà nhiều đơn vị trong công trường đã tình nguyện lên km 21 quyết nối lại con đường trong khi những chùm bom tọa độ vẫn liên tục trút xuống.

*

Cuối năm 1966, đại đội TNXP 759 và Nguyễn Thị Kim Huế đã được tuyên dương Anh hùng tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc. Hơn nửa thế kỷ trước, đây là một sự kiện lớn, vì lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một đơn vị và một nữ TNXP được tặng danh hiệu Anh hùng, được Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Bức ảnh đẹp chụp Kim Huế ôm bó hoa tươi bên cạnh Bác Hồ mau chóng được lan truyền. Điều đáng kể thêm là đã có sự nhầm lẫn quan trọng về bức ảnh lịch sử này. Trên nhiều sách báo trong mấy chục năm qua, khi đăng ảnh này đã chú thích nội dung: “Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế tặng hoa Bác Hồ” tại Đại hội TNXP Chống Mỹ cứu nước họp tại Hà Nội, đầu năm 1967. Nghe quá… hợp lý, vậy mà sai to và nhiều người không biết! Sai ở câu chú thích nội dung có thể vì báo chí cứ theo nhau in lại, không tìm nguồn gốc và cả vì một nếp nghĩ đã quá quen thuộc là hễ bà con, chiến sĩ các địa phương có dịp gặp Bác Hồ, không tặng hoa thì cũng tặng những sản phẩm của riêng mình, của địa phương mình. Không ai ngờ, trường hợp này thì ngược lại, chính là Bác Hồ đã tặng hoa cho anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế!

Và như thế, bức ảnh lại có ý nghĩa đẹp hơn: lãnh tụ dành những gì tốt đẹp nhất cho các chiến sĩ ở mặt trận. Bó hoa ấy đâu chỉ dành cho Nguyễn Thị Kim Huế mà cho hàng ngàn TNXP, công nhân bộ đội trên đoạn đường ngày đó mang tên “đường Thống nhất” - đầu mối quan trọng của đường Hồ Chí Minh.

Vì sao tôi lại dám khẳng định như thế? Xin thưa, hồi đó, tôi là đồng đội của Nguyễn Thị Kim Huế và đại đội TNXP 759, từng bám trụ trên đường 12A qua đèo Mụ Giạ nổi tiếng; hơn thế, tôi chính là người “giúp” Huế và đại đội 759 viết thành tích để được tuyên dương Anh hùng. Và thật may, tôi còn giữ được tờ báo “Tiền phong” tường thuật Đại hội TNXP miền Bắc đầu năm 1967, trong đó có câu: “Khi bản báo cáo đọc đến thành tích của nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, Bác bảo Huế đứng dậy để mọi người trông rõ. Bác trao lại cho Huế bó hoa tươi thắm mà Đại hội vừa tặng Bác…”. Trong số báo này còn dành cả trang lớn đăng bài của tôi về C.759 anh hùng.

Kể lại câu chuyện xưa về một bức ảnh để rõ thêm một chi tiết lịch sử của tuổi trẻ Việt Nam; cũng là dịp để hiểu thêm tấm lòng của lãnh tụ đối với chiến sĩ Trường Sơn đang ngày đêm giữ cho con đường mang tên Bác Hồ luôn thông suốt.

Đền thờ các liệt sĩ tại Đồi 37, đường 12A - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt


*

Năm 2009, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn, hai cựu chiến sĩ TNXP 759 là Nguyễn Thị Sâm, Trần Thị Huế và tôi được ông Lại Văn Ly mời trở lại đường 12A, tham gia đoàn làm phim về trận chiến bi tráng trên “Đồi 37” như là những “nhân chứng” của sự kiện 43 năm trước. Trần Thị Huế từng là một tiểu đội trưởng gan góc trên “Đồi 37”, về sau được cử làm Đại đội phó 759 và nay là Thường trực Ban liên lạc cựu TNXP 759 anh hùng; còn Sâm chính là cô gái đã “sống lại” sau khi bị đất vùi trong trận 3/7/1966.

Chuyến trở lại đường 12A trên đây, tôi đã viết đăng trên báo “An ninh thế giới” cuối tháng 5/2009. Nay chỉ kể chi tiết vui buồn lẫn lộn quanh lá thư của Nguyễn Thị Sâm mà tôi bất ngờ nhận được đầu năm 2010. Gọi là “bất ngờ” vì “bà lão” TNXP ở nơi heo hút, ít nói năng và viết lách thì xem ra rất khó nhọc.                                            

Lá thư này, Sâm định viết cho tôi sau khi tôi gửi tờ báo “An ninh thế giới” nói trên cho Sâm và cô chứng kiến chuyện linh ứng có thể nói là kỳ diệu, như nguyên văn cô đã viết: “…Sao tờ báo của anh thiêng liêng đến thế. Người trên trần nghe đọc nước mắt tuôn, người dưới đất nghe đọc cũng nhật mình hiện lên…”. Thế đó, cô viết chữ “giật” thành “nhật” nên tôi đành phải “chép lại” nội dung lá thư của “người em gái chiến trường” - danh hiệu mà Sâm đã tự xưng.

“…Em định viết thư cho anh từ hồi tháng 7 nhưng em cầm bút lên tay viết mấy dòng, nhìn lại nét chữ, hành văn thấy buồn cười và mắc cỡ - văn hóa thì bình dân, chữ thì giống gà bới… Nay em phải cầm bút và “người bạn linh thiêng” giục em cầm bút viết và cảm ơn người viết bài báo…

Anh Phê ơi! Khi em nhận được tờ báo của anh, theo lời anh dặn, em phô-tô tờ báo đưa cho mẹ của Nguyễn Thị Thường… Em bước vào nhà nghe mùi hương thoang thoảng, thấy bà ngồi thừ ra trên chiếc ghế. Bà ngửng đầu lên thấy em rồi nói: “Con mà đi nhanh chút nữa thì chung cơm với bạn con rồi!” Em đứng lặng một lúc rồi đưa tờ báo cho cháu bà; cháu bà đọc cho bà nghe, nước mắt bà tuôn ra dầm dề. Bà nắm tay em mân mê và nói: “Không biết sống được bao lâu nữa, tuổi đã ngoài 90 rồi…”. Em nói: “Bà sống đến ngày hôm nay là quý lắm rồi, lại được đón đứa con liệt sĩ anh hùng của dân tộc anh hùng trở về. Bà rán sống thêm ít nữa để xem đất nước đổi mới…”.

Em về nhà, vài hôm sau thì Thường lại “đến” nhà em. Em hỏi: “Ở mô về đó?” Thường nói: Ở “km 21” chứ mô nữa!” Thường đến ngồi sát với em trên giường, em thì chăm chăm nhìn bạn, còn bạn thì chẳng nhìn em. Em thấy trong tay Thường cầm tấm vải, em bảo đưa tấm vải xem có đẹp không? Thường đưa tấm vải cho em thấy nhẹ tâng. Em kêu “oa…”, mở mắt ra chẳng thấy Thường đâu nữa nhưng từ đó những hình ảnh ở đơn vị em đều nhớ hết… Anh Phê ơi!... Em không hiểu nổi vì sao ngòi bút của anh thiêng liêng đến thế. Chắc ngòi bút Bác Hồ tặng cho anh thì phải…”.

Tôi làm gì có vinh dự to lớn như thế! Sâm đã quá đề cao bài viết của tôi. Đúng ra, sự thiêng liêng chính là từ linh hồn của liệt sĩ Nguyễn Thị Thường, là tình mẹ con, tình đồng đội không bao giờ đứt đoạn dù Thường đã sang “thế giới khác” gần nửa thế kỷ… Tôi tin những điều Sâm kể là thật; một bà lão viết sai chính tả, câu cú, hẳn là không thể bịa chuyện (“cô Sâm” TNXP mấy chục năm trước suýt chết, may sống lại, nay đã là lên lão “lục tuần” - chỉ Thường là vẫn trẻ, “những người chết còn trẻ mãi” - nhà văn Đức Ana Dêgớc đã viết như thế); và không ai “bịa” trong một câu chuyện thiêng liêng như thế này. Vả lại, chỉ có những liệt sĩ hy sinh trong ngày 3/7/1966 như Thường mới gọi nơi “cửa tử” này là “km 21” - tên cột cây số tính từ ngã ba Khe Ve lên; cô không biết sau này nơi đây đã mang tên “Đồi 37”…

Bác Hồ đi xa đã hơn nửa thế kỷ, nhưng vẫn luôn hiện diện trong tâm trí những chiến sĩ Trường Sơn.

N.K.P
(TCSH399/05-2022)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng