Góc Hoài niệm
Cái lúm đồng tiền...
15:50 | 03/06/2022


NGUYỄN QUANG HÀ

Cái lúm đồng tiền...
Văn nghệ sĩ Huế trong một buổi họp - Ảnh: tư liệu

10 năm, Sông Hương đã ngót 60 lần ra mắt bạn đọc. Bắt đầu từ Sông Hương số 7, Sông Hương có chuyên mục rất dễ thương, rất gần gũi: "TRANG VIẾT ĐẦU TAY". Tác giả đầu tiên của trang này là Trần Thị Huyền Trang, với một truyện ngắn gây được ấn tượng trong bạn đọc, truyện: "Đắng như hạnh phúc". Từ đấy, một loạt tác giả được lần lượt giới thiệu.

Có thể kể: Dương Thành Vũ (Huế), Nguyễn Quang Lập, (Quảng Trị), Phùng Tấn Đông (Quảng Nam - Đà Nẵng), Trần Thị Huyền Trang (Bình Định), Vũ Hải (Buôn Ma Thuột) vân vân...

Thời manh nha của những cây bút ấy, mỗi người đến Sông Hương với một dáng vẻ khác nhau. Huyền Trang khi ấy còn đang là sinh viên. Chị đến Sông Hương ngại ngùng, e dè, đưa truyện ngắn đầu tiên hai tay run run, vừa tự tin, vừa không tin ở mình. Khi được báo tin "Đắng như hạnh phúc" sẽ in ở số 7, Trang rưng rưng nước mắt.

Nguyễn Quang Lập thì ồn ào hơn, anh vốn là kỹ sư ra-đa, đang trong quân ngũ, đóng tại Đà Nẵng. Lập ra tận Huế trao cho Sông Hương bản thảo truyện ngắn đầu tay: "Người lính hay nói trạng". Cứ ít ngày, Lập lại phóng ra Huế hỏi: "Liệu cái " Người lính hay nói trạng" của em có in được không?". Lúc ấy, Lập có cái dễ thương của người chập chững bước vào nghề: hiền từ và khiêm tốn.

Hình như Dương Thành Vũ có nghiệp chướng với sách báo. Khác hẳn với người cha cầm súng, anh cầm sách. Trước khi viết những dòng đầu tiên, Vũ bán sách, quầy của anh đặt ngay bên lề đường Lê Lợi. Sau khi nộp bản thảo đầu tiên, ngày nào anh cũng đến tòa soạn, nhưng không vào phòng. Anh ngồi trên xe trước cổng như người xe thồ chờ khách. Tòa soạn chỉ cách mấy bước chân, nhưng Vũ không vào, vì anh đầy mặc cảm về mình, và phập phồng mặc cảm về cả bài viết của mình. Vũ chỉ đợi biên tập ra, hỏi một câu về số phận cái "Mưa Huế" của anh, rồi lững thững phóng xe đi, âm ỉ đợi chờ. Tổng biên tập chưa quyết, chiều chiều từ quầy sách sơ sài kiếm sống về, Vũ lại đến. Nhìn Vũ thật ái ngại, Vũ rất nghèo. Chỗ ở nhờ đang bị đuổi. Bạn bè càng thương Vũ hơn. Vũ càng viết càng lên tay hơn.

Anh em lo mảng văn xuôi trong toà soạn, mỗi khi đọc được trong đống bản thảo, nhất là trong tập bài dành cho TRANG VIẾT ĐẦU TAY một bài hay thì mừng rơn như trẻ được quà. Anh em rối rít truyền tay nhau đọc. Truyện ngắn: "Người đưa thư và cô gái" của Vũ Hải là một trong những trường hợp như thế. Trong truyện tác giả nhắc đến địa chỉ cô gái tại 10 Lê Huân. Đường Lê Huân ở Huế là có thật. Mấy anh em chúng tôi vội đạp xe tới ngay 10 Lê Huân, những mong sẽ gặp được ngay tác giả. Song trớ trêu thay ngôi nhà vắng vẻ ấy không có ai là Vũ Hải cả. Bà chủ nhà cho biết, trước đây có mấy cô sinh viên đến trọ học, nhưng không có ai tên Vũ Hải.

Tuy vậy truyện ngắn "Người đưa thư và cô gái" được xếp ngay vào Sông Hương số 21. Nửa năm sau Vũ Hải mới xuất hiện. Không phải một chàng trai đa cảm như chúng tôi đoán qua truyện ngắn, mà là một cô gái thùy mị, mãi tít Tây Nguyên, về “trình làng". Cuộc hội ngộ rất đầm ấm. Sau gặp lại, Vũ Hải nhắc mãi về cuộc gặp gỡ này.

Ở đây tôi chỉ nhắc tới các cây bút văn xuôi. Ngay những cây bút đang thử sức mình cũng được Sông Hương giới thiệu để định hình tác giả như Trần Thuỳ Mai, Nguyễn Thế Tường, Thanh Ba, Phạm Phú Phong... và cả Lê Thị Mây cũng bắt đầu in văn xuôi trên Sông Hương như một cây bút mới mẻ.

Sông Hương chấp nhận mọi phong cách, nâng niu, cố gắng không để lọt những mầm xanh có hy vọng. Nghề nghiệp xã hội tác giả trang viết đầu tay cũng thật đa dạng: Triều Nguyên, công nhân đường sắt. Dương Phước Thu, lái xe. Dương Thành Vũ, bán sách. Nguyễn Quang Lập, lính. Phùng Tấn Đông, sinh viên. Lê Thị Hoài Nam, dạy học. Trần Bá Đại Dương, công nhân công ty vận tải biển; rồi Phương xích lô, Mùi Tịnh Tâm v.v... Những luồng gió mang hơi thở rất độc đáo từ mọi phía ấy thổi đến Sông Hương, làm cho Sông Hương gần gũi thêm với cuộc đời, phong phú thêm về nội dung, phong cách. Sức sống của Sông Hương một phần cũng từ đấy.

Sông Hương với bộ mới trong vòng hơn một năm nay đã tập hợp được một loạt cây bút mới: Việt Hùng, Phạm Xuân Phụng, Nguyễn Việt, Đoàn Thương Hải..., đội ngũ các cháu thiếu niên nhi đồng cũng làm cho Sông Hương thêm hương sắc mới: Tô Diệu Lan (14 tuổi), Trương Đức Vỹ Nhật (15 tuổi), Nguyễn Nguyên Nhung (16 tuổi), Bùi Thị Lan Xuân Phượng (16 tuổi), Hoàng Dạ Thi (15 tuổi)... đang là những lực lượng văn học mới, những mầm măng ngay trên đất cố đô này.

Nhân đây, cũng nói cho thêm vui, tòa soạn nhận được bài vở của các tác giả, kèm theo chức danh: chủ tịch xã, đại tá, giám đốc... Kèm theo đó một dấu đỏ của cơ quan đơn vị người gửi. Nhưng ban biên tập không bị "chinh phục" bởi tất cả những cái gì ngoài văn học ấy. Tất cả anh em biên tập chỉ có một săn tìm, săn tìm miệt mài những tài năng. Dù tài năng ấy chỉ mới lóe một đốm sáng li ti.

Chớp mắt, đã mười năm trời. Bạn viết cho Sông Hương xứng đáng gọi là một đội ngũ hùng hậu.

Riêng "TRANG VIẾT ĐẦU TAY" đã có tiếng nói riêng khá độc đáo.

Nhìn lại, mười năm qua, hầu hết các cây bút "đi ra t Sông Hương" đã rất chững chạc trên văn đàn. Có anh chị đã trở thành nhà văn như Trần Thùy Mai, Nguyễn Quang Lập, có người có tiểu thuyết trình làng như Dương Thành Vũ, Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Hoàng... đa số, họ đều đã có đầu sách riêng của mình.

Kỷ niệm 10 năm Sông Hương, cũng kỷ niệm số 50 "TRANG VIẾT ĐẦU TAY". Có thể gọi đó là cái lúm đồng tiền rất có duyên của Sông Hương vậy.

N.Q.H
(TCSH56/07&8-1993)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Tiếng chim tu hú (27/05/2022)