Góc Hoài niệm
Báo 'Nhành Lúa' và 'Kinh tế Tân văn' trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam ở Thừa Thiên Huế
09:32 | 21/06/2022


HOÀNG KHÁNH HÙNG (*)

Báo 'Nhành Lúa' và 'Kinh tế Tân văn' trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam ở Thừa Thiên Huế

Là trung tâm của chế độ thực dân phong kiến, nơi tập trung cao nhất sự câu kết giữa thực dân Pháp và phong kiến Nam triều, báo chí ở Thừa Thiên Huế ra đời muộn hơn so với báo chí ở Sài Gòn và Hà Nội; tuy nhiên, khi xuất hiện thì báo chí ở Thừa Thiên Huế đã sớm gây được tiếng vang trên diễn đàn báo chí cả nước. Với đường lối chính trị nhạy bén, báo chí yêu nước và cách mạng ở Huế thực sự là diễn đàn ngôn luận, vừa làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đề cao chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa Mác-Lênin, vừa định hướng con đường cách mạng cho quần chúng nhân dân đi theo dưới ngọn cờ của giai cấp vô sản, đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Để có được vị thế hợp pháp, báo chí cách mạng xuất bản công khai ra đời ở Huế không đơn giản như các loại báo chí khác mà đây chính là cả một nghệ thuật chỉ đạo tài tình, linh hoạt của những người cộng sản. Với những quy định hà khắc của chính quyền thực dân, nhiều tờ báo vừa mới xuất hiện đã bị đình bản nhưng bằng cách này hay cách khác, những người cộng sản vẫn tìm mọi cách duy trì. Các tờ báo liên tục nối nhau, tờ này bị đình bản lại xuất hiện tờ mới. Báo Nhành LúaKinh tế Tân văn là những tờ báo được ra đời trong hoàn cảnh đó.

Trước năm 1936 báo chí cách mạng là vũ khí đấu tranh trên mặt trận chính trị tư tưởng và có tác động sâu sắc đến đời sống xã hội. Do đó, báo chí cách mạng phải giữ vị trí tiên phong, mở đường, truyền bá những tư tưởng và tri thức tiến bộ1. Trong những năm 20 - 30 của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh cách mạng ở Thừa Thiên Huế phát triển nhanh chóng, rộng khắp. Điều này đã làm nảy sinh một dòng báo chí mới là báo chí cách mạng, chống chủ nghĩa thực dân và cả hệ thống báo chí với tư cách là công cụ của chúng, mở đường giải phóng cho nhân dân, dân tộc về tư tưởng và ý thức chính trị, tiến lên giải phóng dân tộc và xã hội2.

Sau khi Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên (tháng 4/1930) và Sinh hội Đỏ (tháng 7/1930) được thành lập, tờ báo Con đường đấu tranh của Tỉnh ủy Thừa Thiên và Học trò của Sinh hội Đỏ được xuất bản. Trong lúc phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh diễn ra mạnh mẽ, Thị ủy Thuận Hóa cho xuất bản hai tờ báo Lao khổTổng Công hội nhằm phổ biến rộng rãi tin tức đấu tranh cách mạng. Cuối năm 1930 - đầu năm 1931, Xứ ủy Trung Kỳ cho ra đời 4 tờ báo Công Nông Binh, Vô sản, Chỉ đạo Tin tranh đấu để tuyên truyền cho các chủ trương, chính sách của Xứ ủy Trung Kỳ.

Có thể nói, các tờ báo cách mạng hoạt động bí mật, được in bằng kỹ thuật thô sơ, số lượng trang in hạn chế, phạm vi lưu hành không rộng rãi nhưng có tác động rất lớn trong quá trình vận động cách mạng ở Thừa Thiên Huế3.

Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng, hàng loạt cán bộ, đảng viên bị bắt, bị kết án và giam cầm. Do đó, việc xuất bản báo chí cách mạng ở Thừa Thiên Huế cũng tạm ngưng.

Sau một khoảng thời gian đấu tranh, phong trào cách mạng ở Thừa Thiên Huế những năm 1933 - 1935 dần dần được khôi phục. Nhiều đồng chí như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, Lê Duẩn… ra tù và kết nối hoạt động cách mạng ở Thừa Thiên Huế. Các đồng chí Hải Triều, Hải Thanh, Phan Đăng Lưu, Lâm Mộng Quang, Trịnh Xuân An hoạt động công khai và bán công khai, lấy hiệu sách Hương Giang làm trụ sở liên lạc. Các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Bùi San, Lê Tự Nhiên, Tô Thuyên hoạt động bí mật. Bên cạnh đó, sau khi Mặt trận Bình dân Pháp giành thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử vào tháng 5/1936 và lên nắm quyền đã thực hiện một số chính sách tiến bộ ở các nước thuộc địa. Trước tình hình thế giới có nhiều biến chuyển, Đảng ta chuyển hướng sang đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tạo nên cao trào cách mạng 1936 - 1939.

Tháng 8/1936, đồng chí Nguyễn Chí Diểu và các đồng chí trong tổ chức cộng sản ở Thừa Thiên Huế đã tổ chức một cuộc họp ở hiệu sách Hương Giang để đề ra những biện pháp chống lại các thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù và đề ra những chủ trương mới, tổ chức Đông Dương Đại hội tại Trung Kỳ, mở rộng khả năng hoạt động hợp pháp. Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã cử đồng chí Hải Triều đặc trách tuyên truyền trên báo chí. Ngày 07/6/1936, tại Viện Dân biểu Trung Kỳ, đại diện các nhà báo miền Trung đã tổ chức Hội nghị, thảo luận nhiều vấn đề cấp thiết của giới báo chí và cử ra Ủy ban Báo chí Trung Kỳ. Hội nghị đã thông qua những yêu sách đòi Khâm sứ Trung Kỳ phải thực hiện những quyền tự do dân chủ trên các lĩnh vực; trong đó có quyền tự do ngôn luận. Tiếp đó, ngày 23/01/1937, Hội nghị những người viết báo ở Huế đã được khai mạc tại Hội Quảng Tri (phố Hàng Bè). Hội nghị thảo luận và nhất trí đòi quyền tự do báo chí, thành lập nghiệp đoàn báo chí và tiến hành Đại hội Báo chí Trung Kỳ. Ngày 27/3/1937, tại Đông Pháp lữ quán đã diễn ra Đại hội Báo chí Trung Kỳ. Đại hội thông qua chương trình hành động gồm 8 điểm, thông qua nghị quyết phản đối chế độ thực dân, phản đối việc chính quyền đóng cửa nhiều tờ báo, trục xuất các nhà báo Việt Nam ra khỏi Nam Kỳ. Đại hội là một thắng lợi chính trị quan trọng của đường lối mặt trận do Đảng lãnh đạo4.

Đó là cơ sở để báo chí cách mạng ở Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ, chiếm lĩnh trận địa báo chí công khai. Trong đó, Nhành LúaKinh tế Tân văn là hai tờ báo cách mạng tiêu biểu của báo chí xuất bản ở Thừa Thiên Huế giai đoạn 1936 - 1939.

Vào giữa tháng 9/1936, Chính phủ của Mặt trận Bình dân Pháp thông báo cử “Đặc sứ” Godart sang Đông Dương vào đầu năm 1937. Được tin này, đồng chí Nguyễn Chí Diểu5 đã cùng với Hải Triều và nhóm những người cộng sản hoạt động công khai, hợp pháp tích cực chuẩn bị kế hoạch đón Godart.

Để các biện pháp tuyên truyền có hiệu quả, những người cộng sản ở Huế chủ trương phải có tờ báo trong tay. Chủ trương này được Xứ ủy Trung Kỳ nhất trí và chỉ đạo chọn những người tốt, cảm tình Đảng làm đơn đứng tên xin phép ra báo tư nhân một cách bí mật. Thông qua ông Nguyễn Xuân Lữ đứng tên, những người cộng sản yêu nước ở Huế đã xin phép toàn quyền Đông Dương ra báo Nhành Lúa làm vũ khí đấu tranh. Tờ Nhành Lúa do Nguyễn Xuân Lữ làm Giám đốc kiêm Quản lý, Hải Triều làm Thư ký tòa soạn, trụ sở đóng ở rue Jules Ferry (nay là đường Lê Lợi, đối diện với Công ty khách sạn Hương Giang), được cấp giấy phép ngày 24/10/1936 và ra số đầu tiên vào ngày 15/01/1937. Tham gia Ban biên tập chỉ đạo nội dung báo Nhành Lúa có các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Hải Thanh, Lâm Mộng Quang… Ngoài nhiệm vụ đóng tòa soạn, trụ sở Nhành Lúa còn là địa điểm để những người cộng sản gặp gỡ, định hướng tuyên truyền, bồi dưỡng lý luận cho những thanh niên yêu nước giàu nhiệt huyết cách mạng, khao khát tìm đường chống thực dân Pháp và phong kiến nhà Nguyễn, trong số đó có đồng chí Nguyễn Vịnh.

Một tờ báo cách mạng ra đời ngay ở kinh đô Huế, nơi chế độ vua quan Nam triều đang thống trị, đòi hỏi những người cộng sản phải có đường lối chiến lược để có thể tồn tại và phát triển. Để tránh được tai mắt của mật thám và người của Nam triều, Nhành Lúa được biên tập tại Huế rồi chuyển ra ấn loát ở nhà in Đông Tây, số 193 phố Hàng Bông, Hà Nội. Khi báo in xong, phát hành ngay tại Hà Nội, một số đưa về Huế và các tỉnh miền Trung. Trong 9 số phát hành thì có 8 số in tại Hà Nội. Riêng số thứ 5, ra vào thứ sáu ngày 12/02/1937, chỉ có một trang nhỏ như tờ truyền đơn thì được in tại Huế. Theo chủ trương của tòa soạn, số báo đặc biệt này không bán mà chỉ dành biếu bạn đọc để tăng cường công tác tuyên truyền.

Nhành Lúa xác định đây là tuần báo “Xã hội văn chương lấy sự bênh vực anh em nghèo làm tôn chỉ”. Nhành Lúa phản ánh thực trạng mọi mặt đời sống của xã hội cũng như kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết đòi lại những quyền lợi thiết thực của mình. Liên tục trong 9 số là những nội dung mang tính đấu tranh với nhiều chuyên mục, bài viết như: Đoản bình, Hỏi... trả lời, Đời sống của thợ thuyền và dân cày, Tin trong tuần lễ, Chủ nghĩa quốc gia đương đến ngày phá sản…

Trong số đầu tiên tờ báo đã tuyên bố: “Tờ báo này không có bài phi lộ” với lý do: “Đương buổi báo giới Đông Dương còn bị dưới đạo sắc lệnh Varenne ngày 4/10/1927 chi phối, tờ báo này xin miễn viết bài phi lộ” “Muốn viết bài phi lộ, trong cái tình cảnh ngôn luận ngày nay, không biết viết cái gì”6. Tuy vậy, không ra khỏi tôn chỉ và mục đích chính trị đã được xác định ngay từ những ngày đầu thành lập, Nhành Lúa tranh thủ mọi điều kiện để tiến hành các cuộc vận động chính trị sâu sắc trên mặt trận báo chí. Cũng trong số đầu tiên, ở mục “Chúng tôi lên tiếng gọi” đã đăng lời hiệu triệu: “Lão thành hay thanh niên, Quốc gia hay Quốc tế, Cấp tiến hay Hòa bình, Phật giáo, gia giáo hay vô giáo, trong giờ nghiêm trọng này, chúng tôi mong các cụ, các ngài, các bạn hãy để một bên những ý kiến biệt phái, chúng ta cùng liên hiệp lại để bênh vực những quyền lợi cần thiết của chúng ta”7.

Với khá nhiều chuyên mục, Nhành Lúa không chỉ phản ánh tình hình thời sự trong tỉnh mà còn đăng loạt bài về những tin nóng ở các vùng trong cả nước, như: “300 thợ may Tây ở Hải Phòng đình công”, “32 chính trị phạm tuyệt thực”, “700 thợ ở nhà máy rượu Bình Tây đình công”, Những cuộc đình công đầu tiên ở Huế”… với những nội dung nhằm “yêu cầu chính phủ ân xá tù tội và sửa đổi chế độ lao tù ở xứ sở này”, hay “yêu cầu các nhà chuyên trách can thiệp nhằm thực hiện 9 điều: (1) tăng lương 40%, (2) làm việc 8 giờ một ngày…”.

Lên án chính sách hà khắc của chính quyền thực dân đối với hoạt động báo chí, Nhành Lúa số thứ 3, ngày 29/01/1937 đã có bài viết: “Chúng tôi rất phàn nàn về sự cấm 2 tờ báo Tiếng trẻ, Hanoi cùng các tờ báo khác gần đây” với lời lẽ hết sức đanh thép: “Sợi dây oan nghiệt đến bao giờ mới chịu dứt cho! Đạo luật cay nghiệt Varenne đã giết chết bao nhiêu cơ quan ngôn luận xứ này. Dưới Chánh phủ của Mặt trận Bình dân mà người ta còn tù hãm, còn xiềng xích trói cái tư tưởng của loài người đến thế hay sao? Các tờ báo ấy có tội tình gì?”8.

Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, nhằm thực hiện cuộc vận động dân chủ rộng rãi trong các giới, thu thập nguyện vọng của quần chúng nhân dân gửi lên phái bộ của chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp, báo Nhành Lúa đã mở đợt tuyên truyền những chủ trương của Đảng, kêu gọi, định hướng các biện pháp chuẩn bị đón “Đặc sứ” Godart để đưa Dân nguyện. Nhành Lúa số 4 ra ngày 05/2/1937 có bài viết “Hãy đi đón rước ông Godart cho đông” với lời hiệu triệu: “Hỡi tất cả các người bị áp bức, không kể bạn là thợ thuyền, là dân cày, là học sanh, dầu bạn là người buôn bán, dầu bạn là người làm ở công sở, dầu bạn là trí thức thất nghiệp, bạn đã cùng chung ở trong cảnh sống khốn khổ của dân chúng xứ nầy, bạn đã chịu hết thảy bao nhiêu sự thiệt thòi vì không hưởng được một điều nhỏ mọn gì về tự do dân chủ, các bạn hãy liên hiệp với anh em thợ thuyền, dân cày và học sinh mà đi đón tiếp ông Godart cho đông”9. Nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác tuyên truyền, Nhành Lúa ra số thứ 5, ngày 12/02/1937 với chủ trương “biếu không” nhằm báo tin cho quần chúng nhân dân biết về kế hoạch đón Godart.

Điều đặc biệt, khi mới chỉ ra 2 số, theo sự chỉ đạo của những người cộng sản, ông Nguyễn Xuân Lữ lấy tư cách chủ báo Nhành Lúa đã đứng ra tổ chức cuộc họp các nhà viết báo ở Huế tại Hội Quảng Tri, đường Đông Ba. Những người làm báo ở Huế đã tích cực hưởng ứng và tới dự rất đông, cả thảy có 28 người, phóng viên các báo Nam, Bắc Kỳ cũng đến tham gia. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Bội Châu, ông Tiêu Diêu Tử tuy không tới, nhưng có gửi thơ đến tán thành nhiều ý kiến của các nhà báo10. Tại hội nghị này, Phan Khôi tìm mọi cách phá hoại, phản đối việc thành lập nghiệp đoàn báo chí Trung Kỳ nhưng trước áp lực của các nhà báo tiến bộ, hội nghị vẫn thông qua những vấn đề lớn, cử ra ban trù bị đại hội báo chí Trung Kỳ gồm: Nguyễn Quý Hương (báo Tiếng Dân), Nguyễn Xuân Lữ (báo Nhành Lúa) và Phạm Bá Nguyên (báo Kinh tế Tân văn).

Ra đời dưới chế độ thực dân hà khắc đã là điều khó khăn, ra đời và đấu tranh ngay giữa trung tâm chế độ thực dân phong kiến càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phong trào cách mạng. Đặc biệt, Huế là trung tâm văn hóa của miền Trung, có nhiều trường học lớn như trường Quốc Học, Đồng Khánh, Kỹ nghệ thực hành, một số trường trung học khác và công sở của Trung Kỳ nên Huế là nơi tập trung khá đông số lượng học sinh, trí thức. Đường lối đấu tranh của Nhành Lúa đã góp phần tác động và làm dấy lên các hoạt động đấu tranh sôi nổi ở mảnh đất Kinh đô, nhất là với phong trào kêu gọi đón Godart.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung Kỳ, các tổ chức Đảng ở Huế đã tập hợp lực lượng, tạo nên một cuộc biểu dương lực lượng đoàn kết toàn dân, thể hiện ý chí đấu tranh kiên quyết của nhân dân ta đối với chế độ thực dân phong kiến nhằm thực hiện các mục tiêu do Đảng đề ra.

Do đường lối đấu tranh chính trị mạnh mẽ, sinh mệnh của tuần báo Nhành Lúa đã không vượt ra khỏi những quy định hà khắc của chính quyền thực dân. Khi Nhành Lúa số 9 vừa phát hành, Toàn quyền Đông Dương và Thượng thư Bộ Lại của chính quyền Nam triều đã cùng ra lệnh cấm chỉ Nhành Lúa hoạt động.

Mặc dù tờ báo bị cấm xuất bản nhưng tòa soạn vẫn hoạt động. Ngày 27/3/1937, tại Đông Pháp lữ quán, số 7 đường Đông Ba, Thuận Hóa, Hội nghị báo chí Trung Kỳ vẫn diễn ra như đã định. Tham dự đại hội có khoảng 70 nhà báo đại diện cho giới báo chí Trung Kỳ. Mặc dù đã bị đóng cửa nhưng báo Nhành Lúa do ông Nguyễn Xuân Lữ chủ nhiệm vẫn cử 4 đại biểu tham dự. Tại diễn đàn của Hội nghị, nhà báo Hải Triều đọc bản tố cáo “chế độ ngôn luận hà khắc” của thực dân Pháp và Nam triều với thông báo “tờ Nhành Lúa trong 2 tháng lên đến 5.000 số, đều bị bóp cổ chết tử đi hôi hổi”11.

Theo sự chỉ đạo của Đảng, ông Hồ Cát, một người cảm tình cộng sản đã đứng tên xin ra báo Kinh tế Tân văn dưới vai trò người sáng lập. Mặc dù nội dung xin phép ra tuần báo viết thuần túy về kinh tế nhưng thực chất bên trong Kinh tế Tân văn là cơ quan ngôn luận của cách mạng, tờ báo chiến đấu của những người cộng sản ở Huế.

Báo do ông Phạm Bá Nguyên, một cán bộ hoạt động bí mật của Đảng làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, số đặc biệt ông Nguyên đảm nhận luôn công việc quản lý. Về nội dung và phương thức hoạt động của Kinh tế Tân văn đều do những cán bộ chủ chốt của Đảng ở Huế trực tiếp chỉ đạo. Tham gia Ban biên tập có các đồng chí: Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Phan Đăng Lưu, Lâm Mộng Quang… Tòa soạn lúc đầu đóng ở 57 phố Gia Hội (nay là đường Chi Lăng).

Báo Kinh tế Tân văn ra số Đặc biệt đầu tiên vào ngày 09/01/1937, trước báo Nhành Lúa 1 tuần. Ở số báo đầu tiên, nhằm thu hút giới độc giả, số báo này chỉ “biếu không”. Nội dung có nhiều bài viết bàn về kinh tế, về hội chợ cùng loạt bài viết về truyện ngắn và truyện cười châm biếm… Tùy tính chất và dung lượng bài vở, Kinh tế Tân văn mỗi số ra 8 trang, riêng số 1 chỉ có 4 trang, khổ 31 x 45 cm, giá bán cũng thay đổi theo từng số.

Sau khi ra “Số đặc biệt”, tòa soạn “vướng mắc” về “nhân sự” và tài chính, Ban biên tập đành “án binh bất động” để chờ thời cơ. Thực chất, việc tạm dừng xuất bản là sự chuẩn bị cho một cơ quan ngôn luận hợp pháp của những người hoạt động cộng sản dự phòng để cần thiết đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra trong quá trình Nhành Lúa tổ chức đấu tranh.

Sau khi Nhành Lúa bị đóng cửa, để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Nhành Lúa và đường lối đấu tranh cách mạng do Xứ ủy Trung Kỳ đề ra, những người cộng sản chủ trương tiếp tục dùng Kinh tế Tân văn làm công cụ đấu tranh trên mặt trận báo chí. Tương tự như Nhành Lúa, bài vở của báo Kinh tế Tân văn được biên tập ở Huế rồi chuyển ra Vinh ấn loát. Báo in xong phát hành tại Vinh, một số chuyển vào Huế và các tỉnh Trung Kỳ.

Trở lại sau 3 tháng, chuyên mục của Kinh tế Tân văn đã có nhiều thay đổi. Ngay từ số 1 ra ngày 08/4/1937, Kinh tế Tân văn đã nêu cao tính chiến đấu: “Vì cái tình thế ngôn luận cực kỳ eo hẹp ở nước ta, nên các nhà báo thường không dám nói thẳng những cái ý mình muốn nói” và “Tờ báo K.T.T.V chúng tôi ra đời, trong khi chúng bạn nó, anh chị nó, bị chết, bị giết một cách rất đau thương, nó muốn nói nhiều lời lắm nhưng nghẹn cả cuống cổ”12.

Trong số này, Kinh tế Tân văn công bố những nội dung liên quan đến Hội nghị báo chí Trung Kỳ. Báo đăng tải danh sách những nhà báo đã dự Hội nghị báo giới Trung Kỳ; công khai hai nghị quyết, Chương trình hành động và Bản báo cáo do đồng chí Hải Triều đọc tại Hội nghị. Điều đặc biệt, bản báo cáo do đồng chí Hải Triều trình bày đã lên án gay gắt sự khắc nghiệt của chính quyền Nam triều đối với hoạt động báo chí ở Huế nói riêng và khắp toàn kỳ nói chung: “Dưới một chế độ ngôn luận hà khắc là như thế, cái sinh mệnh của các tờ báo chúng ta nó khắc khổ làm sao” hay “Báo sách khổ theo sách báo, người đọc báo sách khổ theo với sách báo, lại đến những anh viết báo, viết sách lại khổ sở theo với ngòi bút của mình…”13.

Kiên định với đường lối đấu tranh chính trị do Đảng lãnh đạo, Kinh tế Tân văn số 2 ra ngày 15/4/1937 tiếp tục với loạt tin, bài đấu tranh phản ánh chính sách cai trị của chính quyền thực dân và đòi thực thi những chính sách tiến bộ cho xã hội như: “Thi hành luật xã hội không đúng, anh chị em lao động càng thấy khổ thêm”, “Đời sống của anh em lao động mỏ vàng Bồng Miêu (Tam Kỳ)”, “Tình cảnh rất khốn khó của dân cày nghèo”… Tương tự như vậy, Kinh tế Tân văn số 3 ra ngày 24/4/1937 đã có loạt bài viết: “Về cuộc tuyển cử Nhân dân Đại biểu Trung Kỳ sắp tới, “Tiếng nói tự trong nhà máy”… nhằm tuyên truyền những chủ trương của Đảng trong tình hình mới và khéo léo vận động nhân dân đấu tranh theo đường lối lãnh đạo của Đảng.

Những nội dung, bài viết của Kinh tế Tân văn đã có tác động sâu sắc đến nhiều tầng lớp trong xã hội, đặc biệt, Kinh tế Tân văn số 1 với những nội dung về Hội nghị báo chí Trung Kỳ đã gây tiếng vang khắp làng báo Đông Dương và vọng sang cả nghị viện nước Pháp. Chính quyền thực dân Trung Kỳ và Nam triều vô cùng tức tối và tìm mọi cách ngăn cấm. Ngày 24/4/1937, viện cớ in sai tiêu chí xin phép, Kinh tế Tân văn bị nhà cầm quyền ra lệnh đình bản.

Báo Nhành LúaKinh tế Tân văn bị cấm phát hành vào thời điểm mà lực lượng dân chủ đang ráo riết chuẩn bị người tham gia tranh cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, Đảng bộ Thừa Thiên và Xứ ủy Trung Kỳ không còn báo chí trong tay làm vũ khí đấu tranh hợp pháp. Trước tình hình ấy, Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên thống nhất thương lượng với ông Phan Khôi mua lại bản quyền tờ Sông Hương để ra báo hợp pháp mà không phải xin phép chính quyền.

Như vậy, sau hơn 3 tháng hoạt động với 4 số báo, Kinh tế Tân văn đã có những đóng góp quan trọng nhằm tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng, đoàn kết mọi lực lượng quần chúng trong mặt trận đấu tranh chống phản động thuộc địa, đòi các quyền tự do dân chủ.

Có thể khẳng định, thời kỳ 1936 - 1939 là thời kỳ báo chí cách mạng ở Huế nói riêng và cả nước nói chung phát triển rộng khắp, tạo nên một mặt trận báo chí công khai chưa từng có trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Với nghệ thuật lãnh đạo tài tình, sách lược linh hoạt, nhạy bén, báo chí cách mạng giai đoạn này đã góp phần đoàn kết các lực lượng quần chúng trong một mặt trận thống nhất, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Nằm trong dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam ở Thừa Thiên Huế, báo Nhành LúaKinh tế Tân văn ra đời ngay giữa mảnh đất mà chủ nghĩa thực dân và phong kiến cấu kết chặt chẽ với nhau và ra sức đàn áp phong trào cách mạng. Tuy vậy, nhận thức được tầm quan trọng của công tác báo chí đối với phong trào cách mạng ngay ở mảnh đất Kinh đô, những người cộng sản yêu nước ở Huế đã làm báo với tinh thần dấn thân cho lý tưởng; khéo léo sử dụng khả năng đấu tranh hợp pháp, góp phần tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, nâng cao khả năng nhận thức, trình độ lý luận, tình ái hữu giai cấp cho đông đảo quần chúng nhân dân. Nhành LúaKinh tế Tân văn đã phát huy sức mạnh của cơ quan ngôn luận, tập hợp được quần chúng nhân dân vào mặt trận dân tộc thống nhất, đấu tranh theo đường lối chính trị của Đảng.

Ra đời và hoạt động trong thời gian ngắn, song với những gì đã làm, Nhành LúaKinh tế Tân văn thực sự là một mắt xích quan trọng trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam ở Thừa Thiên Huế, để từ đó, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm đã được rút ra và những kết quả đạt được trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, các cơ quan ngôn luận, báo chí của Đảng bộ tỉnh tiếp tục con đường đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương.

85 năm đã trôi qua, phát huy truyền thống của một vùng đất giàu truyền thống báo chí cách mạng, cùng với báo chí cả nước, báo chí tỉnh nhà đã có những bước trưởng thành về mọi mặt. Hoạt động báo chí đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng; cổ vũ, động viên các phong trào thi đua yêu nước; kịp thời phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới; tích cực đấu tranh phòng, chống các hiện tượng tiêu cực của xã hội, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Các cơ quan báo chí đã tích cực và nỗ lực trong công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về các sự kiện và nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh; công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19; công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; việc thực hiện các chương trình, đề án… trên địa bàn tỉnh; qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đối với Đảng bộ và chính quyền tỉnh nhà.

Hiện nay, quê hương, đất nước ta đang bước vào thời kỳ mới với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Hòa vào khát vọng đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm xây dựng và phát triển tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Để hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, bên cạnh việc triển khai tích cực, quyết liệt các giải pháp đề ra, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, báo chí với vai trò là cầu nối để đưa các chủ trương, quan điểm của Đảng từng bước đi vào đời sống xã hội. Trong thời gian tới, cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan, phóng viên báo chí trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục tự đổi mới, phát huy vai trò là kênh thông tin nhanh nhạy, kịp thời, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phải quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, trên cơ sở đó, báo chí tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh của người làm báo cách mạng trong giai đoạn mới. Tích cực đưa các chủ trương, quan điểm của Đảng đi vào đời sống; đề cao tính tư tưởng, tính văn hóa, tính giáo dục trong từng sản phẩm báo chí. Chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ báo chí cách mạng đã dày công gây dựng nên.

Sự nghiệp cách mạng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang cho hoạt động báo chí. Tin tưởng rằng, với truyền thống trung thành với Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, đội ngũ những người làm báo của Đảng bộ tỉnh hôm nay sẽ ngày càng lớn mạnh, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và các cấp chính quyền đã đề ra.

H.K.H
(TCSH45SDB/06-2022)

__________________________

(*) Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

1. Hà Minh Đức (2003), Sự nghiệp báo chí và văn học của Hồ Chí Minh, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 24.

2. Đào Duy Quát, Đỗ Quang Hưng, Vũ Duy Thông (2010), Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 24.

3. Nguyễn Thị Thùy Nhung (2011), Báo chí tiếng Việt xuất bản ở Huế giai đoạn 1927 - 1945, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, tr. 43.

4. Ban Chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên Huế (1995), Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 122-123, 130-131.

5. Lúc này là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

6. Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế 2021: Nhành Lúa, Tuần báo của Đảng xuất bản tại Huế, Nxb. Thuận Hóa, tr.15.

7. Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế 2021: Nhành Lúa, Tuần báo của Đảng xuất bản tại Huế, Nxb. Thuận Hóa, tr.20.

8. Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế 2021: Nhành Lúa, Tuần báo của Đảng xuất bản tại Huế, Nxb. Thuận Hóa, tr.78.

9. Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế 2021: Nhành Lúa, Tuần báo của Đảng xuất bản tại Huế, Nxb. Thuận Hóa, tr.116.

10. Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Báo Thừa Thiên Huế 2014: Lịch sử Báo Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, tr62.

11. Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế 2021: Kinh tế Tân văn, Tuần báo của Đảng xuất bản tại Huế, Nxb. Thuận Hóa, tr. 50.

12. Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế 2021: Kinh tế Tân văn, Tuần báo của Đảng xuất bản tại Huế, Nxb. Thuận Hóa, tr. 46.

13. Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế 2021: Kinh tế Tân văn, Tuần báo của Đảng xuất bản tại Huế, Nxb. Thuận Hóa, tr. 50.

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Tiếng chim tu hú (27/05/2022)