Góc Hoài niệm
Chuyện "ăn" Tết ngày kháng chiến
09:52 | 27/07/2022

TÔ NHUẬN VỸ

Cứ sắp đến Tết và vào những ngày Tết người ta hay bàn soạn và bàn luận về các món ăn, về sự ăn uống ngày Tết. Không có ăn thì chẳng còn là ăn Tết mà.

Chuyện "ăn" Tết ngày kháng chiến
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (bên trái) và nhà văn Tô Nhuận Vỹ - Ảnh: tư liệu

Cũng vì lẽ đó, vào cữ này mỗi năm, có mấy chuyện "ăn" mà tôi sắp kể dưới đây, cứ "cựa quậy" hoài trong trí nhớ của tôi.

* * *

Sau tết Mậu Thân, nhiều cơ quan ở chiến khu bị thiếu gạo, đói lắm, nhất là với những cơ quan toàn loại "chân cò tay nhện" như cơ quan tuyên truyền báo chí, giáo dục của chúng tôi. Món ăn duy nhất hàng ngày là món móng-trâu-hầm. Nếu là cái móng của chân con trâu thì đã quý, nhưng đây là cái gốc, với nhiều tép giống hình cái móng chân của con trâu, là loại cây ''ăn vào không chết" gần như duy nhất còn chưa bị chất độc hóa học Mỹ hủy diệt ở vùng giáp ranh. Cũng phải bở hơi tai mới kiếm được một gùi đem về cho chị Hảo cấp dưỡng, chứ cũng chẳng dễ dàng gì. Phải lấy dao vạt vỏ ngoài, có khi gặp loại "cốc-đế-đại-vương" thì phải lấy rựa mà vạt mới xong. "Thịt" nó có những sọc tía nhựa như củ nâu, phải vằm nhỏ đem ngâm với nước tro trước khi hầm. Hầm vài giờ đổ ra đem xuống suối xả sạch chất độc. Lại hầm một lần nữa và đem xả sạch như lần trước. Đến lúc đó mới đem nấu, một soong "tổ bố" móng trâu ba chục người ăn "rắc" vào một vài lon gạo và một nạm muối. Muối lúc đó quý hơn sâm. Cả cơ quan còn hơn lon muối, đang bị thương như tôi, thỉnh thoảng được thủ trưởng phát cho vài hạt để ngậm "cho lại sức". Tay run, đánh rơi một hạt, phải cúi người dán mắt phen lá khô tìm cả giờ cái hạt muối quý hơn hạt ru-bi ấy.

Cái món móng trâu ăn đúng là "vô vị" ấy, nhai cứ xạp xạp trong miệng, cũng không có nhiều để chêm cho đầy bụng, chỉ mỗi bữa vài chén. Ăn xong mà cứ tưởng như chưa ăn. Anh em có sáng kiến: mỗi lần chị Hảo hô xuống bếp, cứ tự nói với mình hoặc nói to lên với nhau là, ta mới ăn đó, bây giờ đi ăn thêm cho vui! Vậy mà có cảm giác no hơn thiệt! Ngày ấy, Nguyễn Khoa Điềm có câu thơ nói về cảnh sống dưới địa đạo, dưới hầm sâu "gic ngủ nào cũng mơ mặt trời lên" anh em sửa trẹo đi, "gic ngủ nào cũng mơ bữa ăn no!" Đói vậy nhưng chúng tôi vẫn ra đều tờ báo "Cờ Giải phóng" của thành phố. Vẫn tiếp tục viết về những ngày Tết mới đó. Tôi có một bài báo nhỏ mà gây "chấn động", bài Tô bún giữa chiến hào. Đó là một chuyện có thực. Hôm đầu tiên chiếm giữ thành phố, tôi là phóng viên đang có mặt tại đơn vị chốt vùng sát sân vận động Tự do. Cho tới chiều thì anh em ở ngoài chiến hào mới sực nhớ từ sáng chưa có hột chi vô bụng mà lương khô, cơm nắm, bánh tét, bà con vùng giải phóng Phú Vang bới cho đã rơi đâu hết cả. Đúng lúc ấy một bà mẹ không biết từ đâu đến gánh ra hào một gánh bún bò "chưa bóc tem". Mắt-cười- Miệng-nói- tay-múc, mẹ múc cho mỗi người hai tô, có anh làm tới ba tô, ăn không kịp nuốt và cả không kịp cám ơn mẹ nữa vì đã nghe tiếng ken két xích xe tăng đâu từ phía lao Thẩm vấn vọng tới.

Cái “tội" của tôi ở bài ghi nhanh ấy là tôi đặc tả chi li về tô bún bò của mẹ: Nước dùng nóng bỏng và ngọt lừ, chả nhuyễn, tiêu vừa và giò ngéo thì đầy nạc và mềm rục, rau sống tươi rói và ớt dòn nước mắm cốt,... hơi ngon, hơi cay xộc lên tận tinh mũi bắt trào nước mắt... Anh em tuyên án: giữa lúc thắt ruột đói kém, thằng cha này thèm lèm anh em quá độc. Từ người đọc duyệt, biên tập cho đến anh em nhà in sắp chữ đọc tới đâu nước miếng tưới ra tới đó, đau buốt cả hàm xai. Anh em đâu biết chính để ghi lại một chút tình của bà mẹ thành phố, “trí tưởng tượng" của tôi còn bị huy động gấp mười lần anh em, đến mức chẳng còn nước miếng đâu mà tưới ra nữa. Hàm xai, ruột gan đã buốt đến "tê liệt" từ khi chưa có ai đọc bản nháp của bài đó kìa!

* * *

Còn chuyện này là chuyện về thím, thím Phép Viễn Trình. Tết nào con cũng nhớ đến thím, từ cái chuyện ăn uống ngày thường... Thím nghèo và chung thủy với cách mạng như vùng cát Phú Vang. Gia sản của vợ chồng thím cũng chỉ nơi đôi gánh trên vai, bán mấy gói hột nổ xanh đỏ, miếng xà bông, vài ba cặp đường... và mấy chục thước đất cát trồng ba hàng sắn, vài ba gốc mướp đắng quanh nhà thờ họ Mai mà chú làm thủ từ nên vì vậy mà vợ chồng thím được ở nhờ. Vậy mà quanh năm ngày tháng, suốt từ đầu năm 66 cho tới ngày tôi bị thương hè 68 năm ở nhà thím, suốt những tháng ngày tôi thường về Viễn Trình, mà đã về Viễn Trình thì đều ở nhà chú thím. Không lúc nào trong nhà thím vắng bóng du kích, cán bộ, bộ đội tới ăn ở. Cán bộ "quanh năm ngày tháng" là cán bộ làng xã, là cán bộ huyện, tỉnh và cả khu nữa xa cũng không lúc nào vắng bóng. Tôi ngạc nhiên không hiểu thím đào đâu ra gạo, thức ăn để "trường kỳ kháng chiến" nuôi cả "tập đoàn quân" như vậy. Cứ như tính toán của tôi thì nếu chỉ trông vào cái gánh hàng xép của thím thì e chỉ mắm với muối đã không đủ. Vậy mà xong hết. Không có gạo, thím chạy nhoáng đâu đó, "vay qua trả về" đâu đó, nhoáng ra bờ ao vồng sắn, rồi về nhoáng cái, mới nghe lửa lùng bùng dưới bếp, đã thấy thím với nụ cười hể hả bưng cái mâm gỗ sứt lên và hô anh em nhào vô ăn cho nóng.

Dạo đó cận Tết, thím kiếm đâu được một con gà trống để trước cúng kỵ ông bà, và sau là dọn cho anh em ăn Tết. Đùng cái một đơn vị quân Sài Gòn ào ạt đi càn. Đây là vùng "Việt Cộng gốc" nên lính mỗi lần tràn qua, được tự do tàn phá. Trưa ấy cả tiểu đội địch đóng ngay nhà thím. Bất ngờ, con gà trống quý giá mà thím đã cố giấu sát trên chái nhà thờ họ bỗng gáy toáng lên. Thế là diễn ra cuộc vật lộn thực sự giữa thím và mấy tên lính hám ăn. Con gà Tết "tan xác pháo": gãy cánh, đứt đầu, máu me phun đầy mặt bọn lính. Chúng ngao ngán quá, chào thua "mụ già Vi-xi" kinh khiếp. Chiều, anh em tới khi địch đã lui quân thì thấy thím đã bày đủ các món gà ra, vẫn nụ cười quen thuộc thôi tụi bay ăn Tết trước vậy! Có điều, ngó mãi không thấy đầu gà đâu cả. Thím cười trơ hàm răng sún: bọn đói trăm năm nớ bỏ vô bọc dong rồi!

T.N.V
(TCSH72/02-1995)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Ký ức mùa thi (08/07/2022)
Tiếng chim tu hú (27/05/2022)